Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng GNSS cho phát triển bền vững tại Đông Nam Á

Thứ hai - 21/05/2018 14:21

Ngày 25/5, tại Trường ĐHBK Hà Nội hơn 100 nhà khoa học lĩnh vực định vị sử dụng vệ tinh đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các cơ quan liên ngành tại châu Âu, Đông Nam Á và Việt Nam đã tham dự Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng GNSS cho phát triển bền vững tại Đông Nam Á.

Tới dự Hội thảo có bà Axelle Nicaise - Trưởng ban Chính trị, Báo chí và Thông tin, phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; GS Mariano Anderle – Tùy viên khoa học Đại sứ quán Ý; Ông Phan Đức Hiếu, Cục trưởng Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và hơn 100 nhà khoa học, nghiên cứu viên lĩnh vực GNSS.

GS Đinh Văn Phong phát biểu chào mừng Hội thảo 

Công nghệ định vị sử dụng vệ tinh (Satellite Navigation) nói chung hay các hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (Global Navigation Satellite System - GNSS) với khả năng cung cấp các thông tin về vị trí, vận tốc và thời gian đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. GNSS có mức độ ứng dụng rộng khắp, vượt ngoài sự nhận biết của người sử dụng thông thường: từ các ứng dụng thông thường như các dịch vụ dẫn đường, các dịch vụ hướng vị trí (LBS); đến các ứng dụng chuyên sâu như các dịch vụ cung cấp thời gian chuẩn cho đồng bộ hệ thống viễn thông/năng lượng, các ứng dụng định vị chính xác cỡ cm, mm trong đo đạc, giám sát môi trường; từ các ứng dụng quản lý, giám sát hành trình đối tượng/phương tiện, đến các ứng dụng sử dụng tín hiệu GNSS trong nghiên cứu bầu khí quyển, dự báo khí tượng, chụp ảnh viễn thám; từ điều khiển thiết bị tự hành, đến dẫn đường máy bay cất/hạ cánh, hay dẫn dắt tàu vào/ra tại các cảng biển; từ các ứng dụng dân dụng, đến các ứng dụng đặc thù trong an ninh - quốc phòng.

Các nhà khoa học tham dự Hội thảo

Phát biểu chào mừng tại Hội thảo, GS Đinh Văn Phong – Phó Hiệu trưởng Trường ĐHBK Hà Nội nhấn mạnh: “Dự án về Xây dựng mối liên kết hợp tác giữa Liên minh Châu Âu EU và khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực GNSS – BELS được hình thành năm 2005 với mục tiêu xây dựng và hình thành các tổ chức nghiên cứu về lĩnh vực GNSS tại khu vực Đông Nam Á với sự hỗ trợ của EU. Đến nay, dự án đã đạt được những kết quả rất to lớn góp phần hiện thực hóa hàng trăm các ứng dụng khác nhau trong hầu hết các lĩnh vực của xã hội từ giao thông vận tải đến logicstic, từ đo đạc, xây dựng bản đồ đến quản lý thiên tai, từ giám sát tài nguyên thiên nhiên đến các dịch vụ cho công dân và khách du lịch, đã trở thành một công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển bền vững trong khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Hội thảo lần này là Hội thảo cuối cùng của dự án BELS đánh dấu một bước xa hơn trong sự hợp tác khoa học hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ GNSS mà Trường ĐHBK Hà Nội đang thực hiện với các tổ chức nghiên cứu hàng đầu ở châu Âu và khu vực Đông Nam Á”.

Bà Axelle Nicaise khẳng định BELS đã rất nỗ lực trong việc đào tạo những chuyên gia về lĩnh vực GNSS tại khu vực Đông Nam Á nói riêng và Trường ĐHBK Hà Nội nói chung. Đến nay, mục tiêu cơ bản của Dự án đã đạt được là xây dựng hệ thống Trung tâm, Viện nghiên cứu tại các nước khu vực Đông Nam Á.

Tại Hội thảo PGS Tạ Hải Tùng đã báo cáo kết quả đạt được của Trung tâm NAVIS từ khi thành lập đến nay với dự hỗ trợ của Dự án BELS.

Hội thảo Quốc tế về Ứng dụng GNSS cho phát triển bền vững tại Đông Nam Á nằm trong chuỗi 10 hội thảo mà Dự án BELS tổ chức tại 10 nước Đông Nam Á. Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã tập trung vào các chủ đề cơ bản và nâng cao trong công nghệ GNSS, cũng như giới thiệu các giải pháp, dịch vụ, và sản phẩm tiên tiến trong lĩnh vực này. Hội thảo là cơ hội tốt để các nhà khoa học, các giảng viên, nghiên cứu sinh, sinh viên, cũng như các nhà quản lý trong lĩnh vực: Điện-Điện tử, Công nghệ thông tin, Trắc địa, Đo đạc-Bản đồ, Giao thông, Xây dựng, Giám sát môi trường... tham gia trao đổi về các vấn đề học thuật cơ bản và chuyên sâu với các chuyên gia quốc tế.

Sáng Nguyễn

Tác giả: Nguyễn Kim Chi

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây