Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 02/07/2023 05:19
Sáng nay (2/7/2023), Đại học Bách khoa Hà Nội rộn tiếng nói cười của học sinh và phụ huynh tham gia sự kiện “Gặp để yêu hơn: Gặp gỡ, giao lưu với các giảng viên, sinh viên, cựu sinh viên, tìm hiểu các chương trình đào tạo, trải nghiệm hệ thống PTN của các Trường/Viện… Ngôn ngữ Gen Z hôm nay nói chuyện, bình luận rất vui về Bách khoa: Nếu ví Đại học Bách khoa Hà Nội như người yêu thì chúng em yêu Bách khoa online từ lâu rồi, xem ảnh, xem video cứ nghĩ Bách dùng app! Gặp rồi mới thấy Bách khoa rất thật thà, online thế nào, offline y vậy!
Chưa gặp đã yêu Bách khoa!
Trước ngày diễn ra sự kiện, nhiều học sinh chia sẻ sự háo hức, mong chờ được gặp Bách khoa Hà Nội “ngoài đời thực”. Hóa ra không ít học sinh tìm hiểu thông tin và Đại học Bách khoa rất kỹ, biết được tòa nhà C7 khang trang, hiện đại của Bách khoa Hà Nội mới khánh thành, biết được các ngành mới mở của Nhà trường, nuôi ước mơ học Bách khoa từ khi học THCS… nhưng để tận mắt ngắm Bách khoa thì lại chưa có cơ hội.
Như Đào Mai Khuê, nữ sinh chuyên Sinh Trường THPT Hà Nội – Amsterdam, mong muốn vào ngành BF-E19 - Kỹ thuật Sinh học CTTT– Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội. Với giải Nhì HSG Quốc gia môn Sinh học, Khuê đạt điều kiện xét tuyển vào Bách khoa. Nhưng để cho “chắc ăn”, Khuê tiếp tục nộp hồ sơ xét tuyển theo điểm SAT.
Khuê chia sẻ: “Quyết định không du học, em tìm hiểu Bách khoa Hà Nội từ năm lớp 11. Em thấy Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội giới thiệu chương trình Kỹ thuật Sinh học với nhiều chuyên môn trong lĩnh vực Y dược, ứng dụng tại các bệnh viện. Đây là một hướng phát triển rất tốt vì hiện Y học Việt Nam có nhiều công nghệ mới, tiên tiến.
Em vẫn nhớ niềm vui của em và cả gia đình lúc cập nhật trạng thái trên tài khoản và biết mình đạt điều kiện xét tuyển tài năng vào ngành yêu thích ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Bách khoa là NV1 của em, em “chốt” Bách khoa từ lúc chưa gặp luôn!”
Đào Mai Khuê đã lên kế hoạch sau khi học đại học ở Bách khoa Hà Nội sẽ du học thạc sỹ, sau đấy có thể làm trong Viện Nghiên cứu/các công ty về công nghệ sinh học hoặc quay trở lại Bách khoa, tiếp tục bồi dưỡng kiến thức để trở thành giảng viên.
Còn Trần Quang Hưng, học sinh Trường THPT Chuyên Bắc Giang, giải Nhất HSG quốc gia môn Hóa học cũng giống Mai Khuê khi xét tuyển bằng hai hình thức để vào Đại học Bách khoa Hà Nội. Hưng khá kiệm lời, nhưng khi nói về ấn tượng các thầy cô giáo Bách khoa thì lại rất sôi nổi kể về sự thân thiện, nhiệt tình của các thầy cô em có dịp được trò chuyện.
Trong gia đình, Hưng có các anh/chị họ đang theo học Tự động hóa, Trường Điện – Điện tử tại Bách khoa Hà Nội, nên cậu được anh chị kể cho nhiều điều về Bách khoa. Câu cậu thường nghe nhiều nhất là: “Học Bách khoa nếu khó thì cái khó đó cũng xứng đáng! Cố gắng lên. Học tốt ra trường có việc làm ngay!” Lời nói đó càng tiếp thêm động lực cho Hưng muốn được chinh phục những kiến thức chuyên ngành, vượt qua các môn đại cương như Đại số, Giải tích…
Hơn 5 giờ sáng nay, Hưng cùng 9 bạn trong lớp đi từ Bắc Giang lên Hà Nội để trải nghiệm Bách khoa. Suốt chặng đường đi, Hưng cứ nghĩ đến tương lai học Bách khoa Hà Nội mà mỉm cười vui sướng.
Vốn là học sinh chuyên Toán, lên cấp 3 Trần Hàn Đức Khải “quay xe” học chuyên Anh, Trường THPT Chuyên Ngoại ngữ, Trường Đại học Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Cú twist lặp lại khi cậu học sinh đạt giải Nhì Quốc gia môn Tiếng Anh quyết định học về kỹ thuật công nghệ với hai hồ sơ xét tuyển Đại học Bách khoa Hà Nội: Vừa theo quy định giải HSG quốc gia, vừa bằng chứng chỉ quốc tế ACT. Hỏi lý do, Khải nói ngắn gọn: Em yêu Bách khoa Hà Nội!
Thì ra cậu muốn hoàn toàn chắc chắn sẽ đạt điều kiện xét tuyển vào học ngành yêu thích, Đại học Bách khoa Hà Nội. Khải tìm hiểu và ấn tượng chương trình học đề cao việc học trên lớp và thực hành doanh nghiệp, rèn kỹ năng mềm trong các lab, các CLB sinh hoạt Đoàn/Hội và những mối quan hệ hợp tác quốc tế uy tín của Nhà trường. “Bách khoa có nhiều cơ hội học bổng, rất nhiều sinh viên đã đạt học bổng đi nước ngoài. Em mong mình sẽ có cơ hội như vậy” – Khải nói.
Hôm nay, cậu và 5 bạn thân trong lớp sẽ hết mình trải nghiệm Bách khoa. Cậu học sinh Trường THPT chuyên Ngoại ngữ đã nghĩ đến việc dùng những kiến thức mình học để ứng dụng vào lĩnh vực giáo dục.
Hỏi chuyện Trần Quốc Thái – Học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng, giải Ba HSG quốc gia môn Toán, cậu hào hứng khẳng định: Em yêu Bách khoa Hà Nội từ lâu rồi! “Bách khoa là NV1 của em từ năm… lớp 10. Gia đình em không có ai học Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng ở trường, nhiều anh/chị từng đi thi HSG quốc gia như em đều lựa chọn học Bách khoa. Em đã tìm hiểu và rất hứng thú khi nghĩ đến việc mình được là sinh viên Bách khoa Hà Nội nên quyết tâm theo đuổi Bách khoa đến bây giờ!”- Thái nói.
Nghe Thái kể cứ như cậu theo đuổi một cô gái nào đấy vậy! Thái yêu Bách khoa đến mức trước hôm trải nghiệm, cậu đã tưởng tượng sẽ được đeo thẻ, đội mũ, mặc áo… màu cờ sắc áo Bách khoa Hà Nội, cảm giác như một sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội thực thụ thì sẽ vui đến như thế nào.
Đến Bách khoa gặp lại những thầy cô đã từng trò chuyện với Thái khi phỏng vấn XTTN diện 1.3, những người luôn chăm chú lắng nghe cậu trình bày, đôi lúc còn giúp cậu bình tĩnh hơn để trả lời tốt câu hỏi, khiến Thái càng thêm say mê, muốn học tập tại Bách khoa… Với Thái, hôm nay có thể gọi là… “sa lưới tình yêu Bách khoa” không lối thoát!
Gặp Bách khoa rồi, càng thấy yêu hơn!
Để các học sinh và phụ huynh đến Bách khoa có một buổi trải nghiệm trọn vẹn, các Trường/Viện Đại học Bách khoa Hà Nội đã dày công lên kịch bản chương trình rất công phu, mang màu sắc riêng của đơn vị: Các tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của giảng viên, CSV cả học sinh tham quan góp vui; những mini games hấp dẫn, không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, giảng viên cũng hòa mình vui chơi nhiệt tình; các chuyến tham quan hệ thống PTN, những trải nghiệm làm sản phẩm… gây ấn tượng mạnh với những vị khách đặc biệt.
Nhưng hơn cả là hình ảnh của các giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Có nhiều tiếng xuýt xoa đã vang lên khi vừa thấy thầy/cô phiêu cùng tiếng đàn, chớp mắt đã thoăn thoắt làm thí nghiệm, vận hành các thiết bị trong PTN: “Thầy cô giáo chuyên môn siêu giỏi và còn “nghệ” hơn cả chúng em!” – một cậu học sinh “tóc súp lơ” style Hàn Quốc thốt lên!
Cô gái Lê Thị Hồng Trang - lớp chuyên Lý Trường THPT Chu Văn An – rất thích buổi trò chuyện ấm áp, tình cảm với các thầy cô Viện Vật lý Kỹ thuật. Em rất ngạc nhiên khi các thầy cô vẫn nhớ và nói rõ bạn nào là lớp trưởng, bạn nào quê ở đâu vì đã được gặp học sinh qua màn hình khi phỏng vấn XTTN.
Trang đăng ký NV1 là ngành PH3 – Vật lý Y khoa, Viện Vật lý Kỹ thuật vì thấy đây là một ngành học đầy tính nhân văn. Trang tìm hiểu và được biết PH3 là ngành Bách khoa mới mở năm 2021, có ứng dụng lớn trong xạ trị, chẩn đoán hình ảnh, điều trị bệnh ung thư. “Đây là ngành rất phù hợp với môn học yêu thích của em là Vật lý. Học PH3 em vừa có cơ hội được làm trong ngành Y, vừa luôn cảm thấy mới mẻ, thú vị, khơi gợi cảm hứng học tập. ½ các bạn lớp em có nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội” – Trang nói.
Rất nhiều “tiền bối” các khóa trên Trang ở Trường THPT Chu Văn An học và tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội đã giúp đỡ em có thông tin về các ngành học Bách khoa. Ngay hôm qua thôi, sinh hoạt CLB ở trường, Trang lại được nghe thêm các câu chuyện về sự năng động của ngôi trường em yêu mến. Sau trải nghiệm hôm nay, ngoài những ấn tượng về giảng viên, CSVC, chương trình học… Trang lại thêm quyết tâm học Bách khoa để… tham quan hết ngôi trường rộng hơn 26ha này!
Trải nghiệm sự nhiệt tình, thân thiện, năng động… của giảng viên, sinh viên, CSV Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội, chị Nguyễn Thị Hương, công tác tại BQL Quảng trường Ba Đình - mẹ em Nguyễn Hồng Vân – học sinh Trường THPT Chu Văn An – hoàn toàn tin tưởng vào quyết định lựa chọn ngành học Công nghệ giáo dục của con.
Chị Hương kể con gái Hồng Vân có đam mê vẽ. Dịp Open day cách đây 2 năm, con đã đến Bách khoa tham quan và tìm hiểu ngành học. Về nhà, con khẳng định sẽ theo học ngành Công nghệ giáo dục, Viện Sư phạm Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.
“Hiện có 3 trường thông báo con đạt điều kiện xét tuyển là: Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương và Học viện Ngoại giao, nhưng con quyết tâm theo học tại Bách khoa Hà Nội. Đến đây, trò chuyện với các thầy/cô, với các bạn sinh viên, CSV, tôi hiểu thêm về ngành học ý nghĩa, nhân văn, hiểu thêm về cơ hội việc làm, cơ hội trao đổi học tập tại nước ngoài của con sau này. Cảm ơn các thầy/cô của Viện đã cho mẹ con tôi cơ hội quý giá hôm nay” – chị Vân xúc động nói.
Vừa ăn trưa “suất ăn trên mây” của Vietnam Airline do Đại học Bách khoa Hà Nội chuẩn bị, vừa trò chuyện với các bạn, Nguyễn Thị Thu Thủy – nữ sinh Trường THPT Chuyên, Trường ĐH Đại học Sư phạm Hà Nội, đạt điều kiện xét tuyển ngành CH1 Kỹ thuật Hóa học – Trường Hóa và Khoa học sự sống – hào hứng chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên được tự tay làm xà phòng.
Thủy cho biết: “Đại học Bách khoa Hà Nội là trường top đầu! Các bạn của em đều muốn được học tại Bách khoa. Hôm nay, các thầy/cô và anh/chị tình nguyện viên rất thân thiện, nhiệt tình. Em đặc biệt ấn tượng về sự “cute” của thấy giáo hướng dẫn chúng em tham quan PTN Hóa Lý”.
Một gia đình nhà giáo ở Hưng Yên hôm nay đưa con trai trải nghiệm ở Bách khoa Hà Nội với cảm xúc rất bồi hồi! Đó là chị Phạm Thị Thu Thủy – giáo viên Trường Dân Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên và anh Đỗ Xuân Hưng – Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên.
Anh Hưng là cựu học viên khóa 2010-2012 ngành Chế tạo máy, Viện Cơ khí (hiện là Trường Cơ khí), Đại học Bách khoa Hà Nội. Còn chị Thủy thì “thần tượng” Bách khoa từ hình mẫu của người bạn là lớp trưởng năm xưa, học Bách khoa Hà Nội giờ rất giỏi giang, thành đạt, luôn giúp đỡ bạn bè.
Hôm nay đưa con lên Bách khoa Hà Nội, anh Hưng cứ ngắm tòa nhà này, hàng cây kia... xem có gì đổi khác, rồi anh nói với vợ: “Bách khoa giờ phát triển quá, khác hẳn nhỉ!”
Hồi anh Hưng học cao học rồi nhận bằng tốt nghiệp ở Bách khoa, anh tự hào lắm, đưa vợ lên thăm trường mấy lần để vợ biết mình học ở nơi xanh đẹp như thế nào. “Vợ tôi hồi đó thích Bách khoa lắm, giờ thêm tự hào nhà có hai Người Bách khoa!” – Anh Hưng nói.
Trước khi đến đây, chị Thủy đã nhiều lần chat với phòng Tuyển sinh để tìm hiểu về các chương trình học Bách khoa và nhận được tư vấn rất nhiệt tình. Đưa cả 2 con gái bé lên trải nghiệm cùng anh, chị Thủy bảo con check in Bách khoa đi, rồi sau này học Bách khoa như anh trai.
Rất chân thành, chị Thủy nhận định Bách khoa Hà Nội “đào tạo chuẩn; trường xanh, sạch; tốt nghiệp Bách khoa là cảm giác chiến thắng, vượt qua chính mình! Học Bách khoa xong là tự tin, thành công!”.