Những người thầy Bách khoa truyền cảm hứng
Thời còn học phổ thông, nữ sinh chuyên Lý Tổng hợp Nguyễn Hoàng Thoan và các bạn trong trường đều nhắm tới Bách khoa Hà Nội – ngôi trường có những ngành học rất hấp dẫn với học sinh chuyên các môn tự nhiên. Vào trường, thấy có kỳ thi tuyển chọn lớp Kỹ sư tài năng khóa 2, cô Thoan đăng ký ngay và trở thành 1 trong 60 sinh viên tiềm năng lớp đào tạo nguồn giảng viên cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Cô kể: Khóa tôi có 60 bạn, chia thành 4 ngành: CNTT, Cơ Tin, Toán, Lý. Chúng tôi học chung với nhau 2 năm đầu, được các thầy rất giỏi, viết những cuốn sách kinh điển về chuyên môn mà chúng tôi bây giờ vẫn đang sử dụng - dạy học: GS. Nguyễn Đình Trí, PGS. Nguyễn Cảnh Lương… dạy Toán; PGS. Lương Duyên Bình, GS. Đỗ Trần Cát dạy Vật lý… Ấn tượng sâu đậm trong cô Thoan là hình ảnh các thầy hăng say giảng bài, “cháy” hết mình trong mỗi tiết dạy.
Lớp cô có 60 sinh viên nên học trong phòng nhỏ, không có cơ hội học 6 chiếc bảng huyền thoại của thầy Cảnh Lương như các bạn học ở giảng đường, nhưng cô đặc biệt thích những giờ dạy của thầy Lương. Môn học đầu tiên cô học thầy Cảnh Lương là Đại số tuyến tính, rồi Hàm phức. Những giờ học của thầy, cả lớp không ai vắng mặt. “Thầy Cảnh Lương không cầm theo giáo trình, giáo án gì đâu. Mỗi ngày thầy có một tờ giấy nho nhỏ đút vào túi. Thầy giảng nhiều, trình bày trên bảng rất rõ ràng, đẹp mắt. Từ đầu giờ đến cuối giờ, thầy chấm một cái góc cuối cùng bên phải bảng là hết bài. Tôi và các bạn rất ấn tượng với phong cách của thầy”.
Thầy Cảnh Lương và các thầy cô giáo Bách khoa còn bày cho sinh viên những “yếu quyết” sư phạm, như đi dạy học, truyền đạt cho người khác thì phải nói những câu ngắn, câu gọn để cho học trò hiểu. Cho đến giờ, mỗi tiết dạy cô Thoan đều tìm cách nói ngắn gọn, đi thẳng vào trọng tâm để sinh viên hiểu, “quán triệt” những lời dạy của các thầy năm xưa. Nhưng bí quyết viết 6 bảng thì: “Tôi viết chữ to, vẫn phải xóa bớt để có đủ chỗ viết! Như thầy Cảnh Lương là không xóa một cái gì, từ đầu đến cuối hết bảng là hết giờ!” – cô Thoan cười nói.
Học xong đại cương, cô Nguyễn Hoàng Thoan quay lại với Vật lý – môn học cô yêu thích từ hồi cấp 3. GS. Đỗ Trần Cát – Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật hồi đó – là người thầy có ảnh hưởng nhất đến cô, thầy dìu dắt, nâng đỡ cô trên bước đường khám phá vẻ đẹp của Vật lý, động viên, khuyến khích cô đi theo con đường làm giáo viên tại Bách khoa. “Thầy Cát làm về lý thuyết, tôi theo hướng làm thực nghiệm, vì khác nhau nên thầy không trực tiếp nhận tôi vào nhóm của thầy, nhưng thầy hướng dẫn, định hướng tương lai cho tôi rất nhiều” – cô giáo trẻ xúc động chia sẻ.
Một tấm gương về nghiên cứu Vật lý ở Trường Đại học Bách khoa góp phần thúc đẩy cô Thoan trau dồi chuyên môn và kỹ năng để theo nghiệp giảng dạy là GS. Nguyễn Đức Chiến – nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Kỹ thuật. Thầy hướng dẫn cô Thoan làm đồ án tốt nghiệp đại học, động viên cô học cao hơn nữa. Năm 2004, tân Kỹ sư Vật lý Kỹ thuật Nguyễn Hoàng Thoan cùng một số sinh viên xuất sắc vừa ra trường đã được tuyển dụng làm giảng viên ở Bách khoa Hà Nội. Năm 2006, cô Thoan tốt nghiệp thạc sĩ Vật lý Kỹ thuật tại Bách khoa. Năm 2013, cô bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường ĐH KU Leuven, Vương quốc Bỉ.
Hình ảnh các thầy giáo tận tụy cống hiến, yêu thương sinh viên đã rung động trái tim tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thoan, khiến cô bỏ qua những cơ hội làm việc tại châu Âu, Singapore…, quyết tâm quay về làm giảng viên tại ngôi trường đã cùng cô trải qua những năm tháng tươi đẹp tuổi thanh xuân, nơi cô sinh viên năm thứ 4 tìm thấy tình yêu của mình – một chàng trai học Viện Toán, học trò thầy Nguyễn Cảnh Lương. “Với tôi, Bách khoa đúng là một tình yêu, một tương lai!” – cô Thoan hạnh phúc nói.
Bách khoa cho tôi nhiều lắm!
Với cô Thoan, Bách khoa Hà Nội như gia đình thứ hai, nơi chứng kiến tình yêu đầu và hạnh phúc gia đình cô, nơi cho cô một nghề và giờ là một sự nghiệp với dấu ấn rực rỡ. Năm 2021, cô được phong hàm phó giáo sư ngành Vật lý. Và từ một cô gái lo lắng mình không làm được giáo viên, cô Thoan hiện tại càng làm càng thấy mình hợp với nghề dạy học. “Tôi học được từ các thầy tôi tính điềm đạm, kiên nhẫn với sinh viên. Vì nghề này nếu không thế thì sẽ không dạy được học trò” – cô Thoan chia sẻ.
Niềm vui của cô là hàng ngày lên lớp giảng dạy, “lây” sự trẻ trung, năng động, sáng tạo của các sinh viên. Rồi cùng các em say mê nghiên cứu và vỡ òa niềm vui khi bài báo được công bố quốc tế. Đôi khi niềm hạnh phúc chỉ giản đơn thôi, có sinh viên cô chỉ dạy một số môn, không hướng dẫn đồ án nhưng sau đó các bạn quay lại, nhờ cô: Em có kế hoạch đi học tiếp, em muốn nhờ cô viết thư giới thiệu để em được đi học. Cô Thoan giúp đỡ sinh viên hết mình, như ngày xưa các thầy giáo cô đã hỗ trợ cô vậy. Rồi một thời gian ngắn sau, sinh viên gọi điện thoại vui mừng nói như hét lên: Cô ơi, em có học bổng rồi… Lòng cô giáo Nguyễn Hoàng Thoan như nở hoa cùng niềm vui của sinh viên.
Giờ có học hàm phó giáo sư, là giảng viên cao cấp, có chút thành tựu, gặp lại các thầy giáo của mình năm xưa như thầy Cảnh Lương, cô Thoan cảm thấy đôi phần tự hào. Thầy giờ coi trò như một đồng nghiệp, nhưng cô Thoan vẫn cung kính với thầy như hồi cô đi học - “Trước các thầy, tôi lúc nào cũng thấy mình là cô sinh viên bé nhỏ Nguyễn Hoàng Thoan năm xưa. Chúng tôi còn phải học hỏi các thầy nhiều lắm!”.
Đâu đó ngoài kia, có một lớp sinh viên cũng đang thầm ngưỡng mộ, muốn học hỏi theo cô Thoan và nhiều thầy cô giáo ở Bách khoa, đi theo nghiệp dạy học. Và khí chất, tinh thần, trí tuệ của người Bách khoa cứ thế luôn được kế thừa, tiếp nối.
Hiện PGS. Nguyễn Hoàng Thoan cùng nhóm sinh viên đang nghiên cứu theo định hướng chế tạo vật liệu sắt điện/áp điện: Màng áp điện trong tai nghe, các thiết bị phát sóng siêu âm như máy rửa rung siêu âm, thiết bị SONAR định vị dưới nước… Cô giải thích ngắn gọn: “Chúng tôi nghiên cứu vật liệu mới, mang tính chất nghiên cứu cơ bản và hướng tới nghiên cứu chế tạo linh kiện thu và phát sóng siêu âm”. Ngoài ra cô cũng tham gia vào hướng nghiên cứu thiết kế, chế tạo và ứng dụng pin mặt trời. |
Tuấn Phong
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn