Đại học Bách khoa Hà Nộihttps://hust.edu.vn/uploads/sys/logo-dhbk-1-02_130_191.png
Thứ sáu - 15/11/2024 19:00
Đặc san Bách khoa Hà Nội được trò chuyện cùng GS.TSKH Nguyễn Hùng Sơn (Khoa Toán – Tin – Cơ, Đại học Tổng hợp Warszawa – Ba Lan) vào một trưa hè tháng 8/2024, sau những tiết giảng kết thúc học kỳ GS. Sơn dạy tại Bách khoa Hà Nội. Đúng hẹn, GS. xin được lùi giờ phỏng vấn, rồi lại say sưa vào tiết. Có lẽ, thầy muốn được chia sẻ, lắng nghe nhiều hơn từ sinh viên Bách khoa Hà Nội trước khi chuẩn bị bay về Ba Lan – nơi GS gắn bó hơn 40 năm qua.
Theo Bảng xếp hạng The World’s Top 2% Scientists 2021 được tổng hợp bởi các nhà phân tích từ Đại học Stanford (Hoa Kỳ), nhà xuất bản Elsevier và Công ty SciTech Strategies, GS. TSKH Nguyễn Hùng Sơn là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam nằm trong danh sách 2% các nhà khoa học ảnh hưởng nhất.
GS. Nguyễn Hùng Sơn theo đuổi 2 hướng nghiên cứu chính, bổ trợ cho nhau là: Toán học và Trí tuệ Nhân tạo (AI).
Từ năm 2022 đến nay, mỗi năm, GS. Nguyễn Hùng Sơn đều sắp xếp thời gian về thỉnh giảng tại Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông (CNTT&TT) – Đại học Bách khoa Hà Nội 2 lần, mỗi lần từ 2 – 3 tuần.
Khát khao cống hiến cho quê nhà
* Sau hơn 40 năm công tác tại nước ngoài, GS có thể cho biết lý do những năm gần đây quyết định quay về giảng dạy và nghiên cứu trong nước không?
- Là một người con Việt Nam, tôi luôn chờ đợi cơ hội để quay trở về quê hương.
Tôi sinh năm 1969 tại Hà Nội. Sau ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975), gia đình tôi chuyển vào sinh sống tại Đà Nẵng. Năm 1986, tôi trở thành thành viên của Đội tuyển Quốc gia Việt Nam trong kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO’86) và giành Huy chương Bạc. Thành tích này giúp tôi nhận được học bổng du học từ Chính phủ Ba Lan và bắt đầu hành trình học tập tại đất nước này. Từ năm 1997 đến nay tôi làm việc tại Khoa Toán – Tin – Cơ, Đại học Tổng hợp Warsaw, Ba Lan.
Mang trong lòng sự biết ơn với những cơ hội học tập, làm việc, mở mang kiến thức ở nước ngoài, tôi luôn đau đáu muốn tìm cách đóng góp, trả ơn đất nước.
* Giáo sư có thể chia sẻ lý do tại sao lựa chọn Đại học Bách khoa Hà Nội để thực hiện mong muốn này?
- Nếu muốn làm nghiên cứu tại Việt Nam, tôi tin rằng Đại học Bách khoa Hà Nội – ngôi trường đào tạo kỹ thuật và công nghệ hàng đầu Việt Nam – có thể hỗ trợ tôi một cách tốt nhất. Một lý do khác cũng rất đặc biệt, đó là tôi có cơ duyên gắn bó với Bách khoa Hà Nội thuở ấu thơ!
Dù chỉ ở Hà Nội đến năm 6 tuổi rồi vào Nam nhưng tôi vẫn có nhiều cơ hội quay về thăm người thân. Mỗi lần về Hà Nội, tôi đều đến Bách khoa! Bách khoa Hà Nội với tôi thân thương lắm bởi đây là nơi bố tôi từng học tập, nơi làm việc của bác tôi – PGS. Nguyễn Phương (Cựu giáo chức Trường Cơ khí), sau này chị tôi là PGS. Nguyễn Thị Phương Giang (Giảng viên Trường Cơ khí) cũng công tác tại đây. Bố vợ tôi cũng là một CSV Bách khoa.
Ký ức tuổi thơ của tôi gắn với từng địa điểm của Bách khoa. Tôi vẫn nhớ như in những ngày hè cùng bác tập bơi ở bể bơi Bách khoa, những trận đá bóng máu lửa với mấy anh bạn trạc tuổi ở sân bóng, nhớ cả con đường ra chợ để đi mua gạo giúp gia đình…
Năm 2022, khi nhận lời mời thỉnh giảng cho Trường CNTT&TT, Đại học Bách khoa Hà Nội, tôi không chần chừ mà lập tức đồng ý!
“Bách khoa Hà Nội là gia đình của tôi!”
* Nhiều giảng viên từng chia sẻ, Bách khoa Hà Nội với họ như người bạn thân, là “bến đỗ” đáng tin cậy. Với GS, Đại học Bách khoa Hà Nội có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi sẽ gọi Bách khoa Hà Nội là gia đình của tôi!
Về Bách khoa Hà Nội cho tôi những cảm xúc như trở về nhà. Lần nào quay lại, tôi cũng được các thầy cô Bách khoa chào đón nồng nhiệt và ấm áp. Chúng tôi cùng nhau đi đá bóng hàng tuần, cùng chia sẻ với nhau những câu chuyện nhỏ trong cuộc sống đến những vấn đề nghiên cứu còn đang vướng mắc.
Tôi vô cùng trân quý tình cảm của đồng nghiệp Bách khoa dành cho mình.
* Dường như GS luôn muốn lan tỏa tình yêu Bách khoa Hà Nội đến những người xung quanh? Được biết ảnh đại diện trên Facebook của GS hiện tại cũng là ảnh chụp tại Bách khoa đúng không, thưa giáo sư?
- Có thể thời gian tôi ở Bách khoa không dài, không quá thường xuyên, nhưng tôi luôn cảm nhận mình là một người Bách khoa!
Đã là người Bách khoa thì đương nhiên phải lan tỏa hình ảnh trường mình rồi! Ảnh đại diện Facebook của tôi được chụp tại góc làm việc tôi yêu thích tại Bách khoa Hà Nội đấy!
Ở Ba Lan cũng có cộng đồng các thầy, cô từng gắn bó tại Bách khoa Hà Nội. Ngày trước tôi tham gia vì Bách khoa là nơi thân thuộc với tôi khi còn bé, giờ thì tôi hoàn toàn tự hào vì đã trở thành người thầy chân chính đã và đang giảng dạy tại Bách khoa Hà Nội!
* Giảng viên, sinh viên Bách khoa Hà Nội rất muốn học hỏi thêm kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu từ các chuyên gia đầu ngành như thầy. Trong kế hoạch công việc sắp tới của thầy tại Bách khoa Hà Nội có công việc kết nối người Bách khoa với các nhà khoa học quốc tế không?
- Bên cạnh việc thỉnh giảng tại Trường CNTT&TT, tôi đã khởi động hoạt động nghiên cứu của mình tại Việt Nam. Hiện tại, tôi đang hướng dẫn trực tiếp cho 1 sinh viên Bách khoa năm Ba thực hiện một đề tài nghiên cứu.
Kết nối các sinh viên, giảng viên vào mạng lưới các nhà khoa học thế giới chính là mục tiêu của tôi. Tiếc là thời gian tôi ở Việt Nam trong năm không quá dài nên chưa có cơ hội cộng tác với các bạn nghiên cứu sinh. Hy vọng rằng trong thời gian tới có thể kết hợp với các giảng viên, sinh viên Bách khoa cùng chí hướng để thực hiện những công trình nghiên cứu lớn hơn.
*Cảm ơn GS với những chia sẻ vô cùng quý giá!
Kết thúc buổi trò chuyện, GS. Sơn vội vã trở về nhà để chuẩn bị cho chuyến bay trở lại Ba Lan, trong đầu đã sẵn kế hoạch sẽ đẩy mạnh kết nối mạng lưới nhà khoa học Bách khoa với nhà khoa học thế giới như thế nào, tìm kiếm các “truyền nhân” trong định hướng nghiên cứu khoa học, tiếp tục hướng dẫn từ xa các học viên cao học, NCS...
Chúc Người Bách khoa Nguyễn Hùng Sơn có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp cho nền khoa học Việt Nam và thế giới, có thêm nhiều kỳ giảng dạy tại Đại học Bách khoa Hà Nội để truyền lửa cho các sinh viên Bách khoa chinh phục đỉnh cao tri thức.
KỶ NIỆM ĐÁNG NHỚ TẠI GIẢNG ĐƯỜNG BÁCH KHOA
“Tôi nhớ mãi buổi giảng tại Hội trường B1, do sự cố ngoài ý muốn, toàn bộ slide tôi chuẩn bị ngày hôm đó đều không thể sử dụng được. Tôi phải chuyển sang giảng dạy như hồi đầu mới đứng lớp: Viết hoàn toàn bằng bảng phấn!
Những người dạy Công nghệ Thông tin như chúng tôi thường dựa vào sự hỗ trợ của thiết bị nên khi gặp sự cố, tôi run lắm! May sao, khi giảng bài, thấy sự tương tác sôi nổi của sinh viên, tôi bị cuốn theo mà hết cả run. Buổi giảng hôm ấy cuối cùng kết thúc trọn vẹn!
Thật thú vị khi bỗng nhiên được sống lại cảm xúc của anh giáo trẻ thuở nào!”