Cực kỳ nghiêm khắc, cực kỳ yêu thương để xây dựng những gì tốt nhất!

Thứ ba - 13/02/2024 20:00
PGS. Phạm Nguyễn Thanh Loan
PGS. Phạm Nguyễn Thanh Loan
Sinh sống và học tập gần chục năm ở trời Tây, nhưng giá trị khiến tân PGS. Phạm Nguyễn Thanh Loan, Giám đốc CTTT Hệ thống nhúng thông minh và IoT, giảng viên Trường Điện - Điện tử ấn tượng nhất về Bách khoa Hà Nội gói gọn trong hai chữ “truyền thống”. Đối với chị, truyền thống của Bách khoa là sự gắn kết trong hành trình xây dựng và lưu giữ những gì tốt nhất.

Tình cảm với Bách khoa Hà Nội: Cái nghĩa, cái tình
Sau khi hoàn thành khoá luận Tiến sỹ tại Pháp, chị Loan thay đổi quyết định ở lại định cư và quay về Việt Nam cùng chồng, một CSV Bách khoa Hà Nội. “Tình yêu Bách khoa Hà Nội của anh ấy đã truyền cảm hứng cho tôi” - PGS. Thanh Loan kể lại cơ duyên gắn bó với Bách khoa.

Bố là giảng viên ĐHBK Đà Nẵng, bản thân yêu thích công việc nghiên cứu, nghề giáo đến với chị không phải cảm xúc nhất thời mà là mong muốn được ấp ủ từ lâu.

Những ngày tháng đầu sống tại Hà Nội, không bạn bè, không họ hàng ngoài gia đình nhà chồng, chị gặp nhiều khó khăn do khác biệt về văn hoá, lối sống. “Nhưng giảng dạy và nghiên cứu là lựa chọn của tôi. Thật may mắn, tôi quen được những người đồng nghiệp tốt”, chị kể về những kỷ niệm được hướng dẫn cặn kẽ từ phương pháp giảng dạy đến cách thức quản lý lớp, và cơ hội được tham gia thiết kế chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng.

Sau 2 năm, tình yêu với Bách khoa càng mãnh liệt vì nơi đây có những đồng nghiệp và sinh viên đáng quý. Chính người Bách khoa đã giữ chân chị ở lại và gắn bó với nơi này hơn 10 năm. PGS. Thanh Loan “thở phào” khi hoàn thành “kế hoạch 10 năm lần 1”.

Đối với chị, chức danh PGS không phải đích đến. Mục tiêu của giảng viên Thanh Loan khi mới bước vào Bách khoa những ngày đầu là sau 10 năm nhận được sự công nhận của cộng đồng khoa học vùng và xây dựng những mối quan hệ chất lượng. Và bây giờ, chị Thanh Loan đặt kế hoạch cho 10 năm tiếp theo!

Cực kỳ nghiêm khắc, cực kỳ yêu thương
“Bách khoa có truyền thống tự nhiên như hơi thở: Gắn kết để xây dựng những gì tốt nhất,” PGS. Thanh Loan chiêm nghiệm. Sinh viên phải là sinh viên tốt nhất, qua quá trình đào tạo phải trở thành người kỹ sư tốt nhất. Chính sách, cơ chế, CTĐT luôn điều chỉnh với mục tiêu trở nên tốt hơn.

Sinh viên Bách khoa có sự hiếu học, tinh thần vươn lên và khát khao học tập lớn. “Tôi luôn mong muốn thúc đẩy ước mơ của sinh viên bộc phá hơn, mạnh mẽ hơn”, chị cho biết nếu tiếp cận văn hoá nước ngoài, trở nên chủ động, tự tin thì sinh viên Bách khoa không thua kém các bạn đồng lứa từ nước khác.

“Đi học hay đi làm đều tốt”. 80% sinh viên được nhận vào lab do PGS. Thanh Loan hướng dẫn với lý do muốn đi nước ngoài. Chỉ khi vươn khỏi luỹ tre làng mới hiểu được những bài học về Singapore nhỏ bé nhưng bán được sản phẩm trên toàn cầu, hay Nhật Bản và Hàn Quốc đều chịu những ảnh hưởng của chiến tranh nhưng có thể trở thành các quốc gia phát triển và hùng mạnh.

Sau 10-20 năm, những CSV thành đạt có thể trở thành đồng nghiệp, nhận nghiên cứu sinh hay tuyển dụng sinh viên của chị vào các tập đoàn lớn. Đó là khi truyền thống tiếp tục được kế thừa.
 
20231213 CBO 1032
PGS. Thanh Loan cùng các sinh viên trong lab nghiên cứu
PGS. Thanh Loan tự nhận mình là một giảng viên nghiêm khắc và nguyên tắc.

Chị quan niệm, kỷ luật trong khuôn khổ là tự do, không phải ràng buộc. Sinh viên có thể tự do trao đổi ý kiến, phát biểu không cần đứng dậy nhưng phải giữ thái độ tôn trọng giảng viên và bạn cùng lớp. Sinh viên được tự do vào phòng lab nghiên cứu với điều kiện không được sử dụng những máy móc mình chưa biết cách dùng. Kỷ luật cho phép tự do của tập thể, từ đó mới đảm bảo tự do của cá nhân.

Kỳ học vừa qua, chị nhận được 3,9/4 điểm đánh giá của sinh viên về sự tận tuỵ. Bí quyết của người giảng viên là “cực kỳ nghiêm khắc, cực kỳ yêu thương”. Không chỉ chuyên môn giỏi và kiến thức sâu, nghề giáo còn yêu cầu kỹ năng sư phạm và những cố gắng liên tục cải tiến bài giảng. Trong mỗi lớp, chị cố gắng nhớ tên sinh viên, đặc biệt là các bạn học yếu. Bài giảng được xây dựng và truyền tải với đa dạng phương thức để phù hợp với nhiều nhóm người học.

Giảng viên Loan cũng không ngần ngại dạy sinh viên về cách hành xử, sự chính trực và công bằng. “Trước hết, mình phải là tấm gương”, chị quan niệm điều quan trọng nhất là những kiến thức và kỹ năng mà sinh viên nhận được từ mình.

Nghiên cứu là lắng nghe sự rung động của trái tim
Những ngày đầu về trường, giảng viên Trường Điện - Điện tử quyết định theo đuổi Thiết kế vi mạch tương tự, định hướng khác với hướng nghiên cứu tiến sỹ nhưng phù hợp với môi trường Bách khoa.

Hơn 10 năm trước, không nhiều người quan tâm đến thiết kế vi mạch vì cho rằng đây là hướng nghiên cứu “xa vời”. Nhưng theo quan điểm của PGS. Thanh Loan, điều quan trọng với một nhà nghiên cứu là biết bản thân rung động với chủ đề gì.

“Cứ thấy chủ đề nào ‘hot’ mà chạy theo thì đa tình quá, không phải tôi”, chị Loan cười chia sẻ. Chọn đề tài theo xu hướng không phải là cách làm bền vững. Sự tự tin của chị đến từ việc biết rõ bản thân muốn gì và cần làm gì để đạt được những mong muốn ấy.

Để đi xa trong nghiên cứu khoa học cần sự hợp sức của một mạng lưới học giả và doanh nghiệp. Hiện nay, nhóm nghiên cứu của PGS. Loan có 4 dự án với 4 giáo sư Hàn Quốc và 1 dự án với giáo sư Mỹ. “Đây chính là động lực thôi thúc tôi: Tôi phải được học, sinh viên của tôi cũng phải được học”, làm việc với những giáo sư có tiếng là cơ hội tốt để cho ra đời những kết quả và bài báo nghiên cứu chất lượng.

Cũng nhờ những mối quan hệ này, sinh viên của nhà khoa học trong lĩnh vực vi mạch có thêm nhiều cơ hội tham gia các lab nghiên cứu nước ngoài. Để những mối quan hệ có thể kéo dài đến 10 năm, 20 năm chứ không chỉ dừng lại ở 1-2 năm, điều quan trọng nằm ở sự uy tín và liêm chính học thuật bởi chỉ một bước đi sai có thể đánh mất niềm tin rất nhanh dù quá trình gây dựng nó không hề dễ dàng.

Đối với PGS. Thanh Loan, những thế hệ sinh viên từ K51-K64 đang làm việc ở khắp các công ty vi mạch tương tự tại Hà Nội và nhiều nơi trên thế giới là điều khiến chị tự hào nhất. “Tôi hi vọng những thành tựu kế tiếp sẽ ngọt hơn, mọng hơn, chất hơn!”, PGS. Thanh Loan mong muốn tiếp tục tạo ra những thay đổi về chất trong đào tạo và nghiên cứu, đóng góp xây dựng một cộng đồng học thuật uy tín trong lĩnh vực vi mạch.

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây