Ngày hằng số Vật lý tạo dựng nên vũ trụ: Những ngôi sao Vật lý Việt Nam tụ hội tại Bách khoa Hà Nội

Thứ tư - 06/11/2024 06:00
Các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và người yêu Vật lý tham dự Lễ Kỷ niệm Ngày Vật lý Việt Nam 6/11
Các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên và người yêu Vật lý tham dự Lễ Kỷ niệm Ngày Vật lý Việt Nam 6/11
Sáng nay (6/11), Khoa Vật lý Kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Hội Vật lý Việt Nam long trọng tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Vật lý Việt Nam 6/11 với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đầu ngành.

Ít ai biết rằng 6 và 11 là những con số quen thuộc với các nhà Vật lý, nằm trong giá trị của hằng số hấp dẫn trong hệ đơn vị SI (6.6E-11 = 6.6*10^-11) – một trong những hằng số quan trọng trong Vật lý tạo dựng nên vũ trụ.

Kỷ niệm Ngày Vật lý Việt Nam lần thứ hai 

GS. Vũ Đình Lãm - Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam – cho biết: Từ năm 2023, Hội Vật lý Việt Nam quyết định lấy ngày 6/11 hàng năm là ngày của ngành nhằm khuyến khích, thúc đẩy và phát triển các hoạt động nghiên cứu, đào tạo, giảng dạy, ứng dụng vật lý; tăng cường hợp tác và phổ biến kiến thức trong cộng đồng; nâng cao sự quan tâm, say mê của học sinh, sinh viên và công chúng đối với Vật lý.
 
20241106 CBO 8962
GS. Vũ Đình Lãm - Phó Chủ tịch Hội Vật lý Việt Nam - phát biểu khai mạc
Năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội là “chủ nhà” tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Vật lý Việt Nam 6/11. Từ Bách khoa Hà Nội, chương trình được phát trực tuyến thông qua trang fanpage của Hội Vật lý Việt Nam để các thành viên của Hội Vật lý Việt Nam, các nhà khoa học, các thầy cô giảng dạy môn Vật lý cùng toàn thể học sinh, sinh viên học Vật lý có thể theo dõi sự kiện này.

Tại lễ kỷ niệm, Hội Vật lý Việt Nam đã trao tặng “Giải thưởng cống hiến năm 2024”, tôn vinh các hội viên lão thành tiêu biểu, đã và đang có những đóng góp xuất sắc cho ngành vật lý Việt Nam, cũng như trong xây dựng, phát triển tổ chức. 
 
20241106 CBO 9018
Ban Chấp hành Hội Vật lý Việt Nam trao tặng “Giải thưởng cống hiến năm 2024” cho những hội viên tiêu biểu
Đặc biệt, tâm điểm của sự kiện là 4 bài giảng đại chúng, thu hút sự quan tâm của đông đảo sinh viên, giảng viên ngành Vật lý và những người yêu thích môn khoa học nghiên cứu vật chất và chuyển động, gồm: 

1.    Bài giảng “Giải thưởng Nobel Vật lý năm 2024” của PGS. Nguyễn Ái Việt (ĐHQG HN)

2.    Bài giảng “Vật lý thống kê và học sâu trong nghiên cứu vật lý sinh dược học phân tử” của PGS. Nguyễn Thế Toàn (ĐHQG HN)

3.    Bài giảng “Nghiên cứu vật liệu bằng mô phỏng số và thuật toán máy học” của PGS. Lê Văn Lịch (Đại học Bách khoa Hà Nội)

4.    Bài giảng “AI Factory và cơ hội cho tính toán hiệu năng cao ở Việt Nam” của TS. Trần Thế Trung (FPT Smart Cloud -FCI)

Bách khoa Hà Nội góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Vật lý Việt Nam

Hội Vật lý Việt Nam được thành lập năm 1966 theo đề xuất của GS. Tạ Quang Bửu -  Hiệu trưởng đầu tiên của Đại học Bách khoa Hà Nội (giai đoạn 1956-1961) cùng GS. Ngụy Như Kon Tum, GS. Đinh Ngọc Lân. 

Năm 1971, Hội Vật lý Việt Nam tổ chức Hội nghị Vật lý đầu tiên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, hội nghị đã vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến động viên và chỉ đạo. Cho đến nay, Hội nghị do Hội Vật lý Việt Nam duy trì tổ chức, gọi là Hội nghị Vật lý toàn quốc, được duy trì và tổ chức định kỳ 5 năm/lần. 

Với tinh thần nỗ lực góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành Vật lý Việt Nam, năm nay, Khoa Vật lý Kỹ thuật - Đại học Bách khoa Hà Nội vinh dự đồng tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Vật lý Việt Nam lần thứ hai.

Với vai trò là “chủ nhà”, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đóng góp bài giảng “Nghiên cứu vật liệu bằng mô phỏng số và thuật toán máy học” do PGS. Lê Văn Lịch (Giảng viên Trường Vật liệu) trình bày. 
 
20241106 DSC 6875
PGS. Lê Văn Lịch (Giảng viên Trường Vật liệu) trình bày bài giảng “Nghiên cứu vật liệu bằng mô phỏng số và thuật toán máy học” 
Bài giảng đi sâu phân tích giải pháp thiết kế hiệu quả cho vật liệu sắt điện không chứa chì thông qua sự kết hợp giữa mô phỏng số thông lượng cao pha - trường và thuật toán máy học.

PGS. Lê Văn Lịch cho rằng: “Việc phát triển các vật liệu sắt điện không chì có hiệu ứng áp điện mạnh ngày càng trở nên quan trọng do các lo ngại về môi trường và các quy định nghiêm ngặt về việc sử dụng vật liệu chứa chì.”

Tuy nhiên, phần lớn các vật liệu sắt điện không chì hiện nay đều thể hiện hiệu ứng áp điện thấp hơn nhiều so với vật liệu chứa chì. Do đó, tối ưu thành phần vật liệu sắt điện nhằm tăng cường hiệu ứng áp điện là cần thiết, cũng là một thách thức bởi không gian tổ hợp thành phần vật liệu lớn.

Những chia sẻ của PGS. Lê Văn Lịch và các diễn giả qua 4 bài giảng đại chúng đã góp phần nuôi dưỡng đam mê Vật lý của sinh viên Bách khoa Hà Nội, những người trẻ yêu thích ngành khoa học này. 

Với sự ra đời của Ngày Vật lý Việt Nam, ngành Vật lý đã bước sang giai đoạn phát triển mới, hoà cùng dòng chảy khoa học công nghệ, đóng góp vào xây dựng và phát triển đất nước.
 
Ảnh: Dĩnh Khiêm

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây