Bách khoa có căn phòng giúp sinh viên bỏ quên buồn lo, áp lực

Chủ nhật - 21/08/2022 20:53

Ở phòng Tư vấn sinh viên (Phòng Công tác Sinh viên), Nhà C1-Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, kết thúc mỗi buổi tư vấn, sợ các bạn vội vàng mà bỏ quên tư trang…, các cô tư vấn hay hỏi sinh viên: “Em xem có để quên gì ở phòng không nhé”. Câu trả lời thường là: “Cô ơi, em chỉ để quên những buồn lo, áp lực lại thôi. Em mang năng lượng tích cực cô truyền cho em về đây!”.

Nghe sinh viên nói vậy, những tư vấn viên Bách khoa Hà Nội rất hạnh phúc, cảm thấy có thể “chạm” được thành công sau mấy tiếng lắng nghe, trò chuyện, phân tích… với một số sinh viên có nhu cầu được động viên, chia sẻ và gỡ rối.

Chủ động tìm đến sinh viên đang khúc mắc để tư vấn

Tổ tư vấn tâm lý sinh viên với đầu mối là Phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được thành lập năm 2019. Năm 2021, Đề án “Tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý sinh viên giai đoạn 2021-2025” được phê duyệt, tăng cường các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, theo dõi các sinh viên có vấn đề hoặc nguy cơ gặp khó khăn về học tập và tâm lý, cái thiện phương pháp học tập, xây dựng động lực học tập đúng đắn, tăng cường kỹ năng sống, thái độ ứng xử phù hợp trong các mối quan hệ xã hội… cho sinh viên.

Trăn trở về vấn đề này, PGS. Đinh Văn Hải - Trưởng Phòng Công tác sinh viên - chia sẻ : “Qua kết quả thống kê, khảo sát, phân tích và đánh giá về thực trạng sinh viên bị cảnh báo học tập, một số giải pháp mang tính căn cơ, phù hợp và đặc biệt mang tính khả thi cao đã được đề xuất với một mục tiêu tham vọng duy nhất là tỷ lệ này của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ giảm dần trong những năm tới đây. Đây cũng là một nhiệm vụ trọng tâm mà lãnh đạo Nhà trường đặt ra và giao cho các đơn vị liên quan trong nhiệm kỳ 2020-2025 đó là "tăng cường hỗ trợ người học, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để người học phát huy hết được năng lực bản thân, có được nhiều thành tựu trong học tập và rèn luyện".

Mong muốn trên xuất phát từ thực trạng và nỗi niềm trăn trở của các thầy cô đối với sinh viên; trách nhiệm của Nhà trường với người học và xã hội, tuy vậy, đó mới chỉ là một nửa non của vấn đề, hơn một nửa mang tính quyết định còn lại chính là nghị lực, là quyết tâm vượt qua chính mình của các bạn sinh viên hiện đang bị rơi vào trạng thái cảnh báo học tập. Hy vọng với cách tiếp cận mang tính hệ thống, các giải pháp thực tế cùng với đó là sự nhận thức đầy đủ về vấn đề của cả những người có trách nhiệm liên quan cũng như sinh viên, mục tiêu lần này sẽ đạt được.” 

 PGS. Đinh Văn Hải - Trưởng Phòng Công tác sinh viên và PGS. Lê Đức Tùng - nguyên Bí thư Đoàn TNCS HCM Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ký kết thành lập Tổ tư vấn tâm lý sinh viên (26/3/2019). 

Ban Giám hiệu Trường đã đầu tư cho tổ tư vấn một căn phòng hiện đại, trang nhã, xanh mát cỏ cây, không gian thân thiện để sinh viên có thể tìm đến, thoải mái tâm sự với các cô – những người mẹ dịu dàng luôn sẵn sàng lắng nghe mọi chia sẻ vui/buồn của sinh viên.

Bộ phận hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý sinh viên của Bách khoa hiện có 7 cán bộ thường trực, hơn 10 thầy/cô giáo giảng viên, nhóm chuyên gia ngoài và đội ngũ 20 cộng tác viên là sinh viên. Các cán bộ tư vấn đều được tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn về tư vấn tâm lý, tư vấn kỹ năng và tự trau dồi, nâng cao kiến thức… Tất cả các thành viên đều làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt huyết, sáng tạo, luôn đoàn kết khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Cô Phạm Ánh Tuyết – Điều phối hoạt động hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý sinh viên – chia sẻ thời gian đầu, ít sinh viên kết nối với các cô lắm. Tâm lý sinh viên nghe đến việc đi chăm sóc sức khỏe tâm thần là đã thấy… dị ứng, rồi lo nếu đến nhờ tư vấn nhỡ bị ai bắt gặp thì sẽ bị nghĩ là có vấn đề thần kinh. Vậy nên ngay từ đầu khi sinh viên mới bước chân vào trường, các thầy/cô đã xác định làm sao để sinh viên nắm được khái niệm, hiểu rõ việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là như thế nào. Từ đó mới truyền thông để sinh viên biết đến địa chỉ tư vấn này. 

Với sinh viên, việc học tập chiếm phần lớn thời gian và sự quan tâm của các em. Đa số vấn đề khúc mắc bắt nguồn từ kỹ năng học tập, kết quả học tập… Các cô tổ tư vấn đã tìm đến ngay những sinh viên có vấn đề về học tập trong danh sách sinh viên bị cảnh báo học tập từ mức 1 đến mức 3 và nhận thấy nhiều em có vấn đề về tâm lý cần được tư vấn. Tổ tư vấn xác định đối tượng ưu tiên là tư vấn giải quyết khó khăn về học tập, về tâm lý và kỹ năng cho các sinh viên bị cảnh báo mức 3, đan xen là các bạn mức 2, mức 1. 

Gặp trực tiếp các sinh viên bị cảnh báo mức 3, các cô nhận thấy sinh viên không chỉ bi quan về học tập mà còn gặp các vấn đề về tâm lý như tổn thương trong gia đình, trầm cảm, kỹ năng… Với một số trường hợp nặng, các cô tư vấn thay phiên tư vấn nhiều lần, kết nối, dõi theo bước các em một thời gian dài. Trường hợp sinh viên thấy cô đơn, không tìm được niềm vui của cuộc sống, không có bạn bè…, các cô mời bố mẹ em đến để trao đổi, tìm phương cách kết hợp giúp đỡ sinh viên hồi phục về tâm lý, sau đó cùng các sinh viên là cộng tác viên của tổ hỗ trợ các em sắp xếp lịch học, có kỹ năng học tập đúng để nâng cao điểm số, cải thiện kết quả học tập… 

“Chúng tôi xác định đây là cuộc đời, là tương lai của sinh viên. Bách khoa Hà Nội khắt khe đầu vào. Để không phí công tuyển chọn của Nhà trường, công sức nỗ lực thi cử của sinh viên, các thầy/cô luôn tìm mọi cách để hỗ trợ các em học tập thật tốt, tốt nghiệp ra trường, có nghề nghiệp và tương lai rộng mở” – Cô Tuyết chia sẻ.

Hai năm dịch bệnh Covid-19, những áp lực về học tập, thi cử, việc làm hay những thông tin về tình hình dịch bệnh…, có tác động rất lớn tâm lý của sinh viên.

Tổ tư vấn tâm lý Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình tư vấn trực tuyến từ 3 đến 4 buổi/tuần như: “Gỡ rối học tập” do TS. Nguyễn Thị Hương – CVC phòng Đào tạo hướng dẫn, “Hỗ trợ ôn thi các môn đại cương” do các thầy cô Viện Toán Ứng dụng và Tin học, Vật lý Kỹ thuật,  “Giải tỏa áp lực” do TS. Lương Thị Phương Thảo – nguyên Trưởng Bộ môn Lịch sử Đảng đảm nhiệm, “Kỹ năng ứng phó với nghịch cảnh” do TS. Vũ Thị Lan, TS. Hoàng Thị Quỳnh Lan – Giảng viên Viện Sư phạm Kỹ thuật, “Chăm sóc sức khỏe mùa dịch” do bác sĩ Trương Hữu Ninh và bác sĩ Hồ Mạnh Tuấn – Trung tâm Y tế Bách khoa, “Tọa đàm phát triển bản thân cùng sách hay” do các cán bộ Thư viện Tạ Quang Bửu chia sẻ đã giúp sinh viên giảm bớt nỗi lo, cân bằng cuộc sống và học tập thời Covid-19, thay đổi tư duy nhận thức theo những hướng tích cực.  

Có thể nói, các chương trình tư vấn mùa dịch đã mang đến cho sinh viên Bách khoa góc nhìn thực tế, khách quan hơn đối với vấn đề quan tâm và lo lắng trong lúc dịch bệnh, từ đó góp phần xóa bỏ rào cản tâm lý, tiếp thêm động lực cho sinh viên vượt qua thách thức, tự tin tìm kiếm cơ hội trong giai đoạn khó khăn như hiện nay.

PGS. Đinh Văn Hải - Trưởng phòng CTSV (thứ 4 từ trái qua), TS. Phạm Mạnh Hùng - Phó Trưởng phòng CTSV (ngoài cùng bên phải) - cùng đội ngũ điều phối, tư vấn Tổ tư vấn tâm lý sinh viên

Mật khẩu “Thưa cô, …”

Cô Lương Thị Phương Thảo – một trong những tư vấn viên của Tổ tư vấn – được gọi là “chị Thanh Tâm” của Tổ. Cùng với điều phối viên là cô Phạm Thị Hải Anh, các tư vấn viên là cô Vũ Thị Lan, cô Hoàng Thị Quỳnh Lan, cô Thảo tham gia tư vấn cho sinh viên ngay từ những ngày đầu thành lập Tổ tư vấn, khi cô vẫn còn đang rất bận rộn công việc giảng dạy và quản lý. Có hôm, vừa đi công tác về, nghe điện thoại báo có sinh viên cần tư vấn gấp, cô lóc cóc kéo cả vali hành lý đến phòng cho kịp giờ hẹn với sinh viên, chỉ lo là “Nhỡ không gặp được mình, bạn ấy lại có suy nghĩ tiêu cực gì thì sao…”. 

Cô thì vội vội vàng vàng đến gặp sinh viên thế, nhưng sinh viên cần tư vấn lại nhẩn nha, nói chuyện Đông chuyện Tây mãi, lúc gần hết giờ mới chịu nói ra vấn đề của mình. “Thường phút 89 các em mới nói, sau khi thấy mình đủ độ tin cậy!” – Cô Thảo cho biết. Vậy nên cô Thảo và các cô Hải Anh, Lan Anh, Ánh Tuyết… của Tổ tư vấn có lẽ có khả năng kiên nhẫn hơn người bình thường, họ lắng nghe không đi kèm đánh giá và được sinh viên tin tưởng tuyệt đối.

Có sinh viên bối rối trong tình yêu; có sinh viên hoảng loạn tìm đến nói mình mới biết tin mắc căn bệnh khó nói; có sinh viên ấm ức chia sẻ việc mình bị xem nhẹ trong gia đình, không có động lực học tập; có sinh viên chán nản vì học hành bết bát, có khi bị đuổi học, không thấy niềm vui trong cuộc sống, suy nghĩ đến việc tự tử… Hay đơn giản như kể cho cô nghe tình huống ở lớp, rồi hỏi cô: Cô ơi, như thế này có phải là yêu chưa? Con nghèo thì mua gì làm quà tặng bạn gái... Trăm ngàn câu chuyện từ những góc khuất cuộc sống đến cảm xúc bất chợt của sinh viên được gửi đến các cô tư vấn đề mong được các cô giúp đỡ gỡ rối. 

Các cô tư vấn cho sinh viên không chỉ trong 1 ca kéo dài 120 phút mà có những trường hợp kéo dài nhiều buổi, nhiều ngày, nhiều tháng. Lâu nhất là 1 năm để giúp sinh viên từ cảnh báo mức 3, xuống mức 2, mức 1 và mới đây, sinh viên báo cô em đang nỗ lực giành học bổng của Trường. Tết vừa rồi, cô Thảo rất vui khi sinh viên cô tư vấn gửi ảnh gói bánh chưng, khoe cô là đã xác định được tình yêu đúng đắn... Những buổi tư vấn của cô Phương Thảo, cô Hương, cô Quỳnh Lan cùng các cô Hải Anh, cô Lan Anh, cô Ánh Tuyết… suốt 3 năm qua đã giúp nhiều sinh viên thoát khỏi bi kịch và có định hướng tốt hơn cho tương lai.

Cô Thảo khoe mình nhắn tin siêu nhanh và có 1 cái điện thoại dành riêng để tư vấn cho sinh viên: “Tôi dặn các cô trong Tổ, sinh viên gọi cô Thảo thì đầu tiên nói là Thưa cô… Nghe thế tôi biết ngay là sinh viên Bách khoa cần tư vấn, tôi sẽ nghe ngay, tư vấn ngay bất kể ngày/đêm”. Mật khẩu “Thưa cô…” khiến cô Thảo bận rộn như có con mọn, đến cả khi đi ngủ cũng đặt điện thoại đầu giường, có hôm tư vấn cho sinh viên đến 2-3 giờ sáng. “Biết thế là phản khoa học, nhưng tôi cứ lo nhỡ có em nào cần gọi mà mình lại không biết…” – Cô Thảo cười giải thích. 

Hỏi cô Thảo: Đêm khuya, cô dùng điện thoại có bị chồng trách mắng gì không? 

Cô Thảo: Đêm tin nhắn điện thoại đến, ông chồng tôi lo cho sức khỏe của vợ mới nói: “Sao đêm mà cứ tách tách thế, ngủ đi sáng mai còn đi dạy”. Tôi cho ông ý xem tin nhắn của sinh viên, toàn những ca cần tư vấn gấp. Chồng tôi còn giục là phải quan tâm ngay. Từ đó, tôi xuống phòng khách “nằm làm việc”, thoải mái tư vấn đêm cho sinh viên!

Có những trường hợp nếu gọi trực tiếp tư vấn thì sẽ rất nhanh, nhưng sinh viên muốn chuyện kín đáo, đang ở phòng trọ, bạn bè ngay bên cạnh nên đề nghị cô Thảo nhắn tin với mình. Và kỹ năng nhắn tin của cô Thảo được tôi luyện từ đó…

Tư vấn nhiều cho sinh viên, cô Thảo càng thấy gắn bó hơn với sinh viên Bách khoa, với Đại học Bách khoa Hà Nội. Dạy học 40 năm, Trưởng bộ môn 4 nhiệm kỳ. cô Thảo thấy sinh viên rất đáng yêu, đáng trân trọng, các em xứng đáng được giúp đỡ. “Tôi coi những sinh viên cần tôi giúp đỡ như con của mình. Nhưng tôi không mong đàn con đó đông hơn! Giờ về hưu tôi lại yêu Bách khoa hơn. Thấy mình còn duyên nợ với Trường, thấy cần phải làm nhiều hơn cho Trường.” – cô Lương Thị Phương Thảo tâm huyết bày tỏ.

Một buổi tư vấn online của Tổ tư vấn tâm lý sinh viên 

Khi nghe các cô tư vấn viên chia sẻ, thấy được sự nhiệt thành, thương yêu của các cô dành cho sinh viên qua từng cử chỉ, ánh mắt, thấy được sự tận tâm, tôi cứ tưởng tượng các cô như những vị võ sư truyền năng lượng tích cực, đẩy các chất độc hại, tiêu cực ra khỏi sinh viên, nhận sự tổn hao năng lực về mình. Rồi chợt nhớ đến câu nói của một cô: “Cứ tư vấn thành công cho một sinh viên, thấy các em tiến bộ hơn, vui vẻ, khỏe mạnh, chăm học hơn… là chúng tôi lại như được tiếp thêm sức mạnh” mới hiểu được các cô đã không nề hà bản thân, không một đòi hỏi cá nhân, dồn tâm sức cho công việc, lấy niềm vui trong công việc làm động lực để phấn đấu, cống hiến mỗi ngày, vì sinh viên Bách khoa, vì Đại học Bách khoa…

Sinh viên cần bỏ quên những âu lo, cần được "truyền công lực đẩy chất độc hại", hãy liên hệ:

Email: ssu@hust.edu.vn

Cổng thông tin (mục hoạt động): http://ctt.hust.edu.vn

Fanpage: http://ww.facebook.com/phongtuvantamlydhbkhn

Con số nổi bật về hoạt động tư vấn hỗ trợ học tập và tư vấn tâm lý cho sinh viên thuộc đối tượng cần quan tâm theo Đề án

2845 sinh viên thuộc diện bị cảnh báo học tập (kỳ 20201) được nhắc nhở email hàng tuần. Theo thống kê kết quả học tập của kỳ 20202, tỷ lệ sinh viên có tiến bộ trong học tập tăng đáng kể: 1905/2144 có tiến bộ trong học tập, 1691/2144 giảm mức cảnh báo, 1276/2144 không còn cảnh báo học tập. Học kỳ 20211, có khoảng 1000 sinh viên đang thuộc diện cảnh báo học tập;

60 buổi tư vấn nhóm được tổ chức với hơn 19.545 lượt sinh viên tương ứng 12.780 sinh viên, 300 lượt GV quản lý lớp tham gia các buổi tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm;

100% sinh viên có yêu cầu tư vấn đều được tư vấn; đánh giá của 4039 sinh viên được tư vấn, 90% hài lòng với việc tư vấn.

Gia Hân. Ảnh: Phòng CTSV

 

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây