Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 09/06/2024 23:00
Chiều 8/6, CLB Kịch - Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức thành công đêm chung kết cuộc thi thi sáng tác và biểu diễn tiểu phẩm kịch War History in Drama 2024 với chủ đề “Người chiến sĩ Điện Biên”. Cuộc thi được tổ chức nhằm hưởng ứng 70 năm ngày chiến thắng Chiến dịch Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024), hướng tới kỷ niệm 113 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2024) và 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).
Phát biểu tại đêm chung kết, PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - tự hào khẳng định: “Sinh viên Bách khoa Hà Nội luôn trân trọng và biết ơn sự hy sinh của những người lính bộ đội cụ Hồ trên hành trình giải phóng dân tộc. Tuổi trẻ Bách khoa sẽ sống mãi với những ký ức hào hùng của cha ông, biến đó thành động lực xây dựng nên một Việt Nam ngày càng tươi đẹp.” Sáng ngời tinh thần dân tộc
Được phát động từ ngày 15/3/2024, cuộc thi War History in Drama trải qua ba vòng thi, nhận về nhiều kịch bản tiềm năng, trong đó có nhiều câu chuyện lột tả chân thực từng khía cạnh của hai từ “chiến tranh” thông qua những góc nhìn độc đáo, sáng tạo của thế hệ trẻ. Sau khoảng thời gian chọn lọc và cân nhắc kĩ lưỡng, BTC đã chọn ra bốn đội thi tiến vào vòng Chung kết, bao gồm: Lửa Điện Biên, Mưa Điện Biên, Dòng máu Lạc Hồng và CLB Kịch Đại học Y Hà Nội.
Đến với đêm chung kết, đội thi Dòng máu Lạc Hồng đưa khán giả trở về với một vùng địch tạm chiếm tại Điện Biên, nơi mà người dân mỗi ngày đều phải sống trong lo sợ, áp bức. Trước tình cảnh đó, tác phẩm “Người Điện Biên” được xây dựng một cách sống động, không hề né tránh. Trong số họ, có những người vì sự bình yên của cả làng mà lựa chọn trao đổi thông tin cho phe địch, cũng có những người không tiếc thân mình sẵn sàng hy sinh để bảo vệ và giúp đỡ Việt Minh.
Nhận xét về phần thể hiện của đội thi Mưa Điện Biên, NSND Lan Hương chia sẻ: “Các bạn đã làm tôi bất ngờ với cách khai thác kịch bản mới lạ này. Khi nghe tên vở kịch ‘Nhớ ơn người anh hùng’ cùng lời giới thiệu về anh Tô Vĩnh Diện, tôi đã mường tượng những cảnh lấy thân mình chèn pháo. Thế nhưng, các bạn đã xây dựng nên hình ảnh một người anh hùng từ những điều rất bình dị, từ những buổi sinh hoạt rộn ràng, từ cách anh an ủi đồng đội, từ niềm tin vững chắc của anh vào Bác, vào cách mạng.”
Là đội thi duy nhất trong đêm chung kết không tới từ Bách khoa, CLB Kịch Đại học Y Hà Nội mang tới cho hội trường C2 không khí đẩy cảm động với phần trình diễn “Tình Điện Biên”. Tình Điện Biên là tình đồng chí, tình mẫu tử và cả tình yêu quê hương đất nước đầy mãnh liệt. Qua đó, người xem có thể cảm nhận được những khát khao, ước vọng thầm kín của tất cả những người con trai, con gái đã “quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.
“Trường Sân khấu Điện ảnh đã mất đi những diễn viên tài năng như các bạn!” - là lời khen tặng quý giá mà NSND Lan Hương đã thốt lên khi trò chuyện cùng đội thi Lửa Điện Biên. Vở kịch “Huyền thoại mẹ” được tái hiện với lòng biết ơn của đội kịch dành cho lịch sử, dành cho những người đã hi sinh, và dành cho những người mẹ Việt Nam Anh Hùng. Hơn hai tháng tập luyện, kết hợp cùng sự tìm hiểu kỹ lưỡng tới từng chi tiết như trang phục, cách nói chuyện, cách đi đứng và cả sự sẵn sàng về mặt tư tưởng lẫn cảm xúc, Lửa Điện Biên chiếm trọn trái tim của khán giả, khiến cả khán phòng cùng rơi nước mắt với mỗi lời thoại, cử chỉ, động tác được các thí sinh thực hiện. Cuộc gặp gỡ đa thế hệ
Không chỉ là một sân khấu cho các bạn sinh viên tỏa sáng, đêm chung kết War History in Drama còn mở ra cơ hội kết nối lớp người trẻ với các thế hệ đi trước, giữ gìn truyền thống uống nước nhớ nguồn quý báu của dân tộc.
Góp mặt tại đêm chung kết là các vị khách mời vô cùng đặc biệt: Bác Võ Điện Biên - Con trai trưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tá Trần Dũng Trí - Con trai GS. Trần Đại Nghĩa và PGS. Nguyễn Nhật Trinh - Chủ tịch hội Cựu chiến binh Đại học Bách khoa Hà Nội.
Phát biểu trong chương trình, bác Võ Điện Biên chia sẻ: “Trong kỉ nguyên 4.0 hiện nay, khi thế hệ trẻ đều đang hướng tới đổi mới, sáng tạo, thì những chương trình như thế này lại càng quan trọng và cần thiết hơn nữa. Tôi sẽ dùng cụm “back to the future” để mô tả lại War History in Drama. Thông qua sự kiện này, các bạn sinh viên có cơ hội nhìn lại những giá trị tốt đẹp trong lịch sử dân tộc, từ đó tìm ra những giải pháp thiết thực để kiến thiết đất nước song song với đề cao tinh thần yêu nước, thương nòi.”
Bên cạnh thu hút được sự tham gia của nhiều bạn trẻ tài năng cả trong và ngoài Đại học Bách khoa Hà Nội, BTC War History in Drama cũng chứng minh sức hấp dẫn của chương trình thông qua Ban Giám khảo đầy chất lượng: NSƯT Đỗ Kỷ, NSND Lan Hương và phóng viên Trần Minh. Xuyên suốt chương trình, các vị BGK đã đưa ra những nhận xét chính xác, thẳng thắn để giúp các đội rút kinh nghiệm và hoàn thiện vở kịch của mình chỉn chu nhất có thể. Kịch nói là một loại hình nghệ thuật có truyền thống lâu đời, được nhìn thấy lớp trẻ ngày nay tiếp tục gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật ấy chính là một niềm hạnh phúc to lớn đối với các thế hệ đã tiếp nối truyền thống sân khấu kịch suốt chặng đường đã qua.
Khép lại đêm chung kết War History in Drama nhiều kỷ niệm và cảm xúc đẹp, đội kịch Lửa Điện Biên với vở diễn “Huyền thoại mẹ” đã giành ngôi vị Quán quân.
Cuộc hành trình cùng War History in Drama đã kết thúc, thế nhưng những dấu ấn mà cuộc thi mang lại thì sẽ vẫn tiếp tục trở thành một ngọn lửa ấm áp, nuôi dưỡng tâm hồn thế hệ sinh viên Bách khoa ngày nay và mai sau. Những thế hệ ấy sẽ tiếp tục tiếp nối những truyền thống cao đẹp và nỗ lực cống hiến hết mình cho tổ quốc, cho quê hương.