Bách khoa Hà Nội bắc cầu đối ngoại năm 2021

Thứ hai - 03/01/2022 15:38

Trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác đối ngoại của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2021 vẫn có những kết quả tốt đẹp, Nhà trường luôn có những người bạn trong và ngoài nước đồng hành, hợp tác và vững bước. Cùng điểm lại một số hợp tác hiệu quả của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội với các doanh nghiệp, đối tác trong và ngoài  nước trong năm vừa qua. 

1. Bách khoa Hà Nội nâng cao chất lượng hoạt động đại học theo chuẩn quốc tế  Ngày 17-18/11, hội thảo đảm bảo và kiểm định chất lượng trong giáo dục đại học: Bài học thực tiễn từ Đức và Việt Nam do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tại hội thảo, hai bên đã trao đổi và thảo luận về chủ đề đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài cơ sở giáo dục đại học và kiểm định chất lượng theo tiêu chuẩn của các tổ chức quản lý và kiểm định châu Âu. Hiện Trường có 3 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao đạt chuẩn kiểm định kỹ sư Pháp và châu Âu (CTI ENAEE), 11 chương trình đào tạo được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội các trường ĐH Đông Nam Á (AUN-QA), 2 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Kế toán viên công chứng Úc (CPA)… Năm 2021 thêm 8 chương trình được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA.

2. Thành lập mạng lưới Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại FPT Ngày 28/10, Lễ Thành lập mạng lưới Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội tại FPT được tổ chức tại Tập đoàn FPT với tên gọi HUSTA FPT và thông điệp Chất Bách khoa trong lòng FPT. Đây là lần đầu tiên Ban liên lạc Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội tại một doanh nghiệp, tập đoàn được ra đời, thể hiện sự trân trọng và ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ “Người Bách khoa” cho sự phát triển của Tập đoàn FPT. Đại học Bách khoa Hà Nội luôn tự hào rằng, “Người Bách khoa” là tài sản quý báu nhất và là “sứ giả” lan tỏa tinh thần và trí tuệ Bách khoa tới xã hội”. 

3. Giáo dục đại học chuẩn bị cho chuyển đổi số Đây là tên hội thảo do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Bộ Giáo dục & Đào tạo và Hội đồng Anh tổ chức ngày 21/9. Hội thảo “Giáo dục đại học chuẩn bị cho chuyển đổi số” là một phần trong chương trình Hợp tác Đối tác Toàn cầu của Hội đồng Anh tại Việt Nam. Hội thảo tạo cơ hội cho Chính phủ và các nhà lãnh đạo giáo dục đại học Vương quốc Anh và Việt Nam thảo luận về những thách thức và cơ hội trong lĩnh vực số hóa giáo dục đại học, đáp ứng sự phát triển của giáo dục đại học ở cả hai quốc gia và tầm quan trọng của việc phát triển các chính sách trong việc giải quyết các vấn đề này. 

4. Bách khoa Hà Nội ký hợp tác nghiên cứu với đại học và doanh nghiệp Nhật Bản Ngày 24/5, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Lễ công bố ký kết thỏa thuận hợp tác nghiên cứu giữa Viện Cơ khí, Viện Nghiên cứu công nghệ Hàn và Ghép nối (Đại học Osaka) và Tập đoàn IHI (Công ty Cổ phần IHI và Công ty TNHH IHI Infrastructure Asia) của Nhật Bản. Hoạt động này không chỉ góp phần đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa hai nước mà còn hứa hẹn mở ra bước phát triển mới cho ngành công nghiệp Việt Nam. Việc hợp tác giữa ba bên Nhà trường – doanh nghiệp – đại học luôn là một hình mẫu tốt đẹp góp phần phát triển nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực chất lượng cao. 

5. Mốc son trong lịch sử phát triển của Viettel và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội Ngày 29/4, tại Hà Nội diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận Hợp tác chiến lược giữa Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội (Viettel). Theo nội dung ký kết, hai bên thống nhất phát triển hợp tác về: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phát triển, sử dụng cơ sở hạ tầng; phát triển mạng lưới Cựu sinh viên. Sự hợp tác giữa Tập đoàn Viettel và Trường sẽ ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành tựu trong tương lai gần, mang lại ảnh hưởng tốt đẹp tới xã hội. “Người Viettel” và “người Bách khoa” tạo nên những sản phẩm đích thực “make in Vietnam”. 

6. Triển lãm lưu động “Chuyển dịch năng lượng toàn cầu” Ngày 23/4, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội kết hợp với Đại sứ quán CHLB Đức tại Việt Nam và Văn phòng GIZ Hà Nội đồng tổ chức triển lãm với chủ đề “Energy in Transition – Powering tomorrow”. Triển lãm có mô hình “lưu động”, được trưng bày tại nhiều quốc gia trên thế giới với mục tiêu nâng cao nhận thức của người dân về “Chuyển đổi năng lượng toàn cầu”, giới thiệu các công nghệ xanh sáng tạo đồng thời đưa ra tầm nhìn về một thế giới thông minh, công bằng và bền vững. Triển lãm mang đến những thông tin thực tế về chuyển đổi năng lượng, mô hình sản phẩm và các cơ hội việc làm, nghiên cứu cho sinh viên. 

7. Bách khoa Hà Nội ra mắt Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ nhân tạo hợp tác với Tập đoàn NAVER Ngày 31/3, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chính thức ra mắt “Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế về Trí tuệ Nhân tạo”, quyết tâm phát triển nghiên cứu và đào tạo trình độ cao đối với các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trung tâm được thành lập theo mô hình trung tâm nghiên cứu quốc tế hỗn hợp, theo đó, Đại học Bách khoa Hà Nội và đơn vị đối tác – Tập đoàn NAVER (Hàn Quốc) – sẽ cùng đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm vì mục đích phát triển nghiên cứu nền tảng chuyên sâu, và đào tạo nhân lực trình độ cao trong lĩnh vực AI.

8. Nhóm 7 trường đại học kỹ thuật ký kết hợp tác toàn diện Ngày 22/1, 7 trường đại học kỹ thuật: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, Trường Đại học Thủy lợi và Trường Đại học Xây dựng ký kết biên bản hợp tác toàn diện. Các bên tham gia cùng hợp tác về tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học, … nhằm hỗ trợ, nâng cao hiệu quả thực hiện Sứ mạng và Chiến lược phát triển của mỗi Trường, tiến tới hình thành nhóm các trường kỹ thuật tiên phong trong giảng dạy, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. 

Nguồn: Hust

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây