Chuyện ông giáo gần 70 tuổi vẫn… hồi hộp mỗi khi đứng lớp

Thứ ba - 19/11/2024 19:00
GS. Vũ Ngọc Hùng hướng dẫn học sinh tham quan phòng thí nghiệm
GS. Vũ Ngọc Hùng hướng dẫn học sinh tham quan phòng thí nghiệm
Năm 1980, tốt nghiệp bằng đỏ từ Liên Xô trở về, chàng thanh niên 25 tuổi Vũ Ngọc Hùng được phân công công tác tại Đại học Bách khoa Hà Nội, gắn bó với Trường từ đó đến nay. Tính đến thời điểm hiện tại, GS. NGƯT. Vũ Ngọc Hùng là một trong những giảng viên đương nhiệm có tuổi đời cao nhất Bách khoa! 

Kể về lý do dành trọn thanh xuân, trí tuệ cống hiến cho Bách khoa Hà Nội, GS. NGƯT. Vũ Ngọc Hùng chia sẻ chân tình và chứa chan cảm xúc về niềm hạnh phúc nghề giáo, về mong muốn góp phần nhỏ bé của mình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước, hòa cùng tinh thần Trách nhiệm - Sáng tạo – Chính trực - Xuất sắc của Bách khoa Hà Nội. 

Bách khoa Hà Nội cho tôi cơ hội cống hiến hết mình!

“Năm 1979, sau 6 năm học tập tại trường Đại học Tổng hợp Kisinev, Cộng hòa Moldavia, Liên Xô, tôi tốt nghiệp ngành Vật lý, chuyên ngành Vật lý Bán dẫn, loại giỏi (bằng đỏ).

Năm 1980, tôi được phân công về Trường ĐHBK Hà Nội, theo biên chế cán bộ nghiên cứu làm việc tại Bộ môn Vật lý Chất rắn, Khoa Toán Lý (sau này là Viện Vật lý Kỹ thuật), gắn bó với ngôi trường Bách khoa Hà Nội từ đó đến nay.

Tuổi trẻ đầy nhiệt huyết, đam mê, Bách khoa cho tôi cơ hội được cống hiến sức mình. Trong NCKH, là thành viên nhóm chuyên môn Vật lý bán dẫn do GS. Phùng Hồ phụ trách, tôi đã tham gia nghiên cứu đề tài trọng điểm thuộc chương trình điện tử của Nhà nước về “Nghiên cứu chế tạo và ứng dụng bản Selen in điện” do GS. Phùng Hồ chủ trì. Các bản selen đã được chế tạo thành công, đáp ứng nhu cầu cần thiết về chế bản in offset ở trong nước.

Cùng đó, bản selen in điện cũng đã được nghiên cứu chế tạo thành công ứng dụng trong chụp X-quang khô thay thế phim X-quang thông thường đang thiếu hụt do bị cấm vận. Các thiết bị chụp X-quang khô của nhóm nghiên cứu đã được ứng dụng thành công tại Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Việt Xô, Bệnh viện Quân y 103, Bệnh viện Quảng Ngãi… Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã đưa thiết bị lên phục vụ quân dân mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang.
 
DSCN7014
GS. Vũ Ngọc Hùng làm việc trong Phòng sạch
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu về bản Selen Rơnghen tĩnh điện ứng dụng trong chụp X-quang khô, dưới sự hướng dẫn của GS. Phùng Hồ, đầu năm 1992, tôi bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sĩ (PTS) Toán Lý. 

Từ khi là thành viên gia đình Bách khoa Hà Nội, cùng hoạt động NCKH, tôi còn tham gia hướng dẫn thí nghiệm Vật lý đại cương và thí nghiệm Vật lý bán dẫn cho kỹ sư Vật lý kỹ thuật. Sau khi khi bảo vệ luận án PTS, tôi chính thức được phân công giảng dạy các môn học mới như: Quang điện tử và Thông tin quang sợi, Laser và Nhập môn Công nghệ Vi cơ Điện tử (MEMS). 

Tôi còn giảng dạy cho các học viên cao học và NCS ở Viện Đào tạo quốc tế về Khoa học vật liệu (ITIMS) môn Công nghệ màng mỏng, Công nghệ và linh kiện MEMS, Vật lý và linh kiện bán dẫn nâng cao,…; giảng dạy chương trình tiên tiến của Viện Vật lý Kỹ thuật và Viện Khoa học và Công nghệ Vật liệu. 

Tôi nhớ mãi lần đưa học viên cao học đi khảo sát độ rung cầu Thăng Long bằng cảm biến gia tốc MEMS. Khi thầy trò đặt chân ở giữa cầu, cây cầu rung lắc rất mạnh gây một cảm nhận khá bất an ngoài suy nghĩ ban đầu. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của thầy trò Bách khoa, kết quả thử nghiệm đã thành công mỹ mãn, chỉ ra khả năng ứng dụng vào lĩnh vực giao thông của cảm biến gia tốc MEMS. 

Sức trẻ, sự sáng tạo của các học trò, môi trường làm việc văn minh, giàu tình cảm như một gia đình ở Bách khoa Hà Nội đã tiếp thêm năng lượng, nguồn cảm hứng cho tôi mỗi ngày. 

Từ năm 2006, tôi tham gia công tác chuyên môn và công tác quản lý tại Viện ITIMS (Viện trưởng Viện ITIMS giai đoạn 2009-2015). Hiện tôi là cán bộ giảng dạy của khoa Vật liệu điện tử và linh kiện, Trường Vật liệu. 

Dù đã nhiều năm đứng lớp nhưng ông giáo già gần 70 tuổi là tôi mỗi khi bước vào giảng đường vẫn cảm thấy… hồi hộp, phấn chấn như thuở ban đầu đứng trước các em sinh viên. Đó chính là động lực để tôi luôn cố gắng làm mới kiến thức của mình, làm cho bài giảng được cập nhật và hoàn thiện hơn.

Gần 45 năm chứng kiến Bách khoa Hà Nội phát triển bền vững

Từ khi tôi công tác tại Bách khoa Hà Nội (1980) đến nay, cảnh quan Trường ngày càng khang trang đẹp đẽ. Các tòa nhà mới như Thư viện Tạ Quang Bửu, tòa nhà ITIMS, tòa nhà C7 hiện đại xây dựng trên cơ sở dự án SAHEP… trong khuôn viên xanh mát bóng cây, rực rỡ sắc hoa đã thay áo mới cho Bách khoa. Các giảng đường ngày càng được nâng cấp như hệ thống điều hòa nhiệt độ, hệ thống máy chiếu, micro… Những sự thay đổi đó tạo môi trường thân thiện cho các hoạt động học tập và nghiên cứu của cán bộ và sinh viên trong trường. 

Trong 44 năm công tác tại Bách khoa Hà Nội, theo tôi, một trong những dấu mốc quan trọng chuyển biến về chất của Nhà trường là phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học định hướng nghiên cứu. Khi đó hoạt động nghiên cứu khoa học - nhiệm vụ trung tâm của Nhà trường với các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín ngày càng được đẩy mạnh. Với chiến lược phát triển đại học nghiên cứu, Bách khoa Hà Nội gần đây đã được xếp hạng trong nhóm 450 trường đại học tốt nhất thế giới về kỹ thuật và công nghệ.
 
319074 nguoi con yen bai
Người thầy nhiệt tâm Vũ Ngọc Hùng luôn tận tình với học trò
Đại học Bách khoa Hà Nội đã đi qua cột mốc 68 năm trưởng thành. Tự đáy lòng mình, tôi hy vọng Đại học Bách khoa Hà Nội ngày càng phát triển, xứng đáng là Đại học định hướng nghiên cứu hàng đầu của đất nước về kỹ thuật và công nghệ, đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa của đất nước. Đặc biệt, Bách khoa Hà Nội sẽ đi đầu trong đào tạo và nghiên cứu phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn đang rất được quan tâm ở trong nước và trên thế giới."
 
“3 NGƯỜI THẦY BÁCH KHOA HÀ NỘI TÔI LUÔN NGƯỠNG MỘ”
 
“GS. Vũ Đình Cự là một người thầy tôi ngưỡng mộ. Giáo sư là “cây đa cây đề” có uy tín trong giới Vật lý. Giáo sư rất vui tính và luôn thể hiện sự quan tâm đến các cán  bộ trong bộ môn. Một cán bộ trẻ như tôi đã từng được GS cho một cặp lồng đậu phụ vào thời kỳ bao cấp tem phiếu đầy khó khăn. Một cử chỉ nhỏ nhưng đã gây ấn tượng không quên đối với tôi.

GS. Phùng Hồ người thầy đã dìu dắt tôi từ những buổi chập chững ban đầu về công tác tại Bộ môn Vật lý chất rắn, trực tiếp hướng dẫn luận án PTS của tôi. Sự thành công trong giảng dạy và NCKH của tôi đều có dấu ấn ban đầu đó.

GS. Nguyễn Phú Thùy - một người thầy, một người anh, nguyên là Phó Giám đốc Trung tâm ITIMS, đã định hướng động viên tôi đi sâu nghiên cứu phát triển lĩnh vực công nghệ MEMS tại ĐHBK Hà Nội.”
 
GS. NGƯT. Vũ Ngọc Hùng – Giảng viên cao cấp Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội
 
Gia Hân (ghi)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây