Đại học Bách khoa Hà Nội 2023: Nhìn lại để đi tới

Thứ hai - 09/01/2023 22:01
Đại học Bách khoa Hà Nội 2023: Nhìn lại để đi tới
Ngày 9/1/2023, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức Hội nghị đại biểu Cán bộ viên chức (CBVC) năm 2022. 260 đại biểu là các đồng chí nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Hội đồng trường, nguyên hiệu trưởng, các thầy, cô là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân đang công tác tại Trường và những nhà giáo, cán bộ tiêu biểu đại diện hơn 1.700 cán bộ viên chức, người lao động của Đại học Bách khoa Hà Nội tham dự Hội nghị.  

Trước đó, Hội nghị CBVC cấp đơn vị của Đại học Bách khoa Hà Nội đã được tiến hành từ 15 - 31/12/2022. Các đơn vị đã thảo luận báo cáo của đơn vị, đóng góp ý kiến, góp ý về việc thực hiện nghị quyết Hội nghị đại biểu CBVC năm 2021 và đã có nhiều ý kiến góp ý quan trọng, tâm huyết vì sự phát triển chung của Đại học Bách khoa Hà Nội. Trên cơ sở các ý kiến đóng góp, Hiệu trưởng Nhà trường đã tiếp thu những nội dung để hoàn thiện bản Báo cáo tổng kết hoạt động của trường năm 2022.
20230109 CBO 6580
PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội - trình bày Báo cáo tổng kết về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị đại biểu CBVC năm 2021
7 điểm nhấn Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022

Tại Hội nghị, PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội trình bày Báo cáo tổng kết về kết quả thực hiện Nghị quyết Hội nghị đại biểu CBVC năm 2021 và phương hướng hoạt động năm 2023 của Trường. Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá trong năm qua, toàn Đại học Bách khoa Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 8 nhiệm vụ trọng tâm và bám sát các định hướng Nghị quyết Hội nghị đại biểu cán bộ viên chức năm 2021 đã đề ra, kiên định với quá trình xây dựng một hình mẫu đại học tự chủ, giữ vững vị trí tiên phong trong nước và từng bước khẳng định vị trí và uy tín quốc tế.

Năm 2022, với tinh thần kiên định quá trình đổi mới, chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo triết lý “một Bách khoa”, xây dựng mô hình quản trị chiến lược tiên tiến dựa trên nền tảng số, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đổi mới tư duy đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, tiếp tục chứng tỏ là một hình mẫu đại học tự chủ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có một sự chuyển biến rõ nét, tích cực về nhiều mặt, thể hiện rõ nét thể hiện qua 7 điểm nhấn:

1. Ngày 2/12/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Theo nội dung Quyết định, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ trực thuộc Bộ GD&ĐT;

2. Công tác chuyển đổi số tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và quyết liệt. Hệ thống eHUST đã được ra mắt phiên bản mới 2.0 với nhiều mô-đun được bổ sung đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho giảng viên và sinh viên trong việc tiếp cận thông tin đào tạo, các dịch vụ khác trong Trường. Hệ thống văn phòng số D-Office đã được đưa vào sử dụng với các chức năng xử lý văn bản điện tử, ký số cũng đã tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong việc thực hiện công tác văn thư, hành chính. Bên cạnh đó, Nhà trường đã hoàn thiện Mô hình đào tạo tiếng Anh trên nền tảng số theo hình thức B-Learning và triển khai chính thức trong năm học 2022-2023 hứa hẹn sẽ thúc đẩy phong trào học tập ngoại ngữ của sinh viên toàn trường.

3. Thực hiện tiến trình Quốc tế hóa, công tác kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế đã được đẩy mạnh và đạt kết quả tốt: 8 chương trình đào tạo đã nhận được kết quả đạt kiểm định của theo chuẩn AUN-QA; 2 chương trình đào tạo đạt kết quả tái kiểm định theo tiêu chuẩn CTI và 16 chương trình đào tạo đã thực hiện kiểm định theo chuẩn ASIIN, đưa tỷ lệ chương trình đào tạo đại học được kiểm định quốc tế đạt 64%.

4. Theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức QS năm 2022 (QS World University Ranking by subjects 2022), cả 5 nhóm ngành được xếp hạng năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới, đưa lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ, lĩnh vực thế mạnh của Trường, lần đầu tiên xếp thứ 360 thế giới. Kết quả xếp hạng các nhóm ngành như sau:

- Hai nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo tăng 100 bậc và được xếp vào nhóm 301-350 tốt nhất thế giới.

- Nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin đứng trong nhóm 401-450 thế giới, tăng 150 bậc so với năm 2021.

- Nhóm ngành Toán học, sau hai năm xuất hiện trong bảng xếp hạng, đã đạt vị trí số 1 Việt Nam và xếp ở vị trí thứ 351-400 thế giới.

- Nhóm ngành Khoa học Vật liệu lần đầu tiên được xếp hạng nhưng đã chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam, nằm trong nhóm 401-410 thế giới.
20230109 CBO 6626
Các đại biểu tại Hội nghị chăm chú theo dõi nội dung báo cáo
5. Với phương châm “người học là trung tâm”, môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ các em sinh viên đã được cải thiện đáng kế với 15 PTN đào tạo các chuyên ngành Điện, Điện tử, Cơ khí, Cơ điện tử và Vật liệu đầu tư mới (tổng kinh phí 270 tỷ đồng từ dự án SAHEP); 13.170 m2 các cơ sở vật chất phục vụ người học bao gồm: 3 nhà Ký túc xá B5, B6, B7; cùng các khu thể thao sân bóng B9, sân bóng rổ nhà B7, nhiều giảng đường, phòng học tại các nhà D3, D3-5, D5. Bể bơi Bách khoa đã được cải tạo hiện đại và đi vào hoạt động bình thường từ tháng 4/2022. Hiện tại nhà B10 và B13 của KTX, sân B13 đã hoàn thành sửa chữa và đưa vào sử dụng; 5 sân bóng chuyền, bóng rổ đang trong giai đoạn thi công nước rút để phục vụ các em sinh viên.

6. Quy tắc văn hóa giao tiếp trong nhà trường và môi trường mạng đã được ban hành gồm 6 điều dành cho cán bộ và giảng viên, 6 điều dành cho người học ngắn gọn, dễ dàng ghi nhớ để thực hiện.

7. Tòa nhà Cựu sinh viên Bách khoa Hà Nội (BK Alumni House) đã được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 7/2022. Tòa nhà CSV Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ luôn là “ngôi nhà thân yêu” của “người Bách khoa”: Sinh viên, cựu sinh viên các thế hệ, cán bộ và giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, hợp tác, cùng gìn giữ, nuôi dưỡng và vun đắp những giá trị truyền thống của người Bách khoa, của Đại học Bách khoa Hà Nội thân yêu.

Uy tín và ảnh hưởng của Đại học Bách khoa Hà Nội trong nước cũng như quốc tế tiếp tục được nâng cao thông qua kết quả xếp hạng của các tổ chức uy tín trên thế giới, nhiều văn bản thỏa thuận được ký kết với các cơ sở GDĐH hàng đầu thế giới, các chỉ số trích dẫn công bố khoa học, và chỉ số nguồn thu thông qua các hoạt động hợp tác doanh nghiệp và hợp tác quốc tế tiếp tục ghi nhận tiến bộ.

Bên cạnh các thành tích đạt được, PGS. Huỳnh Quyết Thắng cũng thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế trong năm 2022 của Nhà trường về đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo; công tác tuyển sinh sau đại học; công tác quy hoạch các PTN, nhóm nghiên cứu theo các lĩnh vực khoa học ưu tiên; công tác hỗ trợ và quản lý CLB sinh viên, bồi dưỡng kỹ năng mềm cho sinh viên; đồng thời phân tích nguyên nhân chính, đó là bên cạnh ảnh hưởng của quá trình tái cấu trúc chuyển đổi thành Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra chậm hơn so với dự kiến, những tồn tại, hạn chế còn do tư duy đổi mới sáng tạo của công tác quản lý chưa được phát huy, hiệu quả bộ máy chưa cao, truyền thông nội bộ chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
20230109 CBO 6685
20230109 CBO 6671
Các đại biểu đóng góp ý kiến cho các Dự thảo báo cáo
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Báo cáo về tình hình hoạt động của Hội đồng Trường năm 2022 và Báo cáo của Ban thanh tra nhân dân năm 2022. Hội nghị cũng đã nghe giải trình của PGS. Huỳnh Quyết Thắng về các ý kiến góp ý cho các Dự thảo báo cáo và một số vấn đề sửa đổi bổ sung Quy chế chi tiêu nội bộ;

7 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023

Với phương châm hành động: “Đổi mới sáng tạo- Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh”, Hội nghị thống nhất 7 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm 2023:

1. Hoàn thiện bộ máy tổ chức, tăng cường năng lực quản trị đại học theo đúng quy định của pháp luật;

2. Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, trong dạy và học;

3. Tăng cường các điều kiện bảo đảm và quản lý chất lượng và thúc đẩy đổi mới chương trình đào tạo theo hướng hiện đại;

4. Đổi mới công tác tuyển sinh đại học, đột phá tuyển sinh sau đại học;

5. Tăng cường phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;

6. Tăng cường hợp tác doanh nghiệp và đẩy mạnh hội nhập quốc tế;

7. Cải thiện môi trường dạy và học, tăng cường các hoạt động hỗ trợ người học;
20230109 CBO 6745
Ban Giám hiệu và Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành ký kết giao ước thi đua giữa hai bên
Trong chương trình của Hội nghị, Ban Giám hiệu và Công đoàn Đại học Bách khoa Hà Nội tiến hành ký kết giao ước thi đua giữa hai bên, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Nhà trường.

Sau hơn 4 giờ làm việc hết sức khẩn trương, với tinh thần trách nhiệm cao, Hội nghị đại biểu CBVC 2022 Đại học Bách khoa Hà Nội đã tiến hành trong không khí đối thoại dân chủ, cởi mở, tạo khí thế thi đua sôi nổi với tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng hướng tới mục tiêu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong năm học 2022-2023.

Toàn thể CBVC, nhà giáo, người lao động quyết tâm thực hiện thắng lợi 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đã đề ra theo phương châm “Đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh”, nhằm hoàn thành 10 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện “Chiến lược phát triển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 2017-2025” trong giai đoạn 2021-2025, tạo tiền đề phát triển mới trở thành một Đại học nghiên cứu đa lĩnh vực.
 
Hội nghị đại biểu CBVC Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022 chúc mừng:
 
5 Nhà giáo tiêu biểu được nhận khen thưởng của Nhà trường về những thành tích nổi bật trong giảng dạy và NCKH, thu hút tài trợ, hợp tác nghiên cứu năm học 2021-2022;

33 cá nhân của Đại học Bách khoa Hà Nội. được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ";

Nhóm tác giả có cụm công trình xuất sắc về KHCN được Giải thưởng Nhà nước.

Gia Hân
  Ảnh: Duy Thành
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây