Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 10/04/2024 00:00
Ngô Thị Nhài, cựu sinh viên K64, Khoa Dệt May – Da giầy và Thời trang, Trường Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ từ thời cấp 3, cô gái đã luôn dành sự ngưỡng mộ cho Đại học Bách khoa Hà Nội. Ban đầu, Nhài được chị gái định hướng cho theo ngành kế toán nhưng với niềm đam mê kỹ thuật và tư duy logic, Nhài quyết định chọn học Bách khoa Hà Nội. Nữ sinh Nhài rạng rỡ nói: “Đại học Bách khoa Hà Nội là môi trường giáo dục lý tưởng cho sự phát triển của tôi”.
Với số điểm “đầu vào” khá tốt để vào các ngành “hot” tại Bách khoa Hà Nội nhưng Nhài lựa chọn nghe theo “tiếng lòng”! Nhài nhận thấy ngoài việc đào tạo chuyên ngành, sinh viên Khoa Dệt May – Da giầy và Thời trang còn có cơ hội phát triển, thực tập ở doanh nghiệp và tập đoàn lớn trong lĩnh vực may mặc, thiết kế thời trang, cả trong và ngoài nước. “Tôi ấp ủ dự định ra trường sẽ mở công ty riêng!” – Nhài chia sẻ.
Những trải nghiệm với môi trường mới
Những tuần đầu tiên tại Đại học Bách khoa Hà Nội chắc hẳn là trải nghiệm khó quên của Ngô Thị Nhài. Nữ sinh Thái Bình phải “chen” nhau tìm chỗ ngồi trong giảng đường “khổng lồ”, mặc dù cô đã đi học từ rất sớm. Nhài từng cảm thấy nản lòng vì không thể theo kịp bài học, tuy nhiên, nhờ vào sự tận tâm giảng giải của thầy cô giáo Bách khoa và sự đồng hành hỗ trợ từ các bạn, Nhài đã dần bắt nhịp việc học tại Bách khoa Hà Nội.
Khi được hỏi về người truyền động lực đến Nhài nhiều nhất, cô gái kể ngay đến cô giáo Hoàng Thanh Thảo - chủ nhiệm của lớp. Cô Thảo luôn tỉ mỉ, tận tâm và quan tâm đến sinh viên. Cô luôn sẵn lòng giải quyết mọi vấn đề và hỗ trợ sinh viên làm các đồ án. Thỉnh thoảng, cô hoá thân thành người mẹ, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của các sinh viên trong lớp.
Nữ sinh Khoa Dệt May - Da giầy và Thời trang cảm thấy mình đã chọn đúng ngành khi học Công nghệ Sợi, cảm nhận được sự đam mê và tận tâm mà thầy cô truyền đạt cho sinh viên. Học chuyên sâu về Công nghệ sợi, cô được đào tạo vững chắc về nguyên vật liệu từ cơ bản nhất là xơ sợi đến thành phẩm hoàn chỉnh là vải vóc, đây là kỹ năng cần thiết không chỉ cho ngành Sợi mà còn cho nhiều lĩnh vực khác như hoá nhuộm và kỹ thuật dệt.
Thời sinh viên tươi đẹp với hành trình biến thứ không tưởng thành vật liệu “siêu organic”
Xuất phát từ gia đình thuần nông, nữ sinh Ngô Thị Nhài luôn ấp ủ mong muốn góp sức "xanh hóa" nghề may mặc tại Việt Nam. Với ý tưởng này, nhóm nghiên cứu 5 cô gái của Ngô Thị Nhài đã thành công trong việc phát triển một loại vật liệu mới siêu "organic", được sản xuất từ xơ chuối.
Dưới sự hướng dẫn của các thầy cô: PGS. Nguyễn Minh Tuấn và Thạc sỹ Cao Thị Hoài Thủy, Ngô Thị Nhài cùng 4 cô bạn cùng lớp là: Bùi Bích Hảo, Hoàng Phương Mai, Nguyễn Thị Nhật, Nguyễn Thị Thảo đã áp dụng thành công những kiến thức trên lớp để nghiên cứu khoa học mang tính liên ngành cao, cho ra một vật liệu mới siêu “organic” từ xơ chuối. Đề tài nghiên cứu đã đạt giải Nhất cấp đại học tại Hội nghị sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội NCKH năm 2023.
Bắt đầu nghiên cứu từ tháng 7/2022, nữ sinh Nhài và 4 người bạn cùng lớp đã vượt qua những thử thách khi thí nghiệm các phương án nấu tách xử lý xơ chuối. Các cô gái nhỏ đã phải thí nghiệm lại rất nhiều lần và gặp vô số thất bại.
Để có được phương án tối ưu, với sự định hướng, hỗ trợ từ thầy cô giáo hướng dẫn, các nữ sinh viên đã tìm hiểu các tài liệu trong và ngoài nước về các quy trình xử lý nấu tách keo xơ chuối, sau đó vận dụng vào điều kiện thực tế các thiết bị, dụng cụ, vật tư thí nghiệm có sẵn tại phòng thí nghiệm của Khoa.
Quá trình xử lý nấu tách keo thí nghiệm của nhóm nghiên cứu có ngày kéo dài suốt cả buổi, cả nhóm đều mệt nhưng được thầy Minh Tuấn và cô Hoài Thủy “tung phao cứu sinh” khi động viên và tận tình hướng dẫn, cả nhóm lại tìm đọc tài liệu, phương pháp thí nghiệm và phân tích số liệu thí nghiệm thu được, vừa thêm hiểu về chuyên môn, vừa biết lên kế hoạch cho mỗi công việc khi được giao. “Những lời khuyến khích, chỉ dẫn của thầy cô đã tạo động lực, sự tự tin cho chúng tôi không ngại khó, ngại khổ, chấp nhận thất bại để rồi tiếp tục cố gắng đạt được kết quả như mong muốn” – Ngô Thị Nhài chân thành chia sẻ.
“Đó chính là đặc trưng của sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Chúng tôi có cơ hội để học hỏi, thực hành các kiến thức liên ngành, mở ra những ý tưởng nghiên cứu mới trong tương lai” – Ngô Thị Nhài tự hào nói.
Thói quen giúp “ẵm” học bổng
Chia sẻ về bí quyết học tốt các môn học ở đại học, Nhài cho hay: "Thay vì vừa học vừa làm thì em chọn chuyên tâm học tập”. Ngay khi có thời khóa biểu, Nhài đã lên kế hoạch học tập cụ thể cho mỗi môn. Đối với các môn chuyên ngành, Nhài thường tập trung nắm vững kiến thức lý thuyết bằng cách tìm kiếm tài liệu từ thư viện hoặc trang quản lý đào tạo,…
Trước khi lên lớp, cô thường dành thời gian để tự ôn tập và trao đổi kiến thức cùng bạn bè. Hết tiết học, Nhài chọn ở lớp để đọc bài và ghi chép lại kiến thức rồi mới ra về. Nhờ những thói quen ôn tập trước và sau khi học, Nhài đã có kết quả học tập tốt, đạt được Học bổng Khuyến khích Học tập lần thứ tư. Ngô Thị Nhài luôn tâm niệm: “Để đạt được mục tiêu này không phải là điều khó khăn hoặc dễ dàng, mà là sự kết hợp giữa mục tiêu rõ ràng, nỗ lực và kiên trì.”
Trong đợt thực tập doanh nghiệp, Nhài đã thử thách bản thân khi chọn đi thực tập tại Công ty TNHH Xindadong Textile (Trung Quốc) ở Quảng Ngãi. Trong quá trình thực tập, nữ sinh nhận thấy rằng trải nghiệm ở doanh nghiệp khá tương đồng với những gì cô học ở đại học. Từ đó, Nhài nhận định: Để không bỡ ngỡ khi thực tập tại doanh nghiệp, cần phải nắm vững, đào sâu kiến thức trên lớp.
Ngô Thị Nhài luôn biết ơn quãng thời gian học tập tại Bách khoa Hà Nội đã cho cô được trở thành Người Bách khoa, để đi đâu, làm việc với doanh nghiệp nào cũng nhận được sự ngưỡng mộ, hoan nghênh chào đón. Cô gái tự hào chia sẻ: “Em rất vui khi biết Công ty Xindadong luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đến thực tập và làm việc !”.
Hiện Ngô Thị Nhài đang làm việc tại Công ty TNHH Regina Miracle International Hưng Yên với vị trí “Trợ lý phát triển sản phẩm”. Cô đang ấp ủ dự định sẽ đi du học để mở mang thêm kiến thức chuyên ngành đồng thời có thể nhìn ngắm thế giới tươi đẹp bên ngoài.