Bách khoa Hà Nội góp phần thúc đẩy giáo dục sáng tạo

Thứ bảy - 26/10/2024 03:29
Các đại biểu say sưa thảo luận tại toạ đàm
Các đại biểu say sưa thảo luận tại toạ đàm
Sáng nay (26/10), Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp cùng STEAM for Vietnam, UNICEF Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Scratch Foundation – tổ chức tọa đàm quốc tế: “Triết lý học tập Scratch - Thúc đẩy và Trải nghiệm Mô hình Học tập sáng tạo”. 

Toạ đàm là hoạt động vệ tinh nằm trong khuôn khổ sự kiện “STEAMese Festival 2024” với chủ đề “Phiêu lưu đến thế giới 3000 – Khơi nguồn sáng tạo và định hình tương lai cùng STEAM”.

Giáo dục sáng tạo là xu hướng giáo dục tất yếu 

Phát biểu khai mạc sự kiện, PGS. Vũ Duy Hải – Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội – bày tỏ tọa đàm “Triết lý học tập Scratch - Thúc đẩy và Trải nghiệm Mô hình Học tập sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi mạnh mẽ của công nghệ” sẽ mang đến những kiến thức bổ ích trong bối cảnh giáo dục sáng tạo đã trở thành xu hướng giáo dục tất yếu của hiện tại và tương lai. Giá trị của toạ đàm được thể hiện qua những phần trình bày về tầm quan trọng của mô hình học sáng tạo và tư duy máy tính; về lực lượng lao động và cộng đồng giảng dạy trong học tập sáng tạo; cách AI có thể giúp nâng cao nền giáo dục tại Việt Nam và trong Đông Nam Á. 
 
20241026 NDK 0017
PGS. Vũ Duy Hải – Trưởng Ban Tuyển sinh - Hướng nghiệp, Đại học Bách khoa Hà Nội
Với vị thế là đại học khoa học, kỹ thuật và công nghệ hàng đầu Việt Nam, mục tiêu chung của Bách khoa Hà Nội là trở thành một đại học hiện đại, một cơ sở đào tạo, phát triển tài năng, một trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo xuất sắc trong các lĩnh vực công nghệ trọng điểm có vị thế trong khu vực và trên thế giới. 

Thông qua sự kiện STEAMese Festival, Nhà trường mong muốn tiếp cận những công nghệ hiện đại và đổi mới của thế giới, đồng thời, khẳng định vai trò, trách nhiệm xã hội của Bách khoa Hà Nội trong việc mang những công nghệ đó đến gần cộng đồng và công chúng. 

Cùng ý kiến với PGS. Vũ Duy Hải về bối cảnh sáng tạo tất yếu trong giáo dục, bà Trần Tố Uyên – Đồng sáng lập & Giám đốc Quốc gia STEAM for Vietnam nhấn mạnh giáo dục phải không ngừng nâng cao để đáp ứng nhu cầu trong kỷ nguyên AI. Đặc biệt, phát triển tư duy máy tính là điều cần thiết để giúp học sinh phân tích vấn đề và suy nghĩ logic, giống như cách AI hoạt động. 
 
20241026 NDK 0034
Bà Trần Tố Uyên – Đồng sáng lập & Giám đốc Quốc gia STEAM for Vietnam
Thông qua toạ đàm, STEAM for Vietnam, Đại học Bách khoa Hà Nội, UNICEF Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, Scratch Foundation đều hướng đến mục tiêu chung là giúp học sinh, sinh viên, những người hoạt động trong ngành giáo dục Việt Nam bắt kịp với xu hướng giáo dục thế giới, trở thành những công dân toàn cầu không ngừng sáng tạo và đổi mới giáo dục.

Thúc đẩy phát triển tư duy sáng tạo

Bà Jacy Edelman – Quyền Giám đốc dự án của Scratch Foundation đã có những chia sẻ cụ thể về mô hình Scratch – một trong những ngôn ngữ lập trình dành cho trẻ em phổ biến nhất trên thế giới hiện nay.

Scratch là ngôn ngữ lập trình đồ hoạ trực quan được tạo ra bởi MIT Media Lab (Phòng thí nghiệm truyền thông MIT) vào năm 2007. Đến nay, Scratch đã trở thành cộng đồng lập trình lớn nhất thế giới dành cho trẻ em với hơn 100 triệu người dùng đăng ký trên khắp 196 quốc gia. Tại Việt Nam, trung bình mỗi tháng có khoảng hơn 42.000 người dùng thường xuyên, số lượng người dùng mới từ đầu năm đến nay cũng đã đạt hơn 208.000 người.
 
20241026 NDK 0050
Bà Jacy Edelman – Quyền Giám đốc dự án Scratch Foundation
Theo bà Jacy Edelman, Scratch Foundation thiết kế các công cụ phát triển học tập sáng tạo dựa trên công thức 4Ps + 1:

•    Projects (dự án) – Khám phá lập trình và bồi dưỡng năng lực;

•    Passion (đam mê) – Tạo ra những dự án có ý nghĩa dựa theo sở thích, cá tính riêng tại Scratch;

•    Peers (bạn bè) – Tăng cường kết nối thông qua hợp tác và chia sẻ;

•    Play (chơi) – Khám phá không giới hạn, chấp nhận khó khăn;

•    Purpose (mục đích) là một P bổ sung, tập trung vào việc thiết kế dự án với mục đích cụ thể hoặc giải quyết vấn đề cụ thể.
 
z5969323985928 d2cdc5cbe1f150572c1d3919ab1c2c50
Các mô hình ứng dụng trong thiết kế chương trình học tập sáng tạo. Ảnh: Scratch Foundation
Nguyên lý sử dụng trong thiết kế học tập sáng tạo của Scratch được minh hoạ như một ngôn nhà có sàn thấp – tường rộng – trần cao. “Sàn thấp” là cách thức triển khai giúp người học dễ dàng tiếp cận, “tường rộng” để đủ không gian cho tất cả các sở thích, đam mê cá nhân và “trần cao” chính là công cụ cung cấp những kỹ năng không giới hạn để học sinh ngày càng phát triển. 

Quá trình học tập sáng tạo sẽ được vận hành theo vòng lặp gồm: Tưởng tượng => Sáng tạo => Chơi => Chia sẻ.

Công thức tư duy máy tính “TTNV”: Tách – Tìm – Nhìn – Viết

Để minh hoạ rõ hơn về lợi ích của mô hình học tập Scratch trong thúc đẩy trải nghiệm học tập, thầy Ngô Văn Cường – Giáo viên kỹ năng – Dự án Ham chơi Education và cô Vàng Thị Dính – Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đồng Văn (Hà Giang) – đã đưa ra những trải nghiệm thực tế cụ thể. 

Thầy giáo Ngô Văn Cường quan điểm “vui chơi là khởi nguồn của tri thức”, do đó để học sinh có sự hứng thú về học tập, cần tạo ra những sản phẩm gần gũi, sáng tạo. Để làm được điều đó, thầy Cường sử dụng phương pháp tư duy máy tính (Computational Thinking) với nguyên tắc cốt lõi: Tách nhỏ vấn đề để tìm ra quy luật, từ đó khái quát hóa và viết lại thành công thức hoặc thuật toán để giải quyết bất cứ vấn đề nào.

Công thức của tư duy máy tính là “TTNV”: Tách – Tìm – Nhìn – Viết. 

•    Tách: Việc tách nhỏ vấn đề để bắt đầu công việc dễ dàng.

•    Tìm: Nhận diện quy luật và tái sử dụng quy luật đó. 

•    Nhìn: Nhìn tổng quát và bỏ qua những yếu tố khác nhau, chỉ giữ lại những yếu tố chung nhất.

•    Viết: Tổng hợp lại các bước giải quyết vấn đề.
 
20241026 NDK 0113
Thầy Ngô Văn Cường – Giáo viên kỹ năng – Dự án Ham chơi Education
20241026 NDK 0135
Cô Vàng Thị Dính – Giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS&THPT huyện Đồng Văn (Hà Giang)

Đồng tình với ý kiến của thầy Cường, cô giáo Vàng Thị Dính cũng khẳng định lợi ích của tư duy máy tính trong hoạt động giáo dục, thường xuyên sử dụng cách tư duy này trong việc soạn bài giảng. 

Khi soạn bài, cô “tách” bài học theo từng phần như khái niệm, ví dụ minh hoạ, bài tập vận dụng,…; sau đó “tìm” các phương pháp triển khai bài phù hợp, so sánh điểm mạnh, điểm yếu để lựa chọn cách triển khai phù hợp nhất với hoc sinh; tiếp đến “nhìn” tổng thể để xác định thành phần cốt lõi cần tập trung trong bài giảng; cuối cùng là “viết” các bước hoàn thiện kế hoạch bài giảng. 

Trong quá trình ứng dụng tư duy máy tính, cả cô Dính và thầy Cường đều kết hợp sử dụng công cụ trí tuệ nhân tạo (chat GPT) và phần mềm lập trình Scratch. Qua sự kết hợp các công cụ này, cô Dính và học trò đã tạo nên dự án tính diện tích chu vi hình vuông trong môn toán lớp 8 một cách mới lạ, thầy Cường cũng đã tạo nên một trò chơi cơ bản, gần gũi về Sọ Dừa – phục vụ mở màn cho bài giảng về nhân vật cổ tích này trong môn Ngữ văn.

Với việc chủ động tìm kiếm các công cụ, cách tư duy nâng cao trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, sinh viên, các thầy cô giáo đã góp phần thúc đẩy sáng tạo trong học tập, tạo cảm hứng cho người học tiếp cận với kiến thức nhanh chóng và thuận lợi hơn. 

Khép lại toạ đàm, các đại diện từ Đại học Bách khoa Hà Nội, STEAM for Vietnam, UNICEF Việt Nam và Scratch Foundation đã cùng thảo luận để làm rõ hơn sức mạnh của tư duy máy tính và các tận dụng AI để nâng cao giáo dục, khẳng định giáo dục sáng tạo là chìa khóa phát triển trong thời đại mới.
 
STEAMese Festival 2024: Phiêu lưu đến thế giới 3000

Ngày 27/10, STEAMese Festival 2024 sẽ chính thức diễn ra với nhiều hoạt động trải nghiệm hấp dẫn để trẻ em, thanh thiếu niên, phụ huynh và giáo viên trải nghiệm trực tiếp và khám phá sức mạnh của giáo dục STEAM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Nghệ thuật và Toán học). 
 
460766060 820350133602344 8541014352762515246 n

Bản đồ thế giới năm 3000 tại STEAMESE Festival 2024 gồm: Trạm nhập môn, Thung lũng sáng tạo, Vương quốc AI, Thành phố Robot, Mê cung Coding, Quảng trường trung tâm và Hành trình tới tương lai. Những địa điểm này được thiết kế để khơi dậy khả năng giải quyết vấn đề, sáng tạo và tinh thần hợp tác cho học sinh, sinh viên. 

Đặc biệt, cũng trong khuôn khổ STEAMese Festival 2024, phụ huynh và học sinh lớp 9 đến lớp 12 quan tâm đến nhóm ngành kỹ thuật, công nghệ có thể tham gia khu vực "Định hướng nghề nghiệp STEAM trong tương lai".

Ảnh: Dĩnh Khiêm

Tác giả: Nguyễn Thu Huệ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây