Một vài lát cắt ký ức một thời gian khó nhưng vẫn lấp lánh tình cảm thật trân quý của các thầy/cô giáo Bách khoa: Vì bổ trợ kiến thức cho trò, thầy đội mưa gió, gồng mình trong giá rét cắt da cắt thịt làm gia sư 1-1; vì sức khỏe của trò, thầy còng lưng làm “ngựa thồ” lương thực… Truyền thống thương trò, kính thầy đã được các thế hệ giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội tự hào kế thừa, phát huy cho đến tận hôm nay.
Chống mảng sang sông phụ đạo sinh viên
Năm 1956, đối tượng tham dự kỳ thi tuyển sinh khóa 1 Bách khoa Hà Nội rất đa dạng. Từ vùng kháng chiến về: Học sinh đã có bằng Tú tài cũ, đã học chương trình hệ lớp 9 Bổ túc cũ hoặc mới tốt nghiệp hệ 9 năm. Ở vùng tạm chiếm cũ: Có bằng tú tài cũ, hoặc đã học xong chương trình đệ tam và cả đệ nhị chuyên khoa năm nay.
Ngoài ra, có một đối tượng dự thi với ưu tiên rất đặc biệt: học viên hệ Bổ túc công – nông, là bộ đội, thanh niên xung phong và một số cán bộ cơ sở huyện, xã được cử tuyển, chỉ có trình độ “tương đương” Trung học cơ sở, tập trung về học chương trình cấp ba: lớp 7, 8, 9 chỉ trong 1 năm học!
Trình độ đầu vào chênh lệch như vậy nên khi vào học, một số sinh viên gặp khó khăn quá lớn. Nhà trường lọc các sinh viên thiếu kiến thức cơ sở, lập những lớp học riêng, tăng cường thời lượng học tập; Các bộ môn chọn thầy tự nguyện và nhiệt tình nhất dạy miễn phí các lớp đó. Những năm sau còn đưa ra biện pháp mạnh hơn: Thành lập khoa Dự bị đại học, tách hẳn các sinh viên đó sang học cơ sở, sau 1 năm kiểm tra đạt thì cho vào học năm thứ nhất.
Tuy nhiên trong các lớp vẫn còn nhiều sinh viên khó theo được trình độ chung. Chúng tôi bàn nhau đưa ra biện pháp cuối cùng: Tổ chức phụ đạo cá biệt thường xuyên. Hồi đó, hầu hết sinh viên sống trong KTX của trường ở mấy dãy nhà cấp 4 mới xây dựng tạm. Tuy không thành qui định nhưng các bộ môn vẫn bố trí cho các thầy, cứ sáng mai có giờ lên lớp thì tối hôm trước chia nhau xuống các phòng ở sinh viên mà phụ đạo cá nhân: Ai cần gì hỏi nấy, hướng dẫn giảng giải thêm cho trò.
Và một cảnh quen thuộc là cứ sau giờ cơm chiều một lúc là loáng thoáng những bóng giảng viên đến từng phòng KTX, thầy trò làm việc với nhau có khi đến tận khuya…Chính nhờ những biện pháp đó mà hàng loạt sinh viên xuất thân từ bổ túc công – nông đã theo học được, đã tốt nghiệp và sau này rất nhiều người đã trở thành những kỹ sư, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, có tên tuổi, đóng góp đáng kể cho đất nước.…
Truyền thống đó kéo dài đến tận thời kỳ sơ tán lên khu C. Hoàn cảnh lúc này cực kỳ khó khăn, sinh viên hoàn toàn không có tư liệu gì ngoài bài ghi lời giảng của thầy ở lớp, có nơi có bàn ghế tre nứa nhưng có khi phải kê lên đùi mà ghi, sinh viên rất “đói” kiến thức và tư liệu bổ trợ, iệc phụ đạo của các thầy thực sự cần thiết. Lại tiếp tục diễn ra những hình ảnh, kể cả trong những đêm đông rét cắt da, các thầy – bụng cũng đói như sinh viên – co ro khoác áo mưa, đi ủng, đến các lán sinh viên phụ đạo tận tình.
Ở H2 – liên khoa Điện – Vô tuyến điện, có những lớp sinh viên ở bản Khâu Khiu bên bờ Bắc sông Kỳ cùng, còn lán các Thầy – H bộ – lại ở bờ Nam cho nên các thầy phải tự chở mảng sang sông mà phụ đạo. Một đêm nọ, tôi chống mảng sang sông phụ đạo cho sinh viên, đến khuya thì mưa to, ngoài sông sóng rất lớn, anh Lê Hanh – lớp phó sinh viên – vui vẻ nói với tôi: “Mưa quá, sóng sông to sợ lật mảng chưa về được đâu thầy ạ, thôi thầy nán lại “liên hoan” với chúng em nhé…” Và rồi, một nồi “đặc sản” chè sắn– mằn mạy – nóng hổi bê ra, thầy trò quây quần quên cả mưa rét. Lúc tôi ra về, anh Hanh cầm tay tôi khẽ nói: – “Chúng em quý các thầy lắm, phục các thầy lắm..!”
Thầy giáo hóa siêu shipper đường dài…
Như anh Hoàng Gia Cương – sinh viên K9 Vô tuyến điện đã viết trong 1 bài báo, nếu như trong mấy năm trời ở Khu C, thiếu thốn về vật chất đã là chuyện gian khổ rất lớn nhưng còn lớn hơn rất nhiều là thiếu thốn về tinh thần.
Lúc học ở Hà Nội, những sinh viên các tỉnh xa vẫn thường nhận được tin tức quê nhà, vài tháng có thể tranh thủ về thăm nhà. Lên khu C, hồi đó làm gì có điện thoại, internet…phương tiện trao đổi tình cảm duy nhất với gia đình là thư qua Bưu điện.
Để đảm bảo bí mật, thư gửi đến cho sinh viên đều ghi theo địa chỉ trường ở Hà Nội, Bưu điện chuyển về trường, văn thư lọc ra xếp theo từng Khoa, có chuyến công văn của Trường thì chuyển lên cho văn thư Hiệu bộ rồi các H (Khoa) khi về hiệu bộ tìm lấy cho sinh viên. Một lá thư từ miền Trung đến được tay sinh viên thường mất hàng tháng trời, chưa kể là khả năng bị thất lạc rất cao.
Trước tình hình đó, tôi chủ động bàn bạc với mấy anh em giảng viên thường về Hà Nội công tác. Thường hàng tuần trong H thế nào cũng có 1, 2 anh chị em về khu A, chúng tôi thống nhất với nhau, trước khi lên khu C phải vào văn thư nhà trường, lọc tìm lấy hết thư của sinh viên trong khoa, mang lên để chuyển ngay cho các em. Có những ngày giáp Tết, sau chuyến tàu đêm trằn trọc, đạp xe luôn một mạch 45km trong sương mai lạnh buốt của vùng núi rừng biên giới, thế nhưng vừa đến nơi, buông xe ra là không kịp uống chén nước, các thầy đã ôm ngay bọc thư xuống các lán sinh viên.
Và thật tội nghiệp, xuống đến lán mới thấy hầu như những hôm biết có thầy ở khu A lên, hầu như cả lớp không ai ngủ được, từ khuya đã trằn trọc ngóng về phía H bộ. Thấy bóng thầy chủ nhiệm mờ mờ trong sương đi đến lán mình, một anh reo lên và cả lớp ùa dậy thắp đèn sáng trưng, những đôi mắt mở to chờ mong, hy vọng. Và rồi có những tiếng reo mừng rỡ nhưng cũng rất nhiều bộ mặt thẫn thờ vì hôm đó không có thư nhà.
Không chỉ là nhân viên đưa thư, nhiều bố mẹ sinh viên ở Hà Nội còn tìm biết nhà các thầy, săn đón gặp thầy để “nhờ mang cho cháu” ban đầu chỉ là lọ dầu gió, mấy vỉ thuốc cho các em phòng bệnh tật nhưng rồi sau có khi gửi “thêm” cân đường, hộp sữa, gói bánh bích qui nhà làm… cho các em chống “suy dinh dưỡng”. Phần thì nể nang, cái chính là thương các em thiếu thốn quá, nên lần nào về công tác Hà Nội trở lại khu C, tôi đều có thêm gần chục túi to, túi nhỏ – mà mình cũng chẳng rõ có gì trong ấy – tống vào 2 cái bao lớn buộc ngất ngưởng sau xe đạp – trở thành một anh lái xe thồ thực sự.
Mấy năm gần đây trong một chuyến cựu sinh viên khoa Toán – Lý và khoa Điện về thăm lại khu C, ngồi trên ô tô đang đổ dốc Bó Củng một cô (bây giờ cũng là bà rồi) nhìn qua cửa xe rồi quay lại nói với tôi: “Thầy ơi đèo dốc thế kia mà xe thồ cồng kềnh hàng nửa tạ làm sao hồi ấy các thầy lấy sức mạnh đâu ra mà khuân nổi đồ đạc cho bọn em vậy: Thật là SIÊU SHIPPER đường dài rồi”.
Sức mạnh ở đâu ra ư? Là sức mạnh của TÌNH THẦY TRÒ vô tư trong sáng đó các em ạ!
Thái Thanh Sơn. Ảnh tư liệu
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn