Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ năm - 09/05/2024 03:33
Withanage Mayomi Chandima Dulanji - sinh viên K64, Trường Điện - Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội là lưu học sinh người Sri Lanka. Cô rất tự hào khi được đại diện các sinh viên phát biểu trong buổi lễ Tốt nghiệp sáng 11/5 sắp tới. Để có được niềm vui nhận bằng tốt nghiệp, niềm vinh dự khi đứng trên bục phát biểu cảm nghĩ của mình sau quãng thời gian học tập, cô gái “đảo ngọc Ấn độ dương” đã phải vượt qua rất nhiều thử thách, khó khăn khi học tập tại ngôi trường kỹ thuật Bách khoa Hà Nội.
Withanage ghi nhiều dấu ấn đầu tiên trong gia đình: Là người đầu tiên tốt nghiệp, đi học đại học ở nước ngoài, là kỹ sư đầu tiên trong dòng họ. Trong câu chuyện của mình, Withanage nhắc nhiều đến mẹ cô - một thợ may trong khu phố nhỏ cô sinh sống - đã vất vả nuôi cô khôn lớn, động viên cô tìm một tương lai tươi sáng bằng con đường tri thức. "Mẹ cho tôi nghị lực mạnh mẽ để vượt qua những khó khăn. Nếu không có mẹ động viên, hỗ trợ, sẽ không có tôi ngày hôm nay. Tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc đến mẹ tôi - người chắc đang rất tự hào về những thành công của tôi !" - Withanage xúc động nói.
Bước chân vào cánh cổng Đại học Bách khoa Hà Nội, mang theo bên mình hành trang là một trái tim đầy nhiệt huyết và khát khao khám phá văn hóa, kiến thức mới, Withanage Mayomi Chandima Dulanji đã đặt mình vào một cuộc phiêu lưu thú vị, đối mặt với những thách thức và cả những cơ hội trên hành trình học tập ở một đất nước xa xôi.
Rào cản ngôn ngữ chính là cú sốc văn hóa với Withanage. Trong thời gian đầu học tập, cô từng bối rối trước những bài giảng và cuộc trò chuyện trong lớp học, cảm thấy mình lạc lõng, không hiểu mọi người đang nói đến điều gì. “Bước qua mỗi một học kỳ mới, hầu như tất cả các môn học đều trở thành những thách thức mới đối với tôi, đặc biệt có những môn thí nghiệm.” - Withanage chia sẻ.
Trăn trở tìm cách hóa giải khó khăn, Withanage tự học nhiều hơn, giao tiếp nhiều hơn, không ngại hỏi lại bạn bè, thầy cô những gì mình chưa hiểu. Dường như tất cả những người xung quanh chỉ cần cô ra tín hiệu là nhiệt tình giải thích, cho cô mượn tài liệu ghi chép trên lớp, cùng cô lên thư viện để trao đổi bài học. Các thầy/cô giáo Bách khoa luôn tận tâm nói đi nói lại cho cô một vấn đề nếu cô chưa thực sự nắm rõ, không quản ngại khi đó đang là giờ nghỉ ngơi hay ngày cuối tuần.
“Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi đã có những thầy/cô giáo nhiệt huyết, những người bạn chân thành đồng hành cùng với mình tại HUST. Họ luôn ở bên và sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi tôi gặp khó khăn.” - Withanage xúc động bày tỏ.
Càng học càng yêu Việt Nam, yêu Bách khoa
Song song với việc học tập tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Withanage dành thời gian để khám phá truyền thống và phong tục tập quán của người Việt, luôn cố gắng hòa nhập với môi trường và con người xung quanh: “Sri Lanka và Việt Nam có sự khác biệt văn hoá vô cùng lớn, nhưng thay vì cảm thấy sợ hãi, tôi luôn muốn khám phá và thích nghi với một môi trường mới lạ như vậy.” - Withanage tự hào chia sẻ.
Dám bước ra khỏi “vùng an toàn” của bản thân, cô gái Sri Lanka không chỉ có hiểu biết sâu sắc hơn về đất nước mình đang học tập mà còn tạo nên những kỉ niệm đáng nhớ nhờ sự kết nối với cộng đồng nơi đây. “Việt Nam là một đất nước xinh đẹp với rất nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, con người Việt Nam rất ấm áp và tốt bụng.” - Withanage cảm nhận.
Một trong những điều mà Withanage ấn tượng nhất khi theo học tại Đại học Bách khoa Hà Nội đó chính là môi trường học tập thân thiện và luôn hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, cô là một trong những sinh viên không thể tiếp tục học tại Bách khoa Hà Nội trong thời gian đại dịch Covid-19.
Cô gái nhớ lại: “Đại dịch Covid-19 có lẽ là thử thách lớn nhất mà tôi gặp phải trong quá trình học do tôi bị kẹt lại ở Sri Lanka một khoảng thời gian. Tôi sốt ruột lắm, chỉ muốn được đến Bách khoa học ngay, nhưng cứ chờ mong rồi lại thất vọng. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban Công tác Sinh viên (trước là Phòng Công tác sinh viên), những sinh viên ngoại quốc như tôi đã được hỗ trợ quay trở lại Việt Nam, quay lại Bách khoa thân yêu để tiếp tục học tập.”
Có rất nhiều thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội được Withanage nhắc đến trong câu chuyện của mình với tấm lòng tri ân: Các thầy Ban CTSV: Đinh Văn Hải, Trần Quang Khải...; các thầy Khoa Toán - Tin: Thanh Long, Lê Việt, Cảnh Nam, Quốc Hùng… Cô gái nói nhỏ: “Tôi luôn ghi nhớ khuôn mặt của các thầy/cô, nhớ từng lớp học tôi đã học trong những năm học của mình.”
Trong quá trình học tập và rèn luyện tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Withanage Mayomi Chandima Dulanji còn tích cực tham gia rất nhiều hoạt động ngoại khoá đa dạng. Cô tham gia hầu hết các hoạt động trao đổi văn hoá dành cho các sinh viên ngoại quốc và còn đạt giải Nhất trong sự kiện dành cho sinh viên trao đổi quốc tế. Withanage nói: “Là một sinh viên ngoại quốc, tôi luôn sẵn sàng tham gia tất cả các hoạt động trao đổi văn hoá mà Nhà trường tổ chức để hiểu hơn về môi trường mình đang sinh sống và học tập và cũng như chia sẻ bản sắc văn hoá của đất nước mình.”
Nhờ sự nhiệt huyết ấy, cô kết nối rất tốt với con người Việt Nam và cũng luôn được bạn bè, thầy cô ở trường yêu quý, giúp đỡ. “Khi học tập ở một đất nước mới, bạn nên biết cách thay đổi bản thân để dễ dàng hòa nhập hơn cũng như làm quen thêm nhiều bạn mới. Từ những kỷ niệm đẹp mà mỗi khi nhớ đến lại rưng rưng xúc động vì được giúp đỡ, được chia sẻ, tôi lúc nào cũng muốn nói lời cảm ơn. Tôi yêu Việt Nam. Tôi yêu Bách khoa Hà Nội” - Withanage chia sẻ.
Với sự kiên nhẫn, lòng quyết tâm và tinh thần học hỏi không ngừng, Withanage đã vượt qua mọi thách thức để đạt được mục tiêu học tập của mình tại Đại học Bách khoa Hà Nội: “Từ giờ tôi có thể tự hào nói rằng mình là sinh viên đã tốt nghiệp tại ngôi trường kỹ thuật công nghệ hàng đầu Việt Nam.”
Ngày 11/5 tới, trong lễ Tốt nghiệp tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Withanage Mayomi Chandima Dulanji vinh dự được là một trong những sinh viên đại diện lên phát biểu: “Dù đi nơi đâu, đây mãi là trường đại học, là gia đình thứ hai của tôi, để tôi tự hào nói: “Tôi là sinh viên BÁCH KHOA HÀ NỘI.”