Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ tư - 23/11/2022 03:05
Đây là chia sẻ của Thiếu tướng Tạ Quang Chính - Con trai cố GS. Tạ Quang Bửu - tại Lễ Gắn biển tên Hội trường và Quảng trường Tạ Quang Bửu được tổ chức trang trọng tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 22/11/2022. Đại diện gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu xúc động nhấn mạnh: “Đây tiếp tục là sự ghi nhận sự cống hiến, sự gắn bó cuộc đời và sự nghiệp của cha tôi với Đại học Bách khoa Hà Nội và thật ý nghĩa nhân 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11”.
Trân trọng nhận lời mời của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, các thành viên gia đình hai cố GS. Tạ Quang Bửu và cố GS. Trần Đại Nghĩa cùng các vị đại biểu, các vị khách quý đã đến dự buổi lễ.
Một ngày đáng nhớ và dễ nhớ với gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu
Trong không khí trang trọng của buổi lễ, phát biểu trước các thành viên gia đình mình cùng đại biểu đại diện gia đình cố GS. Trần Đại Nghĩa; các cô giáo, thầy giáo nguyên lãnh đạo Trường qua các thời kỳ; các nhà giáo lão thành, các giáo sư, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, các thầy cô giáo là lãnh đạo Trường, lãnh đạo các đơn vị và các sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Thiếu tướng Tạ Quang Chính đã ôn lại quá trình công tác, gắn bó của cố GS. Tạ Quang Bửu khi đảm nhận nhiệm vụ Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội, xây dựng Trường “từ không đến có” cả về tổ chức và con người. Điều vị quân nhân nhấn mạnh chính là tình cảm sâu sắc của người cha kính yêu với Bách khoa Hà Nội.
Như lời kể của cố Hiệu trưởng Hoàng Xuân Tùy về buổi chia tay cố GS. Tạ Quang Bửu với cán bộ và sinh viên Nhà trường, cố GS. Tạ Quang Bửu đã nói: “Trước đây, đối với tôi, danh nghĩa Giám đốc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là một vinh dự lớn, vả lại tiến bộ của Nhà trường là một nguồn cổ vũ rất lớn, làm cho tôi rất phấn khởi, lạc quan và trẻ lại rất nhiều. Từ nay về sau, đối với tôi, nguồn cổ vũ, nguồn phấn khởi mãi mãi là sự tiến bộ và sự lớn mạnh của Nhà trường, mãi mãi sẽ là sự tiến bộ và trưởng thành của những người do Trường đào tạo ra”.
Với Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nhiều dấu mốc ngày tháng đáng nhớ của gia đình ông gắn với cái tên Bách khoa Hà Nội. Những chia sẻ của ông khiến tất cả thầy – trò Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lặng đi xúc động:
“Cha tôi mất ngày 21/8/1986. Linh cữu của ông đã được Nhà trường đón về và quàn tại Hội trường C2 2 ngày đêm để tổ chức tang lễ. Và cánh cổng Parabol đường Giải Phóng hôm nào, với ông, là cánh cổng đến thiên đường.
Quyết định của Nhà trường về xây dựng Thư viện mang tên ông thật hết sức ý nghĩa. Công trình Thư viện Tạ Quang Bửu thật đẹp và hiện đại, thu hút đông đảo các nhà khoa học, các thầy – trò Nhà trường đến nghiên cứu, học tập. Lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha tôi – 23/7/2010, Lễ Truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông – 17/11/2013 đểu được diễn ra tại Hội trường Thư viện Tạ Quang Bửu này. Con đường mang tên ông cũng nằm trên khuôn viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tình cảm của các thế hệ thầy – trò Đại học Bách khoa Hà Nội với ông thật là sâu nặng.
Hôm nay là một ngày đáng nhớ và dễ nhớ đối với gia đình chúng tôi vì phấn khởi và tự hào tên của cha, ông chúng tôi được đặt tên cho những địa chỉ mới trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cũng là kỷ niệm 80 năm ngày cưới của cha mẹ chúng tôi 22/11/1942 – 22/11/2022.”
Cố GS. Tạ Quang Bửu – "Người Bách khoa" điển hình
Phát biểu tại buổi lễ, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định trải qua 66 năm phát triển kể từ khi thành lập (1956), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có nhiều đóng góp cho đất nước, vẫn luôn đi đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chính “người Bách khoa”, các thế hệ giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên đã làm nên sự khác biệt của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, cố GS. Tạ Quang Bửu - Người Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 1956-1961 - là một “người Bách khoa” điển hình như thế.
Lãnh đạo Trường Đại học Bách khoa Hà Nội dẫn chứng: “Cố GS. Tạ Quang Bửu là một tấm gương lớn về tự học và học suốt đời. Với ông, học để hiếu biết, tự học là một yêu cầu thường xuyên. Ông đúc rút ra bài học “Tự học và có ngoại ngữ” sẽ mở cánh cửa tương lai cho tuổi trẻ và cho mỗi người trên mỗi cương vị công tác. Trong triết lý của Ông về quản lý giáo dục: chất lượng giáo dục là ưu tiên chiến lược, nội dung và phương pháp giáo dục. Ông đưa ra chủ trương cho giáo dục: “Cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất”, “dạy đại học là dạy phương pháp, dạy cái không có sẵn”. Những bài học đó ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, còn nguyên tính thời sự”.
Trong buổi lễ hết sức đặc biệt này, PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ mong muốn các sinh viên sẽ xem phim, sẽ tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của GS. Tạ Quang Bửu, một “người Bách khoa” tiền bối, để chiêm ngẫm những bài học mà GS. đã để lại về lòng ham học, về vai trò của ngoại ngữ, về đức tính giản dị, chân thành, tận tụy trong cuộc sống. Thầy Hiệu trưởng cũng muốn sự cố gắng nỗ lực của các sinh viên trong rèn luyện bản thân, phát triển nhân cách: Chính trực, Tôn trọng, Tận tụy, Sáng tạo.
“Thầy mong các em hãy luôn nuôi dưỡng tình yêu thương và lòng nhân ái. Thầy cũng mong các em thực hiện 6 điều hết sức giản dị, dễ nhớ, dễ áp dụng trong Quy tắc văn hóa giao tiếp trong nhà trường và môi trường mạng dành cho người học. Các em hãy học tập, rèn luyện để luôn xứng đáng là sinh viên Bách khoa, là “người Bách khoa”. Các em sẽ luôn nhận được hỗ trợ giúp đỡ của các thầy cô giáo, của các thế hệ cựu sinh viên. Các em luôn là những thành viên ưu ái nhất trong “ngôi nhà Bách khoa thân yêu” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng nhắn nhủ các sinh viên.
Kiên định, bản lĩnh, tiếp nối các tấm gương sáng “người Bách khoa” như cố GS. Tạ Quang Bửu
Nhân dịp các vị đại biểu, khách quý đến thăm trường sau một thời gian gián đoạn vì dịch bệnh Covid-19, thay mặt lãnh đạo Nhà trường, PGS. Huỳnh Quyết Thắng báo cáo một số nét chính về phát triển của Trường: Quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ nhằm chuyển đổi thành công mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời tập trung các nguồn lực để phát triển thành một Đại học nghiên cứu đa lĩnh vực theo tầm nhìn và định hướng chiến lược đã xác định; Công tác đào tạo, kiểm định CTĐT theo tiêu chuẩn quốc tế; Những nỗ lực cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ các em sinh viên; Công tác chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt; Thử nghiệm Mô hình đào tạo tiếng Anh trên nền tảng số theo hình thức B-Learning…
Năm học 2022-2023, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đặt ra 7 nhiệm vụ năm học với 27 chỉ tiêu đánh giá hết sức cụ thể nhưng cũng rất thách thức. Năm học 2022-2023 cũng là năm học đặt mục tiêu kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo và nghiên cứu, thực hiện triển khai mô hình “Học kỳ doanh nghiệp”. Nhà trường đã xây dựng Quy tắc văn hóa giao tiếp trong nhà trường và môi trường mạng gồm 6 điều cho cán bộ và giảng viên, 6 điều cho người học ngắn gọn, để nhớ để thực hiện. Năm học 2022-2023 sẽ là năm học toàn trường tiếp tục chuyển mình để thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Đặc biệt, trong một tương lai rất gần, Chính phủ sẽ ký quyết định chuyển đổi mô hình Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Quy trình thẩm định đang ở những bước cuối cùng.
Theo PGS. Huỳnh Quyết Thắng, mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa đều phấn khởi và tự hào về những gì Đại học Bách khoa Hà Nội đã cống hiến cho đất nước, về những tấm gương sáng của người Bách khoa như GS. Tạ Quang Bửu. Truyền thống tốt đẹp, giá trị văn hóa Bách khoa, phẩm chất của người Bách khoa luôn mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, với khát vọng sáng tạo và đột phá là những giá trị cốt lõi đã giúp Nhà trường phát triển bền vững suốt 66 năm qua.
Hướng tới kỷ niệm 70 năm thành lập Trường vào năm 2026, toàn Trường tiếp tục xây dựng và phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội theo triết lý “một Bách khoa”, đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo với mô hình quản trị tiên tiến, cơ cấu tổ chức tinh gọn, cơ sở vật chất nâng cao, áp dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, tạo động lực cho đổi mới và phát triển. Sự kết nối, sự chung tay, chung sức hướng về “ngôi nhà Bách khoa” thân yêu của “người Bách khoa” các thế hệ, ở khắp mọi miền của tổ quốc và trên toàn thế giới sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và vun đắp tên tuổi, giá trị và văn hóa Bách khoa Hà Nội.
“Chúng em, những thế hệ đang làm việc và học tập ngày nay, sẽ có trách nhiệm kiên định, có đầy đủ bản lĩnh kiên cường và để tiếp nối các thế hệ đi trước, tiếp tục phát triển Đại học Bách khoa Hà Nội, theo phương châm “Nhà trường làm nền tảng - Người thầy là chủ thể, là động lực phát triển - Người học làm trung tâm” - Hiệu trường Trường Đại học Bách khoa Hà Nội bày tỏ.
Bày tỏ lòng tri ân đến cố GS. Tạ Quang Bửu và truyền thông đến các em sinh viên về lịch sử của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Phòng Truyền thông và Quản trị thương hiệu đã tổng hợp các tư liệu giới thiệu về Người Hiệu trưởng đáng kính của Trường – cố GS. Tạ Quang Bửu. Xem chi tiết TẠI ĐÂY;
Thay mặt hơn 30.000 sinh viên Bách khoa Hà Nội, bày tỏ tấm lòng kính mến, biết ơn của mình tới thầy Hiệu trưởng - cố GS. Tạ Quang Bửu, CLB Tổ chức chương trình và sự kiện Bách khoa thuộc Ban Văn nghệ và Thể thao, Đoàn Thanh niên Trường trân trọng trao tặng đại diện gia đình cố GS. Tạ Quang Bửu bức tranh về Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.