Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại là lĩnh vực khoa học kỹ thuật có liên quan sâu sắc đến các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp chế biến chế tạo, dầu khí, điện lực, xây dựng hiện chiếm 55% GDP và đóng góp phần lớn vào tổng thu ngân sách.
Hội nghị ăn mòn toàn quốc lần thứ 6 do Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại Việt Nam phối hợp tổ chức cùng trường Đại học Bách khoa Hà Nội hướng đến nghiên cứu phát triển các công nghệ chống ăn mòn bảo vệ kim loại phục vụ cho kinh tế biển và ngành công nghiệp hỗ trợ.
GS. Mai Thanh Tùng - Phó Ban Tổ chức Hội nghị phát biểu tại phiên khai mạc - Ảnh: Duy Thành
Trong bối cảnh Việt Nam vừa ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do FTA cũng như đang chuẩn bị cho phát triển kinh tế hậu Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam và FDI cũng đang đặc biệt quan tâm đến nâng cao năng lực công nghệ và khả năng liên kết với nhau nhằm tăng cường sức mạnh. Ăn mòn và Bảo vệ Kim loại là lĩnh vực khoa học kỹ thuật cũng không nằm ngoài bối cảnh trên do có liên quan sâu sắc đến các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp chế biến chế tạo, dầu khí, điện lực, xây dựng hiện chiếm 55% GDP tại Việt Nam và chiếm phần lớn tổng thu ngân sách Việt Nam.
Các tham luận tổng quan của Hội thảo do tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã cho thấy nhu cầu đặc biệt quan trọng và tỷ trọng kinh tế cao của ngành chống ăn mòn Bảo vệ kim loại trong các công trình kinh tế - quân sự cho biển đảo cũng như công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là lắp ráp điện tử - ôtô đang phát triển tốc độ rất cao tại Việt Nam.
Khi phân tích bản đồ công nghệ chống ăn mòn bảo vệ kim loại cần có và hiện có tại Việt Nam cũng như mạng lưới các doanh nghiệp hiện tại tại Việt Nam cho thấy vẫn cần phải phát triển rất mạnh các công nghệ lõi như: các công nghệ cập nhật chống ăn mòn Dầu khí, các công nghệ xi mạ - xử lý bề mặt điện cho điện tử và ô tô, công nghệ quản lý ăn mòn nhà máy và các công nghệ tích hợp 4.0 và chuyển đổi số cho các hệ thống chống ăn mòn kim loại.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Duy Thành
Các tham luận kỹ thuật đã giới thiệu những công nghệ mới nhất cùng với những thông tin sống động có giá trị cao tới các nhà khoa học và các doanh nghiệp. Một trong những tham luận đáng quan tâm nhất là về phát triển hệ thống chống ăn mòn bảo vệ kim loại của nhà máy Lọc dầu Bình Sơn (Petrovietnam) cũng như các thách thức và bài toán đặt ra để các thành Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại Việt Nam có thể phối hợp giải quyết. Một tham luận khác cũng rất đáng quan tâm là công nghệ mới nhất của công ty ATOTECH (Đức) về chống ăn mòn bảo vệ kim loại cho công nghiệp ô tô, điện tử, dầu khí. Bên cạnh đó, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Kỹ thuật Nhiệt đới - Viện Hàn Lâm khoa học công nghệ Việt Nam cũng đã giới thiệu tiềm lực công nghệ và những hướng nghiên cứu có thể phối hợp chung với các doanh nghiệp và phát triển các Trạm nghiên cứu Ăn mòn vốn rất quan trọng cho xây dựng dữ liệu Nhiệt đới cơ bản cho Việt Nam.
Một hoạt động rất quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị là diễn đàn “Hoạt động của Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại hướng tới phát triển các Hoạt động Doanh nghiệp và Hợp tác quốc tế”. Tại đây hai dự án lớn sắp triển khai là Dự án xây dựng nhà máy Mạ lớn nhất do Việt Nam đầu tư cho các linh kiện của Apple và Microsoft và đưa công nghệ ức chế ăn mòn vào trang thiết bị vũ khí đã được trình bày và nhận được sự tham vấn hữu ích từ các thành viên của Hội Khoa học Kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại. Thông qua buổi thảo luận này đã có sự gặp gỡ trao đổi và phát triển các dự án trên giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của tổ chức Trao đổi hàn lâm CHLB Đức (DAAD) với sự góp mặt của rất nhiều cựu sinh viên đã học tập tại CHLB Đức và các công ty của Đức đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật Ăn mòn và Bảo vệ kim loại tại Việt Nam
CCPR
Tác giả: Phạm Thanh Huyền
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn