Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 11/04/2024 21:00
Ngày 16/4, Trung tâm Truyền thông và Tri thức số, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Đọc sách hay – Sáng tương lai” tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, tạo sân chơi chia sẻ, lan tỏa tình yêu sách, thói quen đọc sách tới các sinh viên Bách khoa Hà Nội - một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Trao đổi với Trang Thông tin điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, mở đầu câu chuyện, Thạc sỹ Lê Thị Quyên – Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tri thức số - rất hào hứng chia sẻ những nội dung điểm nhấn thu hút HUSTers đến Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay:
- Từ năm 2019, sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là một hoạt động thường niên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Sau mỗi lần tổ chức, lắng nghe những góp ý, sáng kiến từ các bạn trẻ, sự kiện năm sau lại được tổ chức hấp dẫn hơn năm trước.
Năm 2024, ngoài những nội dung chia sẻ về kinh nghiệm chọn sách hay; mời Diễn giả là người nổi tiếng trao đổi về chủ đề gắn ngay với sinh viên Bách khoa Hà Nội: Sách và các tỷ phú công nghệ; triển lãm sách, khám phá cách xếp mô hình sách… Ngày Sách và Văn hóa đọc tại Đại học Bách khoa Hà Nội còn có một số những hoạt động như hoạt cảnh vui nhộn, một số minigame thú vị, ý nghĩa... mỗi nội dung đều có những điểm thu hút, hấp dẫn riêng. Hy vọng sinh viên Bách khoa Hà Nội sẽ hài lòng với Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay.
* Thưa bà, với các nội dung phong phú như vậy, công tác chuẩn bị của Trung tâm Truyền thông và Tri thức số cho Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 có gì đặc biệt?
- Với Trung tâm Truyền thông và Tri thức số – Một đơn vị mới với sự hợp nhất của Phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu, Thư viện Tạ Quang Bửu, Tạp chí Khoa học và Công nghệ, đây là sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đầu tiên của Trung tâm. Tôi cho rằng sự tận tâm, trách nhiệm, sáng tạo của các cán bộ, viên chức trong đơn vị đã thể hiện ngay trong các nội dung phong phú của Ngày Sách và Văn hóa đọc, và hơn cả là tinh thần đoàn kết, hồ hởi, phấn chấn của toàn thể cán bộ Trung tâm khi chung tay chuẩn bị cho sự kiện đầu tay này. Với cá nhân tôi, đó chính là điều đặc biệt! “Chill chill” trong lễ hội Sách và Văn hóa đọc Bách khoa
* Trong chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2024 có một nội dung không nhiều người biết là Mô hình xếp sách nghệ thuật. Học tập và công tác trong ngành thư viện, bà có thể cho biết làm thế nào để có thể tạo ra được một mô hình xếp sách nghệ thuật?
- Trong ngành thư viện của chúng tôi, tùy vào ý tưởng sáng tạo và bàn tay khéo léo của những người yêu sách, có rất nhiều mô hình sách được tạo ra, mỗi mô hình là một câu chuyện thú vị về giá trị của sách nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách. Đi kèm theo các mô hình xếp sách nghệ thuật là một số thông điệp cụ thể theo chủ đề, như: Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, tình yêu quê hương đất nước hay một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước…
Năm 2023, biểu tượng trong Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Đại học Bách khoa Hà Nội được lấy cảm hứng từ ngôi trường kỹ thuật công nghệ số 1 Việt Nam, từ tòa nhà Thư viện nhằm lan tỏa tình yêu sách, tình yêu Bách khoa tới đông đảo sinh viên. Năm nay, nội dung này vẫn tiếp tục được triển khai với thông điệp hướng về Ngày kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.
* Được biết, sinh viên Bách khoa Hà Nội đồng hành cùng Ban Tổ chức xuyên suốt Ngày hội Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023. Năm nay, vai trò của sinh viên Bách khoa Hà Nội được thể hiện như thế nào, thưa bà?
- Đồng hành với Thư viện Tạ Quang Bửu trước kia, Trung tâm Truyền thông và Tri thức số hiện nay trong các Sự kiện sách và Văn hóa đọc tại Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có các sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên trong Câu lạc bộ Yêu sách Bách khoa thuộc Hội Sinh viên Đại học và các sinh viên tình nguyện của Đoàn Thanh niên Đại học. Ngày 16/4 tới đây, các HUSTes đóng góp rất nhiều nội dung trong sự kiện, như: Tham gia diễn hoạt cảnh “Sinh viên và sách”, chương trình văn nghệ, mô hình xếp sách nghệ thuật, minigame… và cả hỗ trợ trong khâu tổ chức, tiếp đón nữa!
Đại học Bách khoa Hà Nội luôn kiên định phương châm “Nhà trường là nền tảng - Người thầy là chủ thể, động lực phát triển - Người học làm trung tâm”, trong sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam của Nhà trường, sinh viên Bách khoa chính là trung tâm của mọi hoạt động!
* Năm nay, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Bách khoa Hà Nội có slogan “Đọc sách hay – Sáng tương lai”, theo bà, thế nào là một cuốn sách hay?
- Đối với người làm nghề thư viện và cũng là một người yêu sách, tôi cho rằng mọi cuốn sách đúng nghĩa đều có những giá trị riêng và đều được gọi là sách hay. Với các bạn sinh viên Bách khoa Hà Nội, sách giáo trình, sách tham khảo về các môn học cơ bản hay cơ sở đều mang lại tri thức, trí tuệ ; Sách kỹ năng sống sẽ mang lại những kiến thức chung về cuộc sống để phát triển bản thân và đối với những cuốn sách văn học, lịch sử… đều góp phần hoàn thiện đạo đức, phẩm chất, bồi dưỡng tâm hồn cho cho các bạn sinh viên. Thầy - trò Bách khoa Hà Nội đam mê đọc sách
* Gắn bó với công tác thư viện tại Đại học Bách khoa Hà Nội gần 20 năm, bà có đánh giá như thế nào về thói quen đọc sách của sinh viên và giảng viên Nhà trường? Bách khoa Hà Nội đã có văn hóa đọc sách chưa? Nếu có cơ hội kể một câu chuyện liên quan đến sách và những con Người Bách khoa, bà sẽ kể chuyện gì?
- Thầy trò Đại học Bách khoa Hà Nội đều rất thích đọc sách, đam mê nghiên cứu khoa học. Có nhiều giảng viên không chỉ truyền dạy sinh viên kiến thức mà còn dành thời gian xây dựng cho sinh viên tình yêu sách, thói quen đọc sách với những thư viện của Khoa/Viện/Trường rất hiệu quả, góp phần đào tạo ra các bạn trẻ biết khai thác kiến thức từ sách, có văn hóa đọc sách.
Sinh viên Bách khoa Hà Nội có CLB Yêu Sách Bách khoa, các CSV Bách khoa cũng thành lập một nhóm Yêu sách. Với vai trò, chức năng của thư viện, chúng tôi đã, đang và sẽ có những kế hoạch phát triển văn hóa đọc một cách bài bản, góp phần hình thành thói quen đọc sách, lan tỏa tình yêu sách tới toàn thể sinh viên và giảng viên trong toàn Đại học.
Cá nhân tôi có nhiều ấn tượng về những Người Bách khoa và sách. Mỗi ngày làm việc của tôi đều tràn đầy năng lượng khi được nghe nhiều sinh viên say sưa kể về cuốn sách các em đọc. Có lẽ chính tình yêu sách đã góp phần khiến các sinh viên Bách khoa có nền tảng vững chắc để thành công ở nhiều lĩnh vực. Tấm gương một CSV Bách khoa Hà Nội rất thành công trong lĩnh vực sách – Anh Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT, người sáng lập Công ty Cổ phần Sách Alpha (Alpha Books) và Omega Việt Nam - đã truyền cảm hứng học tập, rèn luyện cho tôi và rất nhiều sinh viên Bách khoa. Ngay chính các thầy/cô giáo Bách khoa tôi gặp hàng ngày cũng là những tấm gương về sự nỗ lực, yêu nghề, đam mê tri thức. Có thể nhắc đến Bách khoa Hà Nội là nhắc đến tình yêu tri thức, tình yêu sách!
Hình dung thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội thời gian tới
* Với cương vị là một nhà quản lý, bà nhận thấy vai trò của thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn chuyển đổi số có gì khác biệt so với trước kia? Trong giai đoạn tới, Trung tâm Truyền thông và Tri thức số có những kế hoạch nào để thể hiện rõ nội dung “số” trong thư viện?
- Chuyển đổi số trong toàn bộ các lĩnh vực nói chung và thư viện nói riêng đều hướng tới thay đổi toàn diện, tối ưu hóa các hoạt động và mang lại hiệu quả cao trong công việc. Quá trình chuyển đổi số của Trung tâm Truyền thông và Tri thức số không nằm ngoài các nội dung về chuyển đổi số của Đại học Bách khoa Hà Nội - coi người học là trung tâm, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ đột phá để hỗ trợ học tập và nghiên cứu.
Để làm được điều đó, cần phải thực hiện nhiều công việc khác nhau: Xây dựng được CSDL nguồn tài liệu nội sinh là các sản phẩm học thuật, sản phẩm nghiên cứu của sinh viên, cán bộ Đại học; Tăng cường nguồn tài nguyên, tri thức số có giá trị học thuật cao, phù hợp với Bách khoa Hà Nội; Cải thiện hạ tầng công nghệ; Cải thiện về môi trường học tập theo hướng thông minh, thân thiện; Đào tạo lại nguồn nhân lực thư viện để đáp ứng với bối cảnh số…
* Hiện có ý kiến cho rằng, thư viện hiện nay không chỉ là kho chứa sách, là nơi đọc sách mà còn có thể là địa chỉ học tập, vui chơi, là không gian giao lưu văn hóa, không gian triển lãm, trưng bày… thậm chí còn có những góc “sống ảo” dành cho các bạn trẻ nữa! Bà đánh giá thế nào về quan điểm này?
- Đúng là như vậy! Thư viện hiện nay đã thay đổi rất nhiều cả về không gian, mô hình tổ chức và cách thức hoạt động. Trên thế giới, các thư viện nói chung, đặc biệt là các thư viện đại học có xu thế phát triển trở thành mô hình không gian học tập chung “Learning Commons” - mô hình kết hợp giữa thư viện với công nghệ thông tin và các dịch vụ hỗ trợ học tập nhằm cung cấp những dịch vụ tiện ích, tốt nhất đáp ứng được tối đa các nhu cầu của người dùng. Nói theo ngôn ngữ ngành nghề của chúng tôi thì không gian thư viện hiện nay phải đáp ứng được 4 chức năng chính của hoạt động thư viện: “Thông tin – Giáo dục – Văn hóa và Giải trí”. Trong thời gian tới, thư viện Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có những đổi mới theo hướng đi này.
* Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi!
Ngày 16-17/4/2024, sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được Trung tâm Truyền thông và Tri thức số, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu nhằm lan tỏa văn hóa đọc tới các bạn sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng và thế hệ thanh niên Việt Nam nói chung; phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc năm 2024.
Năm 2024, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 có chủ đề “Đọc sách hay - Sáng tương lai”.