Nhằm giúp sinh viên có xuất phát điểm thuận lợi trên con đường sự nghiệp, Bách khoa Hà Nội hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp đổi mới đào tạo và xây dựng các chương trình thực tập sát với nhu cầu của thị trường lao động và đòi hỏi của nền kinh tế.
Nguyễn Văn Mong, sinh viên năm cuối chuyên ngành Nhiệt và Xử lý Bề mặt thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu, Đại học Bách khoa Hà Nội đang đếm ngược từng ngày trước chuyến đi thực tập ở Nhật. “Với khả năng tài chính hiện tại, việc tự túc đi thực tập ở nước ngoài nằm ngoài khả năng của tôi,” cậu sinh viên sẽ tốt nghiệp năm 2023 chia sẻ. “Nếu không có sự hỗ trợ của Nhà Trường, tôi khó có cơ hội này.”
Kỹ sư tương lai Nguyễn Văn Mong là một trong số hàng trăm sinh viên hưởng lợi từ hoạt động liên kết đào tạo giữa Bách khoa Hà Nội và doanh nghiệp. Ngoài học tiếng Nhật, sinh viên được đào tạo thêm các kỹ năng mềm, kiến thức về kỹ thuật, và văn hóa làm việc trong các công ty Nhật Bản. Thậm chí, Trường còn tổ chức nhiều buổi phỏng vấn thử để sinh viên trải nghiệm quy trình phỏng vấn chuyên nghiệp của các tập đoàn nước ngoài; đồng thời huấn luyện cách viết thư xin việc và bản tóm tắt thông tin về trình độ học vấn, kinh nghiệm và sở trưởng.
Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội đến Ngày hội Việc làm do Nhà trường tổ chức hàng năm nhằm tìm kiếm cơ hội thực tập và định hướng nghề nghiệp tương lai. Ảnh: VnExpress.
Khi tính cạnh tranh trên thị trường lao động ngày càng khốc liệt, kinh nghiệm thực tập trở thành lợi thế so sánh của sinh viên mới ra trường. “Ngay từ vòng loại hồ sơ, những ứng viên có kinh nghiệm làm việc đã được ưu tiên hơn. Khả năng xin việc thành công của những ứng viên này cao hơn 60%-70% so với những người chưa có kinh nghiệm,” Lê Thanh, chuyên gia nhân sự cấp cao có gần 20 năm kinh nghiệm trong ngành tài chính và đầu tư, cho biết.
Các chương trình thực tập, đặc biệt là những chương trình liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp được thiết kế sát với nhu cầu thị trường, trở thành bàn đạp cho người trẻ mới bước chân vào thị trường lao động. “Nhiều công ty sẵn sàng trả mức lương cao hơn 20%-30% cho những ứng viên chứng minh được năng lực thông qua kinh nghiệm thực tế,” chuyên gia Lê Thanh khẳng định, “Riêng với ngành công nghệ thông tin, con số này có thể gấp đôi.”
Chuyến đi Nhật không phải là lần đầu tiên Nguyễn Văn Mong đi thực tập. Cậu cho biết ngay từ hè năm thứ ba, sinh viên Bách khoa Hà Nội đã thực tập kỹ thuật tại doanh nghiệp và hè năm thứ tư là kỳ thực tập chuẩn bị cho tốt nghiệp. “Mặc dù không chiếm nhiều tín chỉ, việc thực tập là bắt buộc,” Văn Mong nói. “Nếu không đi thực tập, chắc chắn không thể tốt nghiệp.”
Những giá trị cộng thêm của việc đi thực tập
Lợi ích lớn nhất của thực tập không phải là nâng cao kiến thức chuyên môn mà thực tập chính là cơ hội để sinh viên trực tiếp quan sát quy trình làm việc hàng ngày tại một doanh nghiệp. Thực tập sinh học hỏi từ những đồng nghiệp giàu kinh nghiệm và được hướng dẫn thực hiện những công việc mà trước đó mới chỉ đọc trong sách vở.
“Lần đầu tiên nhìn thấy dây chuyền của họ, tôi đã thốt lên ‘Òa!’,” Văn Mong nhớ lại chuyến thực tập tốt nghiệp tại một nhà máy sản xuất chi tiết máy móc của Nhật ở ngoại thành Hà Nội. Cậu say sưa tả một dây chuyền sản xuất không tốn nhân công, tiết kiệm thời gian, vận hành tự động, hoạt động liên tục, và đặc biệt an toàn cho người lao động. “Đó thực sự là một trải nghiệm khiến tôi mở mắt,” cậu sinh viên năm cuối kể.
Ngoài ra, thực tập còn giúp sinh viên hiểu về văn hóa doanh nghiệp. Tuần đầu tiên phải làm việc như một công nhân thực thụ khiến Văn Mong hiểu rằng người Nhật coi trọng đức tính cần cù; việc nỗ lực đi từ thấp đến cao và triết lý “Học mà làm – Làm mà học”. “Sau một tháng thực tập, tôi học được tác phong công nghiệp, thói quen đúng giờ và tính cách cẩn thận, tỉ mỉ,” cậu chia sẻ.
Sinh viên năm cuối Trường Cơ khí thực tập tại doanh nghiệp. Ảnh: Công ty Cổ phần Thương mại và Phát triển Công nghệ PMA.
Còn với Trần Hồng Phương, sinh viên năm cuối Trường Cơ khí, việc thực tập ảnh hưởng lớn đến đến định hướng nghề nghiệp. “Khi tiếp xúc trực tiếp với văn hóa và môi trường làm việc tại doanh nghiệp, bạn sẽ hiểu thêm về lĩnh vực ngành nghề mình định theo đuổi. Có thể những gì bạn tưởng tượng khác xa so với thực tế,” Phương cho biết các kỳ thực tập giúp cậu nhận ra bản thân là người thích hoạt động hơn ngồi đọc sách nghiên cứu.
Hồng Phương cũng được tuyển chọn tham gia đợt thực tập đầu tháng 11 tại Nhật. “Rào cản lớn nhất với người làm kỹ thuật là ngôn ngữ. Đi thực tập chắc chắn giúp tôi cải thiện tiếng Nhật. Hơn nữa, tôi sẽ hiểu hơn về văn hóa kinh doanh của người Nhật,” kỹ sư chế tạo máy tương lai hy vọng chuyến đi là cơ hội để “quảng bá năng lực bản thân” và mở rộng các mối quan hệ; theo cậu, dù làm trong lĩnh vực nào, các mối quan hệ sẽ tạo nhiều lợi thế.
Hợp tác Đại học – Doanh nghiệp: Hai bên cùng thắng
Trong bối cảnh thị trường “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, các doanh nghiệp ngày càng thúc đẩy chương trình tập sự dài hạn, theo đó, sinh viên vừa học vừa làm việc có trả lương. Mục đích là để hai bên có đủ thời gian hiểu nhau. Khi tìm được công việc phù hợp với năng lực và đam mê, sinh viên có xuất phát điểm sự nghiệp thuận lợi. Trong khi đó, doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí tuyển dụng mà quan trọng hơn, tuyển được đúng người, đúng việc.
“Bách khoa Hà Nội luôn cố gắng đàm phán với các đối tác để tối đa hóa lợi ích cho sinh viên,” TS. Phùng Lan Hương, Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại cho biết nhiều doanh nghiệp trong nước và nước ngoài sẵn sàng đồng hành với Nhà Trường trong quá trình đào tạo thông qua hình thức tài trợ toàn bộ chi phí cho các chuyến thực tập.
Nhận thức rõ vai trò của doanh nghiệp trong đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội chú trọng mở rộng mạng lưới và tăng cường hợp tác toàn diện với doanh nghiệp. Trường đã ký kết hợp tác với hơn 150 công ty, tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài. Hiện tổng kinh phí các hoạt động hợp tác với doanh nghiệp, bao gồm cả đào tạo và nghiên cứu, đạt hơn 51 tỷ đồng, tăng 41% so với năm 2020.
“Bách khoa Hà Nội năm nay đặt mục tiêu đưa hơn 90% sinh viên đi thực tập ở các nhà máy, công ty, tập đoàn thuộc mạng lưới đối tác của Nhà Trường,” Trưởng phòng Hợp tác Đối ngoại cho biết. “Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ cùng phát triển nguồn nhân lực là chiến lược ‘hai bên cùng thắng’ đối với Nhà trường và doanh nghiệp.”
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bách khoa Hà Nội và công ty AIDEM - một công ty rất có uy tín tại Nhật Bản trong các lĩnh vực quản lý dịch vụ đào tạo, tư vấn, quản lý nhân sự, hỗ trợ sinh viên mới tốt nghiệp, với tệp khách hàng gồm khoảng 250.000 công ty trên toàn nước Nhật. Ảnh: CCPR.
Bách khoa Hà Nội đang đưa “Học kỳ Doanh nghiệp” vào các chương trình đào tạo kỹ sư 180 tín chỉ. Đây là kỳ thực tập trong 3-6 tháng để giúp sinh viên nâng cao khả năng làm việc sau khi ra trường. Đặc biệt, trong quá trình làm việc tại nhà máy, công ty, tập đoàn, sinh viên thực hiện đồ án dựa trên các vấn đề và nhu cầu ở mỗi nơi, nghĩa là giải quyết, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật phù hợp với thực tế công nghiệp.
Theo PGS. TS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo, các chương trình đào tạo hiện nay được xây dựng dựa trên sự phân tích, đánh giá kỹ càng tác động của Cách mạng Công nghiệp 4.0.
“Thị trường lao động, trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đặt ra yêu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ. Do đó, việc nâng cao năng lực nghề nghiệp và các phẩm chất cá nhân để thích ứng với thị trường lao động trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết,” PGS. Đắc Trung giải thích về việc ra đời của chương trình 180 tín chỉ tích hợp giữa bậc đào tạo cử nhân và kỹ sư chuyên sâu đặc thù kéo dài 5,5 năm.
Theo báo cáo “Những xu hướng cấp thiết về lao động năm 2022” do ManpowerGroup thực hiện, đại dịch Covid-19 và công cuộc chuyển đổi số tác động không nhỏ tới thị trường tuyển dụng. Khoảng 70% doanh nghiệp trên toàn cầu đứng trước nguy cơ thiếu hụt nhân viên đáp ứng được các yêu cầu về kỹ năng. Vì vậy, các chương trình thực tập kết hợp giữa đại học và doanh nghiệp là xu hướng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, lãnh đạo Hợp tác Đối ngoại của Bách khoa Hà Nội nhận định.
“Dù thực tập ngắn ngày hay dài ngày, dù tại doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài, thì các chuyến thực tập đều là cơ hội để sinh viên mở rộng tầm nhìn, làm giàu vốn sống, và khám phá bản thân,” sinh viên Nguyễn Văn Mong kết luận.
Hồng Hạnh
Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đang triển khai các hoạt động hợp tác về chương trình đào tạo, dự án nghiên cứu, chuyển giao công nghệ với các tập đoàn, doanh nghiệp mạnh, cả trong và ngoài nước như PVN , EVN, Viettel, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Rạng Đông, Habeco, FPT, MB, BIDV, SDV, LG Display, Sunrise, Naver, The Asahi Glass Foundation, JINET, Tập đoàn MERRO ... Trường cũng nhận được sự hỗ trợ ngày càng nhiều từ mạng lưới các doanh nghiệp đối tác để nâng cấp, phát triển cơ sở vật chất của Trường, như Habeco, công ty LVT, PVOil, Vietchem, Đạm Phú Mỹ, Panasonic, Mitsubisi, Công ty Q-System, AVL, VinIF, Ford VN, Yokogawa, Công ty Sun Asterisk... và đặc biệt từ các doanh nghiệp của mạng lưới cựu sinh viên. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn