Chuyên gia công nghệ nói chuyện với sinh viên Bách khoa về bảo mật IoT

Thứ tư - 23/05/2018 14:32

Xu thế vạn vật kết nối internet (Internet of thing – IoT) được coi là nền tảng cơ sở cho sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó con người có thể sử dụng hệ cấu trúc IoT để thực hiện việc truyền thông giám sát và điều khiển các hệ thống trong sản xuất và đời sống. Tuy nhiên, việc bảo mật các thiết bị kết nối internet dân dụng và công nghiệp là một vấn đề cấp thiết còn bỏ ngỏ.

Chủ điểm chính này đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực IoT của hãng công nghệ lớn trên thế giới (Infineon, AVNET) trao đổi với 60 sinh viên của Viện Điện, Trường ĐHBK Hà Nội trong Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Making Internet of Things smart, secure and power efficiency” vào ngày 24/05/2018.

Hội thảo đưa ra góc nhìn toàn cảnh về xu thế chung của IoT, những tác động của vấn đề bảo mật, quản lý năng lượng và điều khiển điện tử công suất trong lĩnh vực thiết bị điện và sản xuất thông minh; đồng thời đưa ra các giải pháp công nghệ để ứng phó với vấn đề này.

Chia sẻ tại Hội thảo, TS Nguyễn Huy Phương – Viện trưởng Viện Điện, Trường ĐHBK Hà Nội cho biết những chủ đề được trình bày nhằm cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận các công ty, đối tác doanh nghiệp nước ngoài, cập nhật công nghệ tiên tiến trên thế giới, cũng như nâng cao kiến thức chuyên môn.


TS Nguyễn Huy Phương chia sẻ tại Hội thảo

Sự phát triển của công nghệ cho phép tạo ra các thiết bị thông minh có thể kết nối internet như camera nhận dạng hình ảnh, thẻ ngân hàng thông minh, điện thoại thông minh, các đồ gia dụng trong nhà thông minh, máy móc công nghiệp.... Theo đó, các hacker với ý đồ xấu cũng đang chuyển dần hướng sang tấn công các hệ thống IoT. Hậu quả của vấn đề này là rất nghiêm trọng tới kinh tế, xã hội và an ninh quốc gia.

Chuyên gia KakChek Tan – đại diện Công ty AVNET (nhà thiết kế, cung cấp và phân phối các giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới) đã giới thiệu một số giải pháp IoT như IC an ninh dùng cho mạng Bluetooth Low Energy (BLE) hỗ trợ an toàn cho việc mở rộng mạng không dây, cùng với các camera thông minh tạo ra nguồn cung ứng thời gian thực cho việc theo dõi màn hình giám sát giao thông, nhận diện khuôn mặt và con người; hệ thống đèn thông minh với công nghệ bảo mật truyền thông đám mây. Ngoải ra, AVNET cũng cung cấp các giải pháp IoT trong các lĩnh vực nhà máy thông minh (Smart Factory), chăm sóc sức khỏe thông minh (Smart Healthcare), tòa nhà thông minh (Smart Building), bán lẻ thông minh (Smart Retail)...


Chuyên gia KakChek Tan giới thiệu một số giải pháp IoT

Cuộc cách mạng 4.0 cho phép tạo nên những đột phá về công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực điều khiển, tự động hóa và thiết bị điện – điện tử, tuy nhiên các thiết bị IoT được các chuyên gia ví như “quả bom nổ chậm” bởi sự lơ là về bảo mật IoT từ phía người sử dụng và nhà sản xuất. Chuyên gia Chu Voon Fui đến từ Công ty Infineon, Singapore đã đưa ra dẫn chứng minh họa một số vụ việc hacker tấn công DDoS vào các thiết bị kết nối và IoT công nghiệp trên thế giới đang ngày càng tăng. Điển hình như vụ tấn công tại Singapore khiến toàn bộ khách hàng dịch vụ băng rộng của doanh nghiệp viễn thông StarHub không thể truy cập mạng internet hay đợt tấn công không gian mạng (cyber attack) do siêu virus máy tính Stuxnet gây ra nhằm vào PLC của nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp khác tại Iran. Từ đó, Infineon đã đưa ra những sáng kiến bảo mật về IoT mới nhất dành cho phương tiện bay không người lái-UAV, nền tảng IC an ninh OPTIGA™ Trust X dùng cho định danh thiết bị,....


Chuyên gia Chu Voon Fui cảnh báo những nguy cơ của
các vụ tấn công không gian mạng bởi sự lơ là về bảo mật IoT

Các giải pháp được các chuyên gia giới thiệu tại Hội thảo là kinh nghiệm quý báu từ Singapore, giúp mang lại vô số các lợi ích cho quốc gia này, hướng tới tạo ra một tương lai thông minh và an toàn hơn. Không nằm ngoài xu thế đó, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới hiện nay đặc biệt chú ý tới an ninh IoT, đặc biệt chú trọng tới đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao giúp thực hiện và triển khai những công nghệ mới này. Theo dự báo trong tương lai gần, nhu cầu về nguồn nhân lực trong ngành Điện sẽ không ngừng gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh và bảo mật cho ngành Điện. Sự tham gia ngày càng nhiều của thiết bị đo lường, điều khiển thông minh, tự động hóa và IoT vào trong ngành Điện chắc chắn sẽ dẫn đến những mối quan tâm như các chủ đề được báo cáo trong Hội thảo

“Viện Điện, Trường ĐHBK Hà Nội được biết đến là một trong những đơn vị hàng đầu tại Việt Nam đào tạo nhân lực trình độ cao và nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực Điều khiển tự động, Tự động hóa xí nghiệp công nghiệp, Thiết bị Điện – Điện tử, Hệ thống điện, Kỹ thuật đo và Tin học công nghiệp... Nhiều sinh viên ra trường được các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong nước và quốc tế tuyển dụng đánh giá cao và giữ các vị trí nhân sự chủ chốt” - TS Nguyễn Huy Phương cho biết thêm. Vì vậy, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Viện Điện - Trường ĐHBK Hà Nội hi vọng Hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư có nền tảng IoT và cơ hội việc làm rộng mở cho sinh viên ngành Điện trong bối cảnh của sự phát triển công nghiệp 4.0.

Hoàng Anh

Tác giả: TT TT & QHCC

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây