Với tầm nhìn quốc tế hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức những buổi gặp gỡ với các chuyên gia, diễn giả, tạo cơ hội cho sinh viên Nhà trường được tiếp cận với những kiến thức mới và bổ ích.
Ngày 4/10, sinh viên Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội được giao lưu với một trong những người đặc biệt của Israel - nhà du hành vũ trụ Eytan Stibbe. Ông đến thăm Đại học Bách khoa Hà Nội và thuyết trình với cán bộ và sinh viên Nhà trường về các trải nghiệm của ông trong chuyến du hành vũ trụ.
Du hành vũ trụ là một điều không dễ dàng, yêu cầu tri thức cao, đầu tư vào cơ sở vật chất rất nhiều, đổi lại, mang lại lợi ích to lớn. Việc nhà du hành vũ trụ Eytan Stibbe là một trong bốn người đầu tiên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế bằng chuyến bay tư nhân vào tháng 4/2022 nêu lên một điểm sáng cho sinh viên ngành Kỹ thuật hàng không, giúp các bạn hiểu được tầm quan trọng của ngành trong phát triển kinh tế đất nước.
Nhà du hành vũ trụ Eytan Stibbe chia sẻ về chuyến đi của mình với sinh viên Bách khoa Hà Nội ngày 4/10. Ảnh: Duy Thành
Trao đổi với sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội về cảm giác sống trong không gian, ông Stibbe cho hay dù dã được huấn luyện, nhưng nhà du hành không tránh khỏi tình trạng mệt mỏi do tăng hoạt động tuần hoàn. Mỗi nhà du hành phải luyện tập 2,5 giờ mỗi ngày để đạt thể trạng tốt cho hành trình và cần có vài ngày để họ thích nghi với cuộc sống tại Trái đất sau khi trở về.
Ông Eytan Stibbe nói riêng và các nhà du hành vũ trụ nói chung là những tấm gương sáng cho sinh viên Kỹ thuật hàng không có thêm nguồn cảm hứng với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và không ngừng mơ ước và tin vào khả năng thành công của những mục tiêu lớn.
Bách khoa Hà Nội tăng cường quốc tế hoá
Quốc tế hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu và đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam. Trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã phân tích “...giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng phát triển kinh tế-xã hội...”. Đại hội lần thứ XIII cũng đã chỉ rõ “...Đào tạo con người theo hướng có đạo đức, kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm công dân, xã hội; có kỹ năng sống, kỹ năng làm việc, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, công nghệ số, tư duy sáng tạo và hội nhập quốc tế...”. Hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói chung, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói riêng đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn.
Hiệu trưởng Bách khoa Hà Nội Huỳnh Quyết Thắng (trái) đón tiếp nhà du hành vũ trụ Eytan Stibbe ngày 4/10. Ảnh: Duy Thành
Nhu cầu của thị trường lao động và kỳ vọng của người học được định hình thông qua những tiêu chuẩn quốc tế và sẽ ngày càng được đòi hỏi cao. Người học, người thầy có thể dễ dàng dịch chuyển tới môi trường có điều kiện tốt nhất để học tập, làm việc thông qua các chương trình trao đổi, du học, làm việc tại nước ngoài. Sự thay đổi trong phương thức học tập (ví dụ: học qua trải nghiệm, học kết hợp, tự học qua các nguồn học liệu và học trực tuyến...) đang thay đổi mạnh mẽ tư duy học tập ở bậc đại học. Các đại học uy tín trên thế giới ngày càng có nhiều chương trình cấp bằng thông qua đào tạo trực tuyến toàn phần hoặc một phần, thông qua liên kết đào tạo.
Từ bối cảnh này, nhiệm vụ quốc tế hoá cần được xác định là một trong những nhiệm vụ then chốt, quyết định sự phát triển mang tính đột phá của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chiến lược phát triển Trường ĐHBK Hà Nội giai đoạn 2017-2025 nêu rõ tầm nhìn “Trở thành một đại học nghiên cứu hàng đầu khu vực với nòng cốt là kỹ thuật và công nghệ”, xác định mục tiêu phát triển “Xây dựng môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở và quốc tế hóa; thu hút sinh viên ưu tú, học giả xuất sắc trong nước và quốc tế đến học tập, nghiên cứu và làm việc”.
Lợi thế to lớn của sinh viên Bách khoa Hà Nội
Trong xu thế phát triển của thế giới nói chung, Hàng không và vũ trụ là ngành vừa đáp ứng nhu cầu hiện tại của con người về giao thông vận tải với tốc độ cao, nhiều tiện lợi; đồng thời phát triển thương mại, khám phá không gian vũ trụ.
Đối với Việt Nam, một đất nước đang phát triển với nhu cầu đi lại, giao thông, giao thương cao, ngành hàng không, vận tải có nhiệm vụ đạt mức độ phát triển cao nhất để phát triển đất nước. Theo quan điểm của PGS. Phạm Văn Sáng, Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội: Đối với Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, “ngành hàng không rất có triển vọng và xứng đáng được ưu tiên”.
Ở Việt Nam, hàng không là một ngành đặc thù, được đào tạo tại những học viện dành cho quân đội như hàng không không quân. Đối với dân sự, các trường đào tạo về hàng không sớm nhất có thể kể đến như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM và gần đây có thêm 1 số trung tâm đào tạo Viettel, Vietjet, RMIT, …
Bách khoa Hà Nội với bề dày lịch sử đào tạo, đi kèm với mạng lưới đối tác, cựu sinh viên đông đảo và chất lượng, mở ra cho sinh viên nhiều cơ hội việc làm và được trải nghiệm nhiều hoạt động chuyên ngành. Kỹ thuật hàng không là một ngành học không dễ, đòi hỏi sinh viên học tập và nghiên cứu tương đối nặng. Song song với đó, để đáp ứng nhu cầu kiến thức của sinh viên, kiến thức đại cương của Bách khoa Hà Nội là tương đối phù hợp.
Trong chương trình đào tạo chuẩn, sinh viên Kỹ thuật hàng không được thực hành, thí nghiệm bên cạnh việc học lý thuyết. Hơn nữa, Nhà trường không ngừng phát triển các phòng lab để sinh viên chuyên sâu nghiên cứu, thực hành. Vì tính đặc thù của ngành Kỹ thuật hàng không, Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đã hợp tác với các đối tác bên ngoài, đưa sinh viên đến thực tập tại các công ty hàng không lớn như Vietnam Airline và một số công ty phục vụ hoạt động bay trong nước, để sinh viên có cơ hội tiếp xúc, thực hành với sản phẩm đang hiện hành cụ thể.
Sinh viên Bách khoa Hà Nội tham gia buổi gặp nhà du hành vũ trụ Eytan Stibbe ngày 4/10. Ảnh: Duy Thành
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng sẵn sàng trao cơ hội làm việc cho sinh viên Bách khoa Hà Nội như: Viettel, Vietnam Airline, Vietjet Air hay các công ty phụ trợ hàng không, sản xuất linh kiện máy bay, …
Được biết, hãng Boeing mong muốn chuyển hoạt động sản xuất tới Việt Nam. Với kiến thức chuyên ngành được đào tạo sâu rộng, sinh viên hàng không được đào tạo liên ngành, không chỉ máy bay mà còn nhiều loại phương tiện khác.
Sinh viên Kỹ thuật hàng không của Trường Cơ khí có lợi thế tham gia lab nghiên cứu của các thầy cô, tiếp xúc với môi trường làm việc chuyên nghiệp và năng động từ sớm. Chất lượng kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp từ ngành này được phản ánh trong nhiều năm qua: nhiều sinh viên có cơ hội tìm kiếm học tập ở các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu, một số nước lớn tại Châu Á, … Nhiều sinh viên ngay từ khi chưa tốt nghiệp đã có những công bố khoa học đáng chú ý.
Bản thân từng là sinh viên Kỹ thuật hàng không và là nghiên cứu sinh tại nước ngoài, PGS. Phạm Văn Sáng nhấn mạnh: Sự chăm chỉ, chân thành và quyết tâm sẽ dẫn tới thành công. Mỗi người sẽ có một cách riêng, phù hợp với bản thân, luôn chân thành phấn đấu vì mục tiêu đặt ra.
Khi học tiến sĩ và làm postdoc ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), anh Sáng nhận thấy điểm khác biệt rõ nhất ở không gian trên giảng đường: “Sinh viên đi học như đi làm, hết sức trách nhiệm với việc học của mình. Họ tập trung trong giờ học với tính kỷ luật rất cao”. Theo anh, đó là yếu tố làm nên chất lượng và danh tiếng của trường đại học hàng đầu thế giới.
Để vươn tới thành công trong sự nghiệp, ngoài môi trường học tập, nền tảng kiến thức vững chắc, mỗi sinh viên cần nỗ lực và rèn luyện tính chuyên nghiệp của bản thân. Sinh viên Bách khoa cần chuyên nghiệp trong mọi khía cạnh: khai thác tốt môi trường học tập, có trách nhiệm với bản thân trong hoạch định kế hoạch tương lai.
Bên cạnh kiến thức chuyên ngành, sinh viên cần tìm hiểu thêm những ngành liên quan như máy tính, mô phỏng số, … và trau dồi ngoại ngữ.
Năm 2022, hơn 100 sinh viên đăng ký học ngành Kỹ thuật hàng không. Mục tiêu của Nhà trường là ngày càng thu hút thí sinh xuất sắc hơn để đào tạo nhiều kỹ sư, cử nhân, … chất lượng cao cho đất nước. Việc tăng sức hút đào tạo là nhiệm vụ trọng tâm được Trường Cơ khí đặt ra. Vì vậy, Nhà trường chú trọng tăng trải nghiệm cho sinh viên trong quá trình học tập, nâng cao tỷ lệ thực hành thí nghiệm, đưa thực hành thí nghiệm đi vào bản chất, gần gũi hơn với định hướng ngành nghề của sinh viên.
Trước khi đi học tại NUS và MIT, PGS. Phạm Văn Sáng đã xác định sẽ trở về và làm một người thầy giống như những người thầy anh từng được học: Luôn quan tâm đến sự phát triển của sinh viên. “Tôi đã được nhận điều đó từ các thầy, tôi cũng muốn truyền lại điều đó cho những thế hệ sinh viên sau”, PGS. Sáng chia sẻ.
Các vị trí việc làm tiêu biểu của sinh viên Kỹ thuật hàng không có: Kỹ sư sửa chữa, bảo dưỡng tại các hãng hàng không trong và ngoài nước, các cụm cảng hàng không, sân bay; Kỹ sư thiết kế, vận hành tại các công ty dịch vụ kỹ thuật hàng không; Kỹ sư thiết kế và vận hành hệ thống ở phòng kỹ thuật, phòng sản xuất, phòng thiết kế các công ty sản xuất và các công ty dịch vụ kỹ thuật công nghiệp … Kỹ sư nghiên cứu tại các viện nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực cơ khí động lực, các trường đại học trong và ngoài nước. |
Hạ San
Tác giả: Hà Kim
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn