Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Chủ nhật - 17/11/2024 19:00
Đó là chia sẻ của TS. Giáp Văn Nam – Giảng viên Trường Điện – Điện tử, Đại học Bách khoa Hà Nội – khi nói về hành trình nghiên cứu khoa học (NCKH) của mình.
Tiến sĩ trẻ sinh năm 1992 là tác giả chính và đồng tác giả của hơn 40 công trình, bài báo khoa học trên các tạp chí trong và ngoài nước, các hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế...
Năm 2023, TS. Giáp Văn Nam đạt danh hiệu Giảng viên tiêu biểu trong NCKH của Đại học Bách khoa Hà Nội.
Chông gai thuở đầu làm nghiên cứu
Chàng trai Giáp Văn Nam là sinh viên K55 ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội. NCKH khi đó với sinh viên Nam là một thứ rất xa vời. Chàng trai năm ấy không có định hướng, chưa có mục đích để nghiên cứu.
Với lứa sinh viên ngày đó, NCKH là “quả ngọt” nhưng “khó xơi”.
Do nguồn thông tin tham khảo chưa phong phú như ngày nay và năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, sinh viên thường thấy sợ và ngại làm nghiên cứu. Sinh viên Giáp Văn Nam cũng vậy.
Năm 2015, tân kỹ sư Bách khoa Hà Nội nhận học bổng du học Thạc sĩ tại Trường Đại học Khoa học kỹ thuật Ứng dụng Quốc gia Cao Hùng - KUAS (Đài Loan). Đây cũng là thời điểm kỹ sư Giáp Văn Nam bắt đầu say mê và nghiêm túc tìm cho mình hướng NCKH phù hợp.
Về nước với tấm bằng Thạc sĩ, chàng trai trẻ công tác tại Phòng Tự động hóa, Tập đoàn Foxconn - Khu công nghiệp Đồng Vàng, Bắc Giang. Sau hơn 1 năm làm việc, nhận thấy bản thân thực sự có niềm đam mê cháy bỏng với NCKH, Thạc sĩ Giáp Văn Nam quyết định nộp hồ sơ học bổng TS tại Đại học Sungkyunkwan (Hàn Quốc) và được chấp thuận. Tuy nhiên, do hướng nghiên cứu không phù hợp, thầy Nam quyết định quay trở lại Đài Loan để theo đuổi hướng đi mình mong muốn sau 2 tháng học tập tại Hàn Quốc.
Năm 2021, thầy Nam nhận bằng TS tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Quốc gia Cao Hùng - NKUST (trước đó là KUAS).
“Nếu ngày đó tôi không quyết đoán đưa ra lựa chọn, có lẽ bây giờ vẫn đang mông lung chưa tìm ra hướng đi cho mình.”
Từ ngày ấy đến nay, TS. Giáp Văn Nam kiên định đi theo 2 hướng nghiên cứu chính: Điều khiển động cơ điện và An toàn thông tin trong truyền thông.
Trái tim luôn hướng về quê hương
Học tập ở nước ngoài nhưng trái tim TS. Giáp Văn Nam luôn hướng về Tổ quốc, hướng về mái nhà Bách khoa Hà Nội.
“Mục tiêu của tôi sau khi học xong TS là quay trở lại Bách khoa Hà Nội để giảng dạy và nghiên cứu. Có thể ở nước ngoài có nhiều cơ hội phát triển hơn nhưng không ở đâu tốt bằng quê hương mình.” – Thầy Nam chia sẻ.
Từ chối lời đề nghị làm nghiên cứu sau TS tại Đài Loan, tháng 6/2021, thầy Nam nhận bằng TS. Tháng 9 cùng năm, TS. Nam về Việt Nam theo chuyến bay giải cứu, sau đó tham gia phỏng vấn online cùng Hội đồng Tuyển dụng của Đại học Bách khoa Hà Nội. Tháng 12/2021, TS. Giáp Văn Nam chính thức trở thành giảng viên của Trường Điện – Điện tử.
“Tôi không chờ đến khi có kết quả trúng tuyển chính thức, “chắc ăn” rồi mới trở về. Khi ấy, tôi đã xác định chắc chắn phải về Việt Nam, mà đã về Việt Nam thì nhất định phải làm việc ở Bách khoa Hà Nội.” – TS. Giáp Văn Nam nhớ lại quyết tâm năm xưa.
Theo thầy Nam, trở về trường xưa là một quyết định vô cùng đúng đắn, nhất là với người say mê nghiên cứu như thầy. Nhà trường có rất nhiều chính sách tạo điều kiện nghiên cứu cho giảng viên trẻ như: Hỗ trợ đề tài cho TS trẻ, cơ hội tham gia các hội thảo quốc tế, cơ hội đối thoại trực tiếp với các nhà khoa học đầu ngành, kết nối doanh nghiệp để phát triển nghiên cứu gắn với thực tế,...
“Với tôi, NCKH thân thuộc như hơi thở. Bách khoa Hà Nội đã cho tôi cơ hội để cống hiến trọn vẹn trí lực, nuôi dưỡng hơi thở đam mê của mình ngày càng mãnh liệt.”
Nghiên cứu phải đi đôi với thực tế
TS. Giáp Văn Nam cho rằng công trình nghiên cứu mà chưa hiện thực hóa cũng là đóng góp có giá trị, muốn tăng khả năng thành công của nghiên cứu thì phải gắn vào thực tế: “Công trình nghiên cứu, bài báo khoa học chỉ là phần nổi, quan trọng là kết quả nghiên cứu có đóng góp được gì cho thực tế hay không.”
Quan điểm này cũng được thầy Nam chia sẻ với sinh viên của mình.
Khi sinh viên tham gia vào lab của TS. Giáp Văn Nam, thầy không yêu cầu nhất thiết phải viết báo, phải nghiên cứu hàn lâm nhưng bắt buộc phải có kỹ năng nghề nghiệp khi ra trường.
Sinh viên muốn NCKH, phải trau dồi nền tảng kiến thức, có niềm đam mê nhất định và phải có lòng kiên trì với học thuật. Đặc biệt, các bạn cần xác định rõ nghiên cứu để làm gì.
Để theo đuổi con đường nghiên cứu lâu dài? Tăng cơ hội đi du học? Hay đơn giản là muốn trau dồi chuyên môn cùng năng lực ngoại ngữ? Khi xác định mục tiêu của mình, các bạn sẽ có cách thức đi đến đích phù hợp, chính xác hơn.
Chia sẻ thực tế từ câu chuyện của chính mình, TS. Giáp Văn Nam cho biết, năm 2022, khi biết đến chính sách hỗ trợ TS trẻ, thầy đã đăng ký triển khai 2 bài báo khoa học Q2 và 2 bài báo Scopus trong thời gian 1 năm. Dù khối lượng nghiên cứu lớn và phải dành thời gian cho công tác giảng dạy nhưng với quyết tâm cao độ cùng mục tiêu đã được xác định từ ban đầu, TS. Giáp Văn Nam đã đạt kết quả ngoài mong đợi.
Thành công với 2 bài báo ISI Q1, 3 bài báo ISI Q2, 1 bài báo Scopus, và 1 bài báo trong nước đã góp phần giúp TS. Giáp Văn Nam nhận danh hiệu Giảng viên tiêu biểu trong NCKH của Đại học năm 2023 khi mới chỉ có tuổi nghề 3 năm tại Bách khoa Hà Nội. Có lẽ đó là dấu ấn hạnh phúc để thầy giáo trẻ có thể tiến xa hơn trên con đường khoa học đầy những bất ngờ thú vị.
THẦY TRÒ BÁCH KHOA “VIẾT KHÓA" THÔNG MINH CHO XE AGV
TS. Giáp Văn Nam và các sinh viên trong lab đang triển khai nghiên cứu và thực nghiệm xe tự hành AGV (Automated Guided Vehicle - Phương tiện dẫn đường tự động) có độ an toàn thông tin cao.
Nhóm nghiên cứu đánh giá xe AGV có hạn chế lớn về cách thức truyền thông, nguy cơ mất an toàn thông tin cao, quá trình truyền thông giữa máy tính điều khiển và xe có thể bị đọc trộm, làm lộ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp.
Thầy trò TS. Giáp Văn Nam đã nghiên cứu mã hóa thông tin truyền thông và giải mã trước khi thông tin truyền từ máy tính đến xe và ngược lại. Hiện tại, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành thực nghiệm động cơ xe, đang trong quá trình hoàn chỉnh sản phẩm và viết bài báo khoa học về đề tài này.