Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 16/04/2024 01:30
Sáng nay (16/4), tại Tòa nhà Thư viện Tạ Quang Bửu, Đại học Bách khoa Hà Nội, Trung tâm Truyền thông và Tri thức số phối hợp cùng Nhà sách Tân Việt, Alphabook và CLB Yêu sách Bách khoa tổ chức Chương trình Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024 với chủ đề: "Đọc sách hay – Sáng tương lai", phát động cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Dự sự kiện có các ông/bà: Vũ Thị Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ GDTX (Bộ GD&ĐT); Đoàn Quỳnh Dung - Phó Vụ trưởng Vụ Thư viện, Đại diện Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch; Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban công tác Hội viên, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Tri thức số; Nguyễn Trung Thành - Giám đốc Thư viện Trường ĐH Xây dựng; Vũ Thị Thu Thủy - Giám đốc Thư viện Trường ĐH Thủy Lợi; Nguyễn Thị Thoa: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa và Giáo dục Tân Việt.
Về phía Đại học Bách khoa Hà Nội có: GS. Lê Anh Tuấn - Chủ tịch hội đồng Đại học; Đại diện Ban Khoa học Công nghệ, Đoàn Thanh niên và các đơn vị thuộc Đại học; AHLĐ, NGND, GS.TSKH Trần Vĩnh Diệu, nguyên giảng viên Đại học, Ban Giám đốc và các cán bộ Trung tâm Truyền thông và Tri thức số cùng đông đảo sinh viên Đại học.
Với niềm tự hào về một thế hệ sinh viên Bách khoa Hà Nội yêu sách, chăm đọc sách và đam mê nghiên cứu khoa học, phát biểu khai mạc chương trình, GS. Lê Anh Tuấn cho biết sự kiện Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam được Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức thường niên nhằm phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong sinh viên.
Năm nay, sự kiện đã trở lại với chủ đề: “Đọc sách hay - Sáng tương lai”. Đây là chủ đề phù hợp với tuổi trẻ, với sinh viên, thúc đẩy các em đọc sách để học tập suốt đời, hướng tới tương lai bản lĩnh, trí tuệ, trách nhiệm, tự tin và thành công.
“Đây cũng là dịp để chúng ta tôn vinh các tác giả, các nhà xuất bản, các nhà in và cả những người làm nghề thư viện – những cầu nối mang nguồn tri thức quý giá của nhân loại đến với người đọc; là dịp để các bậc làm cha mẹ, các nhà giáo dục, các vị lãnh đạo và quản lý thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc phát triển văn hóa đọc cho thế hệ trẻ, giúp họ học tập, sống và phát triển bản thân theo những phẩm chất tinh hoa được đúc kết trong sách vở” - GS. Lê Anh Tuấn – nhấn mạnh.
Đông đảo sinh viên Bách khoa Hà Nội tham dự đã rất thích thú lắng nghe các diễn giả nổi tiếng và các cán bộ Thư viện trao đổi về chủ đề “hot”: Sách và các tỷ phú công nghệ; Bí quyết chọn sách hiệu quả; Hoạt cảnh “sách và sinh viên”; Đọc sách để làm giàu. 5 sinh viên yêu sách của Đại học Bách khoa Hà Nội đã được vinh danh tại ngày hội. Để thấy, với sinh viên Bách khoa Hà Nội, những cuốn sách thực sự là “người thầy không biết nói”, là người bạn để gửi gắm, chia sẻ tình cảm, để mỗi ngày đều có lý do tìm gặp người thầy/người bạn này tại thư viện của Khoa/Viện/Trường và Thư viện Tạ Quang Bửu của Đại học.
Tại sự kiện, sinh viên còn hứng thú tham gia các trò chơi mini xoay quanh các chủ đề về những cuốn sách hay, Cuộc thi xếp sách nghệ thuật và thuyết trình sách; Gian hàng trưng bày, giới thiệu bán sách ưu đãi, Tham quan triển lãm sách, ảnh… Hai mô hình sách với chủ đề kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ và chủ đề Quốc Tử Giám là góc “chill chill” thu hút nhiều sinh viên đến đặt câu hỏi và chụp ảnh lưu niệm. Những điều thú vị được khám phá từ các cuốn sách sẽ tiếp thêm cho sinh viên Bách khoa Hà Nội tình yêu sách, bồi dưỡng văn hóa đọc sách.
Sôi nổi các hoạt động tại Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2024, ĐHBK Hà Nội
Có một điều rất thú vị khi tham dự Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024, đó là những người yêu sách có cơ hội “sưu tầm” rất nhiều câu nói hay về sách và tình yêu sách, để từ đó nhận thấy đông đảo “fan” yêu sách ở khắp nơi trên thế giới, tìm được những điều bổ ích từ “người thầy không biết nói”: Triết gia người Pháp Montesquieu có câu: “Thích đọc sách tức là biết đánh đổi những giờ phút buồn tẻ không thể tránh được trong cuộc đời lấy những giờ phút lý thú.”. Hay nhà thơ, nhà triết học, giảng viên ĐH Havard, Ralph Waldo Emesson đã nói: Dù tôi không thể nhớ những cuốn sách tôi từng đọc cũng như những bữa tôi từng ăn, nhưng chúng đều làm nên con người tôi. “I can no more remember the books I have read than the meals I have eaten, but they have made me.”
Cùng sự kiện Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam 2024, Trung tâm Truyền Thông và Tri thức số phát động Cuộc thi "Đại sứ văn hóa đọc" - một trong những hoạt động trọng tâm trong chuỗi các hoạt động của Đề án "Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017. Cuộc thi được phát động hàng năm bắt đầu từ năm 2019, qua 4 lần tổ chức đã thu hút hơn 3,5 triệu lượt thí sinh trên toàn quốc tham dự ở vòng sơ khảo. Số lượng thí sinh tham dự tăng mạnh theo mỗi kỳ tổ chức đã phần nào khẳng định sức lan tỏa của cuộc thi.
Theo PGS. Đinh Văn Hải – Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tri thức số, Ngày Sách và Văn hóa đọc cùng cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, đẩy mạnh những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người dân Việt Nam. Cuộc thi khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong môi trường giáo dục và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên.
Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 17/4/2024 với những hoạt động thú vị và bổ ích, chào đón các sinh viên Bách khoa Hà Nội và những người yêu sách.
Những sinh viên – bạn đọc nhiệt tình, yêu sách, yêu thư viện năm học 2023-2024
Cù Quang Huy, sinh viên K67 Kỹ thuật điện tử;
Phạm Tuấn Đông, sinh viên K66 ngành Kỹ thuật cơ khí;
Đặng Thị Huyền, sinh viên K65 ngành Kỹ thuật hóa học;
Phạm Minh Toàn, sinh viên K67 ngành Khoa học máy tính;
Nguyễn Lê Đình Thi, sinh viên K67 ngành Kỹ thuật ô tô.