Đại học đẳng cấp quốc tế: Trông người, ngẫm ta

Thứ bảy - 10/02/2024 20:00
GS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Bách khoa Hà Nội
GS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Bách khoa Hà Nội
Về mặt nguyên lý, ba nhóm yếu tố để cấu thành một đại học (ĐH) đẳng cấp quốc tế gồm tập trung tài năng, nguồn lực tài chính dồi dào và quản trị thuận lợi. Việc nhìn nhận mức độ đáp ứng các nhóm yếu tố này trong thực tiễn Việt Nam là điều cần thiết, vừa định vị được vị trí của ĐH, vừa làm cơ sở đối sánh để định hướng xây dựng chiến lược phát triển và trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế.

Các bảng xếp hạng xếp hạng quốc tế như QS (Quacquarelli Symonds), THE (Times Higher Education) đánh giá xếp hạng ĐH, xếp hạng nhóm ngành, xếp hạng ảnh hưởng theo 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), xếp hạng theo danh tiếng... theo các bộ tiêu chí được công khai. Kết quả xếp hạng một ĐH theo các bảng xếp hạng khác nhau có thể khác nhau do quan điểm xếp hạng hoặc do mức độ ưu tiên của mỗi ĐH nhưng ở mức độ nào đó nó cho chúng ta một góc nhìn khá thực tế về các ĐH top đầu của thế giới.

"Không nên chạy theo xếp hạng ĐH nhưng các ĐH Việt Nam có thể tham khảo các bộ tiêu chí công khai của các bảng xếp hạng ĐH như là một phần trong những mục tiêu của chiến lược phát triển.” GS. Lê Anh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng đại học Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK Hà Nội) nhìn nhận.

“Chủ trương và quan điểm xuyên suốt của Đảng về giáo dục, đào tạo đã được cụ thể hóa trong nhiều văn kiện đại hội, trong nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng như Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành TW khóa 11/2013 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng và gần đây là Nghị quyết 45 của BCH TW khóa 13/2023 về Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới... Giáo dục đại học chính là nơi thực hiện sứ mạng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đây cũng là nơi phát triển và nuôi dưỡng tri thức, nền tảng quan trọng để gìn giữ truyền thống văn hóa, phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018) đi vào thực tiễn đã tạo ra bộ mặt mới cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, tự chủ ĐH chính là động lực để các ĐH định hướng trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế” – mở đầu cuộc trao đổi, GS. Lê Anh Tuấn chia sẻ. 
20230314 CBO 4467
GS. Lê Anh Tuấn phát biểu tại một cuộc họp của Hội đồng đại học ĐHBK Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
1. Ba nhóm yếu tố cấu thành một ĐH đẳng cấp quốc tế

Theo GS. Lê Anh Tuấn, chuẩn mực chung để trở thành một đại học đẳng cấp quốc tế được cấu thành bởi 3 nhóm yếu tố chính, gồm: Tài năng (tập trung); Nguồn lực tài chính (dồi dào) và Quản trị (thuận lợi).

Cụ thể: Tài năng (tập trung): Đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, người lao động xuất sắc, tài năng chính là tài sản lớn nhất của một cơ sở giáo dục ĐH, là động lực cho sự phát triển trên mọi lĩnh vực hoạt động. Sinh viên xuất sắc từ đầu vào cũng như đầu ra chính là giá trị về tri thức quan trọng nhất mà một ĐH có thể mang lại cho xã hội và cộng đồng. Trong môi trường quốc tế hóa, tài năng không chỉ hội tụ từ các vùng miền khác nhau của đất nước mà còn đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Nguồn lực tài chính (dồi dào): Nguồn lực tài chính là cơ sở để có khuôn viên hiện đại, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và định hướng khoa học công nghệ; tài chính cũng là yếu tố đảm bảo và hấp dẫn trong tập trung tài năng. Đối với một ĐH đẳng cấp quốc tế, nguồn lực tài chính chủ yếu đến từ ngân sách Nhà nước, kinh phí hiến tặng, học phí và tài trợ nghiên cứu.

Quản trị (thuận lợi): Các Luật và quy chế, quy định liên quan do Nhà nước ban hành tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ĐH phát triển; Cơ chế tự chủ và tự do học thuật là nền tảng cho các quy chế, quy định và quy trình nội bộ được xây dựng và vận hành; Đội ngũ lãnh đạo có khả năng truyền cảm hứng, kiên trì và đặt cao tính cam kết; Tầm nhìn chiến lược và văn hóa xuất sắc.

Sự giao thoa của 3 nhóm yếu tố này tạo ra ĐH đẳng cấp quốc tế - WCU (World Class University). Độ giao thoa càng lớn thể hiện tầm ảnh hưởng và giá trị càng cao của sản phẩm đào tạo, sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm chuyển giao công nghệ mà ĐH đóng góp cho khoa học, cho xã hội và cộng đồng như được thể hiện ở biểu đồ. (Hình 1) 
Hình 1: Đặc trưng của đại học đẳng cấp quốc tế
Nguồn: Jamil Salmi, The challenge of establishing world-class universities, The World Bank, 2009.
2. “Định vị” Đại học Bách khoa Hà Nội

Trao đổi với Đặc san Đại học Bách khoa Hà Nội, GS. Lê Anh Tuấn khẳng định ĐHBK Hà Nội có đủ 3 nhóm yếu tố để trở thành một ĐH đẳng cấp quốc tế.

Đi sâu phân tích từng nhóm yếu tố, GS. Lê Anh Tuấn – với góc nhìn “người trong cuộc” rất thẳng thắn “định vị” ngôi trường ông đã gắn bó từ thời sinh viên.

1. Về Quản trị thuận lợi, ĐHBK Hà Nội có hệ thống quản trị được xây dựng trên nền tảng của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018). Linh hồn của Luật số 34 là cơ chế tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình, đặc trưng cốt lõi của nhóm yếu tố Quản trị thuận lợi.

Tại ĐHBK Hà Nội, bên cạnh Chiến lược phát triển 2017- 2025, tầm nhìn đến năm 2030, được ban hành năm 2017, hệ thống các quy chế, quy định và quy trình nội bộ đã được xây dựng và nhiều lần sửa đổi, tạo thuận lợi và đảm bảo cho các hoạt động quản trị, điều hành được diễn ra theo đúng mục tiêu chiến lược và kế hoạch chiến lược.

Việc chuyển đổi mô hình thành đại học theo Quyết định số 1512/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở để ĐHBK Hà Nội tiếp tục quá trình tái cơ cấu và tối ưu bộ máy. Đến tháng 12 năm 2023, bộ máy ĐHBK Hà Nội gồm 5 Trường, 6 Viện/Trung tâm nghiên cứu, 3 Khoa đại cương, 4 Khoa quản ngành, 1 Văn phòng, 11 Ban, 8 Trung tâm dịch vụ & hỗ trợ và 1 Viện đào tạo đang trong quá trình chuyển đổi thành Trường. Hệ thống doanh nghiệp BK-Holdings là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khởi nguồn. Mô hình tiên tiến, bộ máy quản trị, điều hành tinh gọn, quản trị theo tiếp cận chia sẻ dựa trên nền tảng số là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.

Kiểm định chất lượng đại học, kiểm định chương trình đào tạo theo các chuẩn mực quốc tế, kết hợp với một hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong ngày càng hoàn thiện thể hiện trách nhiệm giải trình ngày càng cao của một cơ sở giáo dục ĐH tự chủ.

ĐHBK Hà Nội với danh tiếng là một cơ sở giáo dục ĐH hàng đầu về kỹ thuật và công nghệ. Văn hóa với bề dày giá trị truyền thống và bản sắc về tính kỷ luật, chính trực, cam kết và trách nhiệm, ngày càng được bồi đắp bằng tính sáng tạo đang tiếp tục tạo dựng nên những con người Bách khoa Hà Nội xuất sắc, chính trực, trách nhiệm và sáng tạo.

2. Về Tập trung tài năng, sinh viên nói riêng và người học nói chung chính là yếu tố trung tâm phản ánh mức độ tập trung tài năng của một cơ sở giáo dục ĐH. Trong gần 68 năm phát triển, ĐHBK Hà Nội luôn là một trong những cơ sở giáo dục ĐH ở Việt Nam có chất lượng tuyển sinh đầu vào rất tốt, là nơi hội tụ những tài năng là người học.

ĐHBK Hà Nội tự hào là cơ sở giáo dục ĐH có đội ngũ giảng viên, nhà khoa học có chuyên môn giỏi, năng động và uy tín. Có thể khẳng định đội ngũ là điểm mạnh nổi trội của ĐHBK Hà Nội. Hiện Nhà trường có 1066 giảng viên trong tổng số 1690 cán bộ viên chức, trong đó 76,7% giảng viên có trình độ tiến sỹ, rất cao so với mức trung bình 32,4% của cả nước; tỷ lệ giảng viên có học hàm GS và PGS chiếm 25,1%. Những con số này là minh chứng sinh động về sức mạnh của đội ngũ, động lực quan trọng của sự phát triển.

Trong bối cảnh còn nhiều ràng buộc về quy định liên quan đến thu hút và phát triển đội ngũ, ĐHBK Hà Nội đang nỗ lực thực hiện một số chính sách về thu hút giảng viên xuất sắc, về tạo nguồn giảng viên, về mạng lưới giảng viên và chuyên gia thân thiết quốc tế. Chủ trương quốc tế hóa đang ở trong giai đoạn đầu với việc triển khai ngày càng thực chất các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài ở trong và ngoài Việt Nam. Sự tham gia của một số giảng viên quốc tế vào các chương trình đào tạo Elitech, sự có mặt của sinh viên quốc tế trong các lớp học (dù tỷ lệ còn chưa cao) và các chương trình trao đổi giảng viên, sinh viên là những khởi đầu rất lạc quan.

Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và sáng tạo của sinh viên, ĐHBK Hà Nội mới thành lập Trung tâm Sáng tạo và Khởi nghiệp sinh viên với kỳ vọng sự xuất sắc và sáng tạo của sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để được hỗ trợ và nuôi dưỡng, cùng với sự đồng hành của Hệ thống doanh nghiệp BK-Holdings, mạng lưới cựu sinh viên và Quỹ BK-Fund.

3, Về Nguồn lực tài chính, “cần nhìn nhận đây là điểm yếu nhất của các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay, trong đó có ĐHBK Hà Nội” - GS. Lê Anh Tuấn mở đầu phân tích có đối sánh với một số ĐH đẳng cấp quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Đối với các ĐH đẳng cấp quốc tế (đặc biệt ở Mỹ), nguồn đầu tư từ quỹ hiến tặng (endowment fund) có thể lên tới hàng chục tỷ USD. ĐH Havard có quy mô quỹ hiến tặng đứng đầu thế giới với khoảng hơn 50 tỷ USD. Theo báo cáo tài chính công bố năm 2023 của ĐH này, trong tổng doanh thu xấp xỉ 6 tỷ USD thì nguồn từ quỹ hiến tặng chiếm 37% (2,2 tỷ USD). Quỹ hiến tặng thường được hình thành từ các nguồn hiến tặng và kinh phí đối ứng của Nhà nước hoặc của ĐH, tỷ lệ đối ứng mà ĐH Oxford của Anh quốc đưa ra trong chương trình gây quỹ năm 2015 là 2:1 (2 pound từ nhà hiến tặng, đối ứng 1 pound từ quỹ của ĐH). Rất tiếc Việt Nam chưa có cơ sở pháp lý để xây dựng quỹ này.

Nguồn kinh phí đến từ tài trợ nghiên cứu và thông qua các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng. Thời gian vừa qua, ĐHBK Hà Nội đã khai thác khá tốt nguồn này, tuy nhiên, vẫn chưa xứng tầm với quy mô một ĐH đẳng cấp quốc tế do thực tiễn hợp tác giữa ĐH và doanh nghiệp còn nhiều rào cản và hạn chế.

Báo cáo thường niên của ĐHBK Hà Nội năm 2022 chỉ rõ nguồn học phí chiếm khoảng 53,4% tổng thu khoảng 1.425 tỷ đồng của đại học; nguồn kinh phí tài trợ cho nghiên cứu, hợp tác doanh nghiệp và dịch vụ chiếm 20,1% tổng thu; 26,5% nguồn thu còn lại chủ yếu đến từ kinh phí thuộc dự án SAHEP với nguồn vốn vay từ Ngân hàng thế giới. Có thể nói cơ cấu nguồn thu như trên là khá lý tưởng trong điều kiện hiện nay, mặc dù tỷ trọng nguồn thu từ học phí vẫn là chủ đạo. Trong những năm tới, khi dự án SAHEP đã hoàn thành, tổng thu của toàn ĐH sẽ có xu hướng giảm, tỷ trọng nguồn thu từ học phí sẽ tăng lên nếu các giải pháp tăng nguồn thu ngoài học phí không được hoặc không có cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ.

Từ phân tích 3 nhóm yếu tố ở trên chúng ta có thể hình dung được vị trí của ĐH Việt Nam và vị trí của ĐHBK Hà Nội trong bản đồ ĐH đẳng cấp quốc tế. Điểm mạnh nhất mà chúng ta có đó là cơ hội tập trung tài năng. Tuy nhiên do hạn chế về nguồn lực tài chính và khiêm tốn trong nhóm yếu tố quản trị nên sự giao thoa giữa từng cặp trong 3 nhóm yếu tố thậm chí còn khá mỏng dẫn tới phần giao thoa của cả 3 nhóm yếu tố (phần WCU ở Hình 1) hoặc chưa xảy ra hoặc ở mức rất khiêm tốn. Nguyên nhân chính có thể nhìn nhận như sau:

- Hệ thống quy chế quy định của Nhà nước mặc dù đã có nhiều điểm đột phá nhưng chưa thực sự thuận lợi, có những điểm chồng chéo, mâu thuẫn khiến các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam chưa thể vượt qua được;

- Quy mô tài chính đang phụ thuộc chủ yếu vào học phí;

- Hạn chế về nguồn lực tài chính khiến khả năng đầu tư cho phát triển khuôn viên, phát triển cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu, bên cạnh đó việc tập trung tài năng chỉ được phát huy ở một mức độ nhất định.
GS. Lê Anh Tuấn cùng các sinh viên Trường Cơ khí, ĐHBK Hà Nội trong ngày vui tốt nghiệp. Ảnh: Duy Thành
3. Hướng tới mục tiêu ĐH đẳng cấp quốc tế: Một số bài toán cần lời giải ở cấp vĩ mô và quyết tâm của lãnh đạo đại học

GS. Lê Anh Tuấn nhấn mạnh đến các đặc điểm nhận diện khi đề cập tới việc chuẩn bị những nền tảng để ĐHBK Hà Nội – một cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam có tầm nhìn trở thành một đại học nghiên cứu đa ngành, đa lĩnh vực, với nòng cốt là kỹ thuật công nghệ hướng tới trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế. Cụ thể:

1. Đối với một ĐH đẳng cấp quốc tế có định hướng về nghiên cứu, tỷ trọng đào tạo sau đại học luôn cao hơn các ĐH định hướng giảng dạy. Tỷ lệ này đồng thời phản ánh mức độ tập trung tài năng trong đào tạo trình độ cao, trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và ảnh hưởng.

2. Một ĐH định hướng nghiên cứu, nguồn lực tài chính phải dồi dào nhất trong tất cả các mô hình ĐH. ĐH nghiên cứu cần đầu tư vượt trội cho khuôn viên, cơ sở vật chất hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu. Một ĐH đẳng cấp quốc tế không thể không có các trung tâm nghiên cứu xuất sắc được đầu tư tập trung với trang thiết bị và công nghệ hàng đầu.

3. Hệ thống quản trị cần tạo thuận lợi ở mức cao nhất, trong đó, các chính sách phân tầng ĐH và ưu tiên đầu tư tập trung, trọng tâm, trọng điểm cần được Nhà nước triển khai. Trước khi “ngẫm ta”, thầy giáo Chủ tịch Hội đồng đại học ĐHBK Hà Nội đã “trông người”, lấy ví dụ thực tế cho những phân tích của mình:

Tại Trung Quốc, ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa được xác định là 2 cơ sở giáo dục ĐH top 2, được đầu tư nguồn lực rất lớn từ ngân sách. Nhà nước tạo ra những ưu đãi đặc biệt cho 2 ĐH này. Điển hình như, có giai đoạn, ĐH Bắc Kinh và ĐH Thanh Hoa được phép lựa chọn trước 50 sinh viên xuất sắc nhất từ mỗi tỉnh thành trên toàn quốc cho trường của mình trước khi các trường ĐH tuyển sinh. Đây là cơ chế ưu đãi rất đặc biệt để 2 ĐH của Trung Quốc tập trung tài năng.

Còn tại Singapore, để thúc đẩy văn hóa xuất sắc và đổi mới sáng tạo trong các đơn vị công lập, Singapore xây dựng Chương trình gây quỹ thông qua Dự án tái thiết dịch vụ công SP21. Đại học Quốc gia Singapore (NUS) là tổ chức được hưởng lợi từ Dự án SP21 ngay từ ngày đầu thành lập. Với Dự án này, nếu NUS thu hút được một khoản hiến tặng, chính phủ Singapore sẽ đầu tư một khoản gấp 3 lần để đưa vào quỹ hiến tặng của NUS. Hiện nay, quỹ hiến tặng này đã phát triển lên đến 5,9 tỷ USD, có đóng góp rất lớn vào sự phát triển của NUS.
CBO 0205
GS. Lê Anh Tuấn tặng Giấy khen của ĐHBK Hà Nội cho sinh viên tốt nghiệp xuất sắc (tháng 10/2023). Ảnh: Duy Thành
4. Thách thức trước mắt và nhu cầu cấp thiết định hình tương lai để huy động nguồn lực

“Soi” lại ĐHBK Hà Nội, theo GS. Lê Anh Tuấn, để hướng đến mục tiêu ĐH đẳng cấp quốc tế, thách thức lớn nhất với Nhà trường chính là cơ chế cho phép thu hút nguồn lực tài chính ngoài học phí đủ mạnh. Việc chưa có đủ cơ sở pháp lý để xây dựng quỹ hiến tặng, chưa có những chương trình/dự án để Nhà nước đối ứng cho các phần hiến tặng từ cá nhân và doanh nghiệp là một ví dụ điển hình.

Về hội tụ tài năng, ĐHBK Hà Nội đã có chính sách thu hút giảng viên xuất sắc, tạo nguồn giảng viên, học bổng, hỗ trợ cho người học. Tuy nhiên, do nguồn lực tài chính hạn chế và thiếu cơ sở pháp lý đủ mạnh nên các chính sách thu hút nhân tài chưa bền vững. Thu hút nhân tài không chỉ bằng lương mà cần phải tạo được môi trường để đảm bảo các nhà khoa học, các sinh viên xuất sắc có cơ hội phát triển.

Bên cạnh đó, GS. Lê Anh Tuấn cho rằng Nhà nước cần quan tâm điều chỉnh hợp lý các quy định hiện hành về sở hữu đối với sản phẩm nghiên cứu và cho phép giảng viên, nhà khoa học có kỳ dự nhiệm tại doanh nghiệp. Giảng viên tham gia doanh nghiệp là cơ hội để thâm nhập thực tiễn và thúc đẩy hợp tác khăng khít giữa ĐH và doanh nghiệp. Quy định không cho phép viên chức làm chủ doanh nghiệp hiện đang hạn chế các phát minh, sáng chế có thể khởi nghiệp, khởi nguồn được hoàn thiện sản phẩm, ươm tạo trước khi sản xuất hàng loạt và mang lại giá trị cho xã hội và cộng đồng.

Chiến lược phát triển ĐHBK Hà Nội 2017-2025 đang ở trong những năm cuối, việc tổng kết tình hình thực hiện chiến lược và xây dựng tầm nhìn hướng tới mục tiêu trở thành ĐH đẳng cấp quốc tế, thuộc nhóm hàng đầu châu Á theo tinh thần của Nghị quyết 14/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23 tháng 11 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là nhiệm vụ cấp thiết đối với ĐHBK Hà Nội. Nhiệm vụ này không chỉ là trách nhiệm của lãnh đạo ĐH mà còn là trách nhiệm của mỗi giảng viên, người lao động, người học và các bên liên quan.

Chiến lược phát triển trong giai đoạn sau 2025, tầm nhìn đến năm 2045 đồng thời cần đảm bảo tính thực tiễn, thích ứng tốt với tốc độ thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ, với bối cảnh thế giới nhiều biến động và bất ổn. Các mục tiêu chiến lược đủ thách thức nhưng không quá xa rời thực tế được đặt ra trong chiến lược phát triển chính là động lực để thúc đẩy tính năng động và sự sẵn sàng thay đổi của mỗi giảng viên, người lao động và người học ĐHBK Hà Nội.
Gia Hân (ghi)
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây