Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 25/06/2023 23:13
Ngày 23/ 6/2023, tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện Sư phạm Kỹ thuật đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển nhân lực quản lý giáo dục trong kỷ nguyên số”.
Hội thảo nhằm chia sẻ, trao đổi thông tin về thực trạng và nhu cầu nhân lực quản lý giáo dục, công tác đào tạo và bồi dưỡng kiến thức quản lý giáo dục cho cán bộ quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục và cán bộ phụ trách đào tạo trong các doanh nghiệp… Từ đó, xác định những căn cứ cho việc hoàn thiện mục tiêu, chuẩn đầu ra và khung chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quản lý giáo dục mà Viện Sư phạm kỹ thuật đề xuất mở trong năm 2024.
Tham dự Hội thảo có hơn 60 đại biểu là các nhà quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở Trung ương và địa phương; lãnh đạo chủ chốt và cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục từ bậc học phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; đại diện lãnh đạo bộ phận quản lý đào tạo của các doanh nghiệp; các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học giáo dục, quản lý giáo dục; và các thế hệ cựu sinh viên, cựu học viên cao học và nghiên cứu sinh của Viện…
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. Nguyễn Đắc Trung, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Bách khoa Hà Nội - đã chia sẻ định hướng phát triển của Đại học Bách khoa Hà Nội, vai trò quan trọng của việc phát triển các chương trình đào tạo mới nhằm đưa Nhà trường thực sự trở thành một cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực dựa trên nền tảng kỹ thuật – công nghệ.
“Đại học Bách khoa Hà Nội hy vọng Hội thảo sẽ giúp Viện Sư phạm kỹ thuật có những căn cứ khoa học và thực tiễn tin cậy để xây dựng một chương trình đào tạo thạc sĩ mới vừa phù hợp với định hướng phát triển và cam kết chất lượng cao của trường, đồng thời đáp ứng tốt nhu cầu của các tổ chức sử dụng học viên tốt nghiệp và xã hội” - PGS. Nguyễn Đắc Trung nhấn mạnh.
Hội thảo đã lắng nghe báo cáo tham luận của các chuyên gia: Ông Nguyễn Hồng Đào - Trưởng phòng Phát triển Nhà giáo, Cục Nhà giáo, Bộ GD&ĐT; ông Nguyễn Công Truyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Hàn Quốc Thành phố Hà Nội; Đại tá - Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel; và GS. TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến - Ủy viên Hội đồng Giáo sư, Phó Giáo sư ngành Giáo dục học, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục, Học viện Quản lý giáo dục.
Các ý kiến tham luận xoay quanh các chủ đề: Thực trạng và nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, quản lý đào tạo tại các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp; xu hướng hoạt động quản lý giáo dục trong kỷ nguyên số; những đề xuất, góp ý về đối tượng mục tiêu, những điểm khác biệt, mục tiêu, chuẩn đầu ra và khung CTĐT của chương trình thạc sĩ quản lý giáo dục mà Viện Sư phạm kỹ thuật nên chú trọng. Các ý kiến tham luận và thảo luận đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc mở chương trình thạc sĩ Quản lý giáo dục và nội dung CTĐT của Viện SPKT.
Các chuyên gia góp ý kiến tại Hội thảo
Tại Hội thảo, PGS. TS. Phạm Thị Thanh Hải – Viện Sư phạm kỹ thuật - trình bày những nội dung chính trong đề xuất CTĐT Thạc sĩ Quản lý giáo dục của Viện. Các đại biểu tham dự Hội thảo đã trao đổi sôi nổi về những cơ hội và thách thức đối với CTĐT Thạc sĩ Quản lý giáo dục nếu Viện Sư phạm kỹ thuật triển khai đào tạo.
Tiếp thu các ý kiến góp ý, trao đổi với các chuyên gia, PGS. Lê Hiếu Học – Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội trân trọng gửi lời cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự Hội thảo, đặc biệt là Hiệu trưởng của các trường THPT, THCS và Tiểu học trên địa bàn Thủ đô trong khoảng thời gian các trường đang thực hiện công tác tuyển sinh vào lớp 10 và tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2023. Lãnh đạo Viện Sư phạm kỹ thuật bày tỏ mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của Bộ GD&ĐT, các Sở, Phòng Giáo dục; sự hỗ trợ và phối hợp của các cơ sở giáo dục và các nhà khoa học trong việc triển khai tổ chức các chương trình đào tạo và bồi dưỡng giảng viên, giáo viên của Viện.
“Trước khi tổ chức Hội thảo, nhóm công tác của Viện đã nghiên cứu, tham khảo và đề xuất đối tượng hướng đến của CTĐT, mục tiêu, CĐR và khung CTĐT căn cứ trên các quy định của Bộ GD&ĐT, yêu cầu kiểm định chất lượng giáo dục trong và ngoài nước, các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học trong nước và quốc tế. Các thông tin giới thiệu CTĐT đã được gửi đến quý vị đại biểu trước khi Hội thảo diễn ra. Do đó, các ý kiến trao đổi tại Hội thảo rất trọng tâm và đúng hướng, giúp nhóm soạn thảo chương trình có thêm những căn cứ khoa học và thực tiễn để hoàn thiện chương trình. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ góp ý của quý vị đại biểu, các nhà quản lý, các nhà khoa học để tiếp thu những nội dung phù hợp nhất để hiệu chỉnh chương trình đào tạo của chúng tôi” – PGS. Lê Hiếu Học – Viện trưởng Viện Sư phạm kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội.