Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 07/11/2024 22:30
Mỗi kỳ phỏng vấn theo phương thức xét tuyển tài năng vào Đại học Bách khoa Hà Nội, học sinh thường “kháo” nhau: Muốn giao tiếp ngoại ngữ gì, các thầy/cô Bách khoa chiều hết! Thực tế, đa số giảng viên Bách khoa Hà Nội đều du học nước ngoài, không ít người học tập tại các trường đại học danh tiếng thế giới. Những trải nghiệm quý giá này đã hun đúc nên những nhà giáo tài năng, mang hơi thở quốc tế, đóng góp tích cực cho sự thành công của sinh viên, sự phát triển của Bách khoa Hà Nội thân yêu.
Hành trình thú vị tại NUS và MIT
TS. Nguyễn Thị Vân Thanh - CSV Bách khoa K46, nữ giảng viên tiêu biểu của Trường Vật liệu - đã làm tiến sĩ tại hai ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới: Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Đại học Quốc gia Singapore (NUS). Hành trình học tập đầy cảm hứng này đã để lại trong chị Vân Thanh những kỷ niệm "vô giá" mà chị luôn trân trọng.
Trong thời gian học tập tại Singapore, chị Thanh đã thấm nhuần tinh thần chuyên nghiệp, tỉ mỉ trong từng chi tiết, từ việc học tập, thi cử cho đến phong cách sống thân thiện, nhân văn.
TS. Vân Thanh cho biết, khi theo học tại NUS, chị đã học được ý thức học tập của sinh viên, tính độc lập, trách nhiệm và tự chủ cao trong việc học, đồng thời có khả năng làm việc nhóm rất tốt. Chị chia sẻ: "Mọi người xung quanh tôi dường như biến việc học thành một hành trình thú vị, đầy niềm vui khám phá. Sự nghiêm túc, tinh thần tự giác trong học tập và thi cử đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, thôi thúc tôi không ngừng nỗ lực, như đang tham gia vào một cuộc chạy đua marathon không hồi kết."
Được biết, khi theo học chương trình tiến sĩ, chị Thanh đã lựa chọn hơi lệch với chuyên ngành của mình khiến cho quá trình nghiên cứu đôi lúc gặp khó khăn. Nhưng với NCS. Vân Thanh, vượt qua thách thức, khó khăn chính là cơ hội khẳng định bản thân.
Trong môi trường quốc tế, các giảng viên luôn khuyến khích tranh luận từ nhiều phía. Sau mỗi lần đứng lên bảo vệ lập trường và được thầy hướng dẫn chấp thuận, chị thêm trưởng thành và tự tin trên con đường chinh phục khoa học. Đây cũng là cách cô giáo Vân Thanh áp dụng cho mỗi lần đứng lớp, gợi mở để sinh viên tích cực tương tác với giảng viên, với bạn bè.
Học tập tác phong chuyên nghiệp và tinh thần học tập không ngừng nghỉ của môi trường quốc tế, TS. Vân Thanh đã mang những "tinh hoa" từ NUS, MIT về Bách khoa Hà Nội, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và tạo nên một môi trường học tập năng động, sáng tạo cho sinh viên.
Đem tinh hoa đại học TOP 2 Nhật Bản về Bách khoa Hà Nội
Khoảnh khắc biết mình nhận được học bổng học tiến sĩ tại Đại học Kyoto danh giá, PGS. Nguyễn Ngọc Tuệ - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục, Đại học Bách khoa Hà Nội - không giấu nổi sự bất ngờ và xúc động.
Đại học Kyoto, ngôi trường danh giá luôn đứng trong top 2 của Nhật Bản, nổi tiếng với quy trình tuyển sinh cực kỳ khắt khe. "Môi trường học tập tại đây thật sự đặc biệt, nơi mà mọi sinh viên, học viên đều là những cá nhân ưu tú, được tuyển chọn kỹ lưỡng. Chính sự cạnh tranh lành mạnh này đã tiếp thêm động lực to lớn cho tôi, thôi thúc tôi không ngừng phấn đấu để hoàn thiện bản thân" - Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo liên tục, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ.
PGS. Tuệ nhận thấy một nét đặc trưng trong văn hóa nghiên cứu của người Nhật là sự chăm chỉ, bền bỉ, không ngại khó khăn. Điều này khiến thầy liên tưởng đến môi trường học tập tại Bách khoa Hà Nội, nơi sinh viên luôn được khuyến khích đối mặt với những thử thách để rèn luyện bản lĩnh.
Nếu chỉ học những điều dễ dàng thì sẽ không có gì để so sánh với thế giới bên ngoài, CSV Bách khoa Nguyễn Ngọc Tuệ K42 thích đương đầu với khó khăn, bởi những kiến thức và kỹ năng tích lũy tại Bách khoa Hà Nội để giải quyết những bài toán thực tế phức tạp ngoài xã hội.
Thực tế, thành quả lớn nhất mà CSV K42 thu được sau thời gian “đèn sách" tại Nhật Bản không chỉ đơn thuần là kiến thức chuyên môn, mà còn là những bài học quý giá về phương pháp sư phạm và cách tổ chức nghiên cứu khoa học bài bản, hiệu quả. PGS. Tuệ đã có cơ hội trải nghiệm và tiếp thu những mô hình tiên tiến từ các quốc gia có nền giáo dục phát triển như Nhật Bản và Đức,..
Hiện tại, mô hình nghiên cứu mà PGS đang áp dụng cho lab của mình tại Bách khoa mang đậm dấu ấn nước bạn như: Cách tổ chức phòng thí nghiệm, nghiên cứu, sắp xếp giữa các hệ thống và cấp độ đào tạo...
“Tôi sẽ cố gắng đem những tinh hoa nhất về với Bách khoa”, PGS. Nguyễn Ngọc Tuệ khẳng định. PGS. Tuệ tin tưởng rằng đây chính là một trong những yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả lớn cho công tác nghiên cứu và đào tạo tại Bách khoa Hà Nội.
Sống trọn đam mê nghiên cứu tại đại học xếp hạng 88 thế giới
“Đã hơn 20 năm kể từ ngày tôi xách ba lô đi Úc du học - đó là hành trình làm thay đổi cả cuộc đời của tôi cho tới bây giờ.” TS. Nguyễn Thanh Sơn - CSV Bách khoa Hà Nội K37 - chia sẻ về những năm tháng đáng nhớ tại Trường ĐH Công nghệ Sydney (UTS), Úc - ĐH xếp hạng 88 trong bảng xếp hạng trường đại học tốt nhất thế giới (theo QS 2024). Hiện anh Sơn đang là giảng viên Trường Điện - Điện tử.
Đối với anh Sơn, hành trình du học không chỉ là quá trình tiếp thu kiến thức mà còn cơ hội để tích lũy tri thức từ nước bạn và lan tỏa đến các học trò thân thương. Chính việc truyền đạt lại những kinh nghiệm và hiểu biết này đã mang lại cho anh một ý nghĩa sâu sắc, biến hành trình du học trở thành một hành trình sẻ chia và cống hiến.
Sự quyết tâm và nghiêm túc trong nghiên cứu của những người thầy và bạn bè quốc tế đã thắp lên trong anh một ngọn lửa đam mê khoa học. Trong những ngày ở Úc, thư viện trở thành "đại bản doanh" của NCS Nguyễn Thanh Sơn. Mỗi sáng, anh đều mang sách vở, chuẩn bị trà, cà phê, “cắm rễ” nghiên cứu tại đó đến tận khuya mới về. Ở đây phát triển hệ thống cơ sở vật chất tiên tiến để hỗ trợ người học với thư viện, học liệu trực tuyến đồ sộ và các phòng tự học được cung cấp trang thiết bị chất lượng để đáp ứng nhu cầu của sinh viên.
Trong những chuyến tu nghiệp, công tác tại các trường đại học hàng đầu thế giới, anh có cơ hội gặp gỡ những người thầy uyên bác, giàu kinh nghiệm nhưng cũng rất bao dung và tâm huyết. Họ luôn đồng hành, khuyến khích và động viên sinh viên trong mọi hoàn cảnh.
Học hỏi từ tác phong và tinh thần khoa học của những giảng viên đầu ngành, từ cách chuẩn bị tài liệu, phương pháp giảng dạy đến sự quan tâm dành cho sinh viên, anh Thanh Sơn mong muốn truyền lại cho học trò sự tự tin về bản thân và khả năng sử dụng tri thức để phát triển không ngừng, giống như những người thầy mà anh luôn kính trọng.