Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 23/06/2023 09:31
Ngày 22/6/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội thảo "Xây dựng học liệu số và triển khai đào tạo trên nền tảng số". Lãnh đạo các khoa/Viện/Trường của đại học đã tham dự hội thảo, cùng tìm hiểu thông tin về học liệu số. Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, đây là bước “kick off” cho một kế hoạch lớn của Nhà trường.
Hiện nay, nhiều trường đại học trên thế giới đã và đang tập trung phát triển nguồn tài liệu số, thư viện số, bài giảng số… Nhiều phương thức dạy và học đã được phát triển và áp dụng có hiệu quả như đào tạo trực tuyến, đào tạo kết hợp, tự học, tự đào tạo…
Học liệu số - hay được gọi là học liệu điện tử bao gồm giáo trình điện tử, sách giáo khoa điện tử, tài liệu tham khảo điện tử, bài kiểm tra đánh giá, bản trình chiếu, bảng dữ liệu, các tệp âm thanh, hình ảnh, video, bài giảng điện tử, phần mềm dạy học, thí nghiệm mô phỏng và các học liệu được số hóa khác. Nguồn học liệu số bao gồm khoá học với đầy đủ nội dung, các tài liệu học tập.
Tại Việt Nam, nhiều trường đại học nỗ lực xây dựng nguồn học liệu số, xây dựng các khoá học trực tuyến để phục vụ đào tạo. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng xét công nhận kết quả học tập của sinh viên khi sinh viên tham gia học và hoàn thành các khoá học trên MOOC (coursera, edX Online Courses by Harvard, MIT, Stanford Online, Udemy …).
Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số (CĐS). Theo đó, giai đoạn 2020-2025 và hướng tới 2030, nhiệm vụ CĐS được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục – đào tạo.
Bách khoa Hà Nội chuyển đổi số mạnh mẽ trong đào tạo
Đại học Bách khoa Hà Nội coi chuyển đổi số là bước đột phá quan trọng trong giai đoạn phát triển từ nay đến năm 2025 nhằm duy trì vị thế đại học khoa học - kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam có sức ảnh hưởng, tiên phong và dẫn dắt trong giáo dục đại học.
Trong chiến lược phát triển thời kỳ CĐS, Đại học Bách khoa Hà Nội coi sinh viên là trung tâm và chủ thể; sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ mới đột phá nhằm đáp ứng nhu cầu của người học thế hệ mới; thích ứng với thời đại số để giữ vững năng lực cạnh tranh; xây dựng cơ sở dữ liệu và nâng cao năng lực phân tích dữ liệu để đưa ra các quyết định; xác định giá trị cam kết của đại học với các bên có lợi ích liên quan và các đối tác.
Theo PGS. Nguyễn Đắc Trung – Trưởng Phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội, các giải pháp thúc đẩy xây dựng học liệu số đã được triển khai gồm: Ban hành các quy định về Tổ chức hoạt động dạy-học trên nền tảng công nghệ kết nối và trực tuyến, quy định về bài giảng điện tử, quy trình triển khai đào tạo B-Leaning; Ban hành các quy định về xuất bản điện tử, số hoá tài liệu và khai thác học liệu tại thư viện Tạ Quang Bửu; Đảm bảo trang thiết bị, phòng ghi hình, phòng học kiểu mẫu để xây dựng các video bài giảng; Xây dựng công nghệ sản xuất video bài giảng; Biên tập các học liệu số cho sinh viên tham khảo trong học tập.
Song song với việc phát triển học liệu số và các khóa học được đào tạo trên nền tảng số, Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai giải pháp đảm bảo nền tảng để đào tạo như LMS Moodle đào tạo B-Learning, MOOC EdX đào tạo E-Learning, LCMS để cấp phát học liệu số; Phát triển eHUST, nền tảng đưa và cấp phát học liệu của các học phần trên hệ thống quản lý đào tạo; Nền tảng để sử dụng sách xuất bản điện tử, nền tảng khai thác học liệu của thư viện Tạ Quang Bửu; Nền tảng SEB/Moodle và các nền tảng khác phục vụ đánh giá kết quả học tập, thi trực tuyến.
Các quy trình xây dựng, thẩm định bài giảng và triển khai đào tạo trên nền tảng số được thực hiện bài bản để đảm bảo chất lượng học liệu số cũng như quản lý, hỗ trợ người học tốt nhất trong quá trình đào tạo.
Đại học Bách khoa Hà Nội cũng tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về đổi mới phương pháp dạy-học, CĐS của trong đào tạo, nâng cao năng lực số cho đội ngũ giảng viên của Đại học để sẵn sàng cho việc phát triển học liệu và đào tạo trên nền tảng số.
Bên cạnh đó, Nhà trường đã thành lập Ban đổi mới phương pháp đào tạo để hỗ trợ các thầy/cô trong xây dựng học liệu số và triển khai đào tạo B-Learning, chú trọng nâng cấp hạ tầng CNTT, đầu tư cơ sở vật chất, phòng ghi hình, ghi tiếng, các phần mềm phục vụ xây dựng bài giảng, xử lý hậu kỳ…
Theo số liệu thống kê của Phòng đào tạo, việc phát triển học phần đào tạo theo B-Learning đã tăng lên qua các năm: Năm học 2016-2017 là 41 học phần đào tạo theo B-Learning; con số này năm học 2022-2023 là 103. Năm học 2018-2019, có 4.000 lượt sinh viên tham gia 57 lớp đào tạo theo B-Learning; năm học 2022-2023, con số này là 30.419 và 374; Trên 82% sinh viên hài lòng khi tham gia các khoá học B-Learning.…
PGS. Nguyễn Đắc Trung phân tích: Sự quyết tâm của ban lãnh đạo cùng các giải pháp đồng bộ đã tạo động lực lớn cho các giảng viên, cán bộ của Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc thực hiện CĐS, đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo của đại học và phát triển bền vững; Tạo tính tích cực, chủ động cho người học trong việc tự học, tự nghiên cứu với nguồn học liệu số được xây dựng, tự trau dồi và phát triển các kỹ năng bản thân;
Cùng đó, CĐS trong đào tạo tạo sự sáng tạo trong phát triển phương pháp giảng dạy mới, cập nhật nội dung bài giảng qua từng học kỳ; Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua tăng cường trải nghiệm, tích cực trao đổi, thảo luận; Tiết kiệm thời gian, chi phí so với bài giảng truyền thống, học liệu truyền thống; khai thác đơn giản, tính tiện ích trong sử dụng. Giảm thiểu chi phí tổ chức lớp học, giảm tải phòng học, giảm tải giảng dạy trên lớp; Kiểm tra đánh giá trên nền tảng số nhanh, hiệu quả, công bằng, đánh giá đúng năng lực của sinh viên.
Một số báo cáo từ kinh nghiệm thực tiễn triển khai CĐS trong đào tạo đã được trình bày tại Hội thảo: Quy trình xây dựng bài giảng và ví dụ một khoá học trực tuyến – TS. Nguyễn Thị Vân Hương – Trường Cơ khí; Học liệu số trên eHUST - TS. Nguyễn Xuân Tùng, TS. Nguyễn Thanh Hùng – Trường CNTT&TT; Đào tạo trên nền tảng MOOC tại trường CNTT và TT - TS. Phạm Huy Hoàng; Xuất bản sách điện tử phục vụ đào tạo - TS. Bùi Đức Hùng – Giám đốc NXB Bách khoa Hà Nội; Số hoá tài liệu và khai thác phục vụ đào tạo tại thư viện Tạ Quang Bửu - ThS. Hà Thị Huệ - Giám đốc Thư viện Tạ Quang Bửu.
Chuyển đổi số - Công việc phải làm với từng cá nhân, tập thể ở Bách khoa Hà Nội
Sau một số ý kiến góp ý, đề xuất tại Hội thảo, PGS. Nguyễn Phong Điền – Phó Giám đốc Thường trực đại học nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay nhằm khởi đầu cho một kế hoạch lớn của Đại học Bách khoa Hà Nội. CĐS là công việc bắt buộc phải làm đối với từng cá nhân và cả tập thể.
“Một khóa học trực tuyến có nhiều nội dung từ đề cương chi tiết, tài liệu đọc dành cho sinh viên, bộ slide bài giảng, video bài giảng, câu hỏi tương tác, bài kiểm tra đánh giá, tài liệu hướng dẫn bài tập… đều cần được quan tâm và xây dựng để đạt chuẩn của một khóa học trực tuyến. Trong đó, các thầy/cô sẽ xây dựng slide bài giảng, nội dung học thuật của khóa học để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Nhà trường luôn đồng hành, hỗ trợ các thầy/cô và có những giải pháp phù hợp, đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu xây dựng được ít nhất 20 khóa học trực tuyến đến tháng 12/2023 và thêm 80-100 khóa học nữa trong năm 2024 và 2025 để phục vụ cho công tác đào tạo trên nền tảng số tại Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như chia sẻ học liệu tới trường đại học khác trong cả nước – PGS. Nguyễn Phong Điền kết luận hội thảo.
Qua những ý kiến góp ý tại hội thảo, có thể thấy sự quyết tâm từ phía các cán bộ, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội về CĐS trong đào tạo. Các giảng viên đều khẳng định xây dựng bài giảng, khóa học có chất lượng cao, kết hợp với công nghệ, kỹ năng, chủ động sáng tạo của thầy/cô là chìa khóa cho việc thu hút, hấp dẫn sinh viên khi tham gia học tập trên nền tảng số.