16 chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội được chứng nhận chất lượng tiêu chuẩn châu Âu

Thứ tư - 17/05/2023 07:51
DSC 6182
“Nâng cao chất lượng đào tạo thông qua hiện đại hóa nội dung, đổi mới phương pháp giảng dạy và cải tiến cơ sở vật chất là hoạt động quan trọng của quá trình phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội trong bối cảnh tự chủ toàn diện, chuyển đổi số và quốc tế hóa”, PGS. Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định.

Kiểm định chất lượng là thước đo mức độ hội nhập quốc tế
Trong tháng 5/2023, tổ chức kiểm định chất lượng uy tín ASIIN (CHLB Đức) đã trao chứng nhận đạt khung trình độ bậc 6 (bậc đại học) của châu Âu cho 16 chương trình đào tạo thế mạnh của Bách khoa Hà Nội trong 5 lĩnh vực: Cơ điện tử và Vật liệu tiên tiến, Điện-Điện tử, Công nghệ thông tin, Quản lý công nghiệp và Toán Kinh tế. Đây đều là nhóm ngành có nhiều đóng góp uy tín tại thị trường trong nước và trên thế giới.

Trong 16 chương trình kiểm định, 50% là các chương trình được giảng dạy bằng tiếng Anh và tăng cường ngoại ngữ, với nội dung được tham chiếu theo chương trình đào tạo nước ngoài và có sự hợp tác quốc tế thông qua các hoạt động trao đổi sinh viên và mời giáo sư nước ngoài tham gia giảng dạy.

Bên cạnh đó, 6 chương trình (thuộc lĩnh vực Điện – Điện tử, Cơ điện tử, Vật liệu) được kiểm định lần này có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất từ dự án SAHEP được tài trợ bởi Ngân hàng thế giới. Cùng với 2 chương trình đạt kiểm định CTI (Ủy ban văn bằng kỹ sư Pháp) và 11 chương trình đạt kiểm định AUN-QA (Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á), số chương trình đào tạo trong dự án SAHEP đạt kiểm định chất lượng quốc tế là 19, vượt 160% chỉ tiêu đề ra ban đầu của dự án.

Theo PGS. Nguyễn Phong Điền, tổ chức kiểm định ASIIN có triết lý rất khác biệt: ASIIN đặc biệt coi trọng ảnh hưởng của chương trình đào tạo đến người học, đặc biệt là khả năng và năng lực của sinh viên sau khi ra trường.  
 
DSC 6148
PGS. Nguyễn Phong Điền (phải), Phó Giám đốc đại học và PGS. Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng tại Buổi trao chứng nhận Kiểm định ASIIN tháng 5/2023
Trong quá trình tham gia kiểm định trực tiếp tại Bách khoa Hà Nội vào tháng 11/2022, ASIIN chú trọng tiếp nhận phản hồi của các sinh viên về từng học phần, môn học, chuẩn đầu ra, điều kiện về thí nghiệm thực hành và thực tập. Các giảng viên, cựu sinh viên và lãnh đạo doanh nghiệp được mời tham gia các buổi thảo luận với đơn vị kiểm định về kiến thức, kỹ năng và khả năng đáp ứng công việc của sinh viên Bách khoa sau tốt nghiệp.

Theo báo cáo của tổ chức ASIIN, Đại học Bách khoa Hà Nội được đánh giá cao về vai trò cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội thông qua ý kiến của nhà tuyển dụng và cựu sinh viên: Sinh viên Bách khoa có năng lực, kiến thức chuyên môn tốt với khả năng tư duy, tính chủ động và sức sáng tạo. Chương trình đào tạo có cấu trúc rõ ràng, liên kết chặt chẽ giữa các học phần và giữa khối kiến thức với chuẩn đầu ra. Sinh viên và cựu sinh viên có sự gắn bó và kết nối gần gũi với nhà trường trong nhiều hoạt động xây dựng và phát triển.

Bên cạnh đó, Bách khoa Hà Nội cần tăng cường trải nghiệm thực tế cho sinh viên và thúc đẩy đo lường, đánh giá, nhằm tối ưu hóa khối lượng học tập cho người học. Kênh thông tin giữa cơ sở đào tạo và các doanh nghiệp sẽ được xây dựng chặt chẽ hơn để thuận lợi cho việc trao đổi thông tin, nhu cầu, qua đó điều chỉnh chuẩn đầu ra phù hợp và nâng cao chất lượng chương trình.

PGS. Phạm Thị Thanh Hồng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý cho biết đợt kiểm định giúp các thầy cô nhận thấy cần tập trung nhiều hơn trong việc giao lưu với các trường đại học quốc tế: “Những trải nghiệm này sẽ giúp sinh viên thêm tự tin trình bày và sử dụng tiếng Anh trong các hoạt động chuyên môn cũng như trong công việc sau này.”

Kiểm định bởi các tổ chức nước ngoài được xem là thước đo mức độ hội nhập quốc tế của mỗi cơ sở giáo dục. “Sự đánh giá của các tổ chức uy tín khẳng định bước đi đúng của Nhà trường, là căn cứ và động lực để Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát triển và vươn xa trong khu vực và trên thế giới”, PGS. Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng nói.

Nâng cao chất lượng là con đường dài và không có điểm dừng
PGS. Phạm Thị Thanh Hồng cảm thấy tự hào khi nhận được kết quả báo cáo về chương trình đào tạo của Viện Kinh tế và Quản lý từ một trong những tổ chức kiểm định uy tín nhất thế giới: “Kết quả kiểm định khẳng định về chất lượng và vị thế các chương trình đào tạo của Viện. Chúng tôi thêm tự tin để tiếp tục con đường đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng cần thiết cho nền kinh tế, xã hội.”

PGS. Nguyễn Phong Điền cho biết, chính sách của nhà nước trong giáo dục đại học là trao quyền tự chủ cho các đơn vị giáo dục. Mỗi đơn vị cần minh bạch các hoạt động tự chủ, công khai cho người học về chất lượng đào tạo thông qua kiểm định, đánh giá ngoài, song song với kiểm định tại cơ sở giáo dục đào tạo. Thường xuyên cải tiến nội dung và phương thức đào tạo là động lực và áp lực để Nhà trường tiếp tục đầu tư nâng cao môi trường học thuật, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, sáng tạo và trải nghiệm thực tế cho sinh viên và giảng viên Bách khoa.
 
DSC 7046
Các chuyên gia đến từ Tổ chức Kiểm định ASIIN trong buổi kiểm định tại Đại học Bách khoa Hà Nội vào tháng 11/2022
39/63 chương trình đào tạo trong tuyển sinh năm nay của Bách khoa Hà Nội đã đạt kiểm định khu vực và quốc tế bởi các cơ sở uy tín như CTI, AUN-QA hay ASIIN. Phần lớn các chương trình nằm trong danh mục Chương trình tiên tiến, Chương trình hợp tác quốc tế đã đạt kiểm định và đóng vai trò hạt nhân, xúc tác ban đầu để thúc đẩy sự phát triển của nhà trường trong tiến trình quốc tế hóa thông qua việc tạo dựng môi trường học thuật quốc tế cho sinh viên và giảng viên.

Về tầm nhìn dài hạn, Bách khoa Hà Nội sẽ không có sự phân biệt giữa các chương trình đào tạo trong tiến trình nâng cao chất lượng toàn diện để đóng góp cho quá trình quốc tế hóa chung của Nhà trường. “Tôi hi vọng tất cả các chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội sẽ đều mở cửa cho các sinh viên quốc tế”, PGS. Trương Việt Anh chia sẻ.

Theo Trưởng phòng Quản lý chất lượng, kiểm định chất lượng là đánh giá khách quan, minh bạch bên ngoài nhưng bản thân đơn vị cần tự vận động cải tiến bên trong để đảm bảo chất lượng phù hợp và đáp ứng theo nhu cầu phát triển của nhà trường, xã hội. Việc xây dựng văn hóa đảm bảo chất lượng là cần thiết để mỗi cá nhân đều nắm được công việc của mình trong quy trình nâng cao và đồng bộ chất lượng.

Không chỉ chất lượng đào tạo, Bách khoa Hà Nội đang tiếp tục cải tiến và hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng một cách toàn diện, cập nhật, khoa học và gắn liền với mục tiêu nhà trường: Trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế, có tầm ảnh hưởng hàng đầu khu vực, với một số lĩnh vực có thứ hạng cao trên thế giới.

Là đơn vị tiên phong, mô hình Đại học Bách khoa Hà Nội được kỳ vọng sẽ giúp cho các cơ sở giáo dục đại học khác có hướng đi đúng và vững chắc trong tự chủ đại học. Trong quan điểm phát triển từ trường lên đại học, Bách khoa Hà Nội khẳng định triết lý “Một Bách khoa” với tinh thần đoàn kết, không ngừng sáng tạo. “Chất lượng luôn là ưu tiên số một trong mọi hoạt động của Nhà trường, bởi xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu tốt nhất cho người học, giảng viên là trách nhiệm của Đại học Bách khoa đối với toàn xã hội”, PGS. Trương Việt Anh kết luận.
 
16 Chương trình đào tạo đạt Kiểm định ASIIN:
1. CTTT Kỹ thuật Cơ điện tử (Trường Cơ khí)
2. CTTT Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (Trường Vật liệu)
3. KT Cơ điện tử (hợp tác HUST-NUT Nagaoka University of Technology) (Trường Cơ khí)
4. CTTT Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (Trường Điện - Điện tử)
5. Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông (hợp tác HUST-LUH Leibniz University Hannover) (Trường Điện - Điện tử)
6. CTTT Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (Trường Điện - Điện tử)
7. Kỹ thuật Máy tính (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông)
8. Khoa học Máy tính (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông)
9. Công nghệ thông tin Global ICT (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông)
10. CNTN Khoa học máy tính (tài năng) (Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông)
11. Quản trị kinh doanh (Viện Kinh tế và Quản lý)
12. Kinh tế công nghiệp (Viện Kinh tế và Quản lý)
13. Quản lý công nghiệp (Viện Kinh tế và Quản lý)
14. Kế toán (Viện Kinh tế và Quản lý)
15. Tài chính – Ngân hàng (Viện Kinh tế và Quản lý)
16. Hệ thống thông tin quản lý (Viện Toán ứng dụng & Tin học)
 
Ảnh: Tuấn Vũ

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây