Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ ba - 01/08/2023 00:50
Trần Hồng Nhật là sinh viên Chương trình tài năng – Khoa học máy tính, K66, Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội. Mới đây, Nhật đạt danh hiệu sinh viên xuất sắc, nhận học bổng Khuyến khích học tập loại A kỳ II năm học 2022-2023 với GPA: 3,95; ĐRL: 96 và CPA 3.9.. Hồng Nhật “thú nhận” cậu có một đam mê rất khác biệt: Thích thi cử! Cách đây vài tuần, Nhật ngồi trên giảng đường học, bất chợt suy nghĩ: Dường như các môn Toán đang dễ quá! Và cậu sinh viên năm 2 lại tìm một thử thách mới để chinh phục.
Học Bách khoa Hà Nội như du học tại chỗ!
Trần Hồng Nhật là học sinh lớp chuyên Vật lý, Trường THPT Hà Nội – Amsterdam. Hồi lớp 10, cậu thi đỗ Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG Hà Nội. Gia đình mong cậu học chuyên ngữ lắm, nhưng Nhật lại rẽ hướng và thi đỗ lớp chuyên Vật lý. Thấy con học vui vẻ, ngoại ngữ vẫn trau dồi với IELTS 8.0, mẹ Nhật tin vào quyết định của Nhật, cổ vũ con trai học những gì yêu thích, học càng khó càng tốt!
Bố mẹ cậu nguyên là cán bộ Viện Hàn lâm và Khoa học Việt Nam. Nhật rất tự hào khi kể về mẹ là CSV Bách khoa ngành Kỹ thuật Hóa học, K26. Các thế hệ trước trong gia đình Nhật cũng đều là CSV Bách khoa nên việc là sinh viên Bách khoa như một truyền thống của gia đình cậu vậy. Câu bố mẹ hay nói với Nhật: Bách khoa là Bách nghệ, trăm nghề! Quan trọng nhất là kiến thức nền!
Tuy nhiên, lý do chính để Hồng Nhật quyết định thi vào Bách khoa chính là hình ảnh thầy giáo – TS. Nguyễn Ngọc Tuấn – Viện Vật lý Kỹ thuật, Đại học Bách khoa Hà Nội - dạy cậu và các bạn ở đội tuyển HSGQG môn Vật lý năm cậu học lớp 11. Nhật ấn tượng thầy Tuấn rất giỏi chuyên môn, luôn đến đúng giờ, nghiêm túc trong giảng dạy nhưng rất thân thiện với học sinh. “Mẹ em, thầy Tuấn, các CSV Bách khoa em được gặp đều có tác phong công nghiệp. Môi trường học tập có những con người hiện đại, chuyên nghiệp như thế rất hợp với em. Vậy nên em chọn học Bách khoa Hà Nội.” – Nhật chia sẻ.
Để được học ở ngôi trường mơ ước, Hồng Nhật đã vượt qua 3 cánh cửa thi, xét tuyển: 1 lần nộp hồ sơ xét tuyển tài năng diện 1.3 (với giải Ba kỳ thi HSG quốc gia môn Vật lý năm lớp 11), 1 lần cố gắng thi tốt nghiệp THPT điểm cao (cho chắc chân vào Bách khoa), 1 lần thi vào Chương trình tài năng (CTTN) Khoa học máy tính. Năm đó, Nhật chỉ đặt nguyện vọng vào Đại học Bách khoa Hà Nội, không “để mắt” đến một trường đại học nào khác.
Trong lớp 12 của Nhật chỉ có cậu và 2 bạn học đại học trong nước, còn các bạn du học hết. Hồng Nhật cười thoải mái khi nói về quyết định của mình: “Em học Bách khoa Hà Nội có thể coi như du học tại chỗ khi Nhà trường có các thầy cô giỏi chuyên môn, đều học ở nước ngoài về, có các giảng viên nước ngoài uy tín, cơ sở vật chất tốt, môi trường học tập đều là các bạn giỏi. Em muốn học nhiều nhất các kiến thức chuyên môn ở đây. Tốt nghiệp Bách khoa Hà Nội, cứng cáp rồi, em sẽ du học thạc sỹ, tiến sỹ, mở mang tầm mắt trong lĩnh vực mình theo đuổi”.
Thầy/cô giáo Bách khoa Hà Nội “10 điểm không có nhưng”!
Vì ấn tượng thầy cô giáo Bách khoa Hà Nội chuyên môn giỏi, tác phong làm việc nghiêm túc, yêu thương học sinh mà Hồng Nhật chọn học Bách khoa. Để khi vào học, cậu còn “cảm nắng” các thầy/cô giáo hơn nữa! Dường như thầy/cô giáo nào cũng ảnh hưởng đến quyết định của cậu, như hồi chọn trường đại học vậy.
Hồng Nhật đang là sinh viên nghiên cứu lab BK AI của TS. Nguyễn Phi Lê. Tìm đọc về cô thấy thành tích học tập hồi là học sinh, sinh viên của cô mấy trang giấy không hết, cô Phi Lê còn đạt giải quốc tế môn Toán, có những công trình khoa học ứng dụng trí tuệ nhân tạo thiết thực phục vụ đời sống… Nhật khâm phục lắm. Mỗi lần được làm việc với cô Lê, cả nhóm sinh viên mới trình bày sơ qua vấn đề nhưng cô có ngay cái nhìn tổng thể, Nhiều khi Nhật cùng các bạn chưa chạy thí nghiệm cô đã dự đoán ngay kết quả sẽ như thế nào. “Cô Lê thật sự khác biệt với những thầy/cô giáo em từng học” - Nhật thán phục.
Cậu sinh viên năm 2 Trần Hồng Nhật cùng cả lớp cũng rất quý mến TS. Lê Đình Nam – thầy giáo dạy môn Đại số vì thầy dạy rất hay. Nhật “bình chọn”: “Thầy Nam là giảng viên tốt nhất em gặp từ đầu đến giờ”.
Theo Nhật, môn học Đại số với chương trình và các bài toán đưa ra khó hơn đề cương của các lớp thường rất nhiều nhưng thầy Nam có khả năng truyền đạt tất cả các vấn đề phức tạp thành những điều vô cùng đơn giản, thú vị. Cùng đó, thầy Nam có nghệ thuật dạy nhấn nhá, rành mạch, không để cả lớp buồn ngủ. Thầy Nam rất chịu khó vẽ hình, sẵn sàng giới thiệu cả những khái niệm có liên quan bên ngoài giúp cho Nhật và cả lớp hiểu được bài hơn.
Hồng Nhật còn kể về cô giáo – TS. Phạm Thị Hoài dạy Nhập môn Phương pháp tối ưu, thầy giáo – Th.S Vũ Đức Vượng dạy Tin học đại cương. Cậu rất mong chờ có cơ hội được học PGS. Tạ Hải Tùng – thầy Hiệu trưởng có mái tóc nghệ sỹ, cô Hiệu phó - PGS. Huỳnh Thanh Bình – các thầy cô giáo có chuyên môn “siuuuuuu” mà cậu ngưỡng mộ.
“Thầy cô giáo Bách khoa em yêu thích đều “10 điểm không có nhưng!” – Hồng Nhật hóm hỉnh kết luận!
3 bí quyết học tập của cậu sinh viên “lỡ tay” đăng ký học 20 tín chỉ/kỳ
Kỳ học Trần Hồng Nhật đạt Học bổng khuyến khích học tập chính là kỳ cậu lỡ tay đăng ký học 20 tín chỉ, trong khi chỉ cần học 15-16 tín chỉ/kỳ là ra trường đúng hạn. Tò mò hỏi cậu định tăng tốc để ra trường sớm chăng?
Hồng Nhật vội giải thích: Em không định ra trường sớm, tính em không vội. Vốn nghĩ kỳ học sẽ như nhịp bình thường, em thử đăng ký học nhiều hơn cho đỡ… chán. Khi đăng ký xong hết rồi, vào lab, cô Phi Lê nói em sang VinUni làm trợ lý nghiên cứu. Đây là cơ hội rất quý giá với em, em không thể bỏ lỡ được. Vừa học, vừa làm, việc dồn hết lại, ngày nào em cũng ra khỏi nhà lúc 5h sáng, về nhà 7h tối. Ôm đồm quá sức nên em cũng hơi mệt. Sau kỳ vừa rồi, em đăng ký học nhẹ hơn. Học căng một kỳ, kỳ sau lại giảm tải đi!”.
Hồng Nhật có 3 bí quyết để có thể học tốt các môn học ở Đại học Bách khoa Hà Nội. Thậm chí thời gian này cậu còn đang thấy học các môn Toán (dù cậu bỏ nhiều công sức học tập) đang… dễ quá, mong được chinh phục các thử thách mới!
1. Lên lớp và chuẩn bị tài liệu đầy đủ: Chuẩn bị sách vở, các tài nguyên/bài giảng sẵn trên mạng. Tuần đầu tiên các thầy/cô thường giới thiệu môn học này gồm những vấn đề gì và các tài liệu sử dụng cho môn học… Trên cơ sở đó, tìm những tài liệu để học.
Đôi khi trên lớp không tiếp thu hết thì không cần lo lắng. Việc học trên lớp quan trọng nhất là biết thầy cô nhấn vào những kiến thức nào, phần nào là trọng tâm.
2. Cần có những người bạn đồng hành. Cuối kỳ, hệ thống lại tất cả kiến thức sẽ rất nhiều, nếu chỉ có một mình giải quyết thì chỉ được 80% vấn đề, 20% còn lại là trong quá trình trao đổi với các bạn, tất cả mọi người cùng xem lại "núi" kiến thức đó, tiết kiệm rất nhiều thời gian.
3. Học tập cần có kế hoạch nhưng nên linh hoạt. Đặt mục tiêu vừa phải, ngắn hạn.
Không chỉ chuyên tâm học tập, Hồng Nhật còn tham gia Ban Cán sự lớp, tham gia các hoạt động trên lab và là một Bí thư Chi đoàn năng nổ. Nhật từng bày cho các bạn trong lớp luyện thi tiếng Anh, luyện thi IELTS. Hiện giờ việc học tập và làm trợ lý nghiên cứu ở VinUni chiếm nhiều thời gian nên Nhật tạm ngưng công việc “bồi dưỡng” này.
Hồng Nhật rất thích các kỳ thi. Khi vào phòng thi, không khí căng thẳng, áp lực khiến cậu càng tập trung hơn, hăng say làm bài hơn. Nhật chỉ tiếc là không thể tham gia đội thi Olympic Vật lý của đại học, vì theo quy định, cậu có giải quốc gia rồi, không được tham gia thi sân chơi này. Nhưng rất nhanh, Hồng Nhật đã tìm được sân chơi thi thố NCKH. Cậu quyết tâm sẽ học hỏi thật nhiều ở lab, dưới sự hướng dẫn của thầy/cô và các anh chị, Nhật sẽ có một nghiên cứu ra tấm ra món để “trình làng” ở Hội nghị Sinh viên NCKH 1-2 năm tới.
Hồng Nhật dự định sẽ học thêm bằng về Tài chính, Ngân hàng ở Bách khoa Hà Nội, để sau tốt nghiệp sẽ thử sức làm những điều mới lạ, như làm IT trong ngân hàng, làm trí tuệ nhân tạo trong tài chính ngân hàng...
Trần Hồng Nhật đang trải qua những ngày hồng nhiều ước mơ, hoài bão tại Bách khoa Hà Nội – đúng như kỳ vọng ở cái tên bố mẹ đặt cho cậu. “Bố mẹ đặt tên em như thế vì muốn những ngày em sống là những ngày hồng. Hồng Nhật - Mặt trời của cả nhà!” – Cậu sinh viên năm 2 rạng ngời hạnh phúc nói.