TS Trịnh Văn Chiến, 34 tuổi, giảng viên, trưởng phòng thí nghiệm nghiên cứu mạng máy tính và công nghệ truyền thông thế hệ mới, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, quan tâm đến lĩnh vực truyền thông và mạng từ khi là sinh viên K52 Điện tử viễn thông, Trường Điện – Điện tử, ĐHBK Hà Nội.
Mới đây, TS. Trịnh Văn Chiến đã đạt Giải thưởng Khoa học công nghệ Thanh niên Quả cầu vàng năm 2023 - giải thưởng uy tín tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Nghiên cứu của anh nằm trong lĩnh vực “Xem xét việc tích hợp công nghệ cực nhiều ăng ten trong mạng phi tế bào và bề mặt phản xạ thông minh dưới ảnh hưởng của tương quan không gian giữa các phần tử tán xạ”.
Một nhà khoa học khiêm tốn
Giải thưởng Khoa học công nghệ Quả cầu vàng do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh chủ trì phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hằng năm, nhằm phát hiện, tôn vinh các tài năng trẻ xuất sắc không quá 35 tuổi đang trong học tập, nghiên cứu khoa học, làm việc ở trong và ngoài nước thuộc năm lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; Công nghệ y-dược; Công nghệ sinh học; Công nghệ môi trường và Công nghệ vật liệu mới.
Tiêu chí đánh giá của giải thưởng Quả cầu vàng không dựa trên một đề tài khoa học cụ thể mà là cả quá trình nghiên cứu của ứng viên, dựa vào số công bố đề tài nghiên cứu, kinh nghiệm công tác giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, …
TS. Trịnh Văn Chiến chia sẻ: “Ban đầu, tôi không định nộp hồ sơ xét giải thưởng do nghĩ có nhiều ứng viên sáng giá hơn mình”. Được sự động viên của lãnh đạo khoa, thầy Chiến được tiếp thêm tự tin để nộp hồ sơ.
TS. Trịnh Văn Chiến (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng các “Quả cầu vàng” 2023
Anh Chiến cho biết, thủ tục làm xét duyệt giải thưởng Quả cầu vàng khá đơn giản, anh không gặp khó khăn, thách thức gì. Đến với Quả cầu vàng, anh có cơ hội làm quen nhiều người và được nhiều người biết đến hơn. Đặc biệt, khi nhận giải, anh rất vui vì những cố gắng và cống hiến của anh đã được ghi nhận. “Đây cũng là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu nghiên cứu và giảng dạy”, thầy Chiến chia sẻ.
Điều TS. Chiến thích thú nhất khi tham gia giải thưởng này là được cùng giao lưu, trao đổi và học hỏi từ nhiều nhà khoa học cùng ngành, mở rộng vốn kiến thức vì “nghiên cứu khoa học công nghệ không bó hẹp vào một ngành mà định hướng liên ngành, mở rộng cơ hội giao lưu, hợp tác”.
Cần cù, đam mê nghiên cứu
Được hỏi về con đường nghiên cứu, anh Chiến cho biết: “Chuyên ngành của tôi giao thoa giữa Điện tử viễn thông và Công nghệ thông tin nên có thể nói, tôi đã theo định hướng này từ khi học đại học”.
Là một giảng viên về Truyền thông và mạng, anh Chiến tập trung nghiên cứu về mạng 5G, 6G, ứng dụng công nghệ truyền thông IoT và Nhúng.
TS. Trịnh Văn Chiến (phải) chụp hình cùng Nữ sinh khoa học công nghệ Việt Nam năm 2023
TS. Chiến chia sẻ: “Mạng 5G được triển khai từ năm 2020, đã được ứng dụng nhiều trên thế giới. Cuối năm nay, đầu năm 2024, chúng ta sẽ dịch chuyển qua 5G Advanced để 2030 chuyển dần qua 6G”.
Tiêu chí của mạng 5G là tốc độ lớn hơn 4G hiện tại, đảm bảo gọi video không còn giật, chất lượng cao và ổn định hơn, theo đó, trải nghiệm của người dùng cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, các mạng truyền thông này ứng dụng vào robot trong nhà máy, tự động hóa và công nghệ thông tin, hỗ trợ trong chăm sóc sức khỏe, điều khiển robot trong y học, phẫu thuật. Với đặc tính công việc cần sự tỉ mỉ, chính xác cao, độ trễ nhỏ, mạng 5G, 6G sẽ truyền lệnh từ trung tâm điều khiển đến robot với tốc độ nhanh hơn.
Một vấn đề thường gặp ở mạng 4G hiện tại là sự suy hao trong đường truyền mạng khi gặp vật cản. Cụ thể, một số tòa nhà được thiết kế có nhiều khung thép trong quá trình xây dựng, gặp hiện tượng chắn sóng, khiến người dùng không thể truy cập mạng nếu không có Wifi – trạm phát sóng trong nhà. “Mạng 5G sẽ được cải tiến và giải quyết các bài toán đó”, thầy Chiến giải thích.
Khát vọng cống hiến cho nước nhà
Được biết, sau khi tốt nghiệp ĐHBK Hà Nội, thầy Trịnh Văn Chiến tiếp tục học Thạc sĩ tại Hàn Quốc, nghiên cứu sinh tại Thụy Điển và sau Tiến sĩ tại Luxembourg. Sau đó, anh chọn về Việt Nam, đóng góp cho quê hương nước nhà.
Dự định chính trong tương lai của TS. Trịnh Văn Chiến là có thể xây dựng phòng nghiên cứu của mình được lớn mạnh hơn, kết nối được các nhóm nghiên cứu khác, không chỉ trong Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, mà còn các Viện/Trường khác trong nước và quốc tế, tạo mối liên kết giữa Việt Nam và thế giới.
Anh Chiến luôn mong giúp đỡ sinh viên có nhu cầu học cao hơn trong nước và cả nước ngoài. Anh chia sẻ: “Tôi cũng từng đi du học, tôi muốn các bạn sinh viên của mình có cơ hội trải nghiệm văn hóa nước ngoài, rồi về Việt Nam cống hiến”.
TS. Trịnh Văn Chiến (ngoài cùng bên phải) chụp hình lưu niệm sau buổi lễ trao giải Quả cầu vàng 2023.
Theo anh, dù sinh sống và làm việc ở đâu, sinh viên Bách khoa Hà Nội vẫn luôn tạo ra giá trị, giúp phát triển đất nước. “Nhiều người Việt làm việc ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên kết nối với chúng ta qua các diến đàn, giúp đỡ học sinh, sinh viên Việt Nam tìm học bổng và cơ hội việc làm ở các đất nước khác nhau. Các bạn luôn hướng về quê hương”, TS. Trịnh Văn Chiến chia sẻ.
Tối ngày 27/10/2023, TS. Trịnh Văn Chiến nhận giải thưởng Quả cầu vàng 2023 - giải thưởng uy tín tôn vinh các tài năng trẻ Việt Nam có thành tích xuất sắc trong học tập, công tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Căn cứ Quy chế và đề xuất của Hội đồng Giải thưởng, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã quyết định trao Giải thưởng KHCN Quả Cầu Vàng năm 2023 cho 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất, trong đó: Lĩnh vực Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa 03 cá nhân, Công nghệ y - dược 03 cá nhân, Công nghệ môi trường 02 cá nhân và Công nghệ vật liệu mới 02 cá nhân.
Mỗi cá nhân đạt Giải thưởng được nhận Huy hiệu “Tuổi trẻ sáng tạo” của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Cúp Quả Cầu Vàng, Giấy chứng nhận đạt Giải thưởng và phần thưởng tiền mặt 20 triệu đồng. |
Hạ San
Ảnh: NVCC, ĐTN ĐHBK Hà Nội