Cách nhau 2 khóa, học khác ngành, một “sắn” tốt nghiệp tháng 8/2022, một sắn tháng 8/2023 bảo vệ đồ án, nhưng 2 nàng “sắn” Bách khoa đều có điểm chung khi mạnh dạn lựa chọn ngành học tưởng như “quá sức”, nắm bắt các cơ hội học bổng trong và ngoài nước trong quá trình học tập, đạt học bổng toàn phần học thạc sĩ, làm tiến sĩ tại các nước tiên tiến. Hãy xem các “tiền bối” Bách khoa Hà Nội bật mí bí quyết thành công khởi điểm từ cách lựa chọn nguyện vọng, như lời bỏ nhỏ: “Điểm thi tốt nghiệp THPT 20+, hãy thử như chúng mình nha!!!”
BF-E12 là nguyện vọng 1 trong danh sách của mình!
Đây là chia sẻ của Hà Chi – sinh viên K64 lớp Chương trình tiên tiến Kỹ thuật Thực phẩm (BF-E12), Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội. Đặc biệt, Hà Chi là một trong những sinh viên thuộc khóa đầu tiên của chương trình này. Cô gái sẽ tốt nghiệp vào đầu tháng 8/2023 sau 4 năm dùi mài kiến thức.
Nhớ lại thời điểm này cách đây 4 năm, Hà Chi cứ mãi “phục” bản thân vì đã mạnh dạn lựa chọn nguyện vọng “nhỉnh” hơn những gì cô có thời điểm đó!
Chi kể: Lúc đó vốn tiếng Anh của mình còn khá hạn chế. Mình phân vân lắm, sợ lựa chọn ngành yêu thích là Kỹ thuật thực phẩm, chương trình Elitech Thực phẩm thì sẽ không theo kịp bài. Nhưng sau được thầy/cô tư vấn, động viên, mình đã mạnh dạn hơn, nghĩ xa hơn cho tương lai bản thân. Với niềm đam mê ngành kỹ thuật thực phẩm, suy nghĩ của mình trước khi đặt bút “chốt” nguyện vọng 1 BF-E12 là “mình có thể cố gắng và làm được”!
Từ cô gái Hà Nội rụt rè nhập học cùng các bạn, Hà Chi dần trở nên tự tin hơn trong môi trường học tập kiến thức, kỹ năng chuyên ngành bằng tiếng Anh, được tham gia vào các chương trình trao đổi nước ngoài, được các thầy cô bạn bè tận tình giúp đỡ. Hà Chi tự nhận khả năng ngoại ngữ, của cô đã được cải thiện rất nhiều. Chi còn có thêm vài người bạn nước ngoài để “tám” chuyện nữa.
Điều Hà Chi nhớ nhất trong 4 năm học BF-E12 Bách khoa Hà Nội chính là: Chương trình được dạy bằng tiếng Anh nên vốn tiếng Anh của cô, đặc biệt là tiếng Anh chuyên ngành, được trau dồi rất nhiều. Đây là điều nếu học tiếng Anh thông thường khó có thể có được; Lớp học có quy mô nhỏ - 29 sinh viên - mọi người rất gần gũi, thân thiết với nhau; Các thầy/cô giáo rất thân thiện, siêu cute, luôn giúp đỡ sinh viên hiểu sâu vấn đề khi học hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Mới đây, tháng 12/2022, Hà Chi và 6 bạn được cùng 2 thầy/ cô có chuyến đi trao đổi đáng nhớ tại Nhật Bản. Cô được tĩnh lũy thêm được kiến thức chuyên ngành qua việc tham quan các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm của nước bạn, như: Công ty sản xuất bia nổi tiếng Kizakura ở Kyoto, Nhà máy sản xuất Kamaboko ở Odawara. Nhóm sinh viên BF-F12 Bách khoa Hà Nội còn giao lưu với các sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ biển Tokyo, học hỏi thêm nhiều giá trị văn hóa, truyền thống cũng như đời sống của đất nước mặt trời mọc. “Chúng mình cũng đã được trải nghiệm cảm giác bị lỡ tàu ở Nhật nữa” – Chi cười vui kể.
Không phải suốt ngày vùi đầu sách vở nhé, Hà Chi có rất nhiều thời gian để tham gia các hoạt động Đoàn/Hội, khám phá những điều mới, nhìn cuộc sống bằng con mắt khác hơn khi đi tình nguyện, vui chơi hội trại, thử sức mình tại các sân chơi sinh viên…
Hiện tại, điểm CPA của Hà Chi đạt 3.71, IELTS 6.5, Tiếng Nhật N4, nàng “sắn Bách khoa” được nhận 7 loại học bổng từ doanh nghiệp và đại học. Đặc biệt, Hà Chi được nhận vào Chương trình thạc sĩ của Đại học Kagawa, Nhật Bản ngay khi cô chưa tốt nghiệp. “Kể ra mình cũng over hợp “vía” Bách khoa Hà Nội đó chứ!” – cô gái hóm hỉnh nói!
Hỏi Hà Chi có nhắn nhủ gì các “đàn em”2k5 đang phân vân lựa chọn nguyện vọng không?
Hà Chi: “If you can dream it, you can do it” – “Nếu bạn có ước mơ, bạn có thể làm được điều đó”. Chúc các bạn có thể đạt được ước mơ của mình sau một chặng đường dài không ngừng nỗ lực, ngôi nhà Bách khoa Hà Nội chào đón các bạn!
“Tâm sự mỏng” của CSV Bách khoa đặt nguyện vọng 1 vào ngành “suýt soát” điểm
“Mình là Nguyễn Thị Thảo, sinh viên K62, chuyên ngành Công nghệ Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Môi Trường (INEST), Trường Hóa và Khoa học Sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội. Mình vừa tốt nghiệp đợt tháng 8/2022.
Sinh ra và lớn lên tại Quế Võ – 1 trong 3 cụm công nghiệp lớn nhất Bắc Ninh nên ngay từ khi còn học cấp 3, mình đã định hướng thi vào ngành Kỹ thuật môi trường (KTMT) của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2017, mình thi đại học được 25.5 điểm và năm đó điểm chuẩn ngành Kỹ thuật môi trường là 25, mình “may mắn” đủ điểm
đỗ.
Học kỳ đầu tiên, điểm GPA của mình là 2.64, sau 5 năm học, điểm CPA của mình đạt 3.61 và mình nhận được tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc danh giá của Đại học Bách khoa Hà Nội. Và trong 5 năm học ở INEST, mình nhận hơn 10 loại học bổng từ doanh nghiệp, Viện và nhà trường. Không chỉ dừng lại ở đó, mình còn nhận học bổng Nghiên cứu sinh Tiến sĩ toàn phần ngành Hóa - môi trường tại Aix-Marseille University, Pháp.
Những điều mình nói ở trên chỉ để cho các bạn thấy rằng: Có thể xuất phát điểm đầu vào của các bạn rất bình thường, có thể nhiều bạn nghĩ ngành Môi trường #EV1 không lấy điểm cao, không hot hay ít cơ hội, nhưng chỉ cần các bạn cố gắng, thì thành quả đạt được sẽ khiến bạn tự hào rất rất nhiều!
Ngay từ những ngày đầu vào ĐH, mình đã luôn dặn bản thân không được ngủ quên trên chiến thắng, mình cố gắng từng ngày từng ngày và có 1 điều luôn khiến mình tự hào hơn tất cả những thành tích mình kể phía trên, đó là – mình luôn giỏi hơn mình của ngày hôm qua, mình luôn có mục tiêu và sẵn sàng đổ mồ hôi đạt được mục tiêu đó.
Trong những năm tháng học tập tại INEST, mình đã học được rất nhiều thứ, đó không chỉ là kiến thức, kỹ năng, mà còn là cả những lời chia sẻ, động viên hay giúp đỡ từ các anh chị khóa trên, các thầy cô bộ môn, các thầy cô trong ban lãnh đạo Viện hay trong ban tư vấn.
Mình luôn tự hào vì đã có 5 năm thanh xuân đầy màu sắc ở Bách khoa Hà Nội, và mình mong rằng các bạn cũng vậy!
Từ những gì đã trải qua, mình chỉ muốn nhắn nhủ các bạn: “Thiên phú, có thể khiến một người toả sáng. Nhưng sự nỗ lực cũng có thể làm được điều đó”.
Hành trình ở đại học cũng giống như cuộc chạy đua Marathon, những người chạy được tới đích thường không phải là người thừa thắng xông lên ngay từ đầu, cũng không phải là người nhìn trước ngó sau chỉ quan tâm tới đối thủ, những người giành chiến thắng là người quan tâm tới bước chân, nhịp thở và tốc độ bước của mình.
Các bạn vừa kết thúc một chặng đường dài, và chuẩn bị bước đến một chặng đường dài hơn, vì vậy, chúc các bạn tự tin và giành chiến thắng!