Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 13/07/2023 06:12
Ngày 8-9/7/2023, Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BKFund), với sự bảo trợ của Đại học Bách khoa Hà Nội, Mạng lưới Cựu sinh viên Bách khoa và BK Holdings, cùng sự đồng hành của các doanh nghiệp đã tổ chức sự kiện BK Investor Network Hà Nội 2023, mở rộng Mạng lưới các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp lớn là CSV Bách khoa, thu hút sự tham gia của hơn 70 đại biểu trong và ngoài nước. Đây sẽ là mắt xích quan trọng kết nối 3 Nhà: Nhà Trường – Nhà khoa học và Nhà doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động ươm tạo và thương mại hoá công nghệ và góp phần phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp trong Nhà trường.
BK Investor Network là chương trình tập huấn theo mô hình kết nối và truyền đạt kiến thức về đầu tư vào start-up/spin-off/doanh nghiệp KHCN thông qua các hoạt động thực tế được tổ chức hàng quý bởi Quỹ đầu tư khởi nghiệp BKFund.
BK Investor Network Hà Nội 2023 thể hiện quyết tâm thúc đẩy hình thành một hệ sinh thái Khởi nghiệp năng động và sáng tạo trong môi trường Đại học, kết hợp với tinh thần doanh nhân, tiến tới việc thành lập một Mạng lưới Nhà đầu tư thiên thần chuyên nghiệp dành riêng cho các dự án startup/spinoff từ hệ thống giáo dục đại học; cùng đó, mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư tiếp cận các thương vụ đầu tư tiềm năng. Đây cũng là nơi các nhà đầu tư có thể mở rộng mạng lưới quan hệ của mình, đưa ra các lời khuyên và góp ý cho thế hệ trẻ Việt Nam.
BKFund 2 năm hoạt động: Xem xét, đánh giá hơn 200 dự án tiềm năng
Trong chương trình sự kiện Mở rộng Mạng lưới các Nhà đầu tư, Doanh nghiệp lớn là CSV Bách khoa, BK Fund - Quỹ đầu tư cho start-up/ spin-off trong lĩnh vực công nghệ ở giai đoạn sớm được thành lập từ Mạng lưới CSV Bách khoa, thành lập năm 2020 - tổ chức họp Đại hội Nhà đầu tư thường niên năm 2023, báo cáo hoạt động đầu tư sau 2 năm thành lập và phê duyệt kế hoạch hoạt động năm 2023.
BK Fund đã xem xét đánh giá 200 dự án start-up và đã đầu tư cho 7 dự án: Innogenex, Ejoy, N2TP, DeepB, Lancs Network, Rootopia và Apicoo.
Đáng chú ý, từ năm 2023, định hướng và chính sách của BK-Fund sẽ triển khai không chỉ tập trung đầu tư ở giai đoạn đầu (seeding) của start-up mà còn đầu tư vào cả giai đoạn khi các công ty công nghệ mới định hình sản phẩm thương mại, mô hình kinh doanh (pre-seed). Đây là phân khúc và giai đoạn rất ít Nhà đầu tư quan tâm và có thể rót vốn cho các start-up với thời gian hoạt động khoảng 3 năm ở các lĩnh vực như công nghệ sinh học ứng dụng vào việc phát hiện và phòng trừ các loại virus gây bệnh, công nghệ thiết kế và phát triển chip ứng dụng vào quản trị toàn diện kết nối internet và an ninh mạng, công nghệ AI ứng dụng vào các giải pháp giáo dục, y tế chính xác, an ninh mạng…
Để thấy những trái tim ấm áp của các doanh nhân – CSV Bách khoa với thế hệ đàn em. Có được thành quả hôm nay, các CSV Bách khoa đã mất rất nhiều thời gian thử nghiệm, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Việc hỗ trợ, tiếp sức các star-up từ khi mới là “hạt giống” sẽ giúp các sinh viên Bách khoa Hà Nội có khả năng tiếp cận nhanh với thị trường.
TS. Nguyễn Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Mạng lưới CSV Bách khoa – cho biết: Đại hội các Nhà đầu tư của BK Fund đã thảo luận, đánh giá và quyết định nâng mức vốn của Quỹ, theo đó, các CSV và các nhà đầu tư khác (có thể không phải là sinh viên, CSV Bách khoa) có thể đến với Quỹ đầu tư BK Fund.
Hiện có hơn 200.000 CSV Bách khoa đã tốt nghiệp và đang hoạt động ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp mong muốn có những đóng góp trở lại Đại học Bách khoa Hà Nội – nơi đã đào tạo, định hướng và hỗ trợ cho các CSV cả về trí tuệ lẫn vật chất để có thể cống hiến cho xã hội. “Đứng ở góc độ là một CSV Bách khoa, tôi xin có lời mời, lời kêu gọi tất cả các CSV Bách khoa tham gia vào hoạt động của Mạng lưới CSV nói chung và của BK Fund nói riêng, cùng nhau đóng góp công sức và tiềm lực tài chính của mình cho Đại học Bách khoa Hà Nội trong giai đoạn mới.” – TS. Nguyễn Quân bày tỏ.
Còn ông Phạm Đình Đoàn – Chủ tịch BK Fund – nhận định với các CSV Bách khoa, Đại học Bách khoa Hà Nội là một kho báu lớn của các giảng viên, sinh viên đang học. Kho báu ấy đã và đang làm cho rất nhiều sinh viên thành công và giàu có.
“Quỹ BK Fund đã hoạt động rất hiệu quả trong hơn 2 năm qua với việc đầu tư vào 7 dự án trong số hơn 200 dự án nộp đề xuất. Có những dự án chúng tôi thoái vốn, có những dự án chưa nhưng mà đều là các dự án tiềm năng. Cùng đó, còn có nhiều dự án tiềm năng khác rất cần được BK Fund hỗ trợ. BK Fund cũng như Đại học Bách khoa Hà Nội rất mong muốn tạo ra một Mạng lưới Nhà đầu tư để BK Fund hoạt động hiệu quả hơn nữa, các dự án tiềm năng của sinh viên, giảng viên Bách khoa Hà Nội được tiếp sức.” – ông Phạm Đình Đoàn phát biểu.
Tại sự kiện, các doanh nhân - CSV Bách khoa đều bày tỏ sự ủng hộ tạo ra mạng lưới Nhà đầu tư, tham gia cùng các hoạt động thuyết trình gọi vốn và đầu tư của BK Fund với các start-up.
Ông Nguyễn Duy Việt – Trưởng Ban Đầu tư Mua bán Sáp nhập - Tập đoàn công nghệ CMC khẳng định: “Quỹ CMC Innovation Fund sẽ đồng hành với BK Fund để đồng đầu tư hoặc tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào các start-up công nghệ. Sắp tới, CMC sẽ tham gia rất nhiều vào hoạt động của BK Fund và các hoạt động thuyết trình gọi vốn, đầu tư của BK Fund với các start-up”.
Ông Nam Đoàn – Chuyên gia của ThinkZone - Quỹ đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Hà Nội - chia sẻ thông tin: “Thinkzone đã đầu tư vào nhiều startup như Fundin, EMDI, Edutopia, ... đặc biệt có GIMO và eJoy đã cùng đầu tư với BK Fund.” Và cơ hội vẫn đang rất mở với sự hợp tác của Thinkzone và BK Fund trong thời gian tới.
Có thể thấy nguồn lực hỗ trợ dồi dào cả về mặt tài chính lẫn chuyên môn cho cộng đồng start-up/spin-off ở môi trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng, giáo dục đại học Việt Nam nói chung trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.
Chia sẻ với các doanh nhân – CSV Bách khoa, PGS. Huỳnh Đăng Chính – Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết: Hoạt động của Đại học Bách khoa Hà Nội mở rộng theo hướng đổi mới sáng tạo hình thành Hệ sinh thái trong Nhà trường với mối quan hệ giữa người thầy với sinh viên, giữa Bách khoa Hà Nội với CSV, giữa Bách khoa Hà Nội với Mạng lưới của các trường đại học, giữa Bách khoa Hà Nội với doanh nghiệp để kết nối, hỗ trợ giúp sinh viên, CSV thành công hơn trong cuộc sống.
“Hoạt động của BK Fund, Mạng lưới Nhà đầu tư là một mắt xích hết sức quan trọng trong toàn bộ hệ sinh thái này. Nhà trường luôn mong muốn đẩy mạnh hơn nữa, phát triển thành công hơn nữa, kết nối tốt hơn nữa để cho sự thành công của CSV, Nhà đầu tư chính là sự thành công của Đại học Bách khoa Hà Nội, giúp cho Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển trong thời gian tới.”
Câu chuyện truyền cảm hứng của lãnh đạo Tập đoàn Austdoor - CSV Bách khoa Hà Nội
Tại sự kiện, doanh nhân Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor – vốn rất kín tiếng trên truyền thông – đã cởi mở đã chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình – một câu chuyện chứa đầy sự quyết tâm và tư duy sáng tạo cùng những bài học thương trường quý báu giúp các sinh viên Bách khoa Hà Nội cùng các bạn start-up hiện nay có kinh nghiệm trong khởi nghiệp, quá trình phát triển doanh nghiệp kéo dài và có nhiều hình thức.
Ông Dương Quốc Tuấn là CSV ngành Hoá thực phẩm, K32, Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp ra trường, chàng kỹ sư Hóa thực phẩm “đầu quân” cho Nhà máy bia Chùa Bộc, làm được 3 năm thì chuyển sang công tác tại Nhà máy Đường Lam Sơn.
Cú chuyển hướng sự nghiệp, lấn sang lĩnh vực không liên quan đến chuyên ngành đào tạo của ông Dương Quốc Tuấn đến từ một chuyến đi học ngắn hạn 2 tuần ở nước ngoài.
Ông Tuấn kể: “Sang đấy, tôi rất ngạc nhiên khi thấy mấy cái cửa cuốn của họ hoạt động tự động, êm ru, không kêu kèn kẹt như cửa ở Việt Nam. Tò mò, tôi lấy số điện thoại trên thân cửa gọi, thật may khi người nghe điện là cậu chủ nhà máy. Tôi nói được tiếng Anh nên hai bên trao đổi với nhau rất thông suốt, “chốt” ngày tham quan nhà máy. Đến ngày hẹn, đích thân cậu chủ đến đón tôi. Từ sau chuyến đi đó, về Việt Nam, tôi nghĩ mình phải lập công ty, không làm bia, làm đường gì nữa! Cứ nung nấu như vậy, sau 1 năm, tôi khởi nghiệp bắt đầu từ một cái… xưởng!”.
Tập đoàn Austdoor chuyên sản xuất vật liệu xây dựng thành lập năm 2003, tính đến nay là 20 năm. Những bước đi đầu tiên, doanh nghiệp của ông Tuấn chỉ sản xuất gia công, lắp đặt cửa, sau đó xây dựng hệ thống nhà máy trên toàn quốc. Để có được sự phát triển như hôm nay, ông Tuấn khẳng định người đứng đầu phải luôn trau dồi, bổ sung, cập nhật kiến thức.
Như khi doanh nghiệp hoạt động được 5-10 năm, ông Tuấn nghĩ: “Mình phải học về quản lý doanh nghiệp thì mới định hình được thế nào là chiến lược, vận hành, thế nào là tài chính, kế toán… Có như vậy mới phát triển bền vững được”. Và CSV Bách khoa đã tham gia các khóa học ngắn hạn, tự rút ra bài học cho bản thân, cũng là một kinh nghiệm của riêng ông Dương Quốc Tuấn khi phát triển Tập đoàn Austdoor: “Để phát triển cần một quy trình! Quy trình ấy tôi cũng định hình theo chuỗi giá trị khách hàng”.
Ban đầu, ông Tuấn xác định trên cơ sở sản xuất, thương mại và dịch vụ, Austdoor sẽ làm những gì và ở đâu. CSV Bách khoa cũng bắt đầu suy nghĩ đến việc đầu tư tích hợp. Khi quy mô nhà máy hoạt động được 10 năm, đã có tích luỹ, thay vì mua nhà đất hay đầu tư vào các doanh nghiệp khác lĩnh vực, Austdoor đầu tư tích hợp ngược hoặc xuôi chuỗi giá trị của chính ngành nghề của mình. Đây là một trong những lý do mà Tập đoàn Austdoor không có quỹ đầu tư để đầu tư vào các doanh nghiệp khác, các ngành khác mà chủ yếu M&A tích hợp vào chuỗi giá trị của mình.
Ông Tuấn phân tích: “Trước đây, tôi không sản xuất nhôm, kính. Trong mấy năm vừa qua, tập đoàn mua lại những doanh nghiệp trong cùng lĩnh vực đấy, tích hợp làm nguồn cung cấp đầu vào cho các nhà máy gia công. Trong tương lai, chúng tôi đang làm tiếp chuỗi dịch vụ - mở chuỗi để phân phối, cung cấp vật liệu xây dựng - tới người tiêu dùng. Đây là câu chuyện đầu tư tích hợp ngược hoặc xuôi những cái mình đang làm. Austdoor không đầu tư nhiều lĩnh vực”.
Trả lời câu hỏi: “Đâu là bài học có ý nghĩa nhất đối với ông trong quá trình kinh doanh?” từ báo chí, doanh nhân Dương Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Austdoor, CSV Bách khoa Hà Nội – đúc kết: “Phải chọn lấy một mục tiêu và xác định con đường đi cho riêng mình. Thành công hay thất bại trong kinh doanh là do thái độ trong suy nghĩ nhiều hơn là khả năng suy nghĩ. Nghệ thuật là con đường đẹp đẽ, khoa học là con đường hiệu quả nhưng kinh doanh là con đường sinh lợi”.
BK Investor Network 2023 chứng kiến các hoạt động ký kết đầu tư và hợp tác:
- Ký thoả thuận đầu tư giữa BK Fund và Apicoo, BK Fund và PegaBike;
- Ký kết hợp tác nghiên cứu và phát triển công nghệ giữa spin-off của Đại học Bách khoa Hà Nội – CTCP DTP Battcom và PegaBike;
- Ký kết hợp tác nghiên cứu, phát triển công nghệ, chuyển giao tri thức và tài sản sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực phần mềm, hậu cần, kho lưu trữ dữ liệu, hệ thống vận chuyển và công nghệ thông minh giữa BK Holdings và Urielsoft Co.,Ltd - một công ty của Hàn Quốc.