“Mặc dù cả thế giới vẫn đang chống chọi với đại dịch, tôi tin tưởng sự dẫn dắt của Bách khoa Hà Nội và nỗ lực tập thể của tất cả đối tác sẽ đảm bảo thành công của dự án”, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) và trường Đại học Công nghệ Nagaoka (Nhật Bản) tổ chức Lễ ký kết “Dự án đổi mới khoa học và công nghệ cao su thiên nhiên vì chu trình cacbon toàn cầu” sáng nay, ngày 19/5.
Tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, khẳng định: “Đây là một trong những dự án hợp tác nghiên cứu quốc tế quan trọng mà Đại học Bách khoa đang tham gia. Tôi đặc biệt tin tưởng rằng quá trình làm việc với các nhà khoa học hàng đầu Nhật Bản sẽ nâng cao năng lực đổi mới khoa học và công nghệ cho các nhà nghiên cứu Việt Nam, giúp đất nước vượt qua những thách thức mới, trong đó có mục tiêu phát thải ròng bằng không vào năm 2050.”
Dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Nhật Bản thông qua Chương trình Hợp tác Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ hướng tới Phát triển bền vững (SATREPS) do JICA và JST thực hiện.
Dự án sẽ được Đại học Bách khoa Hà Nội và Đại học Công nghệ Nagaoka triển khai trong 5 năm từ 2022 đến 2027, và được coi là Giai đoạn 2 của Dự án hợp tác JICA-JST về “Tạo lập hệ chu trình vòng khí thải cacbon với cao su thiên nhiên” đã hoàn thành vào tháng 3/2016.
Trọng tâm của Dự án là phát triển các công nghệ tiên tiến nhằm thiết lập quy trình sản xuất cao su thiên nhiên không chứa protein quy mô lớn tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự án cũng nghiên cứu phát triển các công nghệ mới về tính năng phân hủy sinh học của sản phẩm cao su, công nghệ phát thải thấp và hệ thống xử lý nước thải từ sản xuất cao su giúp thu hồi tài nguyên trong sản xuất cao su.
PGS. Huỳnh Đăng Chính (trái), Phó Hiệu trưởng Nhà trường, và ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam. Ảnh: Kim Chi
GS. Umeda Minoru, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Nagaoka, bày tỏ sự cảm kích của các thành viên trong dự án, bất chấp những khó khăn hiện nay. Ông tin tưởng vào sự hợp tác lâu dài với trường Đại học Bách khoa Hà Nội từ lễ ký kết Hợp tác về Đào tạo và Giáo dục vào năm 1999.
Ông Toriyama Jin, Bí thư thứ hai của Đại sứ quán Nhật Bản, tin rằng dự án này sẽ góp phần to lớn cho mục tiêu cắt giảm lượng khí thải Carbon của Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi các bên liên quan bao gồm các bộ chủ quản, chính quyền địa phương và doanh nghiệp thiết lập kế hoạch hành động về giảm phát thải khí nhà kính trên tất cả các lĩnh vực, phù hợp với mục tiêu trung hòa cacbon năm 2050.
“Đổi mới công nghệ là chìa khóa để chúng ta ứng phó với khủng hoảng khí hậu. Chúng tôi tin rằng dự án này sẽ là điển hình tiêu biểu về hợp tác giữa các viện nghiên cứu của Nhật Bản và Việt Nam trong việc theo đuổi các công nghệ đột phá nhằm phát triển các sản phẩm bền vững và góp phần giảm phát thải khí nhà kính”, ông Shimizu Akira, Trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho biết.
CCPR
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn