…Tôi quyết định nộp hồ sơ trở thành cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào đúng ngày 8/3/1998 – một ngày bão, mưa gió, đi qua đường đôi trước nhà C3 nước ngập quá đầu gối, khi lên đến văn phòng Khoa CNTT – phòng 319 nhà C1, chỉ còn túi hồ sơ được bọc trong ni-lông là không bị ướt. Có lẽ những kỷ niệm như vậy giúp cho con người nhớ hơn, ấn tượng hơn với những ngã rẽ trong cuộc sống…
Những ngã rẽ cuộc đời
Trong suốt 3 năm học cấp 3 (1981-1984), tôi luôn cùng với một người bạn nhà ở E3, Khu tập thể Bách khoa đạp xe trên cung đường phố Bạch Mai – Bách khoa – Giải Phóng – Đường Tàu bay – Nguyễn Trãi đến Thượng Đình hoặc Mễ Trì đi học ở Khối Phổ thông chuyên toán A0. Ngày hai lần đi qua cổng Parabol huyền thoại, có lẽ vì thế mà lũ chúng tôi 4 đứa trong lớp nằng nặc làm hồ sơ thi Đại học Bách khoa Hà Nội thay vì thi Tổng hợp.
Thế rồi số phận đã đưa chúng tôi đi đến các nước khác nhau ở Đông Âu để học đại học. Tôi may mắn hơn, được học chuyển tiếp NCS, sống ở Đông Âu những năm 90 của thế kỷ trước, những giai đoạn nhiều biến động và trải nghiệm nhất. Thêm một chút may mắn, “đi một về ba”, lập gia đình tại nước ngoài khi đi học, cùng với vợ và cháu trai đầu lòng, chúng tôi trở về Việt Nam năm 1996. Sau hai năm đi làm ở các công ty tin học khác nhau, với nhiều kỷ niệm triển khai dự án, lập trình phần mềm, tôi có trăn trở và suy nghĩ là mình đã mất công sức 5 năm học tập để trở thành tiến sỹ, vào trường đại học, sẽ phát huy được tốt hơn.
Tôi đã quyết định nộp hồ sơ trở thành cán bộ giảng dạy ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Cứ thế, hơn 23 năm trôi qua, tôi gắn bó với mái trường này. Những buồn vui, những kỷ niệm khi cùng với các thầy cô trong Bộ môn Công nghệ phần mềm, quyết tâm thay đổi chương trình đào tạo ngành Công nghệ phần mềm theo sát chuẩn quốc tế ACM, những tranh cãi quyết liệt về chuyên môn để sau đó thực tế cho thấy giải pháp đấy là đúng đắn.
Tiếp theo, là những năm tháng trăn trở cùng các thầy cô ở Khoa CNTT (nay là Viện CNTT-TT) triển khai dự án HEDSPI (đào tạo kỹ sư CNTT Việt-Nhật), đối mặt với những hoài nghi về chất lượng đào tạo, về triết lý giảng dạy để rồi khi các em khóa đầu tốt nghiệp, tạo được danh tiếng cho chương trình và chất lượng Bách khoa.
Tiếp đó là những ngày xây dựng chương trình đào tạo ICT-Global (giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh) từ kinh nghiệm Dự án HEDSPI. Đó là minh chứng rằng kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nhật) cho sinh viên, kỹ năng làm việc trong môi trường doanh nghiệp, phát triển hợp tác quốc tế và hợp tác doanh nghiệp là những nội dung quan trọng nhất để chất lượng đào tạo thay đổi.
Phát huy giá trị cốt lõi và văn hoá Bách khoa, tiếp tục chặng đường 2021 – 2025
Được thành lập từ 1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có một quy hoạch kiến trúc rất đẹp, có khuôn viên rộng, có cây xanh, đảm bảo đúng tiêu chuẩn của châu Âu, Các thế hệ lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đã phát triển và luôn giữ gìn quy hoạch, luôn tạo môi trường làm việc hiệu quả nhất.
Ở Đại học Bách khoa Hà Nội có rất nhiều người giỏi, tài năng, tính “cạnh tranh” hiểu theo khái niệm tốt đẹp, là rất cao. Sau này, giai đoạn 2015-2020, với vai trò Phó hiệu trưởng và bây giờ là Hiệu trưởng, tôi luôn nghĩ rằng tạo môi trường làm việc thân thiện, “đất lành chim đậu” để mọi người đều có thể cống hiến tốt nhất với khả năng của mình, thực sự là rất quan trọng. Kèm theo, là những giải pháp đo lường đánh giá hiệu quả như đánh giá KPI, OKR để mỗi cá nhân đều có thể phát triển, để Trường phát triển. Nếu Trường không hoạt động tốt thì không giữ được người giỏi, đồng thời phải có cơ chế để những người chưa tốt phải phấn đấu, hoạt động hết sức để mình tốt lên.
Một điều đặc biệt trong 23 năm qua, là khi đi công tác, đến các doanh nghiệp, đi nước ngoài, tới các đại học, đều gặp rất nhiều “người Bách khoa”, hồ hởi và rạng ngời “em/ tôi Kxx”, thế là câu chuyện ấm tình người, tay bắt mặt mừng.
Đại học Bách khoa Hà Nội đã trải qua 65 năm phát triển, luôn đi đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Vậy, những giá trị cốt lõi nào đã giúp Nhà trường phát triển bền vững suốt 65 năm qua, làm nên sự khác biệt của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tính truyền thống, tính lâu đời của các trường đại học là một ưu thế, Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển ưu thế đó như thế nào. Giấc mơ lớn của rất nhiều thế hệ “người Bách khoa” là dùng kiến thức, trí tuệ và công nghệ để giải những bài toán lớn, góp phần giải quyết những trăn trở, những thách thức lớn của đất nước. Vậy làm thế nào để “người Bách khoa” luôn dám dấn thân, để Đại học Bách khoa Hà Nội luôn đi đầu. Cái gốc của Đại học Bách khoa Hà Nội là kỹ thuật và công nghệ, làm thế nào để Trường luôn nuôi dưỡng đổi mới, sáng tạo, luôn tạo ra sự khác biệt.
Tất cả, tất cả những điều này sẽ phụ thuộc vào con người Đại học Bách khoa Hà Nội hiện nay. Phát huy giá trị cốt lõi và văn hoá Bách khoa để tiếp tục chặng đường 2021- 2025 và xa hơn nữa. Thương hiệu và danh tiếng Đại học Bách khoa Hà Nội luôn gắn liền với sản phẩm trân quý được tạo nên bởi chính nhà trường: Thầy và trò – con người Bách khoa và các sản phẩm sáng tạo “Make in Bách khoa Hà Nội”.
Mười (10) nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện “Chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025” trong giai đoạn 2021-2025 sẽ là thách thức để chúng ta phấn đấu hoàn thành.
65 năm đã qua, năm thứ 66 lại tới, theo phương Đông, đây là con số đẹp, con số đem lại nhiểu may mắn, tài lộc. Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Trường, chúng ta xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội – đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, theo phương châm “Nhà trường làm nền tảng – Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển – Người học làm trung tâm”.
Xắn tay áo lên, buộc lại dây giày, hướng về phía trước và bắt tay vào việc!
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội
Ảnh: Duy Thành
Nguồn: bulletin.hust.edu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn