Anh Cao Đại Thắng - CSV K50 ngành Kỹ thuật Năng lượng, Viện Khoa học & Công nghệ Nhiệt lạnh Đại học Bách khoa Hà Nội đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn INTECH Group sở hữu hệ sinh thái phòng sạch và nhà máy công nghệ cao hàng đầu tại Việt Nam. Khi nhận được các câu hỏi về khởi nguồn đam mê NCKH, về ngôi trường Đại học Bách khoa Hà Nội anh từng gắn bó, về các thầy/cô Bách khoa dìu dắt anh những bước đi ban đầu, niềm tự hào khi là SV Bách khoa… anh như được bật công tắc…chia sẻ!
Anh Cao Đại Thắng kể về khởi nguồn đam mê kỹ thuật công nghệ của mình:
* Bố tôi là người rất đam mê về máy móc, hầu hết các đồ máy móc trong nhà ông cũng đều tự chế, sửa chữa! Tôi phụ bố sửa xe đạp, mổ máy xe gắn máy, làm những việc thô sơ. Ngoài ra, hồi đó, cậu tôi là thợ sửa điện tử. Tôi rất thích sang nhà cậu, tò mò xem cậu sửa chữa những linh kiện nhỏ. Có lẽ đam mê máy móc của tôi được nhen lên từ đấy.
Học cấp 1, tôi tập tành dùng những tụ điện để chế máy hàn hay sử dụng động cơ điện, dynamo để phát đèn sáng cho xe đạp, cứ loay hoay, lọ mọ như thế sau giờ học.
Học cấp 3, có được đồng lẻ nào tôi lại vào các cửa hàng phế liệu mua những động cơ, bánh răng, hộp số, những cái lẫy, những gì hay hay để có thể chế tạo thành cơ cấu tự động hóa robot. Sau đó, trường tôi học tổ chức cuộc thi Robocon của VTV, tôi tham gia cuộc thi vào năm học lớp 11, học hỏi được rất nhiều điều.
Năm lớp 12, tôi tiếp tục tham gia cuộc thi Robocon của trường THPT Chuyên Hùng Vương cùng đề tài của VTV. Lúc đi thi, tôi chưa có kiến thức về vi xử lý tự động hóa và hệ thống điện tử, chỉ bằng những thứ thô sơ có được mà tạo thành một con robot với 7 chức năng tự động có thể bỏ bóng vào các đài. Năm đó nhóm tôi đạt giải vô địch trường, được tham gia trưng bày sản phẩm tại lễ hội đền Hùng và chuyển đổi cải tiến thành robot giao hàng để tham gia cuộc thi robot giao hàng VIFOTEC. Con robot này đang được trưng bày tại Nhà truyền thống của Trường THPT Chuyên Hùng Vương.
“Chạy sô” học hai ngành một lúc
* Từ lớp 11 đến lớp 12 tôi “nghiện” robot, ôm giấc mơ được học ngành Tự động hóa ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Tiếc là tôi không đủ điểm vào tự động hoá nhưng đây cũng là cơ duyên để tôi vào ngành Nhiệt lạnh Bách Khoa. Tôi hay nói vui đó là tình yêu sau hôn nhân vì sau khi vào Nhiệt Lạnh, hiểu về nói rồi rất thích Trong quá trình học, với mục tiêu theo đuổi đam mê, tôi học ké môn Vi xử lý và Tự động hóa, rồi học Điện tử công suất, Điều khiển; vào lớp Đo lường để học Mạng truyền thông công nghiệp và kiến thức điều khiển tự động; học cả các môn lớp Cơ điện tử nữa.
Hồi đó học niên chế nên buổi sáng thì học khóa của tôi, buổi chiều đi học khóa trên. Đặt quyết tâm không được học lại/thi lại, có thời gian học thêm kiến thức để “phục vụ” đam mê, tôi học đều, học kỹ tất cả các môn. Trước khi lên lớp bao giờ cũng xem bài cũ, nghe giảng chăm chú, có vấn đề gì ra chơi đến gặp các thầy để hỏi luôn. Trưa ăn xong lại chuyển sang lớp khác học ngay vì thời gian chuyển tiết rất ngắn, sau đó lại học một loạt các những kỹ năng khác.
Vì rất tập trung vào việc học để không lỡ môn nào, tôi có kiến thức nền tảng chắc chắn, các môn học cảm thấy rất dễ dàng. Và điểm phẩy cứ tăng lên, đến lúc bảo vệ đồ án tốt nghiệp, tôi là SV hiếm hoi đạt 5 điểm 10, được giữ lại trường làm giảng viên bộ môn Tự động hóa và công nghệ Nhiệt-Lạnh.
Tốt nghiệp được một thời gian ngắn, tôi được mời làm trợ lý trưởng phòng kỹ thuật với những dự án đầu tiên trong cuộc đời về Tự động hóa. Công ty rất tạo điều kiện ưu tiên cho công việc giảng viên ở Bách khoa của tôi.
Năm 2012, tôi cùng một số bạn bè thành lập INTECH Group. Trong quá trình mới thành lập chúng tôi bắt đầu bằng những dự án đầu tiên là về tự động hoá, rồi làm smarthome, hệ thống an ninh. Sau đó chúng tôi đã lựa chọn một hướng đi mới là phòng sạch.
Lý do giảng viên trẻ Bách khoa quyết tâm khởi nghiệp
- Là một SV với thời gian biểu khá đặc biệt tại Bách khoa Hà Nội, được học nhiều thầy/cô giáo, học nhiều môn học, vậy anh ấn tượng với thầy/cô giáo Bách khoa nào nhất? Đồng thời, khi công tác tại Đại Học Bách Khoa, anh có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất với các bạn sinh viên?
* Tôi ấn tượng nhất với thầy giáo Lương Thế Ngọc. Thầy rất nghiêm khắc và khắt khe, thầy là giáo viên học tự động hóa về lĩnh vực nhiệt ở Liên Xô và thầy cũng chính là những người hướng dẫn tôi trong quá trình tập sự. Khi ở lại trường làm giảng viên, tôi được tiếp xúc với các bạn SV, đặc biệt là tham gia những chương trình của Đoàn Thanh niên, làm cố vấn học tập… Những buổi gặp đầu tiên, tôi thường giúp cả lớp gần gũi nhau bằng cách cho các bạn giới thiệu bản thân, quê quán, trường lớp để các bạn biết nhau, có sự gắn kết, tạo thành network. SV Bách khoa rất giỏi, có kiến thức lúc trước bản thân tôi chưa được học/chưa tìm hiểu hết, nay có những bài toán cùng làm với SV, tự dưng lại “vỡ” ra nhiều điều.
- Dường như với anh, công việc giảng dạy cũng rất thú vị. Vậy lý do gì khiến anh quyết định khởi nghiệp?
* Lúc đó tôi muốn yên tâm ở lại giảng dạy và kiếm công việc làm thêm để trang trải cuộc sống. Sau đấy xác định phải làm cái gì đó mới mà liên quan đến ngành để có lợi thế cạnh tranh và có xu hướng phát triển. Thời điểm bây giờ ngành cơ điện, hệ thống an ninh bắt đầu có sự bão hòa, chúng tôi nhận thấy phòng sạch - lĩnh vực gần nhất mà mình đã học và nghiên cứu - có hướng phát triển.
“Lĩnh vực kỹ thuật đòi hỏi sự kỷ luật và quyết tâm mới tạo ra được đột phá”
- Những kiến thức, kỹ năng anh nhận được từ Đại học Bách khoa Hà Nội có giúp gì trong lĩnh vực anh khởi nghiệp không?
* Bách khoa Hà Nội cho tôi những kiến thức nền tảng và chắc chắn, giúp tôi có thể lý luận về nguyên lý máy, lý giải những khó khăn vướng mắc. Tại thời điểm khởi nghiệp, những vấn đề kỹ thuật là vấn đề khó nhất mà ít người có được, trong khi tôi đã sẵn có, đó là một sự thuận lợi. Thông qua việc đã có sẵn kiến thức, tôi có thể tiếp cận được tiêu chuẩn quốc tế hoặc có thể tìm kiếm, học hỏi và nhờ sự hỗ trợ của chuyên gia rất nhanh. Trong khi những công ty khi muốn có được những lời tư vấn như thế, họ có thể phải mất rất nhiều chi phí cho chuyên gia.
- Là cựu SV, giảng viên Bách khoa Hà Nội, anh có cảm nhận về SV Bách khoa hiện nay? Trong thời gian tới, Tập đoàn anh lãnh đạo có những chính sách và kết nối nào với Nhà trường nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, đẩy mạnh đóng góp xã hội?
* Sinh viên Bách khoa Hà Nội rất ngoan, ham học hỏi và đặc biệt rất đam mê kỹ thuật. Đại học Bách khoa Hà Nội là môi trường hội tụ các kỹ sư, những người đam mê khoa học kỹ thuật, có những network tốt hỗ trợ lẫn nhau. SV Bách khoa Hà Nội thường có những thuận lợi và thành công nhất định trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên, lĩnh vực này đòi hỏi sự kỷ luật và quyết tâm mới tạo ra đột phá. Các bạn trẻ nên tập trung vào những nghiên cứu có thể tạo ra giá trị, những sản phẩm (dù chỉ có một chút đổi mới) mang lại lợi ích cho xã hội cũng là rất tốt rồi.
INTECH luôn xác định việc phối hợp với các trường ĐH, trong đó có Đại học Bách khoa Hà Nội là một trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, để công ty phát triển được INTECH luôn mong muốn đón nhận các bạn sinh viên đam mê khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực công ty để phát triển nhân tài trở thành các kỹ sư, lãnh đạo trong tương lai. Vì vậy, chúng tôi thường tổ chức rất nhiều chương trình để kết nối, hỗ trợ hợp tác với trường và SV, như những chương trình mời SV tham gia hội thảo, mời SV đến thực tập kiến tập tại nhà máy; cùng đó là những học bổng dành cho SV tiến bộ, động viên các bạn trẻ năm sau tốt hơn năm trước.
- Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi!
Hoàng Hiền Hạnh