Trí thức trẻ Việt Nam kết nối, chia sẻ, góp phần phát triển đất nước

Chủ nhật - 19/12/2021 19:10

Ngày 18/12/2021, tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra Hội thảo khoa học sinh viên toàn cầu với chủ đề “Vai trò của Trí thức trẻ Việt Nam trong kỷ nguyên 4.0”. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo (phân ban Khoa học Công nghệ) do Đoàn Thanh niên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam tổ chức nhằm kết nối các trí thức trẻ người Việt Nam trên toàn thế giới để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nghiên cứu và những hiểu biết của mình, tạo ra mạng lưới sâu rộng hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội - nhấn mạnh công nghiệp 4.0, hay nói rộng hơn là sự phát triển của công nghệ đã xóa bỏ khoảng cách, giúp cho chúng ta có cơ hội kết nối với nhau.

PGS. Huỳnh Quyết Thắng cho rằng mỗi người cần phải thay đổi tư duy – làm việc theo nhóm, thay đổi cách làm – làm việc chia sẻ để giải quyết được những vấn đề lớn hơn, rộng hơn bởi sự kết nối của cộng đồng. Các trí thức trẻ Việt Nam phải dấn bước, cùng góp sức trẻ, sự thông minh, tạo ra sự sáng tạo của tập thể những người có cùng chí hướng. 

“Với tư cách trường đại học chủ nhà của buổi hội thảo này, chúng tôi mong muốn Hội thảo sẽ trở thành một sự kiện thường niên, và ngày càng có nhiều bạn trẻ không chỉ trong lĩnh vực khoa học công nghệ cùng kết nối, sáng tạo, góp sức lực và chia sẻ để cùng góp phần phát triển đất nước Việt Nam” – PGS. Huỳnh Quyết Thắng bày tỏ.  

PGS. Vũ Đình Tiến chia sẻ về nghiên cứu ứng dụng và tính thích ứng trong đại dịch Covid-19

Tại Hội thảo, hai diễn giả là giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà  Nội: PGS. Trương Thu Hương - Phó Trưởng Khoa Kỹ thuật Truyền thông, Trường Điện - Điện tử và PGS. Vũ Đình Tiến – Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật Hóa học đã chia sẻ các công trình nghiên cứu của mình trong lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ.

Được biết, PGS. Trương Thu Hương hiện đang trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu cho 20 sinh viên tại phòng thí nghiệm Future Internet Laboratory. Không chỉ giữ vị trí thành viên chính của các đề tài Nghị định thư, đề tài độc lập cấp Nhà nước, dự án khuôn khổ FP7 của Liên minh châu Âu, PGS.Trương Thu Hương còn là chủ nhiệm của một số dự án tiêu biểu được tài trợ bởi Hải quân Mỹ và quỹ VINIF-VINGROUP.

Còn PGS. Vũ Đình Tiến đã tham gia nghiên cứu thành công "Áo làm mát tuần hoàn nước lạnh" và "Trạm oxy & Khí nén di động NovaO2" cùng công ty Novamed Vietnam với dây chuyền công nghệ hiện đại, tân tiến, công suất cao phục vụ cho việc sản xuất hàng loạt, đảm bảo phục vụ cấp thiết trong công cuộc chống lại đại dịch COVID-19.

PGS. Trương Thu Hương chia sẻ về công trình nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật - công nghệ

Trao đổi về kinh nghiệm dẫn dắt các sinh viên – tri thức trẻ nghiên cứu khoa học, PGS. Trương Thu Hương cho rằng các em sinh viên đại học chưa thể có đủ kinh nghiệm để vạch ra định hướng nghiên cứu và bài toán cần giải quyết, tuy nhiên các bạn có sức trẻ, có sức chiến đấu tìm tòi phát triển sâu và thực hiện vấn đề, vì vậy nếu người hướng dẫn có định hướng công việc càng cụ thể, thì các bạn sẽ càng học tập và phát triển nhanh. 

Sinh viên khi xin tham gia vào lab nghiên cứu đều có mục tiêu về phát triển thành tích cá nhân nhằm dễ dàng tiếp cận cơ hội việc làm cũng như nhận học bổng du học hoặc học tại chỗ sau đại học. 

Vì vậy, một môi trường học tập và nghiên cứu khuyến khích các bạn trẻ chiến đấu hết mình và nỗ lực sáng tạo các giải pháp chính là trao cho các bạn cơ hội đồng tác giả với giảng viên các bài báo khoa học, cơ hội tham gia các đề tài nghiên cứu phát triển kỹ năng chuyên môn cần thiết, cơ hội tham gia thi sinh viên nghiên cứu khoa học, tham dự các hội thảo giao lưu, tham gia các hoạt động cộng đồng từ hướng dẫn sinh viên khoá dưới tới các bài giảng STEM cho học sinh phổ thông. 

Một sinh viên trong lab nghiên cứu sẽ lăn xả vào rất nhiều nhiệm vụ và hoạt động, thông qua đó các bạn phát triển được không chỉ kỹ năng nghiên cứu, tìm tòi học tập các kiến thức kỷ nguyên 4.0 mà còn kỹ năng xã hội khác.

“Nếu như trong đào tạo một nghiên cứu sinh toàn thời gian, nghiên cứu sinh cần tự tìm vấn đề bài toán cần giải quyết, thì với sinh viên đại học làm việc trong lab nghiên cứu, ban đầu người hướng dẫn phải là người định hướng vấn đề cần giải quyết và định hướng phương pháp bước đầu là gì. Từ đó, các bạn sinh viên sẽ tìm tòi sáng tạo, phát triển thêm phương pháp cụ thể trong định hướng hẹp đã được xác định. Trong lúc làm việc theo chủ đề hẹp đó, các sinh viên sẽ học tư duy nghiên cứu tốt hơn. Sau 1,5 - 2 năm, các bạn có thể tự đề xuất các bài toán cần giải quyết.” – PGS. Trương Thu Hương chia sẻ.

Tại Hội thảo, diễn giả và các nhà khoa học trẻ là sinh viên và nghiên cứu sinh đã cùng chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận về tầm nhìn, sứ mệnh, vai trò và khả năng đóng góp của trí thức trẻ với công cuộc kiến thiết và phát triển đất nước.

Ảnh: Đoàn Thanh niên Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguồn: Hust

Tác giả: Nguyễn Kim Anh

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây