Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 07/03/2023 02:00
GS. Lê Minh Thắng – Giảng viên cao cấp bộ môn Công nghệ Hữu cơ – Hóa dầu - Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Một trong những lý do thúc đẩy chị hoàn thành hồ sơ đăng ký Giải thưởng Kovalevskaia là mong muốn những công trình NCKH của các nhà khoa học nữ Bách khoa được ghi nhận, qua đó khích lệ các chị em giỏi giang ở Bách khoa Hà Nội tham gia nhiều sân chơi, đưa NCKH của mình gần hơn với xã hội, để nghiên cứu của mình có thêm các cơ hội được phục vụ xã hội và cộng đồng. Có lẽ đó là một suy nghĩ mang lại may mắn khi GS. Lê Minh Thắng - Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Bách khoa - vinh dự được nhận giải cá nhân duy nhất cho Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022.
Nhà khoa học đam mê nghiên cứu các dòng xúc tác
Lĩnh vực nghiên cứu chính của GS. Lê Minh Thắng là xúc tác xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ, bảo vệ môi trường. Đây là hướng nghiên cứu có khả năng ứng dụng tại Việt Nam và đã được đưa vào sử dụng trong thực tế. Nghiên cứu xúc tác xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu và tổng hợp hữu cơ bao gồm khí thải từ ô tô, xe máy, các động cơ đốt trong, khí thải từ các ngành công nghiệp có sử dụng nhiên liệu, khí thải nhà máy nhiệt điện, khí độc CO từ các đám cháy, khí hầm mỏ than, khí thải từ các nhà máy nhiệt phân cao su phế thải, khí thải từ các quá trình công nghiệp có chứa nhiều các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi, đặc biệt là hợp chất dạng vòng thơm như khí thải của các quá trình gia công chế biến sơn, quá trình tổng hợp polyeste không no. Khí thải từ các nguồn này chứa các khí gây ô nhiễm chủ yếu là hydrocarbon, CO, VOCs, NOx có tác hại xấu đến môi trường và sức khỏe con người.
Lĩnh vực nghiên cứu này gồm bốn mảng nghiên cứu chính là xúc tác ba thành phần để xử lý khí thải các động cơ xăng, xúc tác xử lý khí độc CO ở điều kiện nhiệt độ thường, xúc tác xử lý NOx từ khí thải các nhà máy nhiệt điện, và xúc tác xử lý các hợp chất thơm dễ bay hơi từ các nhà máy nhiệt phân cao su và sản xuất chất dẻo. Hiện nay, các dòng xúc tác GS. Lê Minh Thắng nghiên cứu đều đang được hoàn thiện để chuẩn bị cho quá trình thương mại hóa rộng rãi, phục vụ cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Từ năm 2009-2013, GS. Lê Minh Thắng hướng dẫn các sinh viên, học viên, NCS nghiên cứu xúc tác ba thành phần để xử lý khí thải các động cơ xăng do quỹ VLIR – Bỉ tài trợ. Từ năm 2014 -2016, GS. Lê Minh Thắng làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu ‘Nghiên cứu công nghệ tổng hợp hệ xúc tác nano trên chất mang mao quản đa cấp tổng hợp từ nguyên liệu khoáng tự nhiên’, do Bộ GD&ĐT cấp kinh phí.
Gần đây, GS. Lê Minh Thắng để xuất nghiên cứu đề tài ‘Nghiên cứu phát triển công nghệ hấp phụ - xúc tác xử lý các hợp chất chứa nhân thơm, các hợp chất hữu cơ độc hại khó phân hủy trong khí thải của quá trình nhiệt phân nhựa, cao su phế thải’ và được Bộ Khoa học & Công nghệ phê duyệt tài trợ. Cùng với việc nghiên cứu xử lý đồng thời NOx trong khí thải xe máy trên xúc tác ba chức năng, GS. Lê Minh Thắng và nhóm nghiên cứu còn nghiên cứu xử lý NOx trong khí thải bằng phương pháp khử chọn lọc với NH3 hoặc hydrocarbon.
Các kết quả nghiên cứu của GS. Lê Minh Thắng và nhóm nghiên cứu đều được công bố qua nhiều bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín ISI, công bố một số bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích... Kết quả các nghiên cứu đã được ứng dụng tại một nhà máy xử lý chất thải, khu công nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn… tại Việt Nam, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Với những đóng góp cho quá trình bảo vệ môi trường khí tại các nước đang phát triển, nghiên cứu về xúc tác xử lý khí thải của GS. Lê Minh Thắng và nhóm nghiên cứu đã được giải thưởng quốc tế ‘Nghiên cứu sáng tạo nổi bật’ do Quỹ Hitachi toàn cầu trao tặng năm 2021; được Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 - Giải thưởng dành cho nhà khoa học nữ xuất sắc trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên và ứng dụng tại Việt Nam.
Mong muốn chinh phục những chân trời mới
Bên cạnh việc NCKH, GS. Lê Minh Thắng còn là một giảng viên rất tận tâm với sinh viên, từng là một Chủ tịch Hội đồng trường rất sáng tạo, năng nổ và hiện là một Chi hội trưởng rất nhiệt thành cùng các hội viên xây dựng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội ngày càng lớn mạnh hôm nay.
Kể về các học trò mình đã từng dìu dắt, GS. Lê Minh Thắng tỏ rõ niềm tự hào về các sinh viên Bách khoa rất thông minh, năng động. Chị Thắng kể công trình nghiên cứu trong hồ sơ Giải thưởng Kovalevskaia của chị là kết quả một quá trình lâu dài mà chị và các thế hệ SV tham gia thực nghiệm, nghiên cứu; 7 NCS chị hướng dẫnvà đồng hướng dẫn: Nguyễn Thị Hà Hạnh (2012), Nguyễn Thế Tiến (2015), Phạm Thị Mai Phương (2015), Đỗ Văn Hưng (2017), Ngô Quốc Khánh (2021), Doãn Anh Tuấn (2021), Nguyễn Trung Hiếu (2022) đều viết luận án bằng tiếng Anh để bảo vệ trong hội đồng có mời các nhà khoa học nước ngoài, được nhận học bổng để làm NCS toàn thời gian từ các đề tài, dự án hợp tác quốc tế của cô giáo hướng dẫn.
Chính các SV đã góp phần to lớn nhất vào các thành công trong nghiên cứu của chị; Ngược lại, đối với các bạn SV khi tham gia nghiên cứu cùng GS. Thắng được trang bị hành trang kiến thức, kỹ năng thực nghiệm, kinh nghiệm làm việc, kinh nghiệm chủ động đề xuất vấn đề và giải quyết vấn đề, chuẩn bị cho giai đoạn đi làm sau khi tốt nghiệp.
Nhiệm kỳ 2015-2020, GS. Lê Minh Thắng tham gia công tác quản lý với vai trò Chủ tịch Hội đồng trường đầu tiên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Hiện chị là Chi hội trưởng Chi hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội, thành viên BCH Hội Nữ trí thức Việt Nam.
Chuyện làm hồ sơ tham gia Giải thưởng Kovalevskaia năm 2022 của GS. Lê Minh Thắng có chi tiết rất thú vị: Một trong những lý do thúc đẩy chị là suy nghĩ là phát động phong trào cho các chị em trong Hội Nữ trí thức Bách khoa. Chị Thắng giãi bày: Chị em Bách khoa có nhiều công trình NCKH xuất sắc, nhưng lại chưa quan tâm đến việc tham gia những giải thưởng để ghi nhận đóng góp của mình. Với vai trò Chi hội trưởng, tôi mong muốn các chị em quan tâm và mạnh dạn hơn, đưa công trình của mình ra nhiều sân chơi lớn nhỏ, tiếp cận với xã hội, doanh nghiệp. Khi mọi người đã suy nghĩ như thế, động lực nghiên cứu sẽ mạnh mẽ hơn, có nhiều NCKH có giá trị hơn.
Với một nhà khoa học nữ, GS. Lê Minh Thắng đã có những kết quả viên mãn: Sự nghiệp học vấn rực rỡ, thành quả nghiên cứu mang lại lợi ích cho xã hội, gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành. Hỏi chị còn có những mong muốn nào không, nữ giáo sư thành thật chia sẻ: Những đạt được hôm nay so với mong muốn của cá nhân tôi vẫn còn rất nhỏ. Tôi biết có thể mình sẽ không đạt được, nhưng vẫn muốn vươn tới. Như về khoa học, tôi rất muốn có cơ hội đi đến tận cùng, giải thích sâu sắc cặn kẽ một số vấn đề; các nghiên cứu của tôi có hiệu quả hơn, giải quyết được nhiều vấn đề thực tế hơn, có công trình đăng trên các tạp chí uy tín hơn, được cộng đồng rộng lớn hơn trên thế giới công nhận; Tôi mong muốn những sinh viên của mình ra trường có những thành công vang dội, nối tiếp con đường khoa học của mình...
Có lẽ, những mong muốn vươn tới đỉnh cao khoa học đó chính là tiền đề để GS. Lê Minh Thắng nuôi dưỡng đam mê, tiếp tục theo đuổi con đường NCKH và đào tạo của mình!
“Đăng ký bất cứ cái gì tôi đều tự hào viết rằng mình công tác tại Viện Kỹ thuật Hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội. Uy tín của Viện, của Nhà trường, việc tạo mọi điều kiện hỗ trợ từ cơ quan chủ quản đã giúp tôi có được các nguồn tài trợ, các dự án; có phòng ốc, CSVC để xây dựng các PTN, phát triển nghiên cứu. Không có Đại học Bách khoa Hà Nội, không có những nghiên cứu của tôi hôm nay!” – GS. Lê Minh Thắng.