Sáng nay (27/9/2022), tân sinh viên Bách khoa Hà Nội K67 háo hức đến trường làm thủ tục nhập học.
Ngay từ qua (26/9), Phòng Công tác sinh viên (CTSV) Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức buổi “chạy thử” để sinh viên tình nguyện hỗ trợ cho hoạt động này hình dung ra quy trình hỗ trợ cho tân sinh viên K67 nhập học. Bên cạnh đó, xử lý một số vấn đề về mạng để công tác nhập học được trôi chảy. Nhiều tân sinh viên đã đến nhập học sớm trong chiều 26/9.
Để tránh tình trạng bị ùn ứ, quá tải trong buổi đầu tiên, năm nay, Ban Tổ chức đã phân luồng, gọi hơn 1.700 thí sinh/ mỗi buổi sáng, chiều trong vòng 4 buổi. Mọi năm Trường thông báo online, năm nay, Đại học Bách khoa Hà Nội gửi email rất cụ thể đến từng tân sinh viên để các bạn biết khung giờ nộp hồ sơ, hướng dẫn viết hồ sơ…
Tự hào đưa con đi nhập học
Anh Chu Văn Hải và con trai sau khi xong thủ tục nhập học Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Gia Hân
“Hơn 40 tuổi rồi, lần đầu tiên tôi được đưa con đi nhập học. Vui không thể tả…” – Anh Chu Văn Hải (Ninh Sơn, Thái Nguyên) xúc động chia sẻ trong khi chờ con làm thủ tục nhập học. Con thứ hai của anh đỗ Bách khoa Hà Nội theo phương thức thi Đánh giá tư duy được 20,62 điểm.
Hai bố con dậy sớm, thuê xe đi xuống Hà Nội. “Con tôi vào ngành Tự động hóa, ngành học có cơ hội việc làm cao nên tôi mừng lắm. Chả gì bằng học xong có việc làm ngay!” – Anh Hải phấn khởi nói. Biết mình đỗ vào Bách khoa Hà Nội, con anh Hải cứ thế như nhất theo Bách khoa, không “màng” trường đại học nào khác. Nhập học xong, hai bố con sẽ đi ra chợ Bách khoa, tìm hiểu về môi trường, sinh hoạt xung quanh phòng trọ để chuẩn bị cho cuộc sống của tân sinh viên lần đầu tiên xa nhà.
Chị Đặng Thị Oanh và con gái - tân sinh viên K67 Nguyễn Thị Mai Hoa. Ảnh: Gia Hân
Còn chị Đặng Thị Oanh và con gái Nguyễn Thị Mai Hoa (Vĩnh Bảo, Hải Phòng) dậy từ 4h sáng đi xe khách lên Hà Nội để làm thủ tục nhập học. Cô gái Mai Hoa đang là sinh viên Trường Đại học Y Hải Phòng nhưng quyết “dứt áo” ngành Y để chọn học ngành Công nghệ sinh học tại Bách khoa Hà Nội. Hoa đỗ Bách khoa theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT. “Em chỉ thích học Bách khoa nên em quyết định không học Y để chuyên tâm theo đuổi ngành và trường em yêu thích” – Hoa nói.
Hơn 8h sáng, hai mẹ con chị Oanh đã làm xong thủ tục nhập học, ngồi thành thơi ăn bánh mì (bữa sáng) trong sân trường mát mẻ. “ Các thầy/cô ở Trường nhiệt tình, vui vẻ, thủ tục nhanh gọn. Tôi đã alo nhà xe rồi, 9h là về Hải Phòng. Đặt xe dễ lắm, hôm nay có riêng một xe chuyên chở phụ huynh và sinh viên Bách khoa Hà Nội về Hải Phòng. Nên tí về chắc vui lắm!” – Chị Oanh phấn khởi chia sẻ.
Phụ huynh chờ con làm thủ tục cùng các sinh viên Bách khoa chào đón các em tân sinh viên. Ảnh: Duy Thành.
Tân sinh viên Nguyễn Thành Lập – học ngành Tự động hóa Bách khoa Hà Nội – được cả bố - anh Nguyễn Văn Thành và mẹ - chị Nguyễn Thị Ánh – đưa đến trường nhập học. Anh Thành và chị Ánh đều nghỉ làm để đưa con trai từ Nghệ An đi xe khách lên Hà Nội. Con đỗ Bách khoa, anh Thành vui lắm, cứ cười suốt.
Nói đến con, mắt người bố da sạm nắng gió miền Trung ánh lên niềm tự hào. “Bách khoa Hà Nội là nhất. 2 anh họ nó cũng đang học Điện tử Viễn thông Bách khoa rồi. Nhà tôi 3 người học Bách khoa, đúng là vui hơn Tết đó” – Anh Thành chia sẻ.
Những dự định đáng yêu của tân sinh viên K67
Từ trái qua: Tân sinh viên K67 Vũ Tiến Đạt, Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Tiến Vương, Lê Tiến Dũng. Ảnh: Gia Hân
Nói chuyện với 4 chàng trai ngành Cơ điện tử Trường Cơ khí: Nguyễn Thanh Hải – Giải Nhì môn Toán tỉnh Hải Dương; Lê Tiến Dũng – Giải Nhì môn Toán tỉnh Thái Bình; Vũ Tiến Đạt (Bắc Giang) – kỳ thi Đánh giá tư duy đạt 17,07 điểm và Nguyễn Tiến Vương - đỗ Bách khoa với điểm thi tốt nghiệp THPT – “lây” luôn năng lượng tích cực từ những nụ cười. Thanh Hải là vui nhất, cậu phấn khích khi chính thức được là sinh viên Bách khoa Hà Nội, cứ muốn đi khắp trường, xem khắp nơi để thu trọn hình ảnh Bách khoa trong tim vậy!
Có một chuyện mà 4 chàng trai - từ các tỉnh khác nhau nhưng vì cùng lớp nên coi nhau như anh em thân thiết - tâm đắc: Cả lớp em có 1 bạn nữ nên chúng em bầu bạn làm lớp trưởng luôn! – Thanh Hải nói. Và chính cậu cũng đề xuất xong thủ tục nhập học rồi, giờ sang Viện Ngoại ngữ Bách khoa đi! Sang đó “hóng” gì thì chắc các tân sinh viên đều biết nhỉ!
Tân sinh viên K67 Vũ Đức Mạnh. Ảnh: Gia Hân
Gây ấn tượng mạnh với người đối diện là Vũ Đức Mạnh – tân sinh viên K67 Chương trình liên kết của Đại học Bách khoa Hà Nội với ĐH Troy (Hoa Kỳ). Cậu rất tự tin và chủ động. Vũ Đức Mạnh đỗ Bách khoa theo phương thức Xét tuyển tài năng với Giải Nhất tiếng Anh tỉnh Thái Bình.
Biết đỗ Đại học Bách khoa Hà Nội ngay từ khi chưa tốt nghiệp lớp 12, Mạnh đã bỏ qua nhiều trường đại học như Ngoại thương, Ngoại ngữ, Học viện Kỹ thuật quân sự, Học viện Khoa học Quân sự… để theo học Bách khoa. “Cơ hội du học ở Chương trình liên kết Bách khoa Hà Nội rất “sáng”, vì vậy em chọn học Bách khoa” – Mạnh nói lý do lựa chọn của mình.
Dù đã làm thủ tục nhập học từ chiều 26/9, nhưng sáng nay Mạnh vẫn đến khu vực làm thủ tục nhập học để “hóng” cùng bạn học một ngành khác. Chụp ảnh cho Mạnh, cậu xin ảnh để gửi về cho mẹ. “Mẹ em mấy hôm nay khóc suốt, chắc là lo cho em” – Mạnh vừa thao tác điện thoại, vừa chia sẻ câu chuyện của mình.
Tân sinh viên K67 Viện Kỹ thuật Hóa học Bùi Duy Anh. Ảnh: Gia Hân
Bùi Duy Anh cũng là tân sinh viên khá đặc biệt với mái tóc vàng rất “ăn chơi”! Duy Anh đỗ Viện Kỹ thuật Hóa học Bách khoa. Cậu kể đã “nhắm” Bách khoa từ năm học lớp 6 nên đã cố gắng học tập để được học ngôi trường mơ ước, ra trường là có việc làm luôn.
Hôm nay làm thủ tục nhập học, nhưng Duy Anh đã có một kế hoạch riêng cho mình. Vì ở Hà Nội nên Duy Anh chủ động việc đi lại, chiều qua đã làm thủ tục nhập học rồi nhưng hôm nay cậu vẫn “đảo” qua trường mình! Giờ, Duy Anh có thể tự tin gọi Bách khoa Hà Nội là Trường của mình rồi!
Tân sinh viên K67 Phạm Huỳnh (trái) và bạn trong màu áo Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Gia Hân
Còn Phạm Huỳnh (Hà Tĩnh) – tân sinh viên K67 Trường Điện – Điện tử - vừa chân ướt chân ráo đến Bách khoa là hỏi thăm địa chỉ để mua bằng được chiếc áo đỏ đồng phục Bách khoa! Anh của Huỳnh là cựu sinh viên K62, hệ Kỹ sư tài năng ngành Tự động hóa Bách khoa, hiện làm bộ phận An ninh mạng của Tập đoàn Viettel. “Em muốn được như anh em, chưa bao giờ thi lại môn nào” – Huỳnh chia sẻ.
Rủ một người bạn ở trường đại học khác sang Bách khoa Hà Nội tham quan, Huỳnh và bạn rất vui thử mặc áo Bách khoa Hà Nội! “Bách khoa oách chưa!” – Huỳnh huých vào vai bạn cười và nói đầy tự hào.
Toàn cảnh buổi nhập học đầu tiên của tân sinh viên K67 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Duy Thành
Những buổi học đầu tiên của tân sinh viên K67
Theo TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng CTSV Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, sau khi nhập học xong (sau ngày thứ Tư 28/9), từ Thứ Năm (27/9) đến Thứ Bảy (1/10), các tân sinh viên K67 sẽ tham gia 6 buổi sinh hoạt công dân, trong đó sẽ có 1 buổi học trực tiếp tại hội trường C2, 5 buổi học online. Các buổi học sẽ kéo dài khoảng 2 tiếng, tương đương 3 tiết học nhằm giảm căng thẳng cho sinh viên.
Sau khi học xong sinh hoạt công dân ở Hội trường C2, Nhà trường kết hợp phát một số giấy tờ hành chính ở khu vực bên ngoài cho các tân sinh viên, như: Giấy chứng nhận sinh viên, vé xe buýt…
Mọi năm sinh viên phải lên mạng tải Giấy chuyển nghĩa vụ quân sự, khai và tự đi nộp. Năm nay Nhà trường thu và gửi bên quân sự của phường để làm xác nhận. Bên cạnh đó, Nhà trường căn cứ vào giấy tờ thu ở đây sẽ lưu cho các tân sinh viên trong bộ hồ sơ, không phải tách rời ra cái khác nữa. Trường in luôn cho sinh viên giấy chuẩn hóa để các thầy bộ phận quân sự có thể ký luôn và phát cho sinh viên sau khi các bạn học trên lớp, bớt việc cho sinh viên để các em tập trung học tập.
Năm 2022, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có gần 70% sinh viên từ ngoại tỉnh. Có hơn 1.000 chỗ ở trong Ký túc xá Bách khoa Hà Nội dành cho sinh viên năm 1. Nhóm hỗ trợ của sinh viên Bách khoa với Facebook là: Hỗ trợ tìm nhà trọ sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã và đang hoạt động rất tích cực, giúp tân sinh viên tìm chỗ trọ với giá cả hợp lý, an toàn.
Niềm tự hào khi đưa con đi nhập học Bách khoa Hà Nội của các ông bố. Ảnh: Duy Thành
Các tân sinh viên phải xử lý tất cả các vấn đề, từ học tập, sinh hoạt đến đi lại... Vì vậy, trong 6 buổi sinh hoạt công dân, Nhà trường có một số nội dung muốn gửi gắm đến tân sinh viên như sau:
Buổi thứ nhất: Buổi chào mừng của lãnh đạo Nhà trường với tân sinh viên K67; giới thiệu về lịch sử, truyền thống, sứ mệnh của Trường. Đặc biệt có nội dung đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các sinh viên trong việc xây dựng hình ảnh sinh viên Bách khoa Hà Nội kế thừa truyền thống của các anh chị đi trước.
Buổi thứ hai: Theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT, các thầy Phòng CTSV và Phòng Đào tạo sẽ phổ biến để tân sinh viên hiểu và nắm rõ Quy chế Đào tạo và Quy chế Công tác sinh viên.
Buổi thứ ba: Liên quan đến các hoạt động dịch vụ của Nhà trường, chú trọng đến 2 dịch vụ sinh viên dùng nhiều nhất trong học tập: 1. Các hệ thống thông tin của trường, email, phần mềm… để sinh viên có thể thực hiện được các hoạt động online với Nhà trường đúng theo định hướng chuyển đổi số của Bách khoa Hà Nội trong thời gian tới. 2. Dịch vụ thư viện – dịch vụ sinh viên dùng nhiều.
Nội dung về hai dịch vụ sẽ do các thầy cô ở Trung tâm mạng và Thư viện phổ biến đến tân sinh viên. Có những lưu ý để các em sử dụng dịch vụ thuận lợi, đỡ bỡ ngỡ, khai thác hết những cơ sở vật chất nhà trường đã đầu tư và trang bị.
Buổi thứ tư: Tổ chức theo yêu cầu của Công an Tp. Hà Nội, chuyên gia trao đổi với tân sinh viên về tình hình chính trị của địa bàn cũng như một số vấn đề lưu ý sinh viên để tránh bị lừa đảo, bị lôi kéo dụ dỗ vào các hoạt động vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho bản thân.
Ngoài ra, Phòng CTSV có nội dung nói về các hoạt động rèn luyện ở Bách khoa Hà Nội, cách thức để minh chứng mình là sinh viên tốt, tuân thủ các hoạt động của Trường.
Sinh viên tình nguyện Bách khoa Hà Nội nhiệt tình trợ giúp các em làm thủ tục nhập học. Ảnh: Duy Thành
Buổi thứ năm: Liên quan đến vấn đề tài chính cho sinh viên. Buổi học này do Phòng CTSV chủ trì và trao đổi để các tân sinh viên hiểu rõ hơn về các vấn đề tài chính các em phải đối mặt trong quá trình học đại học: Học phí, ăn uống đi lại…; tân sinh viên sẽ hiểu hơn các chủ trương chính sách liên quan đến học phí, tài chính, chế độ chính sách của Bộ GD&ĐT, của Nhà trường… đối với sinh viên.
Ngoài ra, Phòng CTSV đã mời thêm cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội đến nói chuyện với tân sinh viên, chia sẻ về cách thức, chủ trương cho sinh viên vay vốn ưu đãi hỗ trợ cho quá trình học tập, học phí; giới thiệu cho tân sinh viên cách thức tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ của Ngân hàng theo đúng định hướng của Nhà nước trong việc hỗ trợ sinh viên học tập.
Phòng CTSV cũng mời diễn giả tư vấn sinh viên về nội dung Đi làm thêm, những vấn đề cần lưu ý, cách thức cân bằng giữa đi làm và đi học…
Buổi thứ sáu: Tư vấn, hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn. Nhà trường tổ chức buổi này để chia sẻ cho tân sinh viên biết kênh liên lạc nếu gặp những vấn đề khó khăn về học tập, tâm lý.
Bên cạnh đó, Phòng CTSV mời một cô giáo chia sẻ với tân sinh viên K67 về việc quản lý thời gian.
Có thể thấy, sau buổi nhập học với thủ tục nhanh, gọn, tất cả vì sinh viên của Bách khoa Hà Nội, tân sinh viên K67 đã khởi động cuộc đời sinh viên bằng những buổi học rất thiết thực, được thực hành ngay sau khi học tập.
“Tại buổi nhập học, có một số thắc mắc của tân sinh viên về việc nộp học phí nhầm, đánh sai cú pháp, thông tin…, các em hỏi việc lấy lại tiền như thế nào. Phòng CTSV đã hướng dẫn các em cứ nộp chuẩn theo cú pháp, tiền thừa như thế nào Nhà trường sẽ rà soát, xử lý sau, tránh việc ùn ứ. Năm nay, phí đầu khóa Trường chỉ thu những khoản cứng, mua hộ sinh viên như: Khám sức khỏe, bảo hiểm y tế, kiểm tra tiếng Anh…, chưa thu học phí. Vậy nên các bạn nộp thừa thì toàn bộ tiền thừa đó sẽ chuyển sang học phí.” – TS. Phạm Mạnh Hùng – Phó Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
Gia Hân
Tác giả: Nguyễn Diệu Ngọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn