Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ bảy - 19/10/2024 19:55
CSV K62 Trịnh Ngọc My đã trở thành giảng viên trẻ nhất Đại học Bách khoa Hà Nội. Cô sinh viên ngành Tiếng Anh Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ năm nào giờ đây đã thực hiện được ước mơ: Ở lại Bách khoa để giảng dạy và cống hiến!
Hiện cô giáo sinh năm 1999 là thành viên Bộ môn Lý thuyết tiếng và Văn hóa Văn minh Anh Mỹ, Khoa Ngoại ngữ.
Từ sinh viên đến giảng viên trẻ nhất
Được bố là CSV ngành Tự động hóa Bách khoa Hà Nội định hướng, cô học trò chuyên Văn, Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội ngày ấy đã quyết tâm trở thành người Bách khoa thứ hai của gia đình.
Học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội, sinh viên Ngọc My không chỉ được các giảng viên Khoa Ngoại ngữ dạy dỗ, truyền thụ kiến thức mà các thầy cô còn trở thành hình mẫu lý tưởng cô học trò nhỏ muốn trở thành.
Năm thứ 3 đại học, Ngọc My bắt đầu đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm cho công việc mơ ước. Cô làm trợ giảng cho Trung tâm tiếng Anh, “bén duyên” với nghề dạy học từ đó.
Có mục tiêu để phấn đấu, chưa từng trượt môn, có nhiều kỷ niệm với bạn bè, có thành tích trong học tập và nghiên cứu khoa học, ..., cô My chấm 9,99 điểm trên thang điểm 10 cho một thời sinh viên trọn vẹn. Còn 0,01 còn lại là niềm tiếc nuối lớn nhất, khi chỉ cần thêm đúng số điểm đó là cô sinh viên Bách khoa có thể ra trường với tấm bằng xuất sắc.
Tốt nghiệp đại học, cô My tiếp tục học Thạc sĩ tại Trường Đại học Hà Nội để nhanh chóng hoàn thành điều kiện cần cho ước mơ làm giảng viên Ngoại ngữ Bách khoa. Vài tháng trước kỳ tuyển dụng, cô ôn và thi chứng chỉ ngoại ngữ thứ 2 ngoài tiếng Anh – điều kiện đủ để nộp hồ sơ ứng tuyển.
Có nền tảng tiếng Trung vững chắc tích lũy từ những giờ học của ThS. Bùi Thu Phương (Giảng viên Khoa Ngoại Ngữ) tại Bách khoa Hà Nội, cô My chỉ mất 3 tháng để đạt chứng chỉ HSK4 và HSKK trung cấp. Cùng thời điểm đó, cô cũng hoàn thành chương trình học và nhận bằng Thạc sĩ.
Khi được hỏi về bí quyết đạt mục tiêu trong thời gian ngắn, cô My hài hước chia sẻ rằng nhờ bản thân được tôi luyện qua những ngày “chạy deadline” bài tập khi còn là sinh viên.
Tháng 5/2024, cô Trịnh Ngọc My chính thức trở thành giảng viên Khoa Ngoại ngữ, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cô My tự nhận những nỗ lực của mình... không có gì đặc biệt! Nhưng với kết quả đáng nể như vậy, chắc chắn cô phải “siêu” hơn so với những gì cô tự đánh giá!
Khi gen Z làm giảng viên đại học...
Vừa là một giảng viên GenZ, vừa dạy học các sinh viên cùng thế hệ, cô giáo Trịnh Ngọc My không ít lần gặp phải những tình huống thú vị ở giảng đường.
Trong những ngày đầu tiên ở vai trò mới, cô thường tham gia dự giờ các tiết giảng của thầy cô Khoa Ngoại ngữ để học hỏi thêm kinh nghiệm. Có vài lần, cô bị sinh viên nhận nhầm là bạn cùng lớp, còn có khi được sinh viên rủ tham gia chung nhóm bài tập. Sau mấy lần ấy, mỗi lần có giờ lên lớp là cô My phải đắn đo lựa chọn quần áo để “hack tuổi” trông cho trưởng thành hơn!
Một tình huống đặc biệt khác là chuyện những người thầy năm xưa trở thành đồng nghiệp. Với cô Trịnh Ngọc My, đây là một cơ hội học tập tuyệt vời! Vì tuổi đời và tuổi nghề còn trẻ, nữ giảng viên luôn chủ động học hỏi thêm từ các “cây đa, cây đề” trong khoa. Trong mỗi buổi dự giờ, cô My chăm chú quan sát phong thái thầy cô giảng bài, cách trình bày bảng, trình bày slide và ghi chép cẩn thận.
Chia sẻ về người thầy, người đồng nghiệp mình ngưỡng mộ nhất, cô My nhắc đến ThS. Phạm Thanh Tâm - Trưởng nhóm chuyên môn Lý thuyết tiếng.
“Cô Tâm là người làm tôi phải thốt lên rằng: Thì ra ngôn ngữ kỳ diệu đến thế!”
Qua những giờ giảng nhiệt huyết của ThS. Phạm Thanh Tâm, sinh viên Ngọc My ngày ấy được khám phá về bản chất của ngôn ngữ, nguồn gốc của những khái niệm tưởng chừng khô khan thật ra lại rất thú vị. Giờ đây, giảng viên trẻ Ngọc My tiếp tục được cô Tâm dìu dắt, bồi dưỡng kỹ năng sư phạm.
Không chỉ cô Tâm, các thầy cô dày dặn kinh nghiệm trong Khoa Ngoại ngữ cũng rất nhiệt tình giúp đỡ thế hệ giảng viên trẻ, khiến cô thêm gắn bó với tập thể, vui vẻ trong công việc.
Bên cạnh trau dồi kỹ năng giảng dạy, cô My cũng chăm chỉ nghiên cứu khoa học. Từ tháng 4 đến nay, cô My đã có 1 bài báo khoa học cá nhân, 2 bài đồng tác giả với hướng nghiên cứu về lý thuyết tiếng.
Là giảng viên trẻ mới bước vào sự nghiệp "trồng người", cô giáo Ngọc My tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết cống hiến! Cô My tự đặt mục tiêu cho bản thân trong năm đầu tại Bách khoa Hà Nội sẽ có thêm bài báo khoa học chất lượng, dự định làm Tiến sĩ trong vài năm tới khi đã quen dần với nhịp độ công việc để đi xa hơn nữa trong nghiên cứu.
Với mục tiêu ngắn hạn, cô Trịnh Ngọc My quyết tâm: Phải làm tốt trong lần đầu tiên đứng lớp!
Học kỳ này, giảng viên trẻ nhất Bách khoa Hà Nội sẽ giảng dạy môn học đầu tiên là “Cú pháp học”. Tin chắc rằng với nhiệt huyết tuổi trẻ và niềm đam mê với nghề giáo, lần “debut” đầu tiên của cô Trịnh Ngọc My sẽ thành công rực rỡ!
CÁC THẦY CÔ BÁCH KHOA ĐÃ GIÚP TÔI “TẬP LỚN”
Ít ai biết rằng, giảng viên trẻ hoạt bát của Khoa Ngoại ngữ lại từng là một sinh viên khép kín, hướng nội. Cô giáo Trịnh Ngọc My từng trượt học bổng vì dù có thành tích xuất sắc nhưng lại thiếu điểm tích lũy từ các hoạt động rèn luyện. Đó cũng là lúc cô nhận ra mình phải “phá kén”.
“Tôi nung nấu ước mơ làm giảng viên, mà làm giảng viên thì không thể hướng nội, không giao tiếp với sinh viên được! Sau lần đó, được thầy cô động viên, tôi cởi mở hơn, bắt đầu tham gia CLB, hoạt động ngoại khóa. Tôi gọi khoảng thời gian đó là hành trình “tập lớn”!” – Giảng viên Trịnh Ngọc My hồi tưởng.
Giờ đây, khi trở thành giảng viên, cô My thầm nhủ sẽ cố gắng để sinh viên cởi mở, thẳng thắn chia sẻ với mình. Giống như những thầy cô đã giúp cô thay đổi bản thân ngày đó, cô My sẵn sàng đồng hành cùng sinh viên để “tập lớn”.