Những giải pháp quyết liệt triển khai trong năm học 2022-2023 của Đại học Bách khoa Hà Nội

Thứ hai - 10/10/2022 19:55

Tổng kết các kết quả đạt được trong năm học 2021-2022, thẳng thắn phân tích các vấn đề về: cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh… Ban Giám hiệu và các lãnh đạo phòng/ban, khoa/viện Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cùng trao đổi, đưa ra những góp ý, đề xuất tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 tổ chức ngày 10/10/2022. Các đại biểu cũng sôi nổi thảo luận về Dự thảo Quy tắc giao tiếp trong Nhà trường và trên môi trường mạng.

Ra mắt phiên bản Hệ thống quản trị điều hành eHUST 2.0

Tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường CNTT&TT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tổ trưởng tổ thực hiện – BCĐ Chuyển đổi số - đã giới thiệu phiên bản eHUST 2.0. Đây là bản nâng cấp của hệ thống eHUST (được đưa vào sử dụng trong toàn trường từ 9/2021) với nhiều tính năng mới: 

• Giảng dạy/hướng dẫn: Thêm nhiều tính năng hỗ trợ người dạy và người học một cách hiệu quả. Có thể kể đến như quy trình đồ án/thực tập giúp sinh viên có thể tìm được giáo viên hướng dẫn Đồ án hoặc doanh nghiệp thực tập cùng với đề tài phù hợp với năng lực, định hướng và nguyện vọng của bản thân.

• Tích hợp chữ ký số để tiến đến Bách khoa không sử dụng văn bản giấy. Cùng với các tính năng hỗ trợ bảng điểm điện tử, điểm danh sinh viên trong lớp học, lớp thi trên ứng dụng eHUST, sẽ làm giảm thiểu được rất nhiều các văn bản giấy trong các quy trình hiện tại.

• Nâng cấp các phân hệ về NCKH (đề xuất, nghiệm thu đề tài); về tổ chức CB (sáng kiến, đánh giá cán bộ), Hợp tác đối ngoại (văn bản ký kết, các hoạt động hợp tác)...

Trong thời gian tới, eHUST sẽ triển khai tích hợp phân hệ D-Office (Digitial Office) hướng đến hệ thống hành chính 4.0, cũng như tích hợp các kênh thanh toán trực tuyến, sử dụng cho tất cả các dịch vụ trong khuôn viên trường, hướng đến 1 Bách khoa không sử dụng tiền mặt theo chủ trương của nhà nước.

TS. Nguyễn Thanh Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường CNTT&TT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Tổ trưởng tổ thực hiện – BCĐ Chuyển đổi số - giới thiệu phiên bản eHUST 2.0. Ảnh: Duy Thành

Việc ra mắt phiên bản eHUST 2.0 là minh chứng rõ nét cho việc đẩy mạnh Chuyển đổi số tại Đại học Bách khoa Hà Nội – một trong những nhiệm vụ trọng tâm Nhà trường thực hiện trong những năm vừa qua. Nhà trường còn đảm bảo thích ứng với tình hình dịch COVID-19 với việc Phát triển hệ thống đào tạo và tổ chức đào tạo trên nền tảng số như: 

Hệ thống LMS Moodle đang vận hành tương đối ổn định qua 2 học kỳ, được giảng viên và sinh viên đánh giá khá thân thiện, dễ sử dụng. Một số chức năng của hệ thống đã được mở rộng, đảm bảo vận hành được gần 400 khóa học học trong 2 học kỳ chính của năm học 2021-2022. Số lượng sinh viên tham gia đạt 13.300 sinh viên.

 Nhằm tạo nền tảng cho hệ thống LCMS, đã triển khai phương án xây dựng học liệu số theo từng học phần, cho phép cập nhật trên nền tảng eHUST, qldt và xây dựng kết nối để sinh viên và giảng viên có thể khai thác sử dụng. Công tác đưa học liệu lên hệ thống eHUST đã hoàn thành về mặt kỹ thuật, quy định và đã được thử nghiệm.

Mô hình đào tạo tiếng Anh trên nền tảng số, theo hình thức B-Learning kết hợp với Tổ chức IIG đã được hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm. Theo đó, 5 khóa học với các trình độ từ cơ bản đến nâng cao đã được xây dựng được, 30 giảng viên được đào tạo để giảng dạy theo chương trình mới và 10 lớp đào tạo thử nghiệm đã được thực hiện cho sinh viên trong học kỳ 2021.2.

Đây cũng chính là kết quả thực hiện nhiệm vụ thứ nhất trong trong số 7 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 mà Trường Đại học Bách khoa đã triển khai trong năm học vừa qua. 


PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – tổng kết kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022. Ảnh: Duy Thành

Bách khoa Hà Nội hoàn thành các nhiệm vụ công tác năm học 2021-2022

Báo cáo trước Hội nghị, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đã tổng kết kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2021-2022 về:

Đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, triển khai mạnh mẽ công tác quản lý chất lượng;

Đổi mới công tác tuyển sinh, đồng bộ các giải pháp tăng số lượng học viên cao học, kỹ sư và nghiên cứu sinh;

Nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và khởi nghiệp;

Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế, truyền thông và phát triển thương hiệu, khẳng định vị thế ĐHBK Hà Nội;

Cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ người học; Xây dựng mô hình quản trị tiên tiến và hệ thống tài chính vững mạnh. 

Đáng chú ý, năm học 2021-2022, Trường cải tạo, sửa chữa các phòng học trong khu KTX, sân bóng cỏ B9…; sửa chữa, chỉnh trang một số phòng học, giảng đường tại các nhà D3, D3-5, D5; Triển khai cung cấp dịch vụ Wifi cho các giảng đường khu nhà D8, TC; Hoàn thành hồ sơ thiết kế và trình BGH phê duyệt các Dự án cải tạo, sửa chữa CSVC PTN tại các đơn vị; sửa chữa cải tạo CSVC khu phụ trợ bể bơi BK; cải tạo, sửa chữa khu nhà B5, B6 KTX. Dự án cải tạo, sửa chữa nhà B7 khu KTX đã hoàn phần thô và được thi công đảm bảo tiến độ…

Các đại biểu chăm chú theo dõi báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Duy Thành

Về các công tác hỗ trợ người học, Trường đã tổ chức buổi Tọa đàm phát triển các CLB sinh viên; thực hiện quản lý và hỗ trợ các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên do các đơn vị tổ chức; Trao tặng Học bổng Trần Đại Nghĩa cho những sinh viên của Trường có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập. Số suất học bổng được trao tặng trong học kỳ II tăng 34%, tổng số tiền học bổng tăng 55,4%...

Trường đã tiếp tục giải trình, chỉnh sửa, hoàn thiện các nội dung của Đề án Chuyển đổi mô hình thành Đại học theo ý kiến của các cơ quan thuộc Bộ GD&ĐT và các Bộ, ngành có liên quan. Tháng 10/2021, Hội đồng Trường đã ban hành Nghị quyết thành lập 3 trường thuộc: Trường CNTT&TT, Trường Cơ khí, Trường Điện - Điện tử và sáp nhập viện AIST vào viện ITIMS. Tiếp tục quá trình tái cấu trúc các đơn vị thuộc Đại học, các Tổ công tác đã hoàn thành xây dựng Đề án thành lập Trường thuộc nhóm ngành Hóa-Sinh-Thực phẩm-Môi trường và Vật liệu. 5 Viện đã hoàn thành và gửi đề án chuyển đổi thành Khoa thuộc Đại học. 

Trường đã kịp thời ban hành 6 quy chế, quy định, đề án và một số văn bản kế hoạch, hướng dẫn nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp với mô hình hoạt động mới…

Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời phân tích, đưa ra những điểm còn tồn tại, hạn chế trong mỗi nhiệm vụ đã thực hiện.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng phát biểu: “Chúng ta đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của năm học 2021-2022. Bên cạnh các thành tích đã đạt được cũng phát lộ ra một số điểm yếu trong hệ thống. Đây là điều khiến chúng ta phải cố gắng để làm tốt hơn nữa. Những điều đó đã được Ban Giám hiệu và tập thể lãnh đạo xem xét, được các phòng/ban đề xuất, tổng hợp thành 7 nhiệm vụ trọng tâm và từng nhiệm vụ con của 7 nhiệm vụ năm học 2022-2023.”

BGH Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp tại Hội nghị. Ảnh: Duy Thành

Kế hoạch nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023

7 nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023 của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cùng các chỉ tiêu chính được lượng hóa bằng những con số cụ thể: 

1. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật.

Các chỉ tiêu chính: - Đề án Đại học Bách khoa Hà Nội được chính phủ phê duyệt; - Các đơn vị trong toàn trường được tái cấu trúc theo mô hình Đại học đúng quy định của pháp luật đạt 100%; Tỷ lệ cán bộ, sinh viên hiểu biết về chiến lược phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, chủ trương, quy định của Trường đạt 90%.

2. Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học.

Các chỉ tiêu chính: Tỷ lệ quy trình xử lý văn bản điện tử thực hiện trên hệ thống D-Office đạt 80%; Tỷ lệ học liệu môn học được đưa lên hệ thống đào tạo trực tuyến đạt 100%; Tỷ lệ dữ liệu quản lý nghiên cứu, hợp tác đối ngoại, cán bộ, cơ sở vật chất, tuyển sinh, đào tạo, công tác sinh viên thực hiện được cập nhật và chuẩn hóa trên eHUST đạt 100%.

3. Tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng và thúc đẩy đổi mới CTĐT theo hướng hiện đại.

Các chỉ tiêu chính: Hoàn thành kiểm định Trường theo tổ chức HCERES; Số lượng các chương trình đào tạo thạc sĩ được rà soát, cải tiến đạt 80%; Số lượng các chương trình đào tạo được đưa vào kế hoạch kiểm định đúng tiến độ đạt 100% chương trình đào tạo.

4. Đổi mới công tác tuyển sinh đại học, đột phá tuyển sinh sau đại học.

Các chỉ tiêu chính: Số lượng học viên cao học nhập học tăng 1,3 lần; Số lượng nghiên cứu sinh nhập học tăng 1,3 lần; Tổng kinh phí học bổng sau đại học tăng 15%; Số bài báo có sự tham gia của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh tăng 15%.

5. Tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các chỉ tiêu chính: - Số lượng công bố ISI/Scopus tăng 10%; Số trích dẫn Scopus trong 3 năm cuối tăng 15%; Tổng kinh phí nghiên cứu đề tài, dự án các cấp tăng 15%; Tổng kinh phí hợp tác, chuyển giao tri thức, công nghệ với doanh nghiệp tăng 10%.

6. Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế.

Các chỉ tiêu chính: Tỷ lệ sinh viên quốc tế đến trao đổi tại ĐHBK Hà Nội đạt 1%; Tỷ lệ sinh viên ĐHBK Hà Nội đi trao đổi ở nước ngoài đạt 0.5%; Tỷ lệ giảng viên, nhà khoa học nước ngoài đến làm việc tại Trường đạt 4%; Số lượng đề tài, dự án hợp tác với các đối tác trong mạng lưới đối tác thân thiết tăng 15%; Số lượng sinh viên tuyển dụng vào các DN trong mạng lưới đối tác thân thiết tăng 15%; Số lượng sinh viên thực tập tại các DN trong mạng lưới đối tác thân thiết duy trì trên 90%;  5-6 nhóm ngành được xếp hạng tại bảng xếp hạng QS theo nhóm ngành.

7. Cải thiện môi trường dạy và học, tăng cường các hoạt động hỗ trợ người học.

Các chỉ tiêu chính: Diện tích phục vụ đào tạo, nghiên cứu, sinh hoạt thể thao và văn hóa được cải tạo, sửa chữa tăng 15%; Mức độ hài lòng của cán bộ và sinh viên về chất lượng hạ tầng công nghệ thông tin (chất lượng đường truyền mạng và wifi) đạt ít nhất 75%; Số lượng và tổng kinh phí học bổng sinh viên tăng 15%.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng trao đổi với các thầy/cô giáo dự Hội nghị

Cùng nội dung các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, PGS. Huỳnh Quyết Thắng đồng thời công bố nội dung Dự thảo Quy tắc giao tiếp trong Nhà trường và trên môi trường mạng gồm 6 điều cho cán bộ, giảng viên và 6 điều với sinh viên. 

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, văn hóa giao tiếp là vấn đề nhiều sinh viên và thầy cô phản ảnh, cá nhân thầy thông qua facebook, mạng xã hội cũng đọc được rất nhiều ý kiến của giảng viên về văn hóa giao tiếp của cán bộ, sinh viên Trường.

“Tôi thấy điều đó rất đúng. Nhà trường trăn trở làm thế nào để cải tiến được thực trạng này, để văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của chúng ta phải dần tốt lên. Từ văn hóa giao tiếp sẽ trở thành văn hóa ứng xử, cao hơn nữa trở thành văn hóa của Người Bách khoa. Lãnh đạo Nhà trường cam kết sẽ quyết liệt trong khuôn khổ cho phép để văn hóa giao tiếp trong toàn trường tốt lên. Rất mong nhận được sự đồng cảm, thấu hiểu của các thầy/cô lãnh đạo, cán bộ các đơn vị.” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh. 

Tại Hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đã cùng trao đổi về các nội dung: Nâng cao hơn nữa môi trường dạy và học; Những giải pháp cho công tác tuyển sinh, các chỉ tiêu công bố ISI Scopus, quản lý nghiên cứu khoa học; Hoàn thiện hơn nữa nội dung Quy tắc văn hóa giao tiếp…

PGS. Đinh Thanh Xuân - Trưởng khoa Lý luận Chính trị - phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Duy Thành

TS. Nguyễn Việt Khoa - Viện trưởng Viện Ngoại ngữ - đóng góp ý kiến cho Dự thảo Quy tắc giao tiếp trong Nhà trường và trên môi trường mạng. Ảnh: Duy Thành

PGS. Trần Trung Kiên - Trưởng Phòng Tuyển sinh - chia sẻ với Hội nghị về công tác tuyển sinh trong thời gian tới. Ảnh: Duy Thành

Trả lời những thắc mắc của đại biểu, lắng nghe, ghi nhận các ý kiến, đề xuất, cảm ơn những đóng góp của các thầy/cô, kết thúc Hội nghị, PGS. Huỳnh Quyết Thắng khẳng định: “Chúng tôi tin chắc với những giải pháp quyết liệt triển khai trong năm học này, với sự cố gắng của các thầy/cô giáo, các em sinh viên, năm học 2022-2023 sẽ là một năm học thành công!”

Gia Hân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây