Năm học 2023-2024 của Bách khoa Hà Nội sẽ mang đến nhiều kết quả đáng mong đợi cho sự phát triển của đất nước

Thứ năm - 21/09/2023 11:17
Năm học 2023-2024 của Bách khoa Hà Nội sẽ mang đến nhiều kết quả đáng mong đợi cho sự phát triển của đất nước
Đây là kỳ vọng của PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc đại học khi chia sẻ về thời điểm vàng của lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam tại Hội nghị Tổng kết nhiệm vụ năm học 2022-2023 và Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024.

Tại Hội nghị, Giám đốc đại học công bố những thành tựu của Đại học trong công tác chuyển đổi mô hình, tuyển sinh, đào tạo, đảm bảo chất lượng, nghiên cứu khoa học, chuyển đổi số, hợp tác quốc tế và cải thiện môi trương dạy và học cùng 7 nhiệm vụ trọng tâm năm học mới với 36 nội dung và 55 chỉ tiêu đánh giá được công bố.

Dấu mốc quan trọng ĐHBK Hà Nội trong năm học 2022-2023
Ngày 2/12/2022, ĐHBK Hà Nội được chuyển đổi mô hình tổ chức từ Trường đại học thành Đại học theo Quyết định số 1512/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cả quá trình phấn đấu trường kỳ của nhiều thế hệ người Bách khoa.

Tháng 3/2023, Bộ GD&ĐT ký đầy đủ các Quyết định hoàn thiện bộ máy quản trị của Nhà trường. Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục nhiệm kỳ 2020-2025 trong quá trình chuyển đổi mô hình để khẳng định sự nhất quán trong sứ mạng, tầm nhìn và giá trị cốt lõi.
 
381567619 671041778483009 2376359129805289581 n
PGS. Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc đại học, thuyết trình báo cáo tại Hội nghị
Bộ máy tổ chức đang dần hoàn thiện với 40 đơn vị thuộc/trực thuộc. Dự kiến mô hình hoạt động theo các Ban, các Trung tâm mới và công tác nhân sự sẽ sớm hoàn thành trong tháng 9/2023.

Để bổ sung cho nguồn giảng viên chất lượng cao của Đại học đang không đáp ứng kịp nhu cầu tuyển sinh, Bách khoa Hà Nội tập trung vào 2 đề án “Thu hút giảng viên xuất sắc” và “Tạo nguồn giảng viên giai đoạn 2023-2030” với mục tiêu tuyển dụng và xây dựng nguồn nhân lực kế cận đảm bảo được tính bền vững trong chiến lược phát triển ĐHBK Hà Nội.

Về tăng cường chuyển đổi số trong quản lý và đào tạo, phần mềm eHUST phiên bản 2.0 được đẩy mạnh với nhiều tính năng được tích hợp mới như chữ ký số, hệ thống hành chính D-Office và kênh thanh toán trực tuyến Viettel Pay.

Nền tảng hệ thống quản lý học liệu số (LCMS) đã được hình thành, cho phép cập nhật học liệu số trên nền tảng eHUST và xây dựng kết nối giữa các hệ thống để sinh viên và giảng viên có thể khai thác sử dụng. Cụ thể, đã có trên 73% học liệu được đưa lên hệ thống quản lý đào tạo.

Tuy nhiên, theo Giám đốc đại học, điều quan trọng là cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác thay đổi tư duy người dạy và người học đối với việc sử dụng các ứng dụng CNTT và học liệu số trong dạy và học. Gần đây, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) chính thức ra mắt hệ thống Đại học số PTIT, thể hiện minh chứng cho xu hướng chuyển đổi số tất yếu trong giáo dục đại học.

Trong năm học vừa qua, các hoạt động tăng cường đảm bảo chất lượng tiếp tục được đẩy mạnh. Đại học Bách khoa Hà Nội là một trong số ít các đại học Việt Nam được kiểm định cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn nước nước ngoài, với khoảng 64% chương trình đào tạo đạt kiểm định tiêu chuẩn quốc tế.

Bên cạnh đó, công tác tuyển sinh đại học được đổi mới đồng bộ, thể hiện ở kết quả tuyển sinh tốt ở tất cả chương trình, với 8,660 sinh viên nhập học, đạt 100,1% chỉ tiêu đề ra. Tỉ lệ sinh viên EliTech chiếm khoảng 20%, tăng 3% so với năm trước. Theo thống kê về chất lượng sinh viên đầu vào, 7,86% tỷ lệ SV trúng tuyển theo tổ hợp A00 và A01 nằm trong top 5% cả nước; 19% thí sinh trúng tuyển đạt từ 29,0 điểm trở lên khối A00 và 15% thí sinh trúng tuyển đạt từ 28,0 điểm trở lên khối A00 trên cả nước lựa chọn trở thành sinh viên Bách khoa Hà Nội.

Học bổng sau đại học cũng được chú trọng với tổng kinh phí đạt gần 4 tỷ đồng cho 115 lượt học viên cao học và 10 nghiên cứu sinh 6 tháng đầu năm 2023. Nhiều đơn vị chuyên môn đã chủ động tìm kiếm nguồn tài trợ, như Học bổng tài năng Viettel cho học viên cao học Trường Điện – Điện tử, học bổng VinGroup, Viện Tin học quốc gia Nhật Bản cho học viên cao học Trường CNTT&TT. Trong năm vừa qua, số nghiên cứu sinh nhập học tăng 1,33 lần và số học viên cao học nhập học tăng 1,05 lần so với năm trước.

Về khoa học công nghệ, mặc dù gặp phải nhiều khó khăn về nguồn quỹ nghiên cứu từ nhà nước, số bài báo Scopus của các nhà khoa học Bách khoa Hà Nội tăng trưởng đáng kể. Nghiên cứu khoa học cũng là định hướng quan trọng của Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới.

Trong năm học qua, Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục tăng cường hợp tác doanh nghiệp, đẩy mạnh hội nhập quốc tế thông qua hợp tác với UBND các tỉnh và các khu công nghiệp tại Đồng bằng sông Hồng, với doanh nghiệp trong nước (đặc biệt là doanh nghiệp cựu sinh viên), tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài và liên kết mạng lưới khối trường đại học kỹ thuật (G3 – 3 Bách khoa, G7 – 7 trường đại học khoa học kỹ thuật hàng đầu và G28 – CLB Các trường Khoa học kỹ thuật Việt Nam).
 
380246431 669115808675606 7129824268415417654 n
Tòa nhà C7 thuộc dự án SAHEP được khánh thành vào tháng 6/2023
Tháng 6/2023, dự án SAHEP đã được hoàn thiện với Lễ Khánh thành tòa nhà C7 và 15 Phòng thí nghiệm đào tạo, 15 Phòng thí nghiệm nghiên cứu. Nhiều tòa nhà tại Ký túc xá được sửa chữa và đấu thầu sữa chữa. Cơ sở vật chất phục vụ người học đã được cải tạo tối đa, có thể kể đến hạ tầng cho khối Quốc phòng an ninh, Giáo dục thể chất...

Các dịch vụ hỗ trợ người học như tư vấn tâm lý, học tập được chú trọng. Cách đây hơn 1 năm, Nhà trường triển khai Bộ 6 quy tắc văn hóa giao tiếp trong nhà trường và môi trường mạng. “Những việc tuy nhỏ nhưng có thể mang lại hiệu quả và tầm ảnh hưởng lớn”, PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định.

Biến những “niềm tin tạm ứng” thành hiện thực
Trong Báo cáo Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024, PGS. Huỳnh Quyết Thắng nêu 3 điểm mấu chốt là lý do tại sao năm học này mang đến nhiều kỳ vọng đáng mong đợi.

Một là, Đại học Bách khoa Hà Nội vừa chuyển đổi mô hình thành đại học, được Đảng, Chính phủ và xã hội công nhận có sức mạnh và năng lực trở thành đơn vị tiên phong trong giáo dục.

Hai là, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, tiềm lực của Bách khoa Hà Nội đang đứng đầu với tỉ lệ tiến sỹ cao nhất trong các cơ sở giáo dục đại học trong nước.

Ba là, Việt Nam đang có cơ hội vàng khi được kỳ vọng là một đối tác đáng tin cậy trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Song song với thời cơ này, Giám đốc đại học bày tỏ trăn trở làm thế nào sinh viên Bách khoa có đủ những kỹ năng, kiến thức, năng lực sáng tạo để có thể nổi bật và khác biệt không chỉ trong thị trường lao động Việt Nam mà còn ở môi trường làm việc quốc tế.

Về nghiên cứu, PGS. Huỳnh Quyết Thắng hi vọng cần thể hiện chất lượng bài báo ở hiệu quả và những đóng góp thực tế cho sự phát triển của xã hội. Để vượt qua “bẫy mai rùa trung bình”, cần đẩy mạnh thu hút đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học.
 
380343258 671041875149666 97570617073014754 n
PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc đại học, thuyết trình tại Hội nghị
Trong bài thuyết trình “Nâng cao chất lượng nghiên cứu trên nền tảng liên kết các mạng lưới” của PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Giám đốc đại học, hệ sinh thái nghiên cứu – sáng tạo – khởi nghiệp của Bách khoa Hà Nội đến nay đã khá hoàn thiện: Bắt đầu từ các nhóm nghiên cứu, Phòng thí nghiệm, các cuộc thi sinh viên NCKH và khởi nghiệp, đến trung tâm ươm mầm, văn phòng chuyển giao công nghệ, Quỹ BK Fund và mạng lưới CSV với vai trò hỗ trợ về nguồn lực, cuối cùng là các công ty khởi nghiệp/khởi nguồn.

Trong giai đoạn này, Bách khoa Hà Nội sẽ tập trung vào 4 nhóm ngành chính bao gồm năng lượng và môi trường bền vững, công nghệ dữ liệu và hệ thống thông minh, vật liệu mới, khoa học và công nghệ sức khỏe với lĩnh vực nghiên cứu đột phá là công nghệ chip và bán dẫn.

Trong các chuyến làm việc với Chính phủ Mỹ về lĩnh vực này, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn được nêu tên trong bản đồ đào tạo chip bán dẫn hàng đầu tại Việt Nam. PGS. Huỳnh Đăng Chính tin rằng Bách khoa Hà Nội đã và đang có những sự chuẩn bị kỹ càng cho cuộc chạy đua về đào tạo nhân sự trong lĩnh vực vi mạch.

Chia sẻ trước khi kết thúc Hội nghị, Giám đốc đại học khẳng định thời điểm hiện nay là cơ hội vàng của lĩnh vực khoa học công nghệ tại Việt Nam: “Đây là khi chúng ta cần sự kiên trì và nhiệt huyết, nắm bắt cơ hội đang đến để không tụt lùi và lạc hậu. Chúng ta cần biến những ‘niềm tin tạm ứng’ mà xã hội đang dành cho Bách khoa Hà Nội thành hiện thực. Tôi kỳ vọng năm học 2023-2024 sẽ mang đến những kết quả đáng mong đợi.”
 
7 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 bao gồm:
1️⃣ Hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cho giai đoạn phát triển mới
2️⃣ Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, đào tạo và hỗ trợ người học
3️⃣ Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và thành công của người học
4️⃣ Tăng cường công tác truyền thông hướng nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh
5️⃣ Thúc đẩy, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả nghiên cứu
6️⃣ Tăng cường hợp tác liên kết mạng lưới đại học/viện nghiên cứu và đẩy mạnh quốc tế hóa
7️⃣ Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất
 
379837200 671041865149667 5148614542761840463 n
379842904 671042041816316 6124326480296377461 n
380346495 671041928482994 1825126674727810723 n
380238365 671042285149625 4664188470721943669 n
380343516 671042238482963 8090954860150134964 n
380355471 671042455149608 3586310564018770476 n
380546685 671042488482938 5926589280550556079 n
381998754 671042335149620 6228503955232337882 n
 
Ảnh: Duy Thành

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây