Đại học Bách khoa Hà Nội - Dấu ấn 2022

Thứ tư - 28/12/2022 23:11
Đại học Bách khoa Hà Nội - Dấu ấn 2022
Năm 2022 của Đại học Bách khoa Hà Nội khép lại với rất nhiều dấu ấn: Chuyển đổi mô hình - Một dấu mốc quan trọng trong quá trình hơn 66 năm xây dựng và phát triển của Bách khoa Hà Nội, phù hợp với chủ trương của Đảng, của Chính phủ và xu hướng phát triển của giáo dục đại học thế giới;  Nhiều chương trình đào tạo đạt kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế - một minh chứng chất lượng cho tất cả đối tác và sinh viên về hiện trạng chất lượng của Đại học Bách khoa Hà Nội; Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds năm 2022, cả 5 nhóm ngành được xếp hạng năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới, đưa lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Bách khoa Hà Nội xếp thứ 360 thế giới… Chúng ta cùng điểm lại những dấu ấn đáng nhớ của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2022.

tcbc dhbkhn 1


Chuyển đổi mô hình, được Chính phủ tiếp tục tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng

Năm 2022, vai trò, vị thế và uy tín của Bách khoa Hà Nội được Chính phủ tiếp tục khẳng định, tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn:

1. Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế- xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã giao nhiệm vụ cho Đại học Bách khoa Hà Nội nâng cao chất lượng và quy mô đào tạo, tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao cho vùng và cả nước, trên cơ sở tăng cường đầu tư, phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

2. Ngày 2/12/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường Đại học Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị, thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên, thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”. Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn Đại học. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của Đại học.

Việc chuyển đổi mô hình thành Đại học Bách khoa Hà Nội là bước phát triển nhằm thực hiện tốt sứ mạng, tầm nhìn, định hướng chiến lược phát triển, đưa Đại học Bách khoa Hà Nội phát triển đột phá, lên tầm cao mới, trở thành đại học nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tự chủ toàn diện, có môi trường học thuật sáng tạo, cởi mở, tự do học thuật, khơi dậy khát vọng cống hiến của cán bộ viên chức, người lao động, sinh viên và học viên toàn đại học, phát huy giá trị văn hoá, bản sắc của con người Bách khoa Hà Nội. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

chuyển đổi số

Thể hiện nội lực chuyển đổi số

Phiên bản eHUST 2.0 được ra mắt nhân ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2022, với nhiều tính năng mới về chữ ký số, giảng dạy, nghiên cứu, tổ chức cán bộ, hợp tác đối ngoại, đồng thời tích hợp hệ thống hành chính D-Office và kênh thanh toán trực tuyến Viettel Pay. Các phân hệ trên hệ thống eHUST ngày càng được cải tiến, cung cấp đầy đủ và chính xác các dữ liệu, làm nền tảng trong mọi hoạt động của đơn vị, đặc biệt trong hoạt động học tập, giảng dạy, nghiên cứu và đối ngoại. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

Cùng đó, Văn phòng số D-Office được triển khai chính thức trong toàn Đại học Bách khoa Hà Nội từ ngày 11/10/2022, tích hợp ký số trên các thiết bị máy tính, điện thoại, máy tính bảng; tích hợp văn bản và công việc thành một luồng; biểu diễn trực quan tiến độ thực hiện các công việc theo cá nhân, đơn vị; dự kiến liên thông dữ liệu với hệ thống E-Office của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trục dữ liệu quốc gia. Các đơn vị, giảng viên và sinh viên trong Trường đã tích cực sử dụng các tính năng trên nền tảng số eHUST và D-Office. Hiện các đơn vị hành chính đã chuyển đổi số toàn phần cho 17/179 quy trình và chuyển đổi số từng phần cho 78/179 quy trình. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

Trong năm 2022, Hệ thống LMS Moodle đã được nâng cấp, hoàn thiện các mô đun và đang vận hành tương đối ổn định, được giảng viên và sinh viên đánh giá khá thân thiện, dễ sử dụng. Một số chức năng của hệ thống đã được mở rộng, đảm bảo vận hành được gần 400 khóa học trong 2 học kỳ chính của năm học 2021-2022. Số lượng sinh viên tham gia đạt 13.300 sinh viên. Công tác đưa học liệu lên hệ thống eHUST đã hoàn thành về mặt kỹ thuật, quy định và đã được thử nghiệm trong học kỳ 2022.1.

Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, mô hình đào tạo tiếng Anh trên nền tảng số, theo hình thức B-Learning kết hợp với Công ty IIG đã được hoàn thiện, đưa vào thử nghiệm trong học kỳ 2021.2 và chính thức áp dụng trong học kỳ 2022.1. Theo đó, 5 khóa học với các trình độ từ cơ bản đến nâng cao đã được xây dựng, hơn 30 giảng viên được đào tạo để giảng dạy theo chương trình mới. 10 lớp đào tạo thử nghiệm đã được thực hiện cho sinh viên trong học kỳ 2021.2 và hơn 80 lớp đào tạo chính thức trong học kỳ 2022.1. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

Cùng đó, năm 2022, Bách khoa Hà Nội tăng cường xây dựng kho học liệu số nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy, học tập, thí nghiệm trên môi trường số. 73% học liệu số của các học phần được mở đã được đưa lên hệ thống quản lý đào tạo. Hơn 20 học phần được xây dựng học liệu mới phục vụ đào tạo B-Learning, 20 bài học thực hành thí nghiệm trong khuôn khổ dự án SAHEP được số hoá nhằm nâng cao chất lượng thực hành thí nghiệm và tăng cường đào tạo trải nghiệm.
image 20221128101916 2
Bà Yanna Sumkotter, Quản lý dự án ASIIN, phát biểu tại Lễ khai mạc Đợt kiểm định chất lượng 9-10/11/2022
Kiểm định và đảm bảo chất lượng theo chuẩn quốc tế

Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội đẩy mạnh công tác kiểm định các chương trình đào tạo. Trong tổng số 26 chương trình đào tạo thực hiện kiểm định và tái kiểm định năm 2022, có 8 chương trình đào tạo trong các lĩnh vực Điện-Điện tử, Cơ khí và Khoa học vật liệu được tài trợ phòng thí nghiệm theo dự án SAHEP của Ngân hàng thế giới, 16 chương trình đào tạo được kiểm định/tái kiểm định theo tiêu chuẩn của tổ chức ASIIN trong lần đầu hợp tác.

Tổ chức kiểm định ASIIN là tổ chức kiểm định uy tín trong hệ thống của Hiệp hội kiểm định chất lượng đại học Châu Âu (ENQA), các chứng nhận chất lượng của ASIIN được công nhận về hiệu lực đảm bảo chất lượng giáo dục đại học trên toàn thế giới. Sau quá trình đánh giá 16 chương trình đào tạo của Đại học Bách khoa Hà Nội, các giáo sư và chuyên gia kiểm định từ ASIIN đánh giá cao năng lực giảng viên, cán bộ và các phòng thí nghiệm chuyên ngành tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, hoạt động hợp tác doanh nghiệp của Nhà trường cũng gây được ấn tượng bởi sự ảnh hưởng tích cực đối với nền kinh tế và xã hội.

Tới nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có tổng số 25 chương trình đào tạo được đánh giá và đạt kiểm định quốc tế trong đó 23 chương trình đạt chuẩn AUN-QA và 2 chương trình đạt chuẩn EUR-ACE do CTI kiểm định, dự kiến 16 chương trình đào tạo nhận kết quả kiểm định của tổ chức ASIIN trong Quý I/2023, đưa tỷ lệ các chương trình đào tạo được kiểm định quốc tế đạt 64%. Đây là một minh chứng chất lượng cho tất cả đối tác và sinh viên về hiện trạng chất lượng của Đại học Bách khoa Hà Nội. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

20220323 by subject post cac web 01 622994 28902

5 nhóm ngành tăng hạng trên bảng xếp hạng QS

Theo bảng xếp hạng đại học thế giới của tổ chức Quacquarelli Symonds năm 2022, cả 5 nhóm ngành: Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin; Toán học; Khoa học Vật liệu được xếp hạng năm nay của Đại học Bách khoa Hà Nội đều tăng hạng, đứng đầu Việt Nam và xếp ở vị trí từ 300 đến 450 tốt nhất thế giới, đưa lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Trường xếp thứ 360 thế giới.

Theo bảng xếp hạng, nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử và nhóm ngành Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo của Bách khoa Hà Nội đều tăng 100 bậc và được xếp vào nhóm 301-350 tốt nhất thế giới.

Với nhóm ngành Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin, Bách khoa Hà Nội đứng trong nhóm 401-450 thế giới, tăng 150 bậc so với năm 2021.

Sau hai năm xuất hiện trong bảng xếp hạng, đây là năm đầu tiên nhóm ngành Toán học của Bách khoa Hà Nội đạt vị trí số 1 Việt Nam và xếp ở vị trí thứ 351-400 trên thế giới.

Nhóm ngành Khoa học Vật liệu của Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên được xếp hạng nhưng đã chiếm vị trí cao nhất trong số các trường đại học tại Việt Nam. Nhóm ngành Khoa học Vật liệu năm nay nằm trong nhóm 401-410 thế giới.

Đặc biệt, lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ của Bách khoa Hà Nội là lĩnh vực thế mạnh của trường xuất hiện trong danh sách ở vị trí 360 thế giới và số 1 Việt Nam.

Kết quả đạt được khẳng định quá trình đổi mới, xây dựng hình mẫu đại học tự chủ của Đại học Bách khoa Hà Nội trong thời gian qua đang đi đúng hướng. Sự chuyển mình trong hệ thống tổ chức, mô hình quản trị chiến lược dựa trên nền tảng số, cùng sự đổi mới tư duy đồng bộ đã nâng cao chất lượng và hiệu quả trong mọi hoạt động của Trường. Những sự thay đổi tích cực đang từng bước thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, nâng cao uy tín và ảnh hưởng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong nước và quốc tế. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)
20221122 cbo 9321
PGS. Huỳnh Quyết Thắng - Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội và Thiếu tướng Tạ Quang Chính - Con trai cố GS. Tạ Quang Bửu - khai trương biển tên Quảng trường Tạ Quang Bửu
Tri ân người khai đường mở lối Bách khoa Hà Nội

Ngày 22/11/2022, lễ Gắn biển tên Hội trường và Quảng trường Tạ Quang Bửu được tổ chức trang trọng tại Đại học Bách khoa Hà Nội, thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân thế hệ khai đường mở lối để có Bách khoa Hà Nội hôm nay.

Trải qua 66 năm phát triển kể từ khi thành lập (1956), Đại học Bách khoa Hà Nội luôn có nhiều đóng góp cho đất nước, vẫn luôn đi đầu trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chính “người Bách khoa”, các thế hệ giảng viên, cựu sinh viên, sinh viên đã làm nên sự khác biệt của Đại học Bách khoa Hà Nội. Cố GS. Tạ Quang Bửu - Người Hiệu trưởng của Đại học Bách khoa Hà Nội giai đoạn 1956-1961 - là một “người Bách khoa” điển hình như thế.

Cố GS. Tạ Quang Bửu là một tấm gương lớn về tự học và học suốt đời. Với ông, học để hiếu biết, tự học là một yêu cầu thường xuyên. Ông đúc rút ra bài học “Tự học và có ngoại ngữ” sẽ mở cánh cửa tương lai cho tuổi trẻ và cho mỗi người trên mỗi cương vị công tác. Trong triết lý của ông về quản lý giáo dục: chất lượng giáo dục là ưu tiên chiến lược, nội dung và phương pháp giáo dục. Ông đưa ra chủ trương cho giáo dục: “Cơ bản nhất, hiện đại nhất và sát hợp với điều kiện Việt Nam nhất”, “dạy đại học là dạy phương pháp, dạy cái không có sẵn”. Những bài học đó ngày nay vẫn còn nguyên giá trị, còn nguyên tính thời sự.

Mỗi cán bộ, giảng viên, sinh viên Bách khoa đều phấn khởi và tự hào về những gì Đại học Bách khoa Hà Nội đã cống hiến cho đất nước, về những tấm gương sáng của người Bách khoa như GS. Tạ Quang Bửu. Truyền thống tốt đẹp, giá trị văn hóa Bách khoa, phẩm chất của người Bách khoa luôn mộc mạc, giản dị, chân thành, luôn làm việc với sự tôn trọng cá nhân, với sự đoàn kết, với tinh thần tận tâm, tận lực, đổi mới, với khát vọng sáng tạo và đột phá là những giá trị cốt lõi đã giúp Bách khoa Hà Nội phát triển bền vững suốt 66 năm qua. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)
20221227 tsp 1811
Đông đảo học sinh, phụ huynh quan tâm tham dự hội thảo Kỳ thi đánh giá tư duy ngày 27/12/2022
Tính đột phá của Kỳ thi đánh giá tư duy do Bách khoa khởi xướng

Ngày 27/12/2022, Chương trình hội thảo Kỳ thi Đánh giá tư duy được tổ chức với mục đích chia sẻ những thay đổi về kỳ thi năm nay, đồng thời lắng nghe các ý kiến đóng góp từ các sở Giáo dục và Đào tạo, trường đại học, trường THPT, phụ huynh và học sinh. Kỳ thi Đánh giá tư duy được tổ chức bài bản với mục tiêu tìm kiếm các thí sinh có khả năng tư duy tốt, vốn được rèn luyện và trau dồi trong quá trình học tập.

Trong phiên thảo luận sôi nổi của buổi hội thảo, các chuyên gia giáo dục đánh giá: Kỳ thi đánh giá tư duy mang tính đột phá, không tập trung vào việc kiểm tra kiến thức. Nguyên tắc là, không cần mất thời gian ôn luyện nhiều, chỉ cần một tâm thế tốt để đi thi, bởi việc rèn luyện tư duy là một quá trình dài đã được hình thành trong suốt quá trình học. Đánh giá tư duy còn mang đến cơ hội khác bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT trong quá trình xét tuyển vào nhiều trường đại học yêu thích của các thí sinh.

Kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức thi nhiều đợt, ở nhiều địa điểm, và không giới hạn đối tượng hay số lần dự thi. Thí sinh tham gia sẽ được cấp giấy chứng nhận kết quả thi có thời hạn trong 2 năm và có thể sử dụng điểm số này để đăng ký xét tuyển vào bất cứ trường Đại học chấp nhận kết quả này.

Theo kế hoạch, Bách khoa Hà Nội sẽ hoàn các tài liệu, nội dung về ví dụ minh họa câu hỏi thi vào cuối tháng 1/2023. Nhà trường cũng hỗ trợ thí sinh củng cố kiến thức, ôn thi và thi thử trên các nền tảng số, thông qua bộ câu hỏi thi thử nghiệm vào tháng 2/2023, đề thi mẫu vào tháng 3/2023 và kỳ thi thử được tổ chức vào tháng 4/2023. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

alu5 518511 30199 (1)

Khánh thành tòa nhà cựu sinh viên đầu tiên tại Việt Nam

Ngày 30/7/2022, Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức “Lễ khánh thành nhà Cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội” nhằm giới thiệu hình ảnh dự án xây dựng tòa nhà Cựu sinh viên tới toàn bộ sinh viên, cán bộ, cựu sinh viên và các doanh nghiệp, đối tác của Bách khoa Hà Nội. Sự kiện này cũng là cơ hội để chia sẻ những thành tựu của doanh nhân và thầy trò Bách khoa, đồng thời thắt chặt kết nối giữa các thế hệ cựu sinh viên - sinh viên dưới mái nhà chung Bách khoa Hà Nội.

Tại lễ khánh thành, 6 Ban liên lạc Cựu sinh viên tại thành phố Đà Nẵng, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chuyên ngành Hệ thống điện, chương trình Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Nhật (HEDSPI), Tập đoàn FPT, Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) được ra mắt.

Đây là tòa nhà Cựu sinh viên đầu tiên được xây dựng tại một trường đại học Việt Nam. Dự án nhà Cựu sinh viên được phê duyệt nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Trường. Với tổng kinh phí khoảng 3.6 tỷ đồng, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của nhiều thế hệ cựu sinh viên thành đạt. Tòa nhà biểu tượng cho sự trao quyền nhiều hơn trong bối cảnh Bách khoa Hà Nội hướng tới tự chủ toàn diện, giúp các thế hệ người Bách khoa dễ dàng kết nối, hỗ trợ về đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và hướng nghiệp cho sinh viên.

Với tinh thần kết nối, lan tỏa, và hỗ trợ nghiên cứu, sáng tạo và khởi nghiệp, dự án Nhà Cựu sinh viên tập trung đẩy mạnh các hoạt động xung quanh 4 lĩnh vực chính: Kết nối hợp tác giữa các doanh nhân, kết nối nguồn kỹ sư trẻ với doanh nhân, đặt hàng giải pháp nghiên cứu và phát triển với nhóm nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm giữa cựu sinh viên và sinh viên Bách khoa Hà Nội. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)
321850082 470353135289432 1323544971291196681 n
Lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Quốc gia  Việt Nam và Công ty PVChem thăm phòng học mới tài trợ
Cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ người học

Với phương châm “người học là trung tâm”, trong năm học vừa qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã nỗ lực cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ các em sinh viên. Nhà trường đã nỗ lực cải thiện môi trường giảng dạy, học tập và hỗ trợ các em sinh viên. 15 Phòng thí nghiệm đào tạo các chuyên ngành Điện, Điện tử, Cơ khí, Cơ điện tử và Vật liệu đầu tư mới với tổng kinh phí 270 tỷ đồng từ dự án SAHEP theo nguồn vốn của Ngân hàng thế giới đã được đưa vào sử dụng. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY).

Nhà trường đã cải tạo, sửa chữa 13.170 m2 các cơ sở vật chất phục vụ người học bao gồm: 3 nhà Ký túc xá B5, B6, B7; cùng các khu thể thao sân bóng B9, sân bóng rổ nhà B7, nhiều giảng đường, phòng học tại các nhà D3, D3-5, D5. Đặc biệt, bể bơi Bách khoa đã đi vào hoạt động bình thường từ tháng 4/2022 và sẽ hoạt động theo chu kỳ 8 tháng phục vụ đào tạo và 4 tháng bảo trì, bảo 13 dưỡng vào mùa đông.

Hiện tại nhà B10 và B13 của KTX, sân B13 đã hoàn thành sửa chữa và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, 5 sân bóng chuyền, bóng rổ đang trong giai đoạn thi công nước rút để phục vụ các em sinh viên từ tháng 12/2022. Tổng diện tích cải tạo, sửa chữa phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và hỗ trợ người học trong năm 2022 đạt 13.170m2 so với 9.359m2 năm 2021.

 Công tác Giáo dục Quốc phòng – An ninh đã hoàn thành đổi mới cơ sở vật chất và phương pháp giảng dạy, sử dụng Nhà B7 và Sân tập Nhà B13, theo hình mẫu tập trung, đảm bảo chất lượng và tác phong quân sự. Từ năm học 2022-2023 các em sinh viên sẽ học tập Quốc phòng An ninh theo phương thức mới, hiện đại, hiệu quả.

Nhà trường đã triển khai cung cấp dịch vụ Wifi cho các giảng đường khu nhà D8, TC.

Đầu năm 2022, Ban Giám hiệu đã ban Kế hoạch triển khai các hoạt động hỗ trợ CLB sinh viên năm 2022. 100% các Trường/Viện đào tạo có CLB sinh viên về học thuật, ngoại ngữ. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên – Hội Sinh viên, Phòng ban có các CLB sinh viên về năng khiếu, sở thích và tình nguyện. Số sinh viên tham gia hoạt động CLB tăng so với năm trước, tập trung vào nhóm sinh viên năm 1, 2.

Năm 2022, Đại học Bách khoa Hà Nội triển khai các hoạt động tư vấn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho người học; Đổi mới phương pháp và chất lượng công tác cố vấn học tập và trợ giảng tại các đơn vị chuyên môn. Các hoạt động tư vấn về sức khỏe thể chất và tinh thần cho người học được tích cực triển khai theo nội dung Đề án “Tăng cường hiệu quả công tác hỗ trợ, tư vấn học tập và tâm lý cho sinh viên giai đoạn 2021 – 2025”.

Tháng 9/2022, Nhà trường đã xây dựng và ban hành Quy tắc văn hóa giao tiếp trong nhà trường và môi trường mạng gồm 6 điều cho cán bộ và giảng viên, 6 điều cho người học ngắn gọn, để nhớ để thực hiện.

Học bổng Trần Đại Nghĩa đã được xét duyệt và trao tặng đến những sinh viên Bách khoa Hà Nội có hoàn cảnh khó khăn, có ý chí, nghị lực vươn lên trong học tập. Trong học kỳ 2021.2, số suất học bổng được trao tặng và tổng số tiền học bổng lần lượt tăng 34%, tăng 55,4%.  Bên cạnh đó, Bách khoa Hà Nội tiếp tục khai thác có hiệu quả 10 chương trình học bổng do doanh nghiệp tài trợ với tổng giá trị khoảng 4 tỷ đồng. (Xem chi tiết TẠI ĐÂY)

Năm 2022, với tinh thần kiên định quá trình đổi mới, chuyển đổi thành công mô hình tổ chức quản trị, phát triển thành Đại học Bách khoa Hà Nội đảm bảo triết lý “một Bách khoa”, xây dựng mô hình quản trị chiến lược tiên tiến dựa trên nền tảng số, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ, đổi mới tư duy đồng bộ để nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt hoạt động, tạo động lực cho đổi mới và phát triển, tiếp tục chứng tỏ là một hình mẫu đại học tự chủ, Đại học Bách khoa Hà Nội đã có sự chuyển biến rõ nét, tích cực về nhiều mặt.

Năm 2023, phương hướng chung của Đại học Bách khoa Hà Nội là “Đổi mới sáng tạo – Chuyển đổi số và Chuyển đổi xanh”. Lãnh đạo Đại học Bách khoa Hà Nội cùng toàn thể đội ngũ cán bộ, viên chức tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm, đột phá, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mục tiêu năm 2023 và những năm tiếp theo đã đề ra.
CCPR (tổng hợp)

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây