Đại học Bách khoa Hà Nội: Liên kết để phát triển bền vững

Thứ năm - 16/03/2023 05:09
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Slim Khalbous - Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) khai trương Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) tại Đại học Bách khoa Hà Nội
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội và ông Slim Khalbous - Tổng Giám đốc Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) khai trương Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) tại Đại học Bách khoa Hà Nội
Mới đây, Đại học Bách khoa Hà Nội và Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) đã tổ chức lễ khánh thành Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) đầu tiên ở Hà Nội, đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Nhân sự kiện này, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - đã trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo/đài về ý nghĩa của việc thành lập CNF đặt tại Bách khoa Hà Nội, mối quan hệ hợp tác giữa Bách khoa Hà Nội và khối đại học Pháp ngữ, định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới…

- Thưa thầy, thầy có thể cho biết ý nghĩa của việc thành lập Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ (CNF) tại Đại học Bách khoa Hà Nội?

* Trong những năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn coi trọng việc gìn giữ mối quan hệ thân thiết và phát triển hợp tác với các đối tác Pháp nói chung và với AUF nói riêng. Các chương trình đào tạo bằng tiếng Pháp của nhà trường đã có lịch sử từ những năm 1997, khi Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ với sự tham dự của Tổng thống Pháp được tổ chức tại Việt Nam.

Với đội ngũ hơn 1.700 cán bộ của Bách khoa Hà Nội hiện nay, có hơn 10% được đào tạo tại các nước khối Pháp ngữ và trên 500 sinh viên đang theo học các chương trình đào tạo hợp tác với Pháp như: Chương trình đào tạo kỹ sư Chất lượng cao (PFIEV) ngành Cơ khí hàng không và Tin học Công nghiệp được triển khai từ năm 1999; Chương trình Cử nhân Công nghệ- thông tin Việt - Pháp được triển khai từ năm 2022 (tiền thân là Chương trình PFIEV ngành Công nghệ thông tin và Chương trình đào tạo Kỹ sư chuyên ngành Thiết kế và Quản trị Hệ thống thông tin hợp tác với Trường ĐH Grenoble INP). Bên cạnh các Chương trình đào tạo Cử nhân và Kỹ sư, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đẩy mạnh phát triển các Chương trình đào tạo song bằng Thạc sỹ và Chương trình đồng hướng dẫn nghiên cứu sinh với các trường ĐH đối tác Pháp như Trường ĐH TelecomParis Sud, Trường ĐH CNAM, Trường ĐH Clermont-Auvergne…
111
PGS. Huỳnh Quyết Thắng trả lời phỏng vấn của phóng viên báo/đài
Song song với các chương trình hợp tác đào tạo, trong nhiều năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội duy trì và phát triển nhiều hợp tác NCKH với các đối tác Pháp về các lĩnh vực như công nghệ thông tin, cơ khí, điện – điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, kỹ thuật hóa học,… Các hoạt động trao đổi cán bộ, trao đổi sinh viên cũng được tích cực triển khai đều đặn, ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19. Số lượng sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của Pháp sang trao đổi, thực tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội trong những năm gần đây luôn thuộc top các nước có tỉ lệ sinh viên tham gia nhiều nhất.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã trở thành thành viên của AUF từ năm 1992 và trong 17 năm liên tục kể từ năm 1994, AUF đã hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo “Chuyên ngành đại học Pháp ngữ” về 3 chuyên ngành: Công nghệ thông tin, Hệ thống điện và Công nghệ thực phẩm thông qua đào tạo giảng viên, cử chuyên gia Pháp/Pháp ngữ tham gia giảng dạy, cung cấp học bổng cho sinh viên.

Trong các năm gần đây, AUF vẫn tích cực duy trì hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội kết nối với các trường ĐH Pháp để khai thác các nguồn tài trợ, học bổng cho sinh viên sang Pháp học tập, trao đổi.

AUF đã tài trợ dự án “Cải tiến việc dạy và học tiếng Pháp nhằm nâng cao tỷ lệ đạt chuẩn đầu ra tại Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua việc áp dụng các khóa học theo hình thức kết hợp (Blended Learning)” giai đoạn 2019-2021 nhằm hỗ trợ đào tạo tiếng Pháp cho sinh viên Pháp ngữ của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trong giai đoạn Covid-19, AUF đã tài trợ cho Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu và chuyển giao đề tài “Nghiên cứu, thiết kế và sản xuất cáng y tế áp suất âm chống lây nhiễm chéo chuyên chở bệnh nhân nhiễm Covid-19”.

Trong thời gian tới, AUF sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên các chương trình hợp tác với Pháp của Đại học Bách khoa Hà Nội thông qua tài trợ cho các hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp Pháp với Đại học Bách khoa Hà Nội. Chiến lược phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025 và tầm nhìn chiến lược 2025-2035 đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm từ năm 2022 về quốc tế hóa Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó có nhiệm vụ việc mở rộng, phát triển và nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo hợp tác với Pháp và tạo ra môi trường Pháp ngữ trong khuôn viên Bách khoa.
20230313 CBO 4289
PGS. Huỳnh Quyết Thắng trân trọng trao tặng món quà lưu niệm của Đại học Bách khoa Hà Nội tới ông Slim Khalbous
Đối với Đại học Bách khoa Hà Nội, lễ khánh thành Trung tâm Công nghệ giáo dục Pháp ngữ đánh dấu một mốc lịch sử ý nghĩa trong quan hệ hợp tác giữa Đại học Bách khoa Hà Nội và AUF, đặc biệt trong bối cảnh Đại học Bách khoa Hà Nội vừa chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành Đại học Bách khoa Hà Nội với triết lý “một Bách khoa”, xây dựng mô hình quản trị chiến lược tiên tiến dựa trên nền tảng số, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đổi mới tư duy đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, là một hình mẫu đại học tự chủ tại Việt Nam.

Việc hợp tác toàn diện với AUF cũng góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện chiến lược quốc tế hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội, không chỉ giúp Nhà trường nâng cao hiệu quả hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và trao đổi với Pháp, mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển một môi trường Pháp ngữ trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, kết nối hiệu quả với các trường đại học thành viên trong khu vực cũng như cộng đồng Pháp ngữ.
9
Một góc CNF được trang bị máy tính, kính thực tế ảo
Tên đầy đủ của Trung tâm CNF là Trung tâm Thư viện Kỹ thuật số. Trung tâm sẽ phục vụ cho tất cả các em sinh viên có thể sử dụng các tài liệu bằng tiếng Pháp. Các sinh viên có thể truy cập qua Internet để sử dụng toàn bộ kho học liệu bằng tiếng Pháp hay học tập, trao đổi tại đây. Đây là một trung tâm mở dành cho tất cả những người biết tiếng Pháp, muốn sử dụng tiếng Pháp và muốn truy cập để sử dụng các kho học liệu số bằng tiếng Pháp. Trung tâm đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội nên dành cho các sinh viên, giảng viên Bách khoa Hà Nội, đồng thời cũng là trung tâm mở cho tất cả sinh viên Việt Nam, sinh viên khu vực châu Á – Thái Bình dương.

- Trong thời gian tới, Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF có kế hoạch đặt văn phòng AUF châu Á – Thái Bình Dương cùng tại tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội. Thầy có thể cho biết sự kiện này sẽ có ý nghĩa thế nào tới mối quan hệ hợp tác giữa hai bên?

* Chúng tôi đánh giá rất cao câu chuyện làm thế nào để hợp tác chặt chẽ hơn với các nước nói tiếng Pháp, đặc biệt là khối các trường đại học sử dụng Pháp ngữ (AUF). Khi AUF có kế hoạch trụ sở mới, chúng tôi nhận thấy đây có thể là dịp để Đại học Bách khoa Hà Nội đóng góp cho KẾT NỐI sử dụng tiếng Pháp ở Việt Nam; thúc đẩy mối quan hệ lâu dài và hiệu quả của AUF và Đại học Bách khoa Hà Nội, bao gồm hợp tác của văn phòng châu Á - Thái Bình dương của AUF với Đại học Bách khoa Hà Nội; nâng cao hình ảnh, danh tiếng của hai bên ở Việt Nam và trên thế giới. Hợp tác cũng giúp tăng cường quảng bá rộng rãi hình ảnh của hai bên phục vụ sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững.
20230313 CBO 4164
PGS. Huiynh Quyết Thắng trả lời phỏng vấn Truyền hình TTXVN
Đại học Bách khoa Hà Nội đã tạo điều kiện để văn phòng của AUF cùng làm việc trong không gian tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, nơi kết nối tri thức, xanh, sạch, hiện đại và năng động. Hai bên sẽ cùng phát triển dựa trên tiềm năng về con người, kinh nghiệm, mạng lưới để hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Việc hợp tác toàn diện với AUF cũng góp phần quan trọng thúc đẩy thực hiện chiến lược quốc tế hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội, không chỉ giúp Nhà trường nâng cao hiệu quả hợp tác trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu và trao đổi với Pháp, mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển một môi trường Pháp ngữ trong khuôn viên Đại học Bách khoa Hà Nội, kết nối hiệu quả với các trường đại học thành viên trong khu vực cũng như cộng đồng Pháp ngữ.

- Thưa thầy, lần đầu tiên đến Việt Nam, ngài Tổng Giám đốc AUF Slim Khalbous không chỉ gặp gỡ các đối tác trường đại học mà còn gặp gỡ các lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Ngoại giao… nhằm thúc đẩy mối quan hệ giữa khối khoa học Pháp ngữ và Việt Nam. Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đại học hàng đầu về khoa học công nghệ tại Việt Nam, thầy đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Bách khoa Hà Nội với khối khoa học Pháp ngữ?
1
Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội và lãnh đạo Tổ chức AUF tại Lễ khánh thành CNF Hà Nội đặt tại Đại học Bách khoa Hà Nội
* Chúng tôi đánh giá cao mục đích, kết quả cũng như nội dung chia sẻ của ngài Tổng Giám đốc AUF Slim Khalbous. Trong chuyến đi này, ông đã chia sẻ 5 quan điểm của AUF trong thời gian tới. Trên thực tế, những quan điểm này rất trúng với định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ví dụ: Hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp; hợp tác chặt chẽ giữa nhà trường - doanh nghiệp để phục vụ cho những chiến lược phát triển của các chính phủ; sử dụng các công nghệ mới nhất…

Chúng tôi đánh giá rất cao những quan điểm phát triển đó. Có thể thấy, đây là cơ hội mở cho các trường đại học ở Việt Nam nói chung và Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng hợp tác chặt chẽ với các trường đại học trong khối Pháp ngữ, có thể sử dụng tiếng Pháp và có thể sử dụng cả những ngôn ngữ khác (tiếng Anh, tiếng Đức…) để cùng phát triển.

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải bắt kịp để cùng hợp tác chặt chẽ với các nước trên thế giới. Tư tưởng của chính phủ Việt Nam là liên kết để phát triển bền vững. Tôi cho rằng chiến lược đó cũng xuyên suốt trong Tổ chức Đại học Pháp ngữ AUF, đặc biệt là trong chiến lược phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội.

- Xin cảm ơn thầy về cuộc trao đổi!
Gia Hân (ghi). Ảnh: Duy Thành
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây