Đào Minh Dũng, K63 chương trình Tài năng Khoa học Máy tính – trường Đại học Bách khoa Hà Nội, được biết tới với thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa cực đỉnh.
Chàng trai với niềm đam mê học tập
Ngay từ câu đầu giới thiệu, Dũng đã nhận xét bản thân là người “thích tìm hiểu về những lĩnh vực khác nhau”.
Minh Dũng chia sẻ: “Với tôi, trang bị cho bản thân kiến thức về chuyên môn sẽ làm nền tảng cho công việc. Tuy nhiên, việc chúng ta học hỏi thêm các chuyên ngành khác sẽ giúp con người ta hiểu biết về thế giới xung quanh và chia sẻ kiến thức cho mọi người”.
Vốn là cựu học sinh khối chuyên Toán (trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam), cũng như thấy được Công nghệ thông tin (CNTT) là ngành có tiềm năng trong tương lai, chàng trai sinh năm 2000 đã lựa chọn Chương trình Tài năng Khoa học Máy tính – trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Tôi đã quan tâm đến lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo trong ngành Công nghệ thông tin từ khá lâu và được biết ngành này cần nhiều kiến thức nền tảng về Toán. Xuất thân từ lớp chuyên Toán nên đây cũng là lý do tôi lựa chọn ngành học này”, bạn nói.
Minh Dũng (đứng thứ 6 từ trái qua) cùng lớp trong buổi tiệc tốt nghiệp của trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông.
Nhận xét về ngôi trường đang theo học, cậu bạn cho biết: “Bách khoa có môi trường học cạnh tranh, có những người học xuất sắc, giảng viên tâm huyết. Đối với ngành CNTT, kiến thức được cập nhật liên tục, chất lượng như nhiều trường đại học tốt của thế giới, cũng như phù hợp với môi trường đi làm thực tế. Điều đó giúp cho tôi cũng như các sinh viên khác nhanh chóng hòa nhập ở các môi trường làm CNTT khác nhau”.
Chia sẻ về phương pháp học tập của bản thân, Dũng cho biết: Ngoài học và làm bài tập trên lớp thì việc tự tìm thêm bài tập qua các nhóm học tập của sinh viên Bách khoa trên Facebook, các tài liệu từ chương trình của các bạn nhóm ngành khác hoặc tài liệu tiếng Anh là vô cùng quan trọng để có thể hiểu bản chất vấn đề. Đồng thời, Minh Dũng thường tổ chức học nhóm, trao đổi tài liệu và làm đề thi cùng các bạn vào đợt thi giữa và cuối kì.
Với Dũng, “học thầy không tày học bạn” – các thầy cô trên lớp rất nhiệt tình giải đáp kiến thức cho sinh viên, nhưng nhiều lúc giảng viên sẽ bận nhiều công việc khác. Vì vậy, các bạn trong lớp đã là những người đã hỗ trợ, giúp đỡ nam sinh nhiều trong việc học hành.
Nhiệt huyết, sôi nổi tham gia hoạt động ngoại khóa
Bên cạnh việc học tập, Minh Dũng rất năng nổ tham gia các cuộc thi lớn nhỏ hay các câu lạc bộ trong trường.
Dũng chia sẻ, việc tham gia trong các cuộc thi có quy mô trong và ngoài trường học đã giúp bạn phát triển ba khía cạnh: Kiến thức, Kỹ năng và Kết nối. “Tôi đã áp dụng các kiến thức từ những môn học trên trường để giải quyết các bài toán thực tế, hiểu sâu hơn và có trải nghiệm về nó. Về các kỹ năng mềm, tôi đã được rèn luyện cách lập kế hoạch, làm việc nhóm, phân phối thời gian để giải quyết vấn đề”, nam sinh chia sẻ thêm, “Hơn nữa, thông qua các cuộc thi, tôi được làm quen với nhiều bạn cũng như các chuyên gia xuất sắc trong lĩnh vực”.
“Tôi không phải người quản lý thời gian tốt, đôi khi bị ảnh hưởng đến công việc” – Dũng tự nhận xét. “Tôi từng trượt một môn do sắp xếp thời gian chưa đủ để hoàn thành project (dự án), vì vậy đã phải kéo dài sang kì học sau”. Tuy nhiên, Dũng đã tự khắc phục điểm yếu của mình bằng việc ưu tiên hoàn thành các đầu mục việc cần giải quyết sớm và có thể làm nhanh. “Bản thân tôi sẽ tập trung học và hiểu bài luôn trên lớp. Đối với công việc hay thực tập, tôi dành thời gian làm việc luôn trên công ty, còn thời gian ở nhà sẽ dành cho những việc cá nhân khác”, bạn cho hay.
Việc học nặng trên trường và khối lượng công việc lớn đôi lúc khiến Minh Dũng cảm thấy áp lực. Trong những lúc như vậy, chàng trai đã lựa chọn cách giải tỏa nhẹ nhàng như: lướt mạng xã hội, cập nhật tin tức, đọc sách, đánh đàn hay đi bộ để nạp lại năng lượng. “Bị stress tức là không cảm thấy thoải mái để làm việc, cố gắng tiếp tục sẽ không đạt được hiệu quả” – chàng trai chia sẻ.
Luôn cố gắng, nỗ lực tiến về phía trước
Động lực và hình mẫu lý tưởng của Minh Dũng chính là ông nội của mình – một người giỏi về các kiến thức chuyên môn và không ngừng học hỏi mỗi ngày. Cậu bạn chia sẻ ông là cựu sinh viên K1 của Đại học Bách khoa Hà Nội, đã tiếp lửa cho cậu lựa chọn ngôi trường top 1 Việt Nam về khối ngành Khoa học – Kĩ thuật này.
Dũng bộc bạch: “Sinh viên Bách khoa đầu vào là những bạn có điểm số cao, không ngừng học hỏi, sáng tạo, vượt qua những áp lực và thử thách, tập trung vào các kiến thức chuyên môn. Đây là động lực giúp tôi luôn phấn đấu không ngừng và học hỏi từ các bạn để trở thành một sinh viên xuất sắc hơn”.
Một trong những câu nói yêu thích của Dũng chính là: “Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, […]” (Trích “Thép đã tôi thế đấy” – Otrovsky). Chàng trai tâm sự: “Chúng ta không biết được sau cuộc sống này của mình có những gì, vì thế nên cố gắng hết sức để sống một cuộc đời có ý nghĩa”.
Thành tích của Đào Minh Dũng:
– Phó chủ nhiệm SOICT Innovation CLUB – Trưởng ban Học tập – NCKH tại Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông – Trợ giảng các môn Tin học đại cương và Cơ sở dữ liệu của Trường CNTT&TT – Đại sứ của các cuộc thi và sự kiện: Khởi nghiệp cùng Kawai, Social Business Creation, Battle of Minds, các hoạt động của AIESEC – Đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Thành phố 3 năm học liên tiếp (2018-2019, 2019-2020, 2020-2021) – Giấy khen của Hiệu trưởng, Đoàn Thanh niên và Hội Sinh viên Trường về thành tích học tập và đóng góp cho phong trào sinh viên trong 3 năm học (2019 – 2022) – Giải Ba SoICT-IBM Hackathon 2020, Giải Ấn tượng SoICT-IBM Hackathon 2021 – Top 10 Cuộc thi khởi nghiệp I-STARTUP – Tham gia Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 17 (Về Nhì – Tuần 3 Tháng 2 Quý 2) |
Khánh Vân. Ảnh: NVCC
Tác giả: Trần Thu Trang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn