Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, các ngành học vô cùng đa dạng (63 ngành) và phân bổ ở nhiều mức điểm khác nhau. Ngành học nào cũng đều có “đầu ra” rất tốt, được doanh nghiệp “săn đầu người” ngay từ năm thứ 3 đại học. Nếu có “chiến lược” đăng ký nguyện vọng phù hợp, với số điểm 20-24, thí sinh còn có thể đỗ nhiều ngành “hot” của Bách khoa Hà Nội! Hãy cùng tìm hiểu xem ở mức điểm 20-24, thí sinh có thể chọn ngành nào, trường nào trong Đại học Bách khoa Hà Nội nhé!
1. Xác định, tìm hiểu nhóm ngành, “nghía” dự báo điểm chuẩn
Việc đầu tiên, hãy xác định cho mình 2 nhóm nguyện vọng: Một là NHÓM NGÀNH YÊU THÍCH (những ngành phù hợp với sở trường, năng khiếu, yêu thích), hai là NHÓM NGÀNH TRIỂN VỌNG (những ngành có khả năng trúng tuyển và an toàn). Thứ tự đăng ký sẽ là nhóm yêu thích rồi đến nhóm triển vọng;
Sau khi xác định được 2 nhóm ngành trên, cần tìm hiểu đầy đủ về những ngành đó: Điều kiện xét tuyển, điều kiện ngoại ngữ, chương trình học, cơ hội học bổng, cơ hội việc làm,…
Tiếp theo, hãy tham khảo dự báo điểm chuẩn vào 63 ngành và chương trình đào tạo mà Đại học Bách khoa Hà Nội đã công bố để đưa ra cho mình những lựa chọn phù hợp nhất!
2. Hãy mở rộng tầm mắt nhóm ngành triển vọng
Vì nguyên tắc xét tuyển là không giới hạn số lượng nguyện vọng và không phân biệt thứ tự nguyện vọng, nên với số điểm 20-24, thí sinh cần mở rộng NHÓM NGÀNH TRIỂN VỌNG.
Ở Đại học Bách khoa Hà Nội có những ngành khoa học cơ bản đảm bảo các tiêu chí: Điểm chuẩn ở mức khá ổn định và “dễ thở”, học bổng nhiều và cam kết đầu ra, như: MS1: Kỹ thuật Vật liệu, TX1 (Công nghệ Dệt May), HE1 (Kỹ thuật nhiệt), EV1 (Kỹ thuật Môi trường),… Nếu xếp những ngành này ở NHÓM NGÀNH TRIỂN VỌNG thì cực an toàn! 😊
3. “Miên man” ngành học bằng tiếng Anh và tăng cường ngoại ngữ
Đối với những bạn học tốt tiếng Anh, có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên, hoặc VSTEP từ B1 trở lên, hoặc có điểm thi tốt nghiệp môn tiếng Anh từ 6,5 điểm trở lên, nên lựa chọn những chương trình tiên tiến giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, như: BF_E12: Kỹ thuật thực phẩm (Chương trình tiên tiến), ET_E5: Kỹ thuật Y sinh (Chương trình tiên tiến), BF_E19: Kỹ thuật Sinh học (Chương trình tiên tiến), MS_E3: Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu (Chương trình tiên tiến),…
Đối với những bạn chưa đạt điều kiện ngưỡng đầu vào tiếng Anh, nhưng đặt quyết tâm vào học đại học sẽ học tốt ngoại ngữ, thì có thể ưu tiên những chương trình tăng cường ngoại ngữ như: ME_GU: Cơ khí chế tạo máy hợp tác với ĐH Griffith, Úc, hay TE_EP: Cơ khí hàng không Việt Pháp (học tiếng Việt và tăng cường tiếng Pháp);
4. Học ngành kiến thức “hot”, né “tay bo” với đối thủ
Ở Bách khoa Hà Nội, các ngành học có mối liên quan mật thiết với nhau, nên ngoài những ngành học mà mình đang hướng tới, bạn có thể tìm hiểu thêm các ngành gần, ngành liên ngành (xem khung chương trình đào tạo của từng ngành) để bổ sung vào danh sách nguyện vọng một cách phù hợp.
Bạn sẽ có cơ hội cùng các thầy/cô giáo, các bạn sinh viên ngành học bạn đang “để mắt” học nhóm, NCKH khi tiến hành các đề tài mang tính liên ngành, đa ngành! Thay vì đi đường thẳng “tay bo” với nhiều đối thủ, bạn sẽ đi đường tắt dễ chịu hơn mà vẫn đến đích chinh phục tri thức!
Nếu cần thêm thông tin, bạn hãy liên hệ
các thầy/cô giáo của Đại học Bách khoa Hà Nội hoặc số điện thoại phòng Tuyển sinh để được tư vấn cẩn thận và chi tiết!
Đây là thời điểm lựa chọn quan trọng và mang tính bước ngoặt của cuộc đời. Đừng bỏ lỡ cơ hội của chính mình, dù là nhỏ nhé!