Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 05/12/2024 22:31
Ngày 5/12, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Quỹ VinFuture tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Các nhà khoa học nữ vì tương lai năng lượng bền vững và môi trường xanh”. Hội thảo tạo ra một diễn đàn trao đổi kiến thức, nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học và truyền cảm hứng cho sinh viên và các nhà khoa học trẻ Việt Nam.
Khai mạc hội thảo, PGS. Trần Ngọc Khiêm, Phó Giám đốc Bách khoa Hà Nội phát biểu: “Hội thảo này không chỉ tôn vinh những đóng góp sâu sắc của các nhà khoa học nữ cho thế giới mà còn truyền cảm hứng cho thế hệ sau để giải quyết những thách thức cấp bách của thời đại”. Ông cũng nêu cao tinh thần của hội thảo: Sức mạnh của khoa học, tiềm năng của phụ nữ và niềm tin vào một tương lai xanh và bền vững hơn.
Phó Giám đốc cũng hy vọng những người tham dự hội thảo sẽ tận dụng tối đa cơ hội này để học hỏi, kết nối và lấy cảm hứng từ hai nhà khoa học nữ để tiếp tục làm khoa học.
Sự kiện có sự hiện diện của hai nhà khoa học nữ nổi tiếng: GS. Susan Solomon, Giáo sư ngành Nghiên cứu Môi trường và Hóa học, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và GS. Nguyễn Thục Quyên, Giám đốc Trung tâm Polymers và Chất rắn Hữu cơ, Viện Hệ thống Nano California (CNSI) tại Đại học California, Santa Barbara (UCSB).
Hai nữ khoa học nhắc nhở chúng ta rằng con đường đến với một thế giới tốt đẹp hơn được mở ra bằng kiến thức, sự quyết tâm và lòng dũng cảm để dẫn đầu.
GS. Susan Solomon là nhà Hóa học khí quyển được công nhận trên toàn cầu. Đến với Hội thảo, GS. Susan Solomon chia sẻ về những nghiên cứu quan trọng liên quan đến sự suy giảm tầng ozon và tác động của các hợp chất chứa clo, đặc biệt là chlorofluorocarbon (CFCs). Bà đã mô tả quá trình nghiên cứu tại Nam Cực trong những năm 1980, nơi bà và các đồng nghiệp đã ghi nhận sự suy giảm mạnh mẽ của tầng ozon và chứng minh mối liên hệ giữa sự gia tăng của khí chlorine trong khí quyển với hiện tượng này.
Nghiên cứu của GS. Solomon đã đóng góp quan trọng vào việc ký kết Nghị định thư Montreal năm 1987, nhằm ngừng sản xuất và sử dụng các chất CFC trên toàn cầu, góp phần phục hồi tầng ozon. Bên cạnh đó, bà cũng khuyến khích các nhà khoa học trẻ vượt qua những giới hạn truyền thống trong nghiên cứu và luôn tìm kiếm những câu hỏi lớn, những vấn đề cần được giải quyết.
GS. Nguyễn Thục Quyên là một phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực vật liệu điện tử hữu cơ từ Đại học California. Công trình đột phá của bà về quang điện hữu cơ đã mở đường cho các giải pháp tiết kiệm năng lượng sáng tạo cho các tòa nhà và nhà kính.
Tại Hội thảo, bà đã chia sẻ hành trình từ một cô bé Việt Nam đến vị trí một nhà khoa học uy tín quốc tế. Chính tuổi thơ thiếu thốn và gian khổ đã nhen nhóm trong bà khát vọng cháy bỏng về việc cải thiện cuộc sống con người thông qua khoa học công nghệ, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng bền vững.
GS. Quyên nhấn mạnh vai trò then chốt của năng lượng tái tạo trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nhu cầu năng lượng toàn cầu ngày càng tăng. GS.Quyên chia sẻ về các dự án nghiên cứu do bà thực hiện, đặc biệt là các công trình về pin mặt trời hữu cơ (OPV) và các ứng dụng tiềm năng của chúng trong việc cung cấp năng lượng cho các khu vực khó khăn và trong các tòa nhà cao tầng. Đồng thời, bà nhấn mạnh vào tầm quan trọng của sự hợp tác và tương tác giữa các nhà khoa học để giải quyết các vấn đề phức tạp.
Không chỉ truyền cảm hứng về khoa học, GS. Quyên còn chia sẻ những bài học cuộc sống và sự nghiệp. Bà khuyến khích giới trẻ không ngừng học hỏi, trau dồi bản thân và kiên trì theo đuổi đam mê.
Cũng trong Hội thảo, hai nhà khoa học nữ giao lưu và giải đáp khán giả liên quan tới hai lĩnh vực nghiên cứu của mình. Sinh viên Bách khoa Hà Nội hăng hái đưa ra những câu hỏi. Đây là một diễn đàn bổ ích cho các nhà khoa học trẻ, đặc biệt là các nhà khoa học nữ tại Việt Nam.