Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 18/09/2023 23:20
Mức tiêu thụ điện ngày một tăng cao, cùng với sự chuyển dịch cơ cấu từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo khiến nhu cầu về nguồn nhân lực cũng tăng mạnh trong nhiều năm gần đây. Nắm bắt xu thế này, từ năm 2020, Đại học Bách khoa Hà Nội mở đào tạo ngành Năng lượng tái tạo thuộc Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo, thu hút nhiều học sinh giỏi trên toàn quốc "đầu quân".
Những chia sẻ của TS. Nguyễn Đức Tuyên - Giám đốc Chương trình đào tạo Chương trình tiên tiến Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo - Đại học Bách Khoa Hà Nội – với báo giới đã dựng nên một bức tranh toàn cảnh về chương trình đào tạo, thực hành, cơ hội việc làm, mức lương… của các sinh viên tốt nghiệp ngành Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo Bách khoa Hà Nội.
Đặc biệt hơn khi những kỹ sư ngành “hot” này được theo học chương trình đào tạo giảng dạy 100% bằng tiếng Anh.
“Thương hiệu” ngành Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo Bách khoa Hà Nội
* Điểm khác biệt trong chương trình đào tạo ngành Năng lượng tái tạo (NLTT) của Đại học Bách khoa Hà Nội là gì, thưa thầy?
- Điểm căn bản nhất là chúng tôi đào tạo bằng tiếng Anh, kiến thức chuyên sâu định hướng nghiên cứu để cung cấp nhân lực chất lượng cao cho thị trường doanh nghiệp trong và ngoài nước làm việc tại Việt Nam hoặc trên thế giới. Sinh viên trong quá trình học được tiếp cận với các kiến thức quốc tế, sau khi ra trường có thể làm trong lĩnh vực kỹ thuật chuyên sâu, quy hoạch hệ thống, vận hành nguồn NLTT và đặc biệt là theo đuổi học ở các bậc học cao hơn.
Một lợi thế của chương trình đào tạo hệ thống điện định hướng năng lượng tái tạo, đó là nội dung đào tạo này cũng đang được các trường trên thế giới tích cực cập nhật, dựa trên các chương trình đào tạo về năng lượng, điện.
Mục đích của việc thay đổi chương trình là tạo ra đội ngũ nhân lực mới nắm được các vấn đề phát sinh mới của vận hành hệ thống điện với tỉ trọng ngày càng cao của các nguồn năng lượng phi truyền thống, có độ bất định cao. Quá trình này có sự tham gia tích cực của các đối tác công nghiệp. Đội ngũ cán bộ đào tạo cũng như các sinh viên có thể tiếp cận được các nguồn học liệu rất mới và cập nhật này.
* Thưa thầy, chương trình đào tạo ngành Năng lượng tái tạo đã có những thay đổi, đổi mới như thế nào để đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay? Trong quá trình đổi mới đó, Trường Điện – Điện tử đã vượt qua những thách thức nào?
- Ngành EE-E18 (Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo), Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội bắt đầu tuyển sinh từ khóa K66 năm 2020, đến nay là năm thứ 3, đào tạo bằng tiếng Anh. Trước đó, chúng tôi có ngành đào tạo Hệ thống điện nói chung, không tập trung vào ngành NLTT.
Khi Việt Nam cùng với xu thế quốc tế tiến tới các sử dụng nhiều các nguồn NLTT, đặc biệt khi tích hợp về Hệ thống điện đã có lâu nay thì đặt ra nhiều bài toán mới cần phải giải quyết. Chính vì vậy, nhân lực cho ngành này cần được trang bị những kiến thức cơ bản mới, đặc biệt tập trung vào cơ chế phát điện từ các nguồn NLTT và cách thức kết nối lưới.
Chúng tôi phải chuẩn bị nhân lực giảng dạy mới, đào tạo bổ sung kiến thức cho nhân lực giảng dạy cũ, soạn các giáo trình mới, bổ sung các môn học mới và cải thiện trình độ tiếng Anh cho các giảng viên.
Học liệu mới hiện nay rất nhiều và cập nhật, tuy nhiên để tìm hiểu, lồng ghép vào chương trình đào tạo một các phù hợp cho sinh viên là công việc cần khá nhiều thời gian và công sức.
Hiện Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong những đại học tiên phong trong việc xây dựng chương trình đào tạo thực tế, hiện đại ngành NLTT. Các thầy/cô giáo giảng dạy ngành này của Nhà trường đều có thời gian dài nghiên cứu ở nước ngoài về NLTT.
* Việc thực hành của sinh viên ngành Năng lượng tái tạo được áp dụng và triển khai như thế nào sau những đổi mới của ngành học?
- Đây là một trong những điểm nhấn trong ngành NLTT, được xây dựng rất khác so với các chương trình đào tạo trước đây.
Chúng tôi tập trung vào thực hành trong nhận thức và thực hành trong thực tế. Các sinh viên được trải nghiệm nhiều bài giảng từ nước ngoài, các buổi hội thảo chuyên ngành, chính sách, tham gia các seminar và hội thảo khoa học, hướng sinh viên tới các khóa trao đổi sinh viên quốc tế và đưa các em đi thực tế tại các nhà máy NLTT trong nước.
Trong trường, chúng tôi có các bài thí nghiệm về NLTT trực quan, sinh viên trực tiếp làm việc trên các hệ thống thí nghiệm, hình thành các ý tưởng của riêng mình về ngành/nghề chuyên môn.
Đặc biệt chúng tôi hướng các sinh viên làm các nghiên cứu khoa học trong quá trình học tập để các em hoàn thiện nhiều kỹ năng tổng thể, trước mắt là phục vụ đồ án tốt nghiệp và sau này là công việc sau khi ra trường.
Tiết lộ tỷ lệ tuyển sinh ngành học NLTT của Bách khoa Hà Nội năm 2023
* Để theo học ngành Hệ thống điện - Năng lượng tái tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, học sinh cần đáp ứng những yêu cầu gì, thưa thầy?
- Hệ thống điện là chương trình đã có truyền thống lâu đời, nay chúng tôi tập trung một phần lớn trong chương trình đào tạo để hướng tới ngành Năng lượng tái tạo và đào tạo bằng tiếng Anh. Ngoài những năng lực kỹ thuật tốt, các em theo học ngành này cần có trình độ tiếng Anh Nghe - Nói - Đọc - Viết tốt để tham gia vào nhiều hoạt động đa dạng, phát triển chuyên môn.
Với bản chất cốt lõi là chương trình điện, kiến thức nền về Toán, Vật lý là lợi thế lớn khi theo học. Tuy nhiên cũng như các chương trình đào tạo mới, kiến thức liên ngành là rất cần thiết trong thời đại hiện nay. Bên cạnh kiến thức chuyên môn cơ bản tốt, các em cần trang bị các kiến thức xã hội, kỹ năng làm việc trong môi trường đa lĩnh vực.
Ngoài ra, các em nên chuẩn bị một sức khỏe tốt để có thể di chuyển công việc ở nhiều vùng miền khác nhau của đất nước, nơi các dự án năng lượng tái tạo được xây dựng và lưới điện hệ thống bao phủ.
* Thầy có thể cho biết năm 2023, tỷ lệ tuyển sinh ngành Năng lượng tái tạo có đạt chỉ tiêu như đã đề ra không? Thầy có đánh giá như thế nào về công tác tuyển sinh của ngành học này?
- Khóa K68 năm 2023, chúng tôi tuyển được 100% chỉ tiêu với chất lượng đầu vào rất tốt.
Sau những sự kiện xã hội về điện năng thiếu hụt, các cam kết của chính phủ về năng lượng xanh, chuyển đổi xanh, xu hướng quốc tế thì nhìn nhận của xã hội về ngành năng lượng tái tạo đã có sự chuyển biến rõ nét hơn, và đã có tác động tích cực đến công tác tuyển sinh.
Công tác tuyển sinh của trường Bách khoa Hà Nội nói chung và ngành NLTT nói riêng đều rất chuyên nghiệp và có chiều sâu, chăm lo chất lượng đào tạo cho các sinh viên đang theo học. Chúng tôi tin tưởng vào tình hình tuyển sinh và cơ hội việc làm cho các em sắp ra trường sẽ ngày một tốt hơn.
Học Bách khoa Hà Nội, không lo về việc làm sau tốt nghiệp!
* Xin thầy cho biết, mức lương của sinh viên mới ra trường thường dao động trong khoảng bao nhiêu? Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm, cơ hội việc làm của các sinh viên ngành Năng lượng tái tạo như thế nào ạ?
Chúng tôi có tiến hành khảo sát các khóa sinh viên ra trường gần đây về chủ đề này. Mức lương của các em cơ bản là phù hợp và ở trên mặt bằng trung bình của xã hội. Cá biệt có em làm cho các doanh nghiệp nước ngoài, tổng thu nhập còn hơn mức trên vài lần, nếu các em ra nước ngoài làm việc thì có thể lên tới 1 tỷ/ năm như ở Nhật.
Nhưng tính về con đường lâu dài cho sự nghiệp, đây là ngành cần tích lũy kinh nghiệm và nếu có chuyên môn sâu, thu nhập các em sẽ ngày càng nhiều hơn, đặc biệt các em chủ động lập doanh nghiệp riêng.
Về tỷ lệ có việc làm đúng chuyên môn, rất đáng mừng khi hầu hết các sinh viên đều làm đúng ngành được đào tạo là Hệ thống điện. Nhiều doanh nghiệp về NLTT đang rất chờ đón các khóa đầu tiên K66 của Đại học Bách khoa Hà Nội ra trường vào năm 2024.
Học tại Bách khoa Hà Nội, chúng tôi luôn nhấn mạnh với sinh viên: Các em không lo về việc làm sau khi ra trường. Điều quan trọng là xây dựng chiến lược định hướng nghề nghiệp lâu dài.
* Xin cảm ơn thầy về cuộc trò chuyện!
3 “nhà” gắn bó, ngành NLTT nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển bền vững
“Hiện nay, xu thế chung là đào tạo gắn với doanh nghiệp và nghiên cứu khoa học. Rất mong Chính phủ, các Bộ/ngành tạo điều kiện cho chúng tôi tham gia các hoạt động khoa học chuyên sâu, để các sinh viên cùng làm nghiên cứu khoa học; các giảng viên tham gia nhiều hoạt động để nâng cao năng lực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tham gia các hoạt động chung của Nhà trường, thấy được vai trò chung sức trong đào tạo nhân lực là việc làm tốt cho chính doanh nghiệp và cho toàn xã hội.
Sự gắn bó mật thiết giữa Nhà nước – Nhà trường – Nhà doanh nghiệp sẽ nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo phát triển bền vững cho ngành NLTT, góp phần vào sự nghiệp CNH – HĐH đất nước”.
TS. Nguyễn Đức Tuyên - Giám đốc CTĐT CTTT Hệ thống điện và Năng lượng tái tạo - Đại học Bách khoa Hà Nội