Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ hai - 20/03/2023 07:50
Chiều nay (20/3/2023), tại Hội trường C2, Đại học Bách khoa Hà Nội, vượt qua 5 đội thi đến từ các trường đại học trên toàn quốc, 3 chàng trai đội BK AUTO, Trường Cơ khí đã giành giải Nhất cuộc thi Tranh biện Giao thông Xanh do UNDP tổ chức trong tiếng hò reo của “biển” cổ động viên mặc áo đỏ! 3 sinh viên sáng láng, năng động Đại học Bách khoa Hà Nội đã gây ấn tượng rất mạnh với ông Đào Xuân Lai – Trưởng Ban Biến đổi khí hậu và Môi trường – UNDP tại Việt Nam, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi. Chia sẻ với Trang điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Lai nói: “BK AUTO giành giải Nhất xứng đáng!”.
BK AUTO gồm 3 sinh viên chương trình Kỹ thuật ô tô, Cơ khí động lực, Trường Cơ khí: Lê Đặng Kiên (K64), Lê Trọng Phước (K66), Bùi Thế Đạt (K64). Trước đó, BK AUTO đã giành vị trí đứng đầu khu vực miền Bắc. Khán giả chiều nay đã bị “hút” theo những luận điểm, những con số vừa mang tính chuyên môn kỹ thuật, vừa mang tính thời sự thực tiễn của nhóm. Đây là nhóm thi duy nhất “show” nghiên cứu của thầy giáo mình trước toàn thể Ban Giám khảo, làm “chỗ dựa” cho những luận cứ, tranh biện của mình với đối thủ. Nghiên cứu mang tên: "So sánh tính kinh tế và môi trường của xe truyền thống với các loại nhiên liện thay thế" của PGS. Đàm Hoàng Phúc, bộ môn Ô tô và Xe chuyên dụng. Có lẽ điều đó đã tạo ra bất ngờ với đối thủ, đồng thời gây ấn tượng mạnh với BGK, góp phần giúp đội thi giành giải cao nhất.
Chia sẻ của ông Đào Xuân Lai đã phần nào lý giải lý do 3 sinh viên Bách khoa Hà Nội giành chiến thắng trước các đội thi và đội thi liên quân đến từ các Trường: ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), ĐH FPT, ĐHKH (ĐH Huế), ĐH Nguyễn Tất Thành, Học viện Tài chính – Ngân hàng, ĐH Bách khoa TP. HCM, ĐH Kinh tế TP HCM.
* Thưa ông, ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông khi chấm thi cuộc thi tranh biện Giao thông Xanh tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội?
- Không khí Bách khoa rất tuyệt vời! Đại học Bách khoa Hà Nội có truyền thống đào tạo ra những kỹ sư rất giỏi, đóng góp cho ngành kỹ thuật – công nghệ của Việt Nam. Nhà trường đã tạo điều kiện rất tốt để tổ chức Vòng chung kết cuộc thi Tranh biện Giao thông xanh với thí sinh đến từ nhiều trường đại học khác nhau ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam. Chúng tôi đánh giá rất cao sự hỗ trợ, hợp tác của Đại học Bách khoa Hà Nội.
* BGK đã làm việc rất lâu để có được một kết quả chung cuộc. Ông và các thành viên BGK đánh giá như thế nào về màn thể hiện của các đội thi nói chung và đội thi BK AUTO nói riêng?
- 6 đội vào vòng chung kết được chọn từ 21 trường đại học, đã qua vòng sơ khảo, tranh biện trực tiếp Bắc – Trung – Nam. Các em nắm vấn đề rất tốt, ngoài lý thuyết được học trong trường, các em còn có liên kết với các vấn đề xã hội, liên kết với thực tiễn, thị trường cũng như các vấn đề quốc tế liên quan đến nội dung bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, cam kết của Việt Nam với quốc tế...
Riêng đội thi các sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội rất có chiều sâu về chuyên môn khi đều học chuyên ngành về ô tô, 2 thành viên trong đội là sinh viên năm thứ 4. Cùng đó, các em có sự tìm tòi, liên hệ rất tốt với các vấn đề xã hội, những ví dụ thực tiễn ở Việt Nam và thế giới. Đội BK AUTO thể hiện khá tốt trong lần thi này, giành giải Nhất rất xứng đáng. Xin chúc mừng các em!
* Mở đầu phần thi của mình, đội BK AUTO có nhắc đến một nghiên cứu mới của PGS. Đàm Hoàng Phúc – thầy giáo hướng dẫn các em, thu hút được sự quan tâm của rất nhiều thành viên BGK. Đây là đội duy nhất trong 6 đội nhắc đến một nghiên cứu của một chuyên gia thí sinh “quen biết”, cá nhân ông – một người công tác trong lĩnh vực bảo vệ môi trường của Tổ chức UNDP – có chú ý đến nội dung này không?
- Tôi rất quan tâm nội dung này. Bởi những đánh giá mang tính chất khoa học như thế rất quý. Chúng ta cần có những nghiên cứu, những thông điệp như thế để có những minh chứng, cơ sở khoa học ứng dụng công nghệ về độ bền, về các loại nhiên liệu, về ảnh hưởng môi trường, chi phí khi phát triển ra thị trường… Tất cả những nghiên cứu như thế đều rất quý giá. Đội thi BK AUTO đã tận dụng được những kiến thức, những thông tin như vậy để đưa ra thảo luận rất “đắt”.
* Ban Tổ chức có kế hoạch phát huy được những tìm hiểu, nghiên cứu của các đội thi trong cuộc thi này không, thưa ông?
- Cuộc thi mang tính chất truyền thông điệp, các em sử dụng những kiến thức, thông tin sẵn có chứ không đòi hỏi sinh viên phải đầu tư nghiên cứu. Mục tiêu chính là nâng cao nhận thức, trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức sâu rộng hơn về xe điện, công nghệ, thị trường. Các bạn có cơ hội thể hiện tài năng trong tranh biện, mỗi người bổ sung cho nhau về kiến thức, kỹ năng. Về lâu dài, giao thông xanh, giao thông điện là tất yếu, vấn đề biến đổi khí hậu là vấn đề sống còn. Mục đích chính của cuộc thi là tạo động lực, định hướng để các em phát triển ngành/nghề trong tương lai.
Dự án này chúng tôi sẽ tiếp tục trong 1 năm nữa. Sẽ có những cuộc thi, những tranh biện/sáng kiến/công việc cụ thể… tạo điều kiện cho các em sinh viên tham gia. Và không chỉ có UNDP, rất nhiều tổ chức quốc tế đến Việt Nam triển khai các dự án liên quan đến vấn đề này, cơ hội rất nhiều. Nhưng quan trọng nhất là cơ hội tương lai, khi từ những hiểu biết, đam mê này, các sinh viên có thể khởi nghiệp, nghiên cứu sâu hơn về một ngành kinh tế mới có nhiều cơ hội phát triển về công nghệ, về kinh tế. Đó mới là động lực lâu dài của chúng tôi.
* Từ cuộc thi này, UNDP có dự định gì để hợp tác với Đại học Bách khoa Hà Nội trong nghiên cứu đào tạo ô tô điện, giao thông xanh không, thưa ông?
- Trong khuôn khổ cuộc thi này, chúng tôi chưa có kế hoạch đó. Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi thiết kế việc hợp tác đào tạo những kiến thức chuyên sâu, các công nghệ mới, chúng tôi sẽ nghĩ đến Đại học Bách khoa Hà Nội – Đại học hàng đầu về kỹ thuật công nghệ tại Việt Nam đầu tiên!