Bách khoa hướng tới quốc tế hóa qua kiểm định chất lượng tiêu chuẩn ASIIN

Thứ tư - 16/11/2022 04:22
Bách khoa hướng tới quốc tế hóa qua kiểm định chất lượng tiêu chuẩn ASIIN

“Sau khi đọc bản báo cáo, đoàn kiểm định có ấn tượng rất tốt với các chương trình đào tạo và nỗ lực của Nhà trường. Chúng tôi biết, Bách khoa Hà Nội là một trong những đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam”, GS. Sebastian Engell, đại diện Đoàn kiểm định ASIIN (CHLB Đức) phát biểu tại Lễ khai mạc đợt kiểm định tháng 11/2022.

Đợt kiểm định chất lượng cho 16 chương trình đào tạo của Bách khoa Hà Nội theo tiêu chuẩn ASIIN vừa được diễn ra trong 2 ngày 9-10/11.

Phần lớn các chương trình tham gia kiểm định đợt này là các chương trình tiên tiến được giảng dạy bằng tiếng Anh. 16 chương trình đều là các chương trình đào tạo thế mạnh của Bách khoa Hà Nội trong 5 lĩnh vực: Cơ điện tử và Vật liệu tiên tiến, Điện-Điện tử, Công nghệ thông tin, Quản lý công nghiệp và Toán Kinh tế. Đây đều là nhóm ngành có nhiều đóng góp uy tín tại thị trường trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại Lễ khai mạc, PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết: “Tôi tin tưởng rằng chúng tôi sẽ nhận được những ý kiến đóng góp, các nhận xét quý báu của đoàn đánh giá để Trường cải tiến chất lượng đào tạo và nghiên cứu.”

PGS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, phát biểu chào mừng Lễ khai mạc

Trong giai đoạn 2021-2025, Trường Đại học Bách khoa Hà nội đặt ra 10 nhiệm vụ trong tâm, trong đó các nhiệm vụ: Xây dựng mô hình quản trị tiên tiến; Phát triển các lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu hiện đại và bền vững; và Tăng cường hợp tác doanh nghiệp, hợp tác quốc tế được đặc biệt coi trọng. Đợt kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn ASIIN là một trong những hoạt động của Bách khoa Hà Nội để thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra.

Bà Yanna Sumkotter, Quản lý dự án ASIIN, cảm thấy rất vui mừng và cảm kích trước sự tiếp đón nhiệt tình của Bách khoa Hà Nội. Đoàn kiểm định gồm 21 nhà khoa học đến từ CHLB Đức và 10 đại diện từ các trường, các doanh nghiệp, sinh viên ở các trường đại học ở Việt Nam.

Bà Yanna Sumkotter, Quản lý dự án ASIIN, phát biểu tại Lễ khai mạc Đợt kiểm định chất lượng 9-10/11

ASIIN (Accreditation Agency for Study Programs in Engineering, Informatics, Natural Sciences and Mathematics) là tổ chức kiểm định uy tín trong hệ thống của Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học châu Âu (ENQA). Tại Việt Nam, ASIIN được thực hiện các hoạt động đánh giá, công nhận đối với cơ sở giáo dục đại học và các chương trình đào tạo đại học thuộc các lĩnh vực toán, khoa học tự nhiên, công nghệ và kỹ thuật. Các chứng nhận chất lượng của ASIIN được công nhận về hiệu lực đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên toàn thế giới.

Tổ chức này sẽ đánh giá toàn diện các chương trình đào tạo ở nhiều khía cạnh bao gồm chuẩn đầu ra, khung chương trình, đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, công tác đảm bảo chất lượng, và kết nối giữa nhà trường, sinh viên, với doanh nghiệp.

Công tác kiểm định chuyên nghiệp

Theo PGS. Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, đợt kiểm định theo tiêu chuẩn ASIIN phù hợp với mục tiêu và nhiệm vụ Nhà trường trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh quốc tế hóa. Đây là lần đầu tiên Trường được kiểm định đào tạo bởi một tổ chức uy tín từ CHLB Đức, một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Công tác kiểm định được thực hiện bài bản và chuyên nghiệp. Trong hai ngày làm việc, đoàn kiểm định đã tham quan hơn 30 phòng thí nghiệm và nhiều địa điểm cơ sở vật chất khác trong khuôn viên Trường.

GS. Sebastian Engell, đại diện Đoàn kiểm định ASIIN bày tỏ quan điểm: Công tác kiểm định của ASIIN ở Bách khoa Hà Nội không chỉ dừng lại ở việc đánh giá chất lượng mà quan trọng hơn là để tìm hiểu và đưa ra các gợi ý để nâng cao chất lượng cho Nhà trường.

Mỗi phiên phỏng vấn yêu cầu tối thiểu 5 người là các đối tượng liên quan bao gồm sinh viên từ năm nhất đến năm cuối, cựu sinh viên và doanh nghiệp,... Đoàn kiểm định ASIIN rất quan tâm đến các phản hồi của các bên liên quan để nắm được cái nhìn toàn diện về cách thức và hiệu quả của các hoạt động đào tạo.

Buổi bế mạc Đợt kiểm định chất lượng 9-10/11

Tại buổi bế mạc, các giáo sư và chuyên gia kiểm định châu Âu uy tín từ ASIIN đánh giá cao năng lực giảng viên, cán bộ và các phòng thí nghiệm chuyên ngành. Trong các chương trình đào tạo kiểm định đợt này, có 8 chương trình trong các lĩnh vực Điện, Điện tử, Cơ điện tử và Khoa học vật liệu được tài trợ phòng thí nghiệm theo dự án SAHEP của Ngân hàng thế giới. Đặc biệt, hợp tác doanh nghiệp của Nhà trường gây được ấn tượng bởi sự ảnh hưởng tích cực của Bách khoa Hà Nội đối với nền kinh tế và xã hội.

Câu chuyện đảm bảo chất lượng phải mang tính thường xuyên và liên tục

Theo thông tin từ phòng Quản lý Chất lượng, khoảng 250-300 người đã tham gia trong đợt kiểm định này. “Xây dựng báo cáo được triển khai từ năm ngoái, nhưng quá trình thực hiện đã được khởi động từ năm 2019”, PGS. Trương Việt Anh chia sẻ.

PGS. Trương Việt Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng trong buổi Lễ khai mạc Đợt kiểm định chất lượng 9-10/11

Nguyên tắc của đảm bảo chất lượng là cải thiện thường xuyên và liên tục. Theo ông, việc thực hiện kiểm định còn liên quan đến thời gian, con người và nguồn lực, do đó ưu tiên hàng đầu là xây dựng kế hoạch hợp lý và tối ưu, phù hợp với nhu cầu phát triển của các chương trình đào tạo, mục tiêu và chiến lược của Trường.

Để chuẩn bị cho đợt kiểm định này, Nhà trường đã tổ chức nhiều buổi hội thảo trực tuyến với các đơn vị đào tạo để hướng dẫn, thảo luận các nguyên tắc và yêu cầu của tổ chức. Các chương trình đào tạo phải thực hiện quá trình tự đánh giá trong gần 2 năm.

Sau hai ngày kiểm định, những gợi ý cải tiến sẽ được đưa vào kế hoạch thực hiện, và đầu mối vận hành sẽ phải giám sát việc thực hiện một cách hiệu quả.

Tháng 10 năm 2016, Bách khoa Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện, mở ra nhiều cơ hội để đổi mới và phát triển.

“Công tác kiểm định thể hiện tính chủ động và minh bạch trong chiến lược phát triển của nhà trường”, PGS. Trương Việt Anh cho biết đảm bảo chất lượng của Bách khoa Hà Nội đang triển khai theo mô hình các trường đại học nước ngoài để bắt kịp tiến trình tự chủ đại học và quốc tế hóa.

Năm 2022, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Bách khoa Hà Nội được xếp thứ 1 Việt Nam và thứ 360 thế giới theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds (Anh). 5 nhóm ngành được xếp hạng bao gồm: Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu đều đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới.

Trong hơn 60 chương trình đào tạo đại học, 95% các chương trình đào tạo đã đủ chỉ tiêu kiểm định, với 65% số chương trình đào tạo đạt kiểm định quốc tế. Các chương trình chưa kiểm định đều đã có kế hoạch thực hiện trong năm tới.

Số chương trình còn lại là những chương trình mới mở, sau khi có khóa sinh viên đầu tiên ra trường sẽ tiếp tục thực hiện công tác kiểm định chất lượng trong giai đoạn từ 2023-2025.

Trong giai đoạn tới, chiến lược của Bách khoa Hà Nội là tập trung nâng cao và kiểm định chất lượng cho các chương trình đào tạo sau đại học. “Việc thực hiện kiểm định được đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam và phù hợp với mục tiêu Nhà trường”, Trưởng phòng Quản lý Chất lượng khẳng định.

Hà Kim

Ảnh: Kim Chi, Duy Thành

Tác giả: Hà Kim

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây