Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 06/10/2023 06:25
Khi sinh thời, Bác Hồ từng nói: “Đường đời là chiếc thang không có nấc chót, học tập là quyển vở không có trang cuối cùng”. Cả cuộc đời Người là tấm gương sáng về tự học với mục đích cao cả và nghị lực phi thường.
Ngày 5/10, Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Buổi nói chuyện chuyên đề “Bác Hồ với Giới trí thức Khoa học kỹ thuật và Đại học Bách khoa Hà Nội” cho toàn thể cán bộ viên chức, đoàn viên công đoàn và sinh viên toàn đại học. Buổi nói chuyện được tổ chức nhằm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời thúc đẩy việc nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị, xã hội trong Đại học.
Tại buổi nói chuyện, GS. Hoàng Chí Bảo đã kể nhiều câu chuyện ý nghĩa về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, những câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh với giới trí thức khoa học kỹ thuật và với Đại học Bách khoa Hà Nội. Sự kiện có sự tham gia trực tiếp của khoảng 1500 người và sự tham gia trực tuyến của khoảng gần 2500 cán bộ, giảng viên và sinh viên toàn Đại học.
GS. Hoàng Chí Bảo là một diễn giả, chuyên gia cao cấp, Nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương. Ông rất nổi tiếng với những câu chuyện về Chủ tịch HCM kính yêu của chúng ta, với mệnh danh là “Người kể chuyện về Bác Hồ, hay “Pho sử sống về Bác Hồ”.
Ông chia sẻ trong buổi nói chuyện: “Trong cuốn sách Lịch sử Đảng bộ ĐH Bách khoa Hà Nội 60 năm, tôi cứ ấn tượng mãi với một mệnh đề có lẽ là niềm tự hào chung của Bách khoa: Người thầy giáo của ĐHBK phải là nhà sư phạm mẫu mực, nhà khoa học uyên bác và nhà quản lý tài năng. Tôi hi vọng các thầy cô và các sinh viên, tri thức tương lai của đất nước, sẽ kế thừa truyền thống tốt đẹp này của ĐH Bách khoa Hà Nội anh hùng.”
Phát biểu tại buổi nói chuyện, PGS. Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Công đoàn ĐHBK Hà Nội trân trọng cảm ơn sự có mặt của GS. Hoàng Chí Bảo trong buổi nói chuyện tại ĐHBK Hà Nội. Ông cho biết buổi nói chuyện chuyên đề “Bác Hồ với giới trí thực khoa học kỹ thuật và ĐHBK Hà Nội”, được thực hiện với mục tiêu thúc đẩy và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể chính trị xã hội trong Đại học, cọi học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách HCM là việc làm thường xuyên, trong đó chú trọng việc làm theo thiết thực, gắn với thực hiện NQTW 4 khóa XI, khóa XII về xây dựng Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ ĐHBK Hà Nội lần thứ XXX.
Là trường đại học kỹ thuật đầu tiên được thành lập sau ngày giải phóng, Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự tự hào được đón Bác Hồ 3 lần về thăm. Trong lần thăm hỏi tình hình công tác, Người đã ân cần căn dặn: “Giáo dục phải kết hợp với lao động sản xuất, lý luận phải gắn với thực tiễn, học phải đi đôi với hành, nhà trường phải gắn liền với xã hội”.
Sau ngày Bác Hồ đến thăm, Đảng ủy và chính quyền Nhà trường đã khẩn trương tổ chức cho cán bộ và sinh viên học tập, quán triệt những lời dạy của Bác. Lời dặn dò của Bác như kim chỉ nan để thầy trò Nhà trường không ngừng phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học trong những năm qua.
Theo GS. Hoàng Chí Bảo, kể chuyện về Bác Hồ không chỉ là truyền bá tri thức và hiểu biết của mình về Bác, mà phải làm sao tự bản thân trong trái tim mình cũng phải có xúc cảm để chúng ta cổ vũ, thúc giục nhau học tập và làm theo tấm gương của Bác; để ai ai cũng muốn từ tư tưởng, di sản Hồ Chí Minh mà thấy được tầm vóc vĩ đại của lãnh tụ, thấy được cống hiến lịch sử vô giá của Người với dân tộc, với Đảng, với thế giới.
Ông mong muốn việc học tập, làm theo Bác trở thành một nhu cầu văn hóa thường xuyên, bền bỉ, tự giác của mỗi người, mỗi cơ quan, đoàn thể để đó không còn là “cuộc vận động” mà phải trở thành tình yêu, nhu cầu, tình cảm tự thân của mỗi người đối với Bác.
Hai sinh viên năm nhất từ Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Phạm Hùng Cường và Đào Tùng Dương có mặt từ hơn 7h30 để được vào nghe buổi nói chuyện về Bác Hồ. Tuy vậy, lúc Dương và Cường đến đã có một hàng dài xếp hàng từ trước. Hai bạn đều rất ấn tượng với những câu chuyện của GS. Hoàng Chí Bảo về Bác Hồ xem được trên YouTube, nên cảm thấy rất háo hức khi biết tin GS. Bảo sẽ về Bách khoa Hà Nội để trò chuyện với cán bộ và sinh viên Nhà trường.
Tùng Dương cho biết bản thân chưa từng được nghe nhiều câu chuyện và chi tiết như vậy về Bác. “GS. Bảo luôn nói đừng thần thánh hóa Bác, nhưng tôi cảm thấy thêm tự hào và thấu hiểu Người hơn rất nhiều qua những câu chuyện đời thường, giản dị mà ý nghĩa”, Dương chia sẻ.
Còn Hùng Cường cảm thấy bản thân cần cố gắng hơn trên con đường học tập và trưởng thành của mình, bởi “theo lời dạy của Bác Hồ, để trở thành người tri thức cần đóng góp cho xã hội, không chỉ giữ cho riêng mình.”